Vàng Thị Chư - Thủ lĩnh của phụ nữ Sùng Đô
- Cập nhật: Thứ hai, 1/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến xã vùng cao Sùng Đô, huyện Văn Chấn (Yên Bái), thấy được cuộc sống no ấm như ngày hôm nay của các chị em hội viên Hội Phụ nữ, chẳng mấy ai được biết trước đây cuộc sống của chị em có muôn vàn khó khăn. Là xã vùng cao, chị em hội viên 100% là người dân tộc Mông, dân trí còn thấp. Thêm vào đó, nhiều gia đình hội viên có người nghiện, đông con, thiếu vốn sản xuất nên càng khó khăn.
Chị Vàng Thị Chư đang may hàng thổ cẩm.
|
Năm 1992, chị Vàng Thị Chư được bầu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và với trách nhiệm của mình, chị đã xác định phải tìm cách giúp các gia đình hội viên vượt lên thoát nghèo và muốn làm được điều đó, cần phải nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức sản xuất và vốn liếng cho chị em. Đồng thời, vận động chị em loại bỏ các hủ tục đã tồn tại trong cuộc sống. Bằng cách suy nghĩ đó, chị đã cùng các ban, ngành, đoàn thể tổ chức vận động nhân dân tự phá bỏ 13 ha cây thuốc phiện (tái trồng) và trồng thay thế bằng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao, như cây chè, thảo quả, quế và đào mương dẫn nước về khai hoang ruộng bậc thang, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá...
Vận động chị em chưa biết chữ đi học xoá mù và bổ túc văn hoá. Giới thiệu, kết nạp các hội viên mới, trẻ tuổi, năng động, có trình độ văn hoá từ lớp 5 đến lớp 9 vào Hội. Phối hợp với Hội Phụ nữ huyện, Uỷ ban DSGĐTE, Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức mở các lớp tập huấn để trang bị kiến thức về cách trồng trọt, chăn nuôi, sinh đẻ ít con, xây dựng gia đình văn hoá. Vận động những gia đình hội viên có điều kiện hơn, giúp đỡ các hội viên gia đình còn nghèo. Là người đứng đầu trong Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã, chị luôn gương mẫu đi trước, để chị em noi theo. Mặc dù bận nhiều công việc của Hội, song chị rất tích cực khai hoang ruộng bậc thang, trồng quế, trồng chè, bảo vệ rừng, dệt hàng thổ cẩm và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ đó thu nhập của gia đình chị ngày một cao hơn. Chị sửa sang nhà cửa rất khang trang, mua được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt trong gia đình như xe máy, máy khâu, máy xay xát, tủ, ti vi... Năm 2007, chị Chư đã cùng Hội Phụ nữ xã vận động các chị em có cuộc sống khá quyên góp tiền, của, nguyên vật liệu giúp xoá nhà dột nát cho 10 gia đình hội viên nghèo.
Bằng sự phấn đấu nỗ lực của chị Chư cùng với Hội Phụ nữ xã, đến nay toàn xã, đã phát triển lên đến hơn 230 hội viên, trong đó 200 hội viên có cuộc sống giàu, khá còn 30 hội viên có mức sống trung bình, không còn hội viên yếu, kém. Trong 5 thôn, bản của toàn xã, thôn nào cũng có các chị em làm kinh tế giỏi. Điển hình như gia đình chị Giàng Thị Sày, ở bản Ngã Hai, biết làm kinh tế nông, lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi, hiện gia đình chị có 6 con trâu, 2 con bò, 8 con ngựa, hơn chục con lợn, trên 60 con gà vịt cùng với trên 2 ha ruộng bậc thang; chị Vàng Thị Phóng ở bản Nà Nội cũng nhờ chăn nuôi và sản xuất giỏi nên đã mua được máy xay xát vừa sử dụng trong gia đình, vừa phục vụ bà con dân bản.
Ngoài ra, còn mua được xe máy, tủ, ti vi…, hiện nay gia đình chị còn chăn nuôi được 8 con bò, 4 con trâu, 2 con ngựa và nhiều lợn, gà, vịt. Thóc ăn dự trữ của gia đình trong 2 năm trước vẫn còn tồn kho. Chị Phóng phấn khởi cho biết: “Trước đây do chưa có vốn, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình thu nhập thấp nên năm nào cũng bị thiếu ăn. Từ khi được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ vay vốn, cho đi học cách phát triển kinh tế, gia đình đã đưa các giống mới có năng suất vào gieo cấy và chăm bón tốt, đúng kỹ thuật, thu nhập của gia đình gấp đôi, nay thóc của gia đình không những đủ ăn mà còn dư thừa”.
Các hội viên Hội Phụ nữ ở Sùng Đô, mỗi người đều đã biết tự tìm cách phát triển kinh tế và chọn hướng đi riêng cho phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình mình. Chẳng hạn như chị Giàng Thị Vang ở thôn Nà Nội, ngoài diện tích lúa, ngô chị còn trồng được hơn 1 ha thảo quả, đem về cho gia đình hơn chục triệu đồng/mỗi vụ. Vừa qua cũng dã có thêm một số chị em được Hội phụ nữ xã công nhận là kinh tế giỏi như chị Cứ Thị Sầu, Giàng Thị Dế ở thôn Làng Mảnh; Mùa Thị Cở, Cứ Thị Dua, Vàng Thị Vang ở bản Nà Nội, Sùng Thị Sày ở thôn Ngã 2 và nhiều chị em khác.
Với phương châm chị em ở vùng cao không ngừng tiến bộ và thế sau phải có trình độ cao hơn thế hệ trước, chị Chư đã cùng BCH Hội phụ nữ xã vận động các gia đình có trẻ em gái cho con đến lớp, đến trường học chữ. Hiện nay khoảng trên 50 % trẻ em gái đã được đến trường, lớp học.
Sự đổi thay trong cuộc sống của phụ nữ ở xã Sùng Đô hôm nay là do nỗ lực chung của chị em. Tuy nhiên, nhờ có chị Chư là người "thủ lĩnh" sáng suốt nên cuộc sống của nhiều hội viên đã thoát nghèo và thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt hơn là cuộc sống đi lên, tệ nạn nghiện ma túy cũng được đẩy lùi. Chị em tiếp tục phát tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau vượt khó theo con chim đầu đàn “Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vàng Thị Chư”.
Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Đó là cách gọi mà người dân xã Vân Hội, huyện Trấn Yên (Yên Bái) dành cho chị Hoàng Thị Thi - cán bộ chuyên trách dân số xã.
YBĐT - Mỗi buổi sáng, không cần đồng hồ báo thức, ông Đoàn Xuân Hồng - Trưởng đài Truyền thanh phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ đều thức dậy vào lúc 4h30’. Thói quen này của ông đã có gần 5 năm nay, kể từ khi làm nhiệm vụ trực đài tại Đài Truyền thanh phường Pú Trạng. Người dân ở đây từ lâu đã quen với bóng dáng và giọng đọc của ông, họ không gọi ông bằng tên mà quen gọi là “Bác đài”. Đối với ông Hồng, không có niềm vui nào hơn khi được mọi người yêu mến và nhớ đến công việc của mình...
Đến giờ, khi đã an toàn về đến nhà được hơn 24h, anh Nguyễn Ngọc Tâm, lái tàu LC1 chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai ngày 9-8 mới kể lại cho vợ đêm kinh hoàng ngồi trên nóc tàu giữa dòng nước xiết. Vợ anh và các con dù đã chuẩn bị tinh thần cả tuần trước đó khi biết anh mắc nạn giữa lũ dữ vẫn chưa hết hoàn hồn. Nghe xong câu chuyện, chị chẳng nói gì chỉ nắm lấy bàn tay khâu 10 mũi của người chồng dũng cảm vừa cứu cả nghìn sinh mạng mà rưng rức khóc.
YBĐT - Cách đây vừa tròn 40 năm, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 17 tuổi Trần Văn Như ở thôn Hán xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn) tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đóng quân tại nước bạn Lào rồi vào chiến trường miền Nam chiến đấu, năm 1975, ông Như trở về địa phương và xây dựng gia đình với bà Vũ Thị Xuyến là người cùng thôn. Sau đó, ông tiếp tục tái ngũ và đóng quân tại Bát Xát – Lào Cai, đến năm 1980 thì xuất ngũ.