Người phụ nữ bắt nghèo phải “Chạy”
- Cập nhật: Thứ tư, 24/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hơn ba giờ sáng, cả thôn 6 của xã Minh Quán (Trấn Yên) còn chìm trong giấc ngủ thì chị Quách Thị Hành đã trở giấc, lọ mọ xuống bếp, nhóm lửa chuẩn bị cho mẻ đậu kịp buổi chợ sớm.
Chị Quách Thị Hành đang chăm sóc đàn lợn
|
Đã hơn mười năm nay, chị Hành chưa bao giờ biết đến giấc ngủ đêm sau ba giờ sáng. Mười bảy năm trước, chị về làm dâu ở thôn 6, cái ngày ấy mới khó khăn làm sao, hai vợ chồng trẻ chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng và sức khỏe cùng tuổi thanh xuân. Ngôi nhà cấp bốn - tài sản của người mẹ chồng dành cho họ thôi cũng gọi là có chỗ che mưa, che nắng.
Cũng như bao gia đình khác, khi cái đói kéo đến, anh chị phải lên rừng kiếm cách sinh nhai: nào trồng rau, trồng chè, trồng bồ đề... miễn sao lo đủ ngày hai bữa cơm, sắn, khoai. Niềm vui vô bờ của đôi vợ chồng trẻ là khi đón đứa con nhỏ chào đời năm 1992, nhưng cũng là lúc gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn. “Lúc đó, nhìn hai vợ chồng nó như vậy, bậc làm cha làm mẹ như mình cũng khổ tâm lắm! Nhưng biết làm sao được...” - mẹ chồng chị tâm sự. Đến năm 1996, anh chị sinh thêm cháu thứ hai và gia đình lại càng khó khăn hơn.
Quyết không cam chịu đói nghèo, chị Hành đã chủ động tìm hiểu thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng. Song, biết lấy vốn từ đâu ra, trong khi nhà mình còn phải chạy ăn từng bữa. Trong lúc khó khăn nhất thì hy vọng và cơ hội để thực hiện ước mơ đã dần được nhen nhóm. Khi Hội Phụ nữ xã Minh Quán đứng ra vay vốn cho các hội viên phát triển kinh tế, gia đình chị Hành cũng đã được vay hai triệu đồng. Nguồn vốn tuy ít ỏi nhưng cũng phần nào đáp ứng cho nghề làm đậu của chị.
Nằm trên địa bàn xã Minh Quán có Nhà máy Z183, đây chính là thị trường tiêu thụ của chị. Tận dụng bã đậu, chị đầu tư cho chăn nuôi. Để phục vụ cho việc nuôi lợn với quy mô lớn hơn, vợ chồng anh chị có thêm nghề nấu rượu. Đến nay, trong bốn khoang chuồng của chị luôn có từ 13 đến 15 con lợn, nhiều khi lên tới 20 con, con nào con nấy chắc nịch “Do được chăm tốt, đặc biệt tôi không dùng thức ăn tăng trọng hay kích thích” - chị cười. Một năm gia đình chị cho xuất chuồng bốn lứa lợn; bán 30kg đậu mỗi ngày; rồi bán rượu, trồng hơn 1ha keo...
Từ chỗ khó khăn, kinh tế gia đình chị Hành đã từng bước được cải thiện. Ngôi nhà cấp bốn năm nào giờ đã được thay bằng ngôi nhà hai tầng khang trang, đẹp đẽ với đầy đủ tiện nghi phục vụ trong sinh hoạt. Hai cậu con trai cũng có điều kiện học hành, tiến bộ. Gia đình chị luôn gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, đoàn kết với xóm giềng, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện như: ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ, xây dựng nghĩa trang, ủng hộ hội viên phụ nữ gặp khó khăn...
Chị Mai Thị Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Quán khẳng định: “Chị Hành là một điển hình để không chỉ hội viên mà cả nhân dân trong xã học tập”. Trong tổng số 721 hội viên của Hội Phụ nữ xã, chị Quách Thị Hành vinh dự là đại biểu duy nhất được tham gia đại hội phụ nữ cấp huyện.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Theo lời giới thiệu của đồng chí Giàng Sông Tu - Bí thư Đảng uỷ xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái), chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả của gia đình ông Sùng A Lù, thôn Tấu dưới, một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế từ cuộc vận động hạ sơn năm 1995.
YBĐT - Đến xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (Yên Bái) hỏi tới gia đình lão nông Phan Văn Tý ai cũng biết. Năm nay ông đã bước sang tuổi 70 nhưng vóc dáng trông còn khỏe mạnh. Sinh ra ở miền quê nghèo huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) nhưng di cư lên Yên Bái.
YBĐT - Chi hội nông dân thôn Đầu Cầu, xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái) có anh Nguyễn Minh Trung, hội viên Hội Nông dân xã là một trong những hộ nông dân khá lên từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Với nghề mộc, xẻ mỗi năm gia đình anh có tổng thu nhập 90 triệu đồng.
YBĐT - Không mấy khó khăn từ quốc lộ 70 rẽ vào con đường làng lổn nhổn toàn đá hộc, chúng tôi đến khu vực Trại Bò thuộc thôn 11 xã Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái). Trang trại của gia đình Lê Văn Lưu nằm ở giữa đồi, một bên là khu chuồng trại nuôi bò, còn xung quanh nhà được bao bọc bởi rừng keo xanh rì.