Chuyện của những người đi “vỡ đất” - Bài 1: Người quê lúa "làm lúa" ở Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/9/2023 | 8:09:24 AM

YênBái - Năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới, 30 hộ dân từ vùng quê Hưng Hà, Thái Bình lên cánh đồng Mường Lò khai hoang, lập nghiệp. Thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ được thành lập như hình ảnh một quê hương Thái Bình “5 tấn” thu nhỏ và cũng là một mong ước “An Sơn” an cư xây dựng một cuộc sống mới đủ đầy trên mảnh đất vùng núi Tây Bắc. Gần 60 năm qua, những người con Thái Bình đã và đang đưa thôn An Sơn xây dựng lên một “cánh đồng lúa lớn” tạo ra một vùng nông thôn trù phú ở Nghĩa Lộ - Mường Lò.

Anh Nguyễn Văn Tưởng - Trưởng thôn An Sơn với ước mơ xây dựng An Sơn thành quê hương Thái Bình thứ 2 ở Mường Lò.
Anh Nguyễn Văn Tưởng - Trưởng thôn An Sơn với ước mơ xây dựng An Sơn thành quê hương Thái Bình thứ 2 ở Mường Lò.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Trưởng thôn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ là thế hệ thứ 2 của những người dân Thái Bình lên Mường Lò khai hoang lập nghiệp. Với chất giọng chầm chậm, hơi nặng nguyên âm "s" có lẽ mang theo từ vùng quê Hưng Hà, Thái Bình, ông Tưởng nhớ lại: Bố mẹ tôi theo gia đình lên đây từ năm 1965, khi dân ta huởng ứng lời kêu gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới. Đến năm 1972, ông bà mới lấy nhau. Tôi là con thứ 2 trong gia đình đông anh em. Chúng tôi nghe bố mẹ kể lại, khi lên đây khai hoang thì rất vất vả bởi đường không có mà đi, cứ trườn đồi mà lần từ quê lên đến đất Nghĩa Lộ này mất đến mấy ngày. 

Cũng chính từ năm đó, thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn được thành lập, ban đầu chỉ có 30 hộ đều là người quê Thái Bình. Bố mẹ tôi bảo, tất cả các hộ đến đây đều quyết tâm lập nghiệp coi Nghĩa Lộ - Mường Lò là quê hương thứ hai của mình. Những khó khăn, vất vả không thể kể hết được, song sự tần tảo, chịu khó cùng với dòng máu của người bao đời trồng lúa đã mách bảo chúng tôi là cây lúa Mường Lò sẽ nuôi sống và giúp chúng tôi làm giàu. 

Những gì ông Nguyễn Văn Tưởng - Trưởng thôn An Sơn tự hào giới thiệu về quê hương "thứ hai” quả không cường điệu chút nào. Thu vào tầm mắt chúng tôi là cánh đồng đẹp như một bức tranh, các thửa ruộng được phân chia vuông vức, đồng đều. Hệ thống kênh mương được xây dựng đưa nước đến từng thửa ruộng. Máy cày, máy gặt, ô tô chở lúa chạy khắp đường nội đồng… 

Để có được như vậy là nhờ những người nông dân của thôn An Sơn luôn đoàn kết, đồng thuận trong mọi công việc. Điển hình như trong thay đổi tư duy sản xuất, đưa giống lúa có chất lượng cao vào gieo cấy. 

"Những ngày đầu bắt tay vào canh tác, việc chọn giống lúa trồng vừa có năng suất, sản lượng và ngon mang thương hiệu của người dân thôn An Sơn thì lại là một cuộc "đại cách mạng” khiến chúng tôi trăn trở, nghĩ suy nhiều” - ông Tưởng chia sẻ. 

Tiếp đó, ông Tưởng đã cùng với cấp ủy Chi bộ thôn An Sơn tổ chức đi học hỏi ở nhiều nơi trong vùng và thấy được giống lúa Séng cù được nhân dân đưa vào gieo cấy trên cánh Mường Lò từ năm 1995 mang lại hiệu quả cao. Gạo Séng cù đã trở thành hàng hóa đặc sản của vùng Mường Lò được nhiều người biết đến, bởi sự dẻo thơm, ngon nổi tiếng. 

Đặc biệt, năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) đã bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với gạo Mường Lò, song những người dân ở đây cũng chưa "mặn mà” cho mấy. Một cơ duyên đến với những người con quê hương "5 tấn”, vào năm 2021 - 2022, UBND thị xã Nghĩa Lộ triển khai thực hiện Dự án khoa học "Quản lý, phát triển Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò” của tỉnh đã xây dựng mô hình điểm về sản xuất lúa Séng cù chất lượng cao với quy mô 40 ha. 

Dự án đã hình thành quy trình khép kín từ khâu chọn giống đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm để chế biến, đóng gói, bán đến tay người tiêu dùng, là cơ sở cho việc nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò trên toàn cánh đồng Mường Lò, góp phần tiếp tục nâng cao hình ảnh, uy tín, giá trị, của gạo Mường Lò trên thị trường. Thế là những hộ dân thôn An Sơn đã chủ động tham gia vào Dự án này. 

Nhớ lại ngày đầu tham gia Dự án trồng lúa Séng cù nguyên chủng theo Dự án Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò”, gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, hội viên Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp nông nghiệp An Sơn cho biết: "Vụ lúa đông xuân năm 2021, gia đình tôi đã đưa vào gieo cấy hơn 6.000 m2 giống Séng cù nguyên chủng và đã đảm bảo quy trình gieo cấy đúng khung thời vụ, kỹ thuật chăm sóc, chất lượng cùng với sự cần mẫn chăm chỉ của người dân Thái Bình quê lúa đã đưa năng suất lúa đạt trên 68 tạ/ha và bán được giá cao”. 

Cũng là hộ tham gia mô hình trồng lúa Séng cù chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò”, gia đình ông Nguyễn Quốc Hữu thành viên Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn đã gieo cấy 6.000 m2 trên diện tích ruộng của gia đình và thuê thêm 2.000 m2 để cấy lúa Séng cù. Anh Hữu chia sẻ: "Do lúa giống được tuyển chọn có chất lượng cao, nên năng suất cao hơn 1,2 lần so với trồng đại trà như các vụ khác. Lúa thu hoạch đến đâu, thương lái mua tới đó với giá cao đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình”.


Cánh đồng thôn An Sơn sau khi được dồn điền đổi thửa. 

Là đơn vị được trực tiếp tham gia mô hình sản xuất lúa Séng Cù chất lượng cao cho Chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò”, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp An Sơn đã chủ động lựa chọn các hộ nông dân có đủ điều kiện tham gia Dự án như: diện tích gieo cấy, nhân lực, có khả năng tiếp thu kỹ thuật... 

Cùng với đó, Hợp tác xã còn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm cho các hộ. Theo đó, qua 2 vụ triển khai mô hình, năng suất đạt khoảng 60 tạ/ha. Hiện nay, giá gạo Séng cù Mường Lò là 32.000 đồng/kg, tăng 30% so với trước đây. Đặc biệt gạo Séng cù của thôn An Sơn gieo cấy đã được công nhận chất lượng Việt GAP và là sản phẩm OCOP của tỉnh. 

Đồng chí Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Sản phẩm gạo Séng cù mang Chỉ dẫn địa lý Mường Lò được gieo cấy ở thôn An Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Sản phẩm đạt chất lượng, lại được đóng gói, truy x­uất nguồn gốc đã tạo được niềm tin và được người tiêu dùng đón nhận. Qua đó, đã góp phần nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng của gạo Mường Lò và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như người sản xuất. 

Hiện nay, các sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò của thị xã Nghĩa Lộ đã được bày bán, giới thiệu tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP thị xã Nghĩa Lộ, được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký bao tiêu”. 

Cầm những hạt gạo Séng cù Mường Lò trên tay, người dân thôn An Sơn rất tự hào khi cây lúa đưa vào trồng đã phát huy được giá trị của Chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò trong sản xuất hàng hóa chất lượng cao của thị xã, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hình ảnh, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Séng cù Mường Lò trên thị trường, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng như: chất lượng gạo, vệ sinh an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì..., đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người trực tiếp trồng lúa trên cánh đồng Mường Lò, Nghĩa Lộ.

Ngọc Sơn
Bài cuối: Hạnh phúc cùng xây dựng An Sơn trù phú

Tags vỡ đất quê lúa Mường Lò Thái Bình

Các tin khác
Đại tá Lê Thị Thanh Hằng tặng quà các cháu thiếu nhi được Hội phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái nhận đỡ đầu.

Các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Yên Bái, trực tiếp là Đại tá Lê Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Đảng ủy, PGĐ chỉ đạo thực hiện hiệu quả, khích lệ mọi người hăng hái thi đua trong công tác, chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ông La Tài Quan (bên trái) trao đổi với lãnh đạo xã và bà con thôn Thác Tiên về phát triển và bảo tồn gen quế giống.

Mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, học và làm theo Bác để cùng với Ban Chi ủy Chi bộ vận động đồng bào thực hiện tốt hương ước làng xóm, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và cùng nhau đóng góp công xây dựng thành công thôn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu vào cuối năm 2024. Ông cũng là điển hình được đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025 với những thành tích tiêu biểu thực hiện Chỉ thị 05. Đó là Phó thôn La Tài Quan - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên.

Hàng tháng, gia đình bà Cù Thị Vân Hồng sản xuất khoảng trên 300 m2 khối gỗ ván bóc xuất bán ra thị trường.

Với đức tính cần cù, ham học hỏi, bà Cù Thị Vân Hồng năm nay ngoài 50 tuổi, ở thôn Cầu Khai, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên luôn nỗ lực tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi, làm ván bóc, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hàng năm, gia đình bà Hồng có thu nhập vài trăm triệu đồng.

Cựu chiến binh Lê Chí Công giới thiệu về quy trình kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm.

Luôn biết tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, vừa là chi hội trưởng cựu chiến binh (CCB) vừa là giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tự thành lập với tổng nguồn thu hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng và việc nào cũng "tròn vai". Người CCB năng động này là Lê Chí Công, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Tiền Phong, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục