Một lão nông ở Việt Cường
- Cập nhật: Thứ hai, 22/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hỏi tới gia đình lão nông Phan Văn Tý ai cũng biết. Năm nay ông đã bước sang tuổi 70 nhưng vóc dáng trông còn khỏe mạnh. Sinh ra ở miền quê nghèo huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) nhưng di cư lên Yên Bái.
Năm 1991, nhờ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước về phủ xanh đất trống đồi trọc theo Chương trình 327, ông được nhận 50 ha rừng gồm 10 ha rừng đầu nguồn chăm sóc và quản lý, còn lại là diện tích trồng rừng kinh tế. Chỉ trong vòng 5 năm phát triển liên tục, toàn bộ 40 ha rừng của gia đình ông được phủ kín bằng diện tích bồ đề. Năm 2003, gia đình ông đã khai thác toàn bộ diện tích trên, sản lượng gỗ đạt trên 2.500m3, thu số tiền hơn 300 triệu đồng. Có đồng vốn trong tay ông đầu tư mua cây giống, thuê nhân công lao động trồng toàn bộ diện tích rừng chu kỳ 2 bằng 20 ha keo và 20 ha luồng Thanh Hóa.
Dưới chân đồi thấp ông trồng thêm được gần 1 ha tre Bát Độ. Ngoài việc thu hoạch măng, sau mỗi vụ khai thác, những cây luồng già được ông tỉa đi để bán nguyên liệu cho các nhà máy giấy, bình quân mỗi năm gia đình ông tận thu thêm 15 - 20 triệu đồng từ tiền bán luồng. Diện tích keo của gia đình ông được đầu tư chăm sóc nên phát triển tốt và chuẩn bị cho khai thác đại trà. Ngoài phát triển đồi rừng, ông Tý còn trồng chè, chăn nuôi lợn, nuôi gà thả vườn và đầu tư mua sắm các loại máy móc nông nghiệp phục vụ cho gia đình và kinh doanh sản xuất.
Đến nay, gia đình ông có 6 ha chè, trong đó có 4 ha chè được trồng bằng giống chè lai LDP1 cho năng suất cao, mỗi năm thu từ tiền chè gia đình ông có 80 - 100 triệu đồng, trừ chi phí còn được 50 - 60 triệu đồng. Với hơn 2 mẫu ruộng, mỗi vụ cho thu hơn 4 tấn thóc nên không những đủ lương thực mà có phần dư dật để chăn nuôi. Hàng năm ông Tý còn vận động các con trồng ngô, trồng sắn và tự chế biến thức ăn tại chỗ để nuôi lợn, nuôi gà. Trong chuồng của gia đình ông, đàn lợn luôn được duy trì từ 20 - 30 con, bình quân một năm nuôi 2 lứa, mỗi lứa xuất bán trên 1 tấn lợn hơi và ông có thu nhập trên 30 triệu đồng. Xung quanh vườn ông thả trên 100 con gà, nuôi toàn bộ bằng giống gà ri nên ít bị bệnh vừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày và có thêm thu nhập lúc cần thiết.
Không chỉ nuôi gà, nuôi lợn giỏi mà ông Tý còn nuôi trâu, bò với quy mô lớn. Có thời điểm đàn bò của gia đình ông có tới gần 50 con, nhưng ông không nuôi bò nữa mà chuyển sang nuôi hơn chục con trâu vừa chủ động làm sức kéo để khai thác gỗ, cày ruộng và khi nào có việc cần đến tiền là ông bán. Với diện tích gần 1 mẫu ao, hàng năm vào vụ thả cá, ông đầu tư nuôi thả các loại cá như: chép, trôi, trắm, mè và đến cuối vụ thu hoạch bán 2,5 - 3 tấn cá cho số tiền 40 - 50 triệu đồng.
Kinh tế phát triển, ông Tý còn đầu tư trên 50 triệu đồng mua các loại máy như: tuốt lúa, máy xay xát thóc, máy cưa khai thác gỗ rừng trồng, máy hái chè phục vụ cho gia đình và kinh doanh dịch vụ theo nhu cầu của bà con trong thôn, xã để có thêm nguồn thu nhập. Dám nghĩ, dám làm, bằng bàn tay lao động của mình, không phụ thuộc nhiều vào đồng vốn vay của nhà nước, ông Tý còn bỏ ra gần 20 triệu đồng thuê máy móc về mở rộng con đường riêng của gia đình từ đường cái của thôn đi vào khu trang trại trồng rừng của gia đình với chiều dài hơn 2km tiện cho lợi việc khai thác, vận chuyển gỗ.
Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng và cộng thêm các khoản thu nhập từ chăn nuôi, mỗi năm trừ hết thảy các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông Tý còn có mức thu nhập ở mức 70 - 80 triệu đồng. Ông Tý là tấm gương sáng của người cao tuổi về làm kinh tế giỏi để con cái noi gương học tập và xứng đáng là người nông dân kiểu mẫu.
Triệu Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Chi hội nông dân thôn Đầu Cầu, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái) có anh Nguyễn Minh Trung, hội viên Hội Nông dân xã là một trong những hộ nông dân khá lên từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Với nghề mộc, xẻ mỗi năm gia đình anh có tổng thu nhập 90 triệu đồng.
YBĐT - Không mấy khó khăn từ quốc lộ 70 rẽ vào con đường làng lổn nhổn toàn đá hộc, chúng tôi đến khu vực Trại Bò thuộc thôn 11 xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái). Trang trại của gia đình Lê Văn Lưu nằm ở giữa đồi, một bên là khu chuồng trại nuôi bò, còn xung quanh nhà được bao bọc bởi rừng keo xanh rì.
YBĐT - Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn 5 gian thoáng đãng, sạch sẽ, anh Lý Văn Thụ kể cho chúng tôi nghe về những ngày gian khó, khi hai vợ chồng chịu nắng, chịu mưa gánh từng bầu cây keo giống lên rừng trồng để rồi sau hơn mười năm, những cánh rừng hoang hoá thủa nào đã xanh trở lại và mang lại một cuộc sống no đủ cho gia đình. Hơn thế, trên 5 chục hộ trong thôn Khe Dầu - nơi gia đình anh Thụ sinh sống cũng có cuộc sống ổn định nhờ trồng rừng.
YBĐT - Theo lời giới thiệu của đồng chí Nguyễn Long Hải - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Lý A Trống bản Háng Bla Ha A xã Khao Mang. Ông Trống là một hội viên cựu chiến binh nhiệt tình trong công tác Hội và làm kinh tế giỏi, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.