Đinh Thị Hiến và tình yêu Khắp Thái

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/11/2024 | 8:16:30 AM

YênBái - Say mê, tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, nhất là những điệu Khắp Thái cổ, chị Đinh Thị Hiến - thôn Nậm Đông 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) không những chỉ chịu khó học hỏi, nghiên cứu mà còn trở thành một trong những người kế cận các nghệ nhân thế hệ trước để truyền thụ cho người trẻ tình yêu Khắp Thái.

Chị Đinh Thị Hiến (bên trái) cùng các thành viên Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca quê hương” luyện Khắp Thái.
Chị Đinh Thị Hiến (bên trái) cùng các thành viên Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca quê hương” luyện Khắp Thái.


Lớn lên trong điệu Khắp của bà nội với những lời ru thuở ấu thơ, rồi tuổi thơ lại được nghe những làn điệu khắp giao duyên của cô, của chú rồi cả của chị gái mình, tình yêu với những điệu Khắp Thái cứ ngấm vào trong tâm hồn cô gái Thái Đinh Thị Hiến nhẹ nhàng và tự nhiên rất đỗi. 

"Từ thuở nhỏ, được nghe những điệu Khắp, mình đã biết tâm hồn mình sớm dành tình yêu cho Khắp Thái. Thế nên, 12 tuổi, mình bắt đầu học hát từ những người trong gia đình. 15 tuổi, mình theo học Khắp Thái cùng Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở bản Đêu 1, xã Nghĩa An. Những thời gian đó, việc học Khắp Thái của mình thêm thuận lợi khi có gia đình cùng thôn bản với Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng. Theo học chính thức ở cô Xiêng, ngoài điệu Hà ơi là điệu Khắp cơ bản, mình biết thêm làn điệu Khắp Nả Lảu, Hăn Nê là hai điệu Khắp đặc trưng của người Thái Mường Lò và nhất là hiểu hơn, thấm hơn những ý nghĩa, giá trị, nét đẹp trong từng điệu Khắp để có thể hát chuẩn hơn, hay hơn” - chị Hiến sẻ chia.

Được bồi đắp thêm tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc trong Khắp Thái từ Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng, chị Hiến cũng càng hiểu rõ hơn nguy cơ mai một của giá trị văn hóa ấy trong cuộc sống hiện đại. Muốn góp phần công sức trong gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc, chị đã nhiệt tình tham gia cùng Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng truyền dạy Khắp Thái, rồi tự mình mở lớp dạy Khắp cho các bạn trẻ: "Khi về làm dâu ở thôn Nậm Đông 2, thấy các bạn lứa tuổi nhỏ và cả thanh, thiếu niên ở đây không có hoạt động văn hóa, văn nghệ gì, mình bắt đầu dạy các bạn chơi các trò chơi dân gian của người Thái, rồi dạy các bạn hát Khắp. Ban đầu chỉ có độ 6 bạn tham gia, sau ngày một nhiều hơn, đặc biệt là gia đình các bạn cũng rất thích cho con học Khắp Thái. Đến năm 2016, mình thành lập Câu lạc bộ "Em yêu làn điệu dân ca quê hương” với 18 thành viên là các bạn trẻ trong thôn có chung niềm yêu thích với Khắp Thái”. 

Những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ cứ vậy đều đặn được duy trì vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Ỏ đó có những câu chuyện dân gian của người Thái được kể, những trò chơi dân gian được chơi và những điệu Khắp được ngân nga, đón nhận. Thôn Nậm Đông 2 khi trước lắng trầm phong trào văn hóa, văn nghệ là vậy, từ ngày có chị Hiến và Câu lạc bộ "Em yêu làn điệu dân ca quê hương” với trên dưới 20 thành viên những năm qua, các bạn trẻ nơi đây không chỉ có nơi để được múa, được hát cùng nhau mà còn được đi giao lưu, học hỏi trong những hoạt động văn hóa Thái ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. 

"Năm 2017, lần đầu tiên đi giao lưu là Câu lạc bộ tham gia giao lưu với nhóm bạn sinh viên người Thái ở Hà Nội; năm 2018 đi giao lưu ở Sơn La để học hỏi thêm kinh nghiệm giữ gìn nét đẹp văn hóa Thái; năm 2020, mình đưa các bạn nhỏ tham gia thi hát đồng dao trong hoạt động giao lưu văn hóa Thái chào xuân ở tỉnh Lào Cai; rồi đi Nghệ An, Điện Biên. Qua mỗi lần đi giao lưu, các bạn trong Câu lạc bộ được học hỏi thêm nhiều điều về văn hóa dân tộc Thái ở nhiều địa phương, vì thế mà thêm tự hào và thêm yêu mến hơn nữa truyền thống văn hóa dân tộc mình. 

Cũng trong những dịp giao lưu như thế, mình được nhiều nghệ nhân, người am hiểu văn hóa Thái ở nhiều địa phương tặng sách, là những quyển ghi chép lại những bài hát, những câu chuyện dân gian, những trò chơi dân gian, câu đố, bằng cả tiếng Thái và tiếng phổ thông giúp mình và các bạn trong Câu lạc bộ có thêm tài liệu để tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình” - chị Hiến cho hay. 

Giờ đây, ở tuổi 35, chỉ tính từ ngày theo học Khắp của Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng, chị Hiến đã có đến gần 20 năm học và thực hành Khắp Thái. Thành quả trong suốt quá trình nỗ lực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Thái trong những năm qua không chỉ là sự duy trì dài lâu của Câu lạc bộ do mình thành lập mà còn là sự tiếp nối tình yêu Khắp Thái trong các bạn trẻ khi có những bạn trong Câu lạc bộ đã có thể dạy múa, dạy hát cho người khác, trở thành những học trò xuất sắc của chị Hiến. Đó cũng chính là niềm vui không đong đếm được, là động lực để chị tiếp tục nỗ lực trong hành trình góp phần gìn giữ, lưu truyền Khắp Thái cổ ở vùng Mường Lò.

Để các bạn trẻ trong Câu lạc bộ thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, chị Hiến tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm những câu tục ngữ, ca dao, những bài Khắp cổ, những tác phẩm văn học dân gian dân tộc Thái để đưa vào nội dung truyền dạy, để các bạn trẻ vừa học được Khắp vừa hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử phát triển của dân tộc mình. 

Thu Hạnh

Tags Khắp Thái xã Nghĩa An thị xã Nghĩa Lộ

Các tin khác
Những chuyến xe từ Yên Bái hướng về vùng lũ lụt Quảng Bình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhìn thấy sự vất vả, nhọc nhằn của bà con vùng lũ Quảng Bình, người dân Yên Bái đã cùng quyên góp, chở hàng chục tấn đồ đi cứu trợ.

Cán bộ xã Đại Lịch tham quan mô hình trồng cam của gia đình ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1 (người thứ 3 từ phải sang).

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đồng đất xưa nay vốn chỉ quen với cây sắn, cây chè, ông Vũ Văn Chiêm, thôn Bằng Là 1, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả có múi với mức thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Thạc sỹ kỹ thuật Vũ Quốc Hưng hiện đang là Trưởng phòng Phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Cuối tháng 8 vừa qua, thạc sĩ Hưng là 1 trong 2 trí thức của tỉnh Yên Bái được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Đây là nhân tố phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh nhà với nhận thức mới, tư duy khoa học gắn với những giải pháp thiết thực, hiệu quả để đưa khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một tuyến đường trong thôn Đoàn Kết xanh, sạch, đẹp.

Tham gia công tác xã hội 10 năm, từng là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, rồi được tín nhiệm bầu giữ cương vị Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái dù ở cương vị nào, bà Nguyễn Thị Tâm cũng luôn nỗ lực hết mình với công việc được giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục