Người thầy thuốc tâm huyết với nghề
- Cập nhật: Thứ ba, 24/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tôi gặp anh vào một buổi chiều hạ nhạt nắng. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn dành cho tôi một quãng thời gian khá dài để tâm sự về cuộc đời, về công việc và những trăn trở suốt 30 năm làm nghề. Anh là thạc sỹ Lương Bá Phú – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh Yên Bái, tác giả của một loạt đề tài nghiên cứu khoa học về những tác hại của các loại côn trùng, ký sinh trùng gây bệnh.
Sinh năm 1957, là anh cả trong một gia đình thuần nông có 7 anh, chị em, tuổi thơ của anh vất vả hơn nhiều so với những đứa trẻ khác nơi miền quê Đại Đồng (Yên Bình) bởi ngoài chuyện ruộng đồng còn phải giúp đỡ bố mẹ chăm lo, nuôi các em khôn lớn. Cuộc sống vất vả đã hình thành trong suy nghĩ của anh một quyết tâm học tập rất cao, "phải học để trưởng thành, để thoát khỏi đói nghèo".
Cuối năm học chương trình cấp III, khi đang đứng trước sự lựa chọn con đường lập nghiệp thì một sự kiện không thể nào quên đã xảy ra và đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời anh. Năm đó, người em gái mới được một tuổi của anh bị ốm nặng, phải chuyển nhiều tuyến điều trị và chỉ khi đến tuyến trung ương, các bác sỹ mới xác định chính xác bị tràn dịch màng phổi và em đã được cứu sống. Chứng kiến sự việc đó, anh thanh niên Lương Bá Phú đã đăng ký thi Trường Đại học Y Hà Nội và thi đỗ với kết quả cao.
Sau 6 năm học tập, rèn luyện rồi ra trường, anh là đảng viên duy nhất của khóa học 1974 – 1980 được kết nạp ngay tại trường. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh đã lập tức xung phong gia nhập quân ngũ. Rồi đất nước hòa bình, phục viên sau 4 năm cầm súng, điều đầu tiên anh nghĩ tới là được trở về quê hương và gắn bó với nghề y. Anh Phú đã xin về làm việc tại Bệnh viện tỉnh Hoàng Liên Sơn khi đó, cũng chính là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái ngày nay.
Trong suốt gần 20 năm công tác tại đây, anh ra sức học hỏi, nâng cao tay nghề chuyên môn, tích lũy kiến thức nghiệp vụ và hoàn thành chương trình cao học, trở thành thạc sỹ y khoa. Anh đã có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh, phát triển của Bệnh viện và được bạn bè, đồng nghiệp cũng như các bệnh nhân tin yêu, quý trọng. Anh đã chuyển công tác mới và với chức năng, nhiệm vụ đảm đương hiện tại, anh Phú lại càng có điều kiện tốt hơn để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, anh còn có một niềm đam mê khác là tự học tiếng Anh và với vốn ngoại ngữ hiện nay, anh có thể trực tiếp trao đổi, tranh luận với các chuyên gia nước ngoài. Anh thường xuyên gắn bó chặt chẽ với các tổ chức y tế mang tính toàn cầu như WHO (Tổ chức Y tế thế giới), Đại học Melbourne, Viện Nghiên cứu Y học Walter Eliza Hall, Hãng Truyền hình BBC World... trong việc triển khai các dự án phòng chống và truyền thông giáo dục cộng đồng về các bệnh ký sinh trùng trên phạm vi toàn tỉnh.
Qua các chương trình hành động, hiệu quả mang lại rất lớn bởi từ một tỉnh có dịch sốt rét lưu hành rộng thì đến nay, suốt 14 năm liền Yên Bái không có dịch, không có người chết do sốt rét.
Đến nay, anh Phú đã có 9 đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong phóng sự do Hãng Truyền hình BBC World thực hiện, bác sỹ Antonio Montresor – chuyên gia về các bệnh ký sinh trùng của WHO đã phát biểu: "Nếu ở đâu cũng có người làm tốt như anh Phú ở Yên Bái thì chúng tôi rất hạnh phúc...". Câu nói đó dường như đủ để khẳng định những gì mà anh Phú đã làm được và dành cho người dân trên mảnh đất quê hương mình.
"Cả gia đình tôi theo nghề y" – anh Lương Bá Phú tự hào nói vậy. Và tôi hiểu niềm tự hào của anh khi nhắc tới người vợ hiền và hai cậu con trai - niềm tự hào của một người đã gắn sự nghiệp cứu người với niềm đam mê đến trọn đời.
Thạc sỹ Lương Bá Phú còn góp công lớn trong việc thuyết phục các tổ chức và triển khai có hiệu quả 4 dự án tại tỉnh. Đó là dự án "Phòng chống các bệnh giun truyền qua đất cho học sinh tiểu học" với trên 100.000 học sinh được tuyên truyền và tẩy giun hàng năm do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ; dự án "Phòng chống giun móc và thiếu máu, thiếu sắt cho phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ" do Australia tài trợ năm 2006 – 2007 đã triển khai cho hơn 50.000 phụ nữ tại hai huyện Yên Bình và Trấn Yên, đến năm 2008 sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh; dự án "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bằng bổ sung vitamin A kết hợp với tẩy giun hàng loạt cho trẻ em vùng đặc biệt khó khăn" do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ đã triển khai tẩy giun cho hơn 40.000 trẻ em từ 2 - 5 tuổi trên phạm vi toàn tỉnh; dự án "Phòng chống bệnh sán lá phổi tại huyện Lục Yên" do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ đã triển khai từ năm 2002 đến nay, khống chế được sự lan truyền của bệnh. |
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Được sự giới thiệu của anh Phạm Kim Long- Chủ tịch UBND xã Việt Cường (huyện Trấn Yên - Yên Bái), chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Minh thôn 4a, là một trong số rất nhiều hộ nuôi lợn thoát nghèo và vươn lên làm giàu của xã.
YBĐT - Có trình độ đại học báo chí, anh đã nhiều năm làm Báo Yên Bái, Báo Hoàng Liên Sơn. Anh đã từng giữ chức Tổng biên tập Báo Hoàng Liên Sơn, Báo Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo Hoàng Liên Sơn, Hội Nhà báo Yên Bái và là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa V... Từ ngày về hưu đến nay, anh vẫn không một ngày nghỉ làm báo. Một công việc mà người viết bài này đoán chắc rất ít người làm được.
YBĐT - Qua câu chuyện tôi biết chị là Nguyền Thị Nga, hiệu trưởng trường mầm non Tú Lệ, xã Tú Lệ huyện Văn Chấn (Yên Bái), người đã có gần 15 năm gắn bó với những trẻ em nghèo vùng cao.
YBĐT - Theo chị Hoàng Thị Thư - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái), chúng tôi về thôn Ngòi Kèn đến thăm gia đình anh Cù Văn Phục - một người đã vượt lên thương tật để vươn lên thoát nghèo.