"Người mẹ thứ hai" của học trò nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2024 | 7:20:32 AM

YênBái - Đón những đứa trẻ xa lạ không chung dòng máu về nuôi dưỡng, hơn 5 năm qua, cô là người mẹ thứ 2 và căn phòng tập thể của cô đã trở thành mái ấm thân thương của nhiều học trò nghèo. Đó là câu chuyện cảm động về cô Ngô Thị Thanh Tâm, Trường Tiểu học & THCS Tân Nguyên, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - cô giáo dám bước ra khỏi vùng an toàn để nâng đỡ nuôi dưỡng những tâm hồn bé nhỏ.

Bữa cơm đầm ấm của cô Tâm và các trò nghèo.
Bữa cơm đầm ấm của cô Tâm và các trò nghèo.

Trong căn phòng tập thể nhỏ ở Trường Tiểu học (TH) & THCS Tân Nguyên - ngôi trường nằm ở xã đặc biệt khó khăn Tân Nguyên của huyện Yên Bình, cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm đang sắp xếp lại đồ đạc, tự mình kiểm tra lại những phích điện, ổ cắm… để chuẩn bị đón mấy học trò nhỏ được cô nuôi học vào năm học mới. Thấy có khách, cô dừng tay mời chúng tôi vào nhà rồi bảo: "Kiểm tra lại cho an toàn, vì toàn các bạn bé thôi”. 

Trong căn phòng hơn chục mét vuông, mọi thứ được cô sắp xếp ngăn nắp, cẩn thận. Nhìn cách đó đủ để cảm nhận chủ nhân là một người tỉ mỉ và cẩn trọng. 

Cô Tâm bắt đầu câu chuyện bằng sự khiêm nhường: "Chị có làm gì đâu. Chỉ là thấy mấy đứa nhỏ hoàn cảnh thương quá, ở với ông bà lại già yếu, học hành không được đầy đủ nên chị đưa về đây ở với chị, chị kèm học. Cô trò có gì ăn nấy… trẻ con thêm bát thêm đũa thôi”. 

Khi con người ta hành động từ cái tâm thiện sẽ thấy việc lớn lại rất nhẹ như chính cách cô Tâm đang làm. Cô kể về "cái duyên” nuôi học sinh nghèo đó là 5 năm trước, cô được một phụ huynh nhờ kèm dạy cho một người cháu họ hàng không ở trong xã, đó là em Nông Thị Thuỳ Dương (nhà ở Km38 quốc lộ 70). 

Sau khi dạy kèm, cô có biết hoàn cảnh của Dương rất đáng thương, bố mẹ em đi làm ăn xa, ở với ông bà cũng thuộc diện hộ nghèo, lo cái ăn còn chưa đủ nên không có điều kiện chú trọng nhiều đến việc học. Cô trao đổi với gia đình cho Dương được ở với cô mà không cần gia đình đóng góp gì. Rồi cứ thế, Dương ở với cô Tâm cũng 4 năm học.

Đúng như tên của cô - Thanh Tâm luôn mang phẩm chất cao đẹp, tâm hồn trong sáng, thiện lương, năm này qua năm khác, thấy học trò hoàn cảnh, học chậm cô lại mang về nuôi, kể cả học sinh ở thành phố. 

Đó là em Uyên gần nhà cô ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái khi thấy hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, phải ở với ông bà, học chưa tốt, cô lại trò chuyện với gia đình đưa lên Tân Nguyên cô nuôi, cô dạy học… Mỗi đứa trẻ đến với cô Tâm đều có những câu chuyện khác nhau về hoàn cảnh khó khăn, đáng thương nhưng lại có một nhân duyên may mắn vì đã gặp được cô Tâm. 

Cô kể: "Năm học trước, sau khi nhận chủ nhiệm lớp 1, đã nhiều ngày mà chưa thấy em Nguyễn Thị Lan ra lớp. Hôm đó, sau giờ dạy, tôi chạy xe máy theo địa chỉ đăng ký của Lan để vào nhà em. Đến nơi mới thấy hoàn cảnh gia đình thương lắm! Bố thì bệnh nặng nằm liệt giường, mẹ thì tâm thần có nhiều vấn đề, các anh chị của Lan đều đã đi làm công nhân ở khu công nghiệp ngoài tỉnh. Sau khi vận động gia đình, câu trả lời nhận được là không thể đưa con tới trường. Tôi đã mạnh dạn đề nghị với bố mẹ em, cho Lan ra ở với cô, không cần đóng góp gì cả. Tôi xác định sẽ còn nuôi Lan dài dài vì nay bố em đã mất rồi, mẹ thì bị như vậy thương lắm!”. 

Đã có lúc căn phòng tập thể nhỏ, cô Tâm nuôi 6 học trò. Chúng tôi thắc mắc cô quán xuyến quản lý, rồi phòng chật ở vào đâu. 

Cô Tâm cười: "Những lúc đông học trò thì lại nhờ lớp học. Lớp có bàn học bán trú gấp lại thành bàn, mở ra có thể ngủ được. Mình cố gắng quán xuyến sắp xếp, gọi các con dậy sớm hơn trước khi trường mở cửa. Rồi phân công mỗi bạn một việc, bạn thì sáng dậy gấp chăn màn, bạn thì phơi quần áo cô đã giặt… Ở đây hầu hết các em đều là học sinh người Dao, Nùng, buổi sáng thứ 2 các con mặc trang phục dân tộc, nhìn mấy đứa nhỏ cuốn tóc cho nhau theo cách truyền thống của dân tộc đáng yêu lắm! Ấm áp lắm!”. 

Có lẽ những phút giây bình yên bên những học trò nhỏ như vậy tiếp thêm động lực cho cô. Cô tận dụng những khoảng đất của trường để trồng rau và chăn nuôi thêm. Số rau trồng được khi được thu hoạch, chị đã bán cho nhà bếp của trường. Số tiền thu được chị mua hoa quả, quà vặt cho những học sinh đang được mình nuôi dạy. 

Một giờ lên lớp của cô Ngô Thị Thanh Tâm. 

Chị Tâm phấn khởi: "Tôi cũng được rất nhiều phụ huynh học sinh cho, biếu mớ rau hay con gà, con cá. Chính vì vậy, việc nuôi các em học sinh chỉ là thêm bát, thêm đũa. Tôi tự nguyện làm những công việc đó. Tôi không thấy khó khăn hay vất vả”. Có lẽ cũng vì cái tâm như thế nên dù mỗi sáng phải dậy sớm giặt cả đống quần áo cho cả cô cả trò trước khi lên lớp hay những ngày mùa đông giá rét chị nấu từng nồi nước tắm cho từng con, cô giáo Tâm cũng không thấy nản lòng. Thấu hiểu tình thương của "người mẹ thứ 2”, những học trò nhỏ luôn ngoan ngoãn, nghe lời và học hành tiến bộ để thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của "mẹ Tâm”. 

Trong suốt câu chuyện chia sẻ, cô Tâm luôn nói: "Còn công tác, tôi còn cưu mang các em học sinh khó khăn. Tôi không thấy vất vả đâu”. Chúng tôi cảm phục với câu nói chắc nịch ấy của cô và đó là niềm hy vọng của nhiều học sinh nghèo ở Tân Nguyên - nơi có có 70% là đồng bào dân tộc Tày và Nùng sinh sống, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Cô bảo, với mỗi học trò, cô đều mong các con có được cuộc sống đầy đủ, ăn no, mặc ấm, được bảo vệ, chăm sóc và bình đẳng… Nhưng điều đó quá lớn nên chỉ có thể làm hết sức mình để hỗ trợ với từng trường hợp cụ thể, thật sự đặc biệt để giúp các con được học hành đầy đủ. 

Hơn 5 năm qua, căn phòng tập thể của cô giáo Thanh Tâm đã trở thành mái ấm thân thương của nhiều học trò nghèo. Đón những đứa trẻ xa lạ không chung dòng máu về nuôi dưỡng, cô giáo Thanh Tâm đã dùng tấm lòng bao dung cùng tình yêu vô điều kiện để bù đắp, xóa nhòa những mặc cảm gắn kết những đứa trẻ nghèo lại gần nhau hơn. Cho dù bản thân vất vả khi vừa phải làm tốt công việc trên lớp vừa chăm sóc, dạy bảo "đàn con thơ” thế nhưng cô giáo Thanh Tâm chưa bao giờ nản lòng. Chẳng thế mà, cô còn đi đầu triển khai giáo dục STEM trong trường học. 

Khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Bình tổ chức tập huấn giáo viên thí điểm STEM ở 5 trường nhưng chưa thấy có trường mình, cô Tâm đã chủ động đi học STEM "ké” dù chưa phải là nhiệm vụ được giao. "Trường tôi chưa được tập huấn, cũng chưa phải trường được đưa vào thí điểm STEM. Nhưng tôi thấy trường bên cạnh là trường Bảo Ái người ta đang thực hiện. Tôi có trao đổi với đồng nghiệp bên đó về nghiệp vụ. Đầu tiên cũng bâng quơ thôi, sau tôi thấy việc áp dụng STEM vào lớp 1 của mình khiến các em học sinh rất hào hứng, khấn khởi. Hai nữa, khi tôi thấy có đồng nghiệp đưa thông tin lên nhóm về việc làm STEM nên tôi làm thử” - cô Tâm cho biết. 

Ngoài việc "làm thử” và thấy sự hào hứng của học sinh của mình, cô giáo Tâm đã mạnh dạn lồng ghép vào chương trình học cho các em. Video clip cô giáo Tâm nhờ đồng nghiệp quay lại, gửi tham dự cuộc thi STEM do Panasonic RISUPIA và Báo Thiếu niên Tiền phong phối hơp tổ chức đã được Ban Giám khảo rất quan tâm. Cô đã nhận được "Giải trường học lan tỏa STEM” của Ban Tổ chức. Vì sự chủ động và chăm chỉ của cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm cũng đã có nhà hảo tâm quyết định tặng ít nhất 2 hộp KCbot cho Trường TH&THCS Tân Nguyên để các em học sinh được tiếp cận. 

Cô Tâm phấn khởi: "Tôi muốn học trò của mình cũng có được những cơ hội, có được những tiết học tốt nhất”.

Với cô, mỗi đứa trẻ đều là một bông hoa cần được chăm sóc, tưới tắm để nở rộ. Bằng lòng nhiệt huyết, sự dịu dàng và những hy sinh cá nhân, cô đã trở thành "thiên thần” của những em học sinh nghèo khó. Bằng trái tim nhân ái và tấm gương sáng, cô đã chứng minh rằng, với sự tận tâm và hy sinh, người thầy có thể thay đổi vận mệnh của những đứa trẻ, mang đến những cơ hội khởi đầu mới cho tương lai. 

Thanh Ba

Tags Ngô Thị Thanh Tâm Trường Tiểu học & THCS Tân Nguyên xã Tân Nguyên huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái học trò nghèo

Các tin khác
Anh Phạm Văn Thuận kiểm tra lợn giống chuẩn bị xuất bán.

Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm để vươn lên thoát nghèo và làm giàu, anh Phạm Văn Thuận ở thôn Chiềng, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của chị Nguyễn Thị Hoa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm.

Chị Nguyễn Thị Hoa - hội viên Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố Đồng Phú, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái được biết đến là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi công việc, đồng thời là một điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Ông Nguyễn Trọng An chăm sóc đồi quế.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trở về quê nhà sau chiến tranh, ông Nguyễn Trọng An, thương binh 4/4 ở thôn Cao 2, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn đã vượt lên nỗi đau thương tật, tích cực phát triển kinh tế xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Một giờ dạy của thầy Lại Thế Anh.

Đó là thầy giáo Lại Thế Anh - giáo viên Toán, Khoa học tự nhiên (KHTN) của Trường THCS thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên. Điều đáng ghi nhận ở thầy chính là việc thúc đẩy giáo dục STEM trong trường học, truyền cảm hứng sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) cho học sinh trong những ứng dụng thực tiễn rút ra ngay từ bài học.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục