Thảo thơm những tấm lòng

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/4/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nằm trong một hẻm đất trên đường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) là khu tập thể tài chính cũ - nơi ấy có một ngôi nhà nhỏ nhưng đầy ắp tiếng cười và niềm vui, hạnh phúc - đó là tổ ấm của chị Phạm Thị Phương Thu, cán bộ kiểm ngân của KBNN Yên Bái.

Chị Trần Thị Yến, thủ quỹ KBNN Yên Bái đã trả lại nhiều tiền do khách hàng nộp thừa năm 2007. (Ảnh: Đỗ Lê Đô)
Chị Trần Thị Yến, thủ quỹ KBNN Yên Bái đã trả lại nhiều tiền do khách hàng nộp thừa năm 2007. (Ảnh: Đỗ Lê Đô)

Chị Trần Thị Bái - Trưởng phòng Kho quỹ - Kho bạc Nhà nước Yên Bái tâm sự: "Công chức Kho bạc vốn đã vất vả bởi kỷ luật nghiêm ngặt và quy trình hết sức khắt khe, đội ngũ cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ lại vất vả và thiệt thòi hơn vì hệ số lương thấp, làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên phải làm việc quá giờ...

Khó khăn là thế nhưng cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ Kho bạc với 22 người, phần lớn là nữ vẫn hăng say làm việc, phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mỗi năm thu, chi hơn 1000 tỷ đồng mà vẫn bảo đảm an toàn chính xác tuyệt đối không thiếu, không thừa đến 500 đồng lẻ; tiền giả, tiền kém chất lượng được phát hiện và xử lý kịp thời góp phần làm lành mạnh hoá tiền tệ trong khâu lưu thông.

Không chỉ có vậy, đội ngũ cán bộ kiểm ngân, kho quỹ còn thể hiện đức tính liêm khiết, trung thực khi đã trả lại hàng nghìn món tiền do khách hàng nộp thừa, để lại niềm tin yêu nơi khách hàng và tấm gương sáng cho nhiều người học tập.

Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ đôn hậu và rất dễ gần, chỉ tiếc là cuộc sống của chị không được may mắn và vẹn toàn như nhiều phụ nữ khác khi mà chồng chị đã sớm từ bỏ cõi đời để lại cho chị hai đứa con nhỏ. Khó khăn là thế nhưng chị Trần Thị Yến sinh năm 1961, công tác ở phòng Kho quỹ KBNN Yên Bái vẫn cố gắng phấn đấu và vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thành tích trong việc bảo đảm an toàn tuyệt đối tiền, tài sản của Nhà nước 18 năm qua của chị Yến không phải là thứ để nhiều tờ báo cả trung ương và địa phương viết về chị trong các chuyên mục "Người tốt việc tốt", "Hoa đời thường"... mà chính là tấm lòng trung thực của chị khi đã vui vẻ trả lại cả trăm món tiền, giá trị cả trăm triệu đồng do các khách hàng nộp thừa.

Rất khiêm tốn, chị đã tâm sự với chúng tôi: "Nhiều khách hàng cũng đãng trí lắm, nộp kho bạc có vài chục triệu mà đã thừa mấy triệu. Có bác lớn tuổi rồi, làm thủ quỹ lâu năm rồi mà lĩnh tiền xong, cho vào túi cẩn thận nhưng bỏ túi lại rồi về thẳng... nên việc chị em thủ quỹ phát hiện ra tiền thừa, tiền bỏ quên là chuyện thường xuyên. Chính vì thế, mình cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần trả lại tiền cho khách mà chỉ nhớ năm qua đã có hơn 100 lần trả lại tiền cho họ, có lần vài nghìn, lần nhiều nhất là 15 triệu".

Nằm trong một hẻm đất trên đường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) là khu tập thể tài chính cũ - nơi ấy có một ngôi nhà nhỏ nhưng đầy ắp tiếng cười và niềm vui, hạnh phúc - đó là tổ ấm của chị Phạm Thị Phương Thu, cán bộ kiểm ngân của KBNN Yên Bái. Nước da trắng hồng và khuôn mặt tươi trẻ không đúng với độ tuổi 42 của chị, có lẽ đức tính trung thực, cuộc sống thanh thản và phong cách hay nói hay cười đã giúp chị trẻ lâu đến vậy. "Không biết mình chọn nghề hay nghề chọn mình nữa, nhưng chắc rằng phải có đức tính tỉ mỷ, trung thực thì  mới làm được cán bộ kiểm ngân, thủ quỹ và ngành kho bạc với 10 điều kỷ luật bổ ích và rõ ràng đã giáo dục, dạy bảo tôi để tôi có được thành tích công tác như ngày hôm nay" - Chị  Phương Thu đã mở đầu câu chuyện như thế.

Qua câu chuyện chị kể chúng tôi được biết, chồng chị cũng chỉ là nhân viên bảo vệ ở một cơ quan, hai vợ chồng với đồng lương eo hẹp lại nuôi hai con ăn học nên cuộc sống khó khăn, vất vả lắm. Những lúc con lớn đòi tiền học phí, đứa nhỏ đòi tiền mua cái xe đạp giữa lúc giá cả "leo thang" mà đồng lương chỉ có vậy, chị cũng chẳng vui gì nhưng không thể tham lam với những đồng tiền không phải của mình làm ra và giữ vững lập trường, giữ nghiêm kỷ luật và bảo vệ tấm lòng trong sáng của chính mình không được để nó vẩn đục ngay cả trong ý nghĩ... Đó là động cơ để chị đã từ chối gần một nghìn món với số tiền hàng trăm triệu đồng do khách hàng đã nộp thừa hay bỏ quên tại bàn làm việc của chị.

Có lần chính tôi được chứng kiến một câu chuyện cảm động ngay tại Phòng Giao dịch KBNN Yên Bái. Đó là ngày 17/6/2006, Phòng Giao dịch KBNN khá yên lặng, bỗng một phụ nữ hớt hải đẩy cửa chạy tới, miệng nói không ra hơi: "Các chị ơi! Em có quên tiền ở đây không?" Khi ấy tôi và rất nhiều người khác có mặt đều nghĩ tiền phải liền khúc ruột, ai lại quên tiền bao giờ? mà đã quên thì khó thấy lắm. Trước vẻ hốt hoảng của người khách, chị Phương Thu trấn an: "Bình tĩnh nào, tiền vẫn còn đây, chúng tôi đang báo cáo cấp trên để cử người liên hệ với chị". Rồi những thủ tục nhanh gọn được tiến hành, người phụ nữ nhận lại số tiền 3 triệu đồng với một lời trách rất chân tình của chị Thu: "Sao bác lại đoảng thế, mấy triệu đâu có ít".

Với 35 năm là thủ quỹ và làm cán bộ thủ quỹ từ ngày thành lập hệ thống KBNN đến nay chị Đỗ Thị Vui, sinh năm 1954 là nhân viên KBNN Trấn Yên là người giữ kỷ lục về số lần trả lại tiền thừa cho khách hàng. Tôi đẩy cánh cửa cũ kỹ để bước vào ngôi nhà nhỏ với những món đồ giản dị ở khu phố 3 thị trấn Cổ Phúc để thăm và một lần nữa trân trọng chị Đỗ Thị Vui - một cán bộ trung thực, liêm khiết, một phụ nữ giầu nghị lực trong cuộc sống.

Năm 1990 chị về ngành KBNN huyện Trấn Yên cũng là lúc anh Tùng chồng chị qua đời vì căn bệnh quái ác. Một nách 3 con, cuộc sống khó khăn, kham khổ, những kỷ niệm như nước ngập lưng nhà (nhà cũ của chị bên bờ sông Hồng), người ta có chồng cáng đáng, đằng này một thân, một mình! Nhưng khốn khó không đánh gục được chị, nghèo khổ không khiến chị làm những điều khuất tất hay nói như chị là "Nghèo mấy, mình cũng không nổi máu tham".

Đã bao lần chị trả lại tiền cho khách sau mấy chục năm làm thủ quỹ. Không thể nhớ nổi cho dù đã có thống kê vào sách vì không phải lúc nào cũng lập biên bản, lúc nào cũng nhớ hết được. Chỉ biết là dù bất kỳ ai nộp thừa hay quên bao nhiêu tiền ở bàn thủ quỹ KBNN Trấn Yên từ ngày thành lập đến nay đều được nhận lại đầy đủ. Chưa một đồng tiền giả nào có thể qua tay kiểm ngân vào được kho quỹ, đơn giảm vì cán bộ thủ quỹ là chị Đỗ Thị Vui.

Trong căn phòng nhỏ, chị Vui không nói nhiều về tấm lòng trung thực, thành tích trả lại tiền thừa của mình vì chị coi đó là chuyện bình thường, là lẽ đương nhiên. Chị chỉ nói về tổ ấm của mình khi các con được nuôi trong hoàn cảnh khốn khó mà vẫn khôn lớn. "Mình biết ơn anh em, làng xóm đã giúp đỡ mình, cảm ơn Nhà nước, ngành kho bạc đã tạo điều kiện cho mình và các con có việc làm và cuộc sống ổn định". Hàng chục tấn bằng khen của ngành tài chính, kho bạc, của Công an, của UBND tỉnh cùng sự tin yêu, quý mến của đồng chí, đồng nghiệp và các khách hàng là những phần thưởng cho một con người, một cán bộ liêm khiết, trung thực.

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được chị. Người phụ nữ mới 31 tuổi, nhỏ nhắn, luôn tươi cười, hiện là chủ của hai xưởng sản xuất gạch bê tông và xưởng chế biến các sản phẩm từ sắt. Chị là Nguyễn Thị Vân - Bí thư chi đoàn khu dân cư Yên Ninh, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái).

Chị Lý Thị Đá (bên trái) đang thu hoạch ngô.

YBĐT - Chị Lý Thị Đá ở bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là người phụ nữ dân tộc Mông làm kinh tế giỏi.

Mô hình chăn nuôi lợn của một hội viên phụ nữ xã Hợp Minh (huyện Trấn Yên) mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. (Ảnh: Thế Cường)

YBĐT - Theo lời giới thiệu của chị Hà Thị Thủy Tiên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn), chúng tôi đến thôn Bản Lọng tìm gặp chị Đinh Thị Bin - một trong những hộ điển hình của thôn làm kinh tế giỏi.

YBĐT - Đó là anh Nguyễn Quốc Hưng, ở thôn Tự Do, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục