Ý tưởng độc đáo
Tuổi Quý Dậu, Nguyễn Văn Huỳnh sinh ra trong một gia đình người Tày có 5 anh em ở quê hương An Thịnh. Lớn lên ở vùng quê còn gặp nhiều vất vả và thường ngày chứng kiến gia đình và bà con trong thôn đun nấu bằng bếp củi, nhiệt dùng thì ít mà nhiệt thừa thì nhiều, ngay khi học ở bậc phổ thông trung học, Huỳnh đã quyết định tìm tòi, sáng chế ra bếp đun củi nóng lạnh, hoạt động nhờ tận dụng nhiệt thừa.
-Sao bạn lại có ý tưởng độc đáo này?
Không chút do dự, Văn Huỳnh nói:
- Ý tưởng của tôi bắt nguồn từ chính tuổi thơ nhọc nhằn, nghèo khó của mình, nơi những đứa trẻ lớn lên trong cảnh co ro suốt mùa đông, ít tắm vì lạnh. Những tối mùa đông giá rét ngồi quây quần bên bếp, củi ẩm khói bốc mắt cay xè, càng thôi thúc tôi tìm tòi, sáng tạo cách làm sao tiết kiệm củi và giảm bớt khói, tận dụng được nhiệt của bếp. Với tính hay tò mò, tôi tận dụng phế liệu cũ như vỏ tôn, đoạn ống nước tuýp sắt, vòi... về tỉ mẩn hàn xì, lắp ghép. Bốn năm trời, nghĩ đến đâu mày mò đến đó, mẫu này chưa được bỏ đi, lại làm mẫu khác từ đầu, cải tiến từng chi tiết cho đến khi thành công.
Nói là vậy, để sản phẩm của Nguyễn Văn Huỳnh thành công như hôm nay là cả một hành trình nhiều thử thách. Đầu năm 2012, mô hình đầu tiên được hình thành nhưng Huỳnh phải tạm gác lại việc nghiên cứu để học chuyên nghiệp. Sau 3 năm đèn sách để tốt nghiệp ngành công tác xã hội, Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, năm 2015, Nguyễn Văn Huỳnh trở về địa phương đảm nhiệm công tác bán chuyên trách ở Mặt trận Tổ quốc xã An Thịnh.
-Về công tác tại xã, bạn dành thời gian như thế nào để nghiên cứu sản phẩm?
Văn Huỳnh cười tươi:
- Thú thật làm công tác bán chuyên trách ở Mặt trận Tổ quốc xã lúc bấy giờ vẫn nhiều thời gian rảnh, nên tôi lại đưa mô hình nung nấu ban đầu trở lại.
Nói là làm, Nguyễn Văn Huỳnh đã phải bán chiếc xa máy Dream II với mức giá 2,5 triệu đồng, vay thêm tiền của người thân để đầu tư nguyên vật liệu như inox, bình bảo ôn, chất đốt... tiếp tục sáng chế.
"Bắt đầu khởi nghiệp, tôi đã phải kiêm nhiệm mọi vị trí từ quản lý, bảo vệ, thị trường đến lắp đặt kỹ thuật. Trong lúc, kinh nghiệm quản lý chưa có, vốn, nhân lực ít ỏi, nhiều khi muốn buông xuôi, nhưng được sự động viên giúp đỡ của gia đình, anh em bạn bè và bằng sự khao khát, cống hiến của tuổi trẻ phải làm điều gì đó tốt đẹp cho xã hội nên tôi đã vượt qua mọi khó khăn để đặt hết tâm huyết vào sản phẩm”, Văn Huỳnh nhớ lại.
"Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo không ngừng nghỉ, đầu năm 2016, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Huỳnh đã chính thức cho ra mắt sản đầu tay bếp đun củi nóng lạnh trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè và người dân trong xã.
Nguyễn Văn Huỳnh cho biết: "Bếp được thiết kế hai lớp có nước xung quanh làm giảm nhiệt ở lớp vỏ bếp, an toàn trong sử dụng (người sử dụng không nóng, không bị bỏng khi chạm vào thân bếp). Bếp tận dụng được trên 80% lượng nhiệt; tiết kiệm 40% chất đốt, giảm khói bụi và giữ được nước nóng lâu trong khoảng thời gian 48 giờ với nhiệt độ trên 70 độ C. Tháng 4/2016, bếp Huỳnh Phát chính thức đưa ra thị trường, rồi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền kiểu dáng công nghiệp”.
Sản phẩm bếp Huỳnh Phát tham gia Chương trình "Ngày mua sắm trực tuyến và trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế số năm 2024” tại thị xã Nghĩa Lộ
Năm 2026 đánh dấu mốc cho sản phẩm bếp đun củi nóng lạnh đầu tiên ra đời, sau 2 năm, Nguyễn Văn Huỳnh tiếp tục mở xưởng sản xuất với quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo người dân trong xã kể, chiếc bếp Huỳnh Phát đầu tiên ra lò đã giúp nhiều cho người dân, nhất là vùng cao vì sự tiện lợi, tiết kiệm theo kiểu "một công đôi việc".
Bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát là sản phẩm được sử dụng thay cho bình nóng lạnh điện, nóng lạnh gas, bình năng lượng mặt trời....Từ khi xuất hiện, sản phẩm này đã được đánh giá cao bởi có thể tiết kiệm chất đốt, đun nấu lửa tập trung, không lo cháy nổ, điện giật; nước nóng nhanh hơn so với đun trực tiếp trên bếp lửa…
Không giấu nổi niềm vui, ông Nguyễn Văn Khu ở thôn Làng Cau, xã An Thịnh chia sẻ: "Nhà tôi sử dụng bếp này 7 năm nay, bếp và bình cũng an toàn lắm. Tôi sử dụng bình 62 lít đủ cả nhà tắm. Nhà có công việc thì cũng toàn xả nước này xuống dùng”.
"Có công mài sắt, có ngày nên kim”, từ những sản phẩm thô sơ ban đầu, đến nay, Nguyễn Văn Huỳnh đã cho ra đời 5 loại bếp đun củi nóng lạnh, như: hệ thống nồi đun tắm lá thuốc, hệ thống nồi nóng lạnh xông hơi, hệ thống lò đốt nóng lạnh cho các đơn vị tập thể và hệ thống bếp đun củi nóng lạnh đun củi cho hộ gia đình, trong đó sản phẩm chủ lực là hệ thống bếp đun củi cho hộ gia đình.
Cùng với đó, tháng 7/2018, Nguyễn Văn Huỳnh quyết định thành lập Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Huỳnh Phát, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với thu nhập từ 6,5 đến khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.
Sau hơn 5 năm hoạt động đến nay, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Huỳnh Phát đã mở rộng nhà xưởng với tổng diện tích gần 1.000m2, với hệ thống máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn được thời gian và chi phí sản xuất. Hàng năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường trên 3.000 bộ bình bếp, doanh số đạt trên 9 tỷ đồng/năm.
Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc
Điều đáng mừng hơn, đến nay, ngoài Yên Bái, sản phẩm bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát đã vươn ra thị trường các tỉnh, thành: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang và Phú Thọ và 40 đại lý phân phối sản phẩm đã có mặt ở nhiều tỉnh trong khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.
Anh Chíu Chằn Voỏng ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) - đại diện độc quyền tại khu vực huyện Tiên Yên khẳng định: Bếp củi Huỳnh Phát là một sản phẩm vô cùng tiện ích. Tuy là một sản phẩm mới được quảng bá và tiếp cận tại khu vực nhưng được bà con đón nhận và trong năm 2024 chúng tôi đã bán được trên 300 bộ, lắp đặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Nguyễn Văn Huỳnh đạt danh hiệu Top 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc 2024
Ngoài thành công trong sản xuất kinh doanh, hiện Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Huỳnh Phát đã thành lập tổ chức Công đoàn và Đoàn thanh niên, từ đó giúp cho hội viên, đoàn viên có cơ hội học hỏi, phát triển bản thân. Đồng thời khẳng định quyền lợi của người lao động trong hợp tác xã, đặc biệt hàng năm hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Với những kết quả đạt được, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Huỳnh đã được nhận bằng khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là 1 trong 62 "Nhà khoa học của nhà nông năm 2022”; sản phẩm bếp đun củi nóng lạnh được chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023 và cấp khu vực năm 2024, đặc biệt anh đã lọt Top 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2024.
Chia tay với Nguyễn Văn Huỳnh trong buổi chiều muộn mùa đông, ngoài trời, các đợt không khí lạnh đang tràn về, nhất là khu vực miền núi. Cái giá lạnh hiện hữu lên từng nếp nhà của người dân nơi đây nhưng họ vẫn vui khi có bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát tiếp tục sưởi ấm. Đó cũng là động lực quan trọng để ông chủ - Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Phát tiếp tục cải tiến sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm đối tác, đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như Lào, Trung Quốc... trong năm 2025.
Văn Tuấn