Nguyễn Ngọc Khuyến- chàng trai mang ánh sáng đến người cùng cảnh
- Cập nhật: Thứ hai, 31/7/2023 | 10:11:21 PM
YênBái - Thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vươn lên làm giàu và không muốn mình trở thành gánh nặng cho xã hội là khát khao mạnh mẽ của người khuyết tật. Anh Nguyễn Ngọc Khuyến - một người khiếm thị đã không chỉ vượt lên số phận mà còn giúp đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ được học nghề tẩm quất gia truyền, tự tin kiếm sống bằng chính sức lao động của bản thân.
Anh Nguyễn Ngọc Khuyến dạy nghề tẩm quất gia truyền cho học viên khiếm thị.
|
Sinh ra ở huyện Đoan Hùng, Phú Thọ trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mất đi đôi mắt do tai nạn nên có lúc anh Nguyễn Ngọc Khuyến tuyệt vọng vì cảm thấy mọi cánh cửa đã đóng lại trước mắt mình. Nhưng với ý chí kiên cường, không đầu hàng số phận, anh đã lựa chọn học nghề tẩm quất gia truyền, một nghề phù hợp với người khiếm thị và chọn Yên Bái là nơi có cơ sở để làm nghề.
Những ngày đầu lên Yên Bái, anh Khuyến xin làm thuê cho một quán tẩm quất, mát xa của người mắt sáng với mục đích vừa học vừa làm, lấy kinh nghiệm cho bản thân. Sau thời gian dài kiên trì, vất vả làm lụng với kinh nghiệm và số tiền tiết kiệm dành dụm, anh thuê một ngôi nhà nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái; sắm đầy đủ đồ dùng phục vụ sinh hoạt như chăn ga, gối đệm, đồ dùng nhà bếp… và các đồ dùng hành nghề tẩm quất.
Kiên trì với bản thân và tận tụy với khách hàng, "tiếng lành đồn xa", cơ sở mát xa, tẩm quất người mù Ngọc Khuyến ngày càng thu hút khách. Anh Khuyến phấn khởi cho biết: "Thời điểm ấy có tháng phải tới trăm lượt khách, tôi làm việc quần quật không có thời gian nghỉ tay. Ngay năm đầu tiên, tôi đã thu về trên 60 triệu đồng tiền lãi”.
Thương hiệu tẩm quất người mù Ngọc Khuyến ngày càng được nhiều người biết tới, khách kéo đến đông hơn, công việc làm ăn của anh ngày càng khấm khá.
Dù đường sá xa xôi nhưng được điều trị liệu trình cạo gió, giác hơi hiệu quả nên ông Nguyễn Văn Chính ở huyện Yên Lập, Phú Thọ vẫn thường xuyên đến cơ sở của anh. Ông Chính chia sẻ: "Tôi bị đau mỏi vai gáy, xương khớp nên mọi người giới thiệu đến cơ sở tẩm quất gia truyền người mù Ngọc Khuyến. Sau 1 tháng điều trị, đến nay những cơn đau mỏi vai gáy, xương khớp đã giảm hẳn, sức khỏe được cải thiện nhiều”.
Hơn 10 năm qua, cơ sở tẩm quất gia truyền người mù Ngọc Khuyến đang là mô hình tiên phong giúp nhiều người khiếm thị xa quê có việc làm. Không chỉ nghĩ đến mình, anh còn sẵn sàng hướng dẫn, dạy nghề tẩm quất miễn phí cho học viên khiếm thị, tất cả đều do anh cầm tay chỉ việc.
Người đàn ông mù với tấm lòng sáng đã tạo động lực, truyền cảm hứng cho rất nhiều người cùng cảnh vượt lên số phận, không chỉ ở Yên Bái mà khắp các tỉnh, thành như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đến học nghề và làm cùng anh. Sau khi đã chắc tay nghề, họ đều trở về nhà mở cơ sở tẩm quất cho riêng mình.
Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thăng là một trong những người khiếm thị được hỗ trợ dạy nghề miễn phí. Không chịu khuất phục số phận cùng sự động viên giúp đỡ từ anh Khuyến, sau 2 năm kiên trì học tập, Thăng đã học được nghề tẩm quất bấm huyệt. Đến nay, gia đình anh đã mở cơ sở riêng tại thành phố Yên Bái với nguồn thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Văn Thăng - Chủ cơ sở tẩm quất gia truyền người mù Liên Thăng chia sẻ: "Nhờ có nghề tẩm quất gia truyền mà tôi đã tìm được công việc phù hợp cho bản thân, có kinh tế vững vàng để trang trải cuộc sống gia đình. Anh Khuyến là người thầy đã dìu dắt, truyền cảm hứng, sự tự tin để tôi cố gắng hơn mỗi ngày”.
Cuộc sống đổi thay, những người khiếm thị được đào tạo nghề đang tìm thấy ánh sáng cho tương lai của mình. Họ đã và đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hỗ trợ cho gia đình, xã hội với nghề nghiệp chân chính. Người đàn ông khiếm thị đầy nghị lực Nguyễn Ngọc Khuyến với tâm nguyện cao đẹp, tấm lòng trong sáng đã trao niềm tin, mở rộng vòng tay, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ để họ có cơ hội vượt lên số phận, tự tin sống có ý nghĩa, có mục tiêu.
Bùi Minh
Tags Nguyễn Ngọc Khuyến tẩm quất gia truyền khiếm thị tẩm quất
Các tin khác
Có rất nhiều cách để mỗi cá nhân có thể đóng góp những việc làm thiện nguyện cho xã hội, giúp ích cho đời. 17 lần sẻ chia giọt máu hồng để cứu người là minh chứng cho lựa chọn hành trình gieo yêu thương của anh Phạm Anh Tài – Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Bằng sản phẩm bếp, bình đun củi nóng lạnh tận dụng nhiệt lượng của mình, anh Nguyễn Văn Huỳnh, người dân xã An Thịnh, huyện Văn Yên (Yên Bái) đang có thu nhập lên tới vài tỉ đồng mỗi năm.
Thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trở thành điển hình tiên tiến khi đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu từ năm 2020. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của người làm tròn cả hai vai công an viên thôn và Trưởng Ban hành giáo Lê Anh Tuấn.
Cựu chiến binh (CCB) Giàng A Lử ở bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tổng hợp với nuôi ong mật, chăn nuôi trâu, lợn; trồng ngô, lúa; mở cửa hàng tạp hóa và làm dịch vụ sửa chữa xe máy.