Ngọn lửa từ trái tim người thầy thuốc trẻ
- Cập nhật: Thứ năm, 14/2/2008 | 12:00:00 AM
YBĐT - Sinh ra ở một làng quê nghèo bên dòng sông Hồng miền trung du Bắc bộ thuộc tỉnh Phú Thọ nhưng lại lớn lên trên quê hương Yên Bái, Nguyễn Nguyên Đông ôm ấp ước mơ trở thành người thầy thuốc “trị bệnh cứu người” từ khi còn là cậu học trò phổ thông và mơ ước đó đã trở thành sự thật.
Bác sĩ Đông (bên trái) đang thực hiện ca phẫu thuật.
|
Tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Nguyên năm 1995, với nhiệt huyết của một thanh niên trí thức, anh trở về nhận công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, được phân công trực tiếp tham gia các ca phẫu thuật trong điều kiện Bệnh viện lúc đó còn nhiều khó khăn, thiếu trang thiết bị hiện đại nhưng anh đã xác định một điều “mình sẽ đi hết cuộc đời cùng với nghề áo trắng”...
Năm tháng cùng với niềm đam mê cháy bỏng luôn thôi thúc anh phấn đấu vươn lên để cùng đồng nghiệp xoa dịu đi nổi đau và đem lại hạnh phúc cho người bệnh. Một vinh dự lớn đã đến khi anh được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 8 năm 1998. Năm 1999, anh trúng tuyển cao học khóa VIII, chuyên ngành ngoại khoa, Trường Đại học Y Hà Nội. Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, luận văn tốt nghiệp cao học “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của di chứng tiết niệu vỡ xương chậu do chấn thương” anh đã được Hội đồng giám khảo đánh giá rất cao về tính khoa học và thực tiễn lâm sàng, được xếp loại xuất sắc. Bên cạnh đó, anh còn mạnh dạn đi sâu nghiên cứu một số bệnh lý về thận còn khá mới như bệnh bể thận trong xoang, hội chứng khúc nối bể thận niệu quả và u xơ tuyến tiền liệt...
Lựa chọn như vậy vì anh nhận thấy đây là một chuyên ngành chưa phát triển ở Yên Bái. Trở về Bệnh viện công tác, được Ban giám đốc, bác sỹ Trưởng khoa và các đồng nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện, anh đã mạnh dạn áp dụng các kiến thức và kỹ thuật đã được học tập vào thực tế điều trị đạt kết quả tốt, nhất là các ca phẫu thuật tiết niệu trước đây phải chuyển tuyến trên thì nay đã được điều trị tại Bệnh viện.
Tháng 7 năm 2006, anh được cử đi học lớp bồi dưỡng sau đại học về phẫu thuật nội soi ổ bụng tại trường Đại học Y Dược, thành phố Hồ Chí Minh - đây là kỹ thuật mới, đòi hỏi phẫu thuật viên phải rất khéo léo, chính xác. Sau 6 tháng nỗ lực học tập trở về Yên Bái anh đã cùng các bác sỹ trong khoa tiến hành nhiều ca phẫu thuật thành công như phẫu thuật nội soi cắt túi mật, cắt nang gan, nang thận cắt u buồng trứng qua nội soi... giúp người bệnh giảm chi phí, rút ngắn thời gian điều trị và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Kỷ niệm đáng nhớ đó là đợt đi tăng cường 4 tháng ở Bệnh viện Kinh tế mới (huyện Văn Chấn) vào tháng 6 năm 2005.
Ở đây, anh đã sống những ngày đầy ý nghĩa trong cuộc đời làm bác sỹ của mình, khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị nhưng anh đã cùng với đồng nghiệp xử trí thành công nhiều ca cấp cứu nguy hiểm, tạo được niềm tin đặc biệt cho bà con nơi đây. Câu chuyện xúc động mà anh kể với chúng tôi là câu chuyện về một cháu bé mà anh đã cùng các đồng nghiệp cứu sống, đó là trường hợp cháu Phạm Ngọc Chiến Thắng 12 tháng tuổi, nhập viện ngày 17/1/2007 trong tình trạng sốt, sờ thấy có khối ở hố chậu phải, cháu bé quấy khóc và rất khó chẩn đoán. Sau khi hội chẩn toàn viện, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán viêm ruột thừa cấp tính, đây là trường hợp rất hiếm gặp ở trẻ em lứa tuổi này, đứng trước tình thế khó khăn phải giải quyết thế nào? Vì cháu còn quá bé nên trong quá trình phẫu thuật gây mê hồi sức, nguy cơ xảy ra các tai biến là rất lớn.
Anh kể lại: “Nhìn cháu bé đáng thương đang dần yếu đi và đôi mắt người mẹ đầy tuyệt vọng khiến tôi quyết định nhanh chóng và sau nhiều nỗ lực cùng sự hỗ trợ của đồng nghiệp ca phẫu thuật đã thành công, đem lại sự sống cho cháu bé... tôi biết đó là một quyết định khá táo bạo, nhưng tất nhiên phải có những căn cứ chuyên môn và quan trọng là tôi có đồng đội”. Bên cạnh những thành tích về chuyên môn, Thạc sĩ Đông cũng rất say mê nghiên cứu khoa học.
Từ năm 2003 – 2007, anh đã cùng đồng nghiệp tham gia nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp ngành được Hội đồng khoa học ngành y tế đánh giá cao và có giá trị áp dụng trong chẩn đoán, điều trị.
Trao đổi với chúng tôi về anh, bác sỹ Vàng A Sàng – Phó giám đốc, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện cho biết: “Bác sỹ Đông là một Phó trưởng khoa có năng lực chuyên môn, khiêm tốn, chịu khó học hỏi, có trách nhiệm và nhiệt tình trong công việc, được đồng nghiệp quý mến và tạo được niềm tin đối với người bệnh”. Anh cũng bày tỏ mong muốn bác sỹ Đông sẽ luôn phát huy năng lực của mình trong mọi lĩnh vực, xứng đáng để thế hệ trưởng thành như các anh gửi gắm lòng tin. Với 37 tuổi đời và 13 năm tuổi nghề, quả là còn rất nhiều thời gian để Thạc sỹ Nguyễn Nguyên Đông làm việc và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong năm 2008 này, một vinh dự lớn đã đến, anh vừa được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Yên Bái bầu chọn là đại diện tham gia vào câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ toàn quốc.
Anh nói: “Điều mà tất cả các bác sỹ phẫu thuật như chúng tôi mong muốn là được bổ sung thêm nhiều kiến thức và trang thiết bị hiện đại hơn để những bệnh nhân nghèo ở tỉnh Yên Bái chúng ta sẽ được chữa bệnh ngay tại đây. Bản thân tôi luôn được gia đình, bè bạn và đồng nghiệp ủng hộ, tôi thấy mình cần loại bỏ ý nghĩ rằng mình không còn trẻ nữa... để không những phấn đấu làm tốt công tác chuyên môn, tôi còn có thể tham gia vào những công việc của tuổi trẻ hôm nay nên làm...”.
Như Lý
(Trung tâm TTGD sức khỏe tỉnh)
Các tin khác
YBĐT - Đến xã Châu Quế Hạ - một xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái) tôi được nghe bà con khen ngợi anh Hà Văn Biểu làm kinh tế giỏi. Con đường làm kinh tế gia đình của anh Biểu bắt đầu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế, thâm canh lúa nước.
YBĐT - Thoạt nghe việc trồng chanh làm giàu, tôi nghĩ là chuyện hài hước. Chẳng là bao năm nay, quả chanh ở Yên Bái bèo bọt, tôi thường gặp những người đàn bà bưng rổ, lăn lóc mấy quả chanh vườn nhà, mời chào mà ai cũng lắc đầu. Việc trồng, bán chanh như thế sao có chuyện làm giàu? Ấy vậy mà có, có một trăm phần trăm!
YBĐT - hị Trần Thị Huệ là Bí thư Đoàn Trường Trung cấp Y tế tỉnh Yên Bái. Không chỉ là một cán bộ Đoàn, chị còn trực tiếp giảng dạy bộ môn Điều dưỡng, quản lý học sinh và giảng lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cũng như ở cơ sở.
YBĐT - Nậm Lành là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, nơi tập trung hầu hết là đồng bào Dao. Đời sống nhân dân nay đã được cải thiện, giờ họ không chỉ lo cho con cái mình cơm ăn, áo mặc mà còn lo làm sao con em mình không bị thất học. Với nhận thức đó, ở nơi này có một dòng họ có số nhân khẩu lớn nhất xã cũng là dòng họ đầu tiên đã rất coi trọng việc học chữ cho con em mình mà công đầu thuộc về một người trong họ – Chủ tịch xã Lý Kim Kinh.