Làm giàu từ mô hình trang trại
- Cập nhật: Thứ hai, 19/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Lương Thiện, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được nhiều người trong xã biết đến nhờ biết làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây 2 tầng khang trang với diện tích sử dụng hơn 100m2, có nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, anh Hiếu cho biết năm 1986 rời quân ngũ trở về địa phương, anh lập gia đình và tập trung phát triển kinh tế. Với bản chất cần cù, chịu khó, quyết không cam chịu cảnh đói nghèo, anh đầu tư vốn phát triển kinh tế đồi rừng.
Sau nhiều năm liên tục, đến nay trong tay anh đã có 20 ha rừng, chủ yếu là trồng keo và bồ đề. Năm 2005, từ khai thác trắng 4 ha rừng bồ đề, anh bán được 150m3 gỗ, thu hơn 50 triệu đồng, có vốn để trả nợ và tiếp tục đầu tư tái sản xuất, mua cây giống về trồng. Đến nay, toàn bộ 20 ha rừng của gia đình anh đã được phủ kín bằng keo, trong đó có 16 ha đang ở năm thứ 7 đã đủ điều kiện để khai thác diện tích đại trà. Theo cách tính của anh thì bình quân 1 ha keo cho sản lượng gỗ từ 50-60m3, với giá bán như đầu năm 2008 là 600.000 đồng/m3, thì 16 ha keo, gia đình anh có thu nhập nửa tỷ đồng.
Ngoài trồng rừng, gia đình anh Hiếu còn phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi gà thả vườn và nuôi thỏ. Trong chuồng của gia đình anh luôn có 2 lợn nái và trên dưới 20 lợn thịt, bình quân một năm xuất bán hơn 1,5 tấn lợn hơi và hàng trăm kg lợn giống thu về 40-45 triệu đồng. Xung quanh vườn nhà, tận dụng không gian rộng rãi, anh thường xuyên nuôi hơn 50 con gà ri và hàng chục con thỏ, chủ yếu là để cải thiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và có thêm thu nhập bổ sung chi tiêu hàng ngày. Cách nhà không xa là đồi chè tươi tốt, búp xanh mơn mởn đang vào vụ thu hoạch. Năm 2007, gia đình anh bán được 16 tấn chè búp tươi thu nhập 35-40 triệu đồng.
Đầu năm 2008 này, anh bỏ ra 15 triệu đồng để mua 1 cặp nhím bố mẹ về nuôi. Anh Hiếu cho biết, nuôi nhím đầu tư vốn ban đầu hơi cao, song cho thu nhập cũng rất lớn. Một năm nhím sinh sản 2 lứa, mỗi lứa cho 1 đôi, sau hơn 2 tháng nuôi có thể bán nhím giống với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/đôi và nếu để nuôi thành nhím thương phẩm bán thịt sẽ có giá trung bình 450-500.000 đồng/kg. Thời gian tới anh Hiếu sẽ đầu tư để mở rộng quy mô phát triển nghề nuôi nhím. Anh Hiếu cũng đã đầu tư hơn 8 triệu đồng để làm hầm khí sinh học Biôgas để vừa xử lý được môi trường không để ô nhiễm lại có chất đốt phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình.
Bên cạnh mô hình kinh tế trang trại, gia đình anh Hiếu còn mở cửa hàng bán hàng tạp phẩm, kinh doanh thức ăn chăn nuôi để tăng thêm thu nhập và có điều kiện nuôi các con ăn học. Với nhiều nguồn thu khác nhau, mỗi năm gia đình anh Hiếu cũng tích lũy được số tiền từ 50-60 triệu đồng. Không những làm kinh tế giỏi, mà anh Hiếu còn là một hội viên Hội Cựu chiến binh của xã tiêu biểu đi tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Anh Hiếu thật xứng đáng để nông dân trong tỉnh học tập.
Triệu Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Gia đình chị Phạm Thị Loan và anh Phạm Văn Khái ở thôn 11, xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) là hộ nuôi nhím đầu tiên ở xã. Chị Loan cho biết: Trước đây, gia đình chị đã trải qua rất nhiều nghề như: làm may, kinh doanh dịch vụ, nuôi lợn, gà rồi chạy chợ nhưng cuộc sống gia đình vẫn khó khăn. Thế rồi sau khi xem ti vi, nghe đài, đọc báo nói về nghề nuôi nhím, nhất là vào năm 2006, nhân dịp đi thăm một người bà con ở xã Minh Xuân (huyện Lục Yên) chị được tận mắt chứng kiến cách nuôi nhím của một gia đình người dân tộc thiểu số ở đây.
YBĐT - Nhiều người đến thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được nghe kể về chị Lê Thị Đề - một người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, một người dâu thảo, vợ hiền, một phụ nữ tiêu biểu của xã về nuôi dạy con cái. Gia đình chị liên tục được công nhận là gia đình văn hóa.
YBĐT - Nổi lên trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên mấy năm qua phải kể đến gia đình ông Lý A Đanh, dân tộc Dao, thôn Ao Ếch.
YBĐT - Mấy năm trở lại đây, nhiều gia đình nông dân ở thôn Ta Tiu, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn lấy mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế của gia đình chị Hoàng Thị Viên để học tập và áp dụng.