Bền chí làm giầu
- Cập nhật: Thứ năm, 26/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ông Nguyễn Song Phương là một Cựu chiến binh ở xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên (Yên Bái) năm nay đã 78 tuổi nhưng trông ông rất mạnh khỏe và minh mẫn.
Ông Nguyễn Song Phương đang chăm sóc vườn cây ăn quả.
|
Ông tham gia quân đội từ năm 16 tuổi và năm 1946 trở thành anh “Vệ quốc quân”. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ ông theo học Trường sỹ quan Lục quân khóa 10 rồi Sư đoàn 335 của ông tham gia xây dựng Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Tiếp đó, ông có 5 năm là lính tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Lào và 10 năm lăn lộn ở chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước ông được quân đội cho nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá.
Trở về cuộc sống đời thường sau 20 năm đánh giặc, biết bao khó khăn của một gia đình đông con, không có nghề phụ, thiếu đất sản xuất để phát triển kinh tế, cùng với những ràng buộc của cơ chế bao cấp thời bấy giờ... ông quyết định giao căn nhà của mình cho mấy đứa con lớn làm ăn. Vợ chồng ông cùng 3 đứa con nữa, đi ra khu Thác Chủ heo hút tiếp giáp đất Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) bên bờ sông Chảy làm nơi ở mới. Lúc này tuy ông đã 71 tuổi, nhưng với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ được rèn luyện trong chiến tranh nên tuổi tác không làm ông nản chí. Một ngôi nhà nhỏ đơn sơ được dựng lên giữa cỏ tranh lau lách và vợ chồng ông bắt tay vào khai phá đất hoang trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ.
Với số tiền lương hưu, ông đầu tư đắp 3 ao thả cá có diện tích trên 1000m2; trồng 20 gốc tre mai lấy măng. Ở khu đất giáp bờ sông trồng 40 cây soài ghép, 100 cây hồng không hạt, vải thiều và nhãn. Mé đồi sau nhà ông trồng 3 sào chè giống mới, 5 ha vườn đồi trồng keo lai, bồ đề, cọ, sắn và cỏ voi... Trong chuồng lúc nào cũng có dăm chú lợn, đàn trâu có 4 con. Ông Phương cho biết, 3 ao cá nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, chép, trôi trắng, trôi Ấn Độ, trôi Iran, mỗi năm thu từ cá được 20 triệu đồng; keo lai, bồ đề đang cho thu hoạch tỉa dần; lá cọ, măng mai, chè cho thu hoạch đã 2 năm nay, chưa kể 5 sào ruộng cấy 2 vụ lúa ở cánh đồng trong thôn.
Trang trại rộng thế này, công việc nhiều như thế, làm sao ông bà làm hết được? Ông phân trần: “Việc đắp đập làm 3 ao cá phải thuê người làm, hái và sao chè thì khoán ăn chia, cá và hoa quả bán buôn tại nhà, còn lại đều do vợ chồng làm cả. Vất vả nặng nhọc đấy, nhưng phải tính toán, phải cố lên thôi”. Các con lớn của ông đều có cuộc sống tự lập, hai đứa học THPT dưới huyện, một đứa học trường xã, các con đều ngoan chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ làm ăn.
Qua 8 năm lao động quên cả tuổi già, với ý chí và nghị lực của người lính, bằng sức lao động vươn lên, ông Phương đã biến khu Thác Chủ hoang sơ heo hút ngày nào trở thành trang trại với mô hình VACR. Ở đây, từ cây trồng, vật nuôi đều được áp dụng những tiến bộ KHKT nên đã mang lại thu nhập mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng. Nhà cửa của ông Phương bây giờ khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, có điện thoại để liên lạc trong thôn ngoài xã...
Ông Phương thực sự là tấm gương sáng trong phong trào thi đua sản xuất giỏi, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Đoàn Ngọc Lâm
Các tin khác
YBĐT - Tốt nghiệp THPT, năm 1979, người thanh niên người dân tộc Tày - Nông Văn Hách thi đỗ vào Trường Đại học Y Thái Nguyên. Thời điểm đó, vào được đại học là một sự kiện lớn, không chỉ của xã nghèo Minh Tiến mà còn là của huyện miền núi Lục Yên (Yên Bái).
YBĐT - Đó là anh Phùng Văn Chân, sinh năm 1986, đoàn viên thanh niên thuộc Chi đoàn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn(Yên Bái)
YBĐT - Tôi gặp anh vào một buổi chiều hạ nhạt nắng. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn dành cho tôi một quãng thời gian khá dài để tâm sự về cuộc đời, về công việc và những trăn trở suốt 30 năm làm nghề. Anh là thạc sỹ Lương Bá Phú – Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh Yên Bái, tác giả của một loạt đề tài nghiên cứu khoa học về những tác hại của các loại côn trùng, ký sinh trùng gây bệnh.
YBĐT - Được sự giới thiệu của anh Phạm Kim Long- Chủ tịch UBND xã Việt Cường (huyện Trấn Yên - Yên Bái), chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Minh thôn 4a, là một trong số rất nhiều hộ nuôi lợn thoát nghèo và vươn lên làm giàu của xã.