Gương sáng trên bản người Dao
- Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhiều năm liền được đi dự hội nghị biểu dương gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Triệu Thiều Thăng, dân tộc Dao ở thôn Khe Ván xã Quang Minh (huyện Văn Yên - Yên Bái) được nhiều người biết đến là một trong những gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của huyện.
Mới 44 tuổi đời nhưng những thành quả mà ông Thăng đã đạt được khiến cho nhiều người phải khâm phục. Hiểu được những khó khăn ở một thôn vùng cao còn nhiều khó khăn, ông đã nỗ lực vươn lên, bằng sức lao động khiến cho từng tấc đất đều mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình dựa trên mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài một cách hiệu quả; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại.
Với tổng diện tích canh tác trên 10 ha, ông Thăng đã quy hoạch và phân vùng gieo trồng hợp lý. Hàng năm, một mẫu ruộng nước đã đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào canh tác. Trong quá trình thâm canh cây lúa nước, ông không ngừng học hỏi và tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhờ vậy sản lượng lúa năm nào cũng đạt từ 5,5 - 6 tấn. Diện tích đất đồi rừng nhận từ những năm 1993-1994 và khi ấy ở đây người dân chỉ độc canh cây lúa nước và phát rừng trồng lúa nương. Nhưng ông Thăng đã mạnh dạn nhận 10 ha đất trống đồi núi trọc để cải tạo, chủ động sản xuất ngay từ khi được Nhà nước giao đất giao rừng. Ông Thăng đã quy hoạch 7 ha để trồng cây quế và hiện nay diện tích quế đã được 15-20 năm tuổi. Một phần đất đồi có độ đốc thấp, đã được luân canh các loại cây ngắn ngày như: sắn, ngô...
Ngoài sản xuất nông, lâm nghiệp, ông Thăng đã kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Hệ thống chuồng trại được đầu tư xây dựng, các loại con giống đa dạng về chủng loại, số lượng, tận dụng những nguồn thực phẩm sẵn có để chăn nuôi và mỗi năm ông xuất chuồng khoảng gần 12 tấn lợn hơi, trên 1 tấn cá thịt và 5-7 tạ thịt gia cầm. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Thăng luôn đạt từ 100-110 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư. Còn nếu tính cả giá trị của đồi quế thì tài sản của ông đã lên bạc tỷ.
Một vài năm gần đây, ông tập trung đầu tư vốn mở rộng sản xuất, phát triển chăn nuôi, áp dụng phương pháp cạnh tác nông nghiệp bền vững, nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, hướng sản phẩm nông sản ra thị trường. Chính vì vậy, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi năm sau luôn cao hơn năm trước. Kinh tế gia đình khá giả đã có điều kiện hơn để các con đến trường đến lớp, đồng thời mua sắm được những tiện nghi sinh hoạt phục vụ đời sống hàng ngày. Với các khoản thu nhập trong năm, ông Thăng đã dùng một phần số tiền thu được để đầu tư tái sản xuất, một phần tiết kiệm để giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn có vốn làm ăn. Mỗi hộ nghèo trong thôn khi cần sự giúp đỡ, gia đình luôn sẵn lòng và số tiền giúp đã tới trên 100 triệu đồng.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình về cả kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, về vốn đầu tư sản xuất của gia đình ông Thăng nên hầu hết các hộ được cho vay vốn đều ăn nên làm ra, dần dần thoát khỏi đói nghèo, một số hộ đã giầu lên.
Thu Nhài
Các tin khác
YBĐT - Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hoàn - Tổ trưởng Tổ chuyên môn Lý - Hóa - Sinh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô cũng đã có nhiều cải tiến, sáng kiến trong công tác giảng dạy cũng như đóng góp tích cực trong việc bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, giáo viên giỏi cho nhà trường và ngành giáo dục đào tạo Yên Bái.
YBĐT - Bà con người Mông xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải - Yên Bái), ai cũng khâm phục cách làm giàu của gia đình anh Hờ A Hừ ở bản Háng Tầu Dê. Hồi nhỏ, cũng như bao đứa trẻ khác trong bản, A Hừ khao khát được đến trường học chữ nhưng vì gia đình nghèo quá nên không thể thực hiện ước mơ của mình.
YBĐT - Nói đến chị Lê Thị Ngọ ở thôn 5, thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) thì ai cũng biết, bởi chị không chỉ là một hội viên điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi mà còn là một ủy viên Ban chấp hành Hội Phụ nữ tiêu biểu của thị trấn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở địa phương.
YBĐT - Không biết từ khi nào mà người Mông của huyện Trạm Tấu đã gọi chị Nguyễn Phương Hiên – cán bộ vườn ươm thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu với cái tên đầy thân thương như vậy. Chỉ biết rằng mỗi khi xuống các bản làng, chị Hiên lại được người dân trong bản đón chào bằng những tình cảm thiết tha chân thành nhất.