Phải chăng ngày hội khai trường đã giảm sự thiêng liêng?

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2013 | 2:38:59 PM

YBĐT - Hiện nay, việc các trường tổ chức cho học sinh bước vào học chính khóa ngay từ trung tuần tháng 8 đã khiến cho ngày mùng 5 tháng 9 - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường dần trở nên thiếu hẳn đi sự háo hức và cảm xúc thiêng liêng trong lòng con trẻ...

Cô và trò Trường Mầm non Chau Quế Hạ, Văn Yên tập dượt cho lễ khai trường.
Cô và trò Trường Mầm non Chau Quế Hạ, Văn Yên tập dượt cho lễ khai trường.

Khi được hỏi về điều này, không ít học sinh cho rằng, không còn háo hức lắm với ngày khai giảng năm học mới, bởi gần một tháng nay các em đã chính thức bước vào học tập chương trình chính khóa của năm học 2013 - 2014. Khác hẳn với những năm học trước, ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ dài cũng chính là ngày khai trường với lễ khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, thiêng liêng nên trò nào cũng háo hức mong đợi mùa thu để tất cả cùng vui đón ngày khai trường. Này là sách vở mới, cặp mới, quần áo mới, giày dép mới, đến bạn bè mới, thầy cô mới, rồi cả ngôi trường cũng thay màu áo mới…chưa kể đến băng rôn, khẩu hiệu, loa đài…tất cả đều khiến cho mỗi học sinh  cùng  chung một tâm trạng: bồi hồi, náo nức đợi đến ngày khai giảng mùng 5 tháng 9.

Không hiếm phụ huynh băn khoăn khi đặt câu hỏi: có nhất thiết phải cho các học sinh học trước ngày khai giảng? Việc học sớm này có tác dụng đặc biệt gì chăng hay đơn thuần chỉ là để sớm ổn định tổ chức, nề nếp sinh hoạt và học tập của thầy và trò các trường? Được biết, khung kế hoạch thời gian năm học 2013-2014 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành áp dụng chung cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc quy định: tựu trường sớm nhất vào ngày 1-8-2013, muộn nhất vào ngày 28-8-2013; tổ chức khai giảng vào tuần cuối tháng 8 và tuần đầu tháng 9.

Phải thừa nhận, việc tổ chức cho học sinh học chính thức ngay từ trung tuần tháng 8 cùng sự tập dượt kỹ lưỡng từ rất sớm nên lễ khai giảng ở nhiều trường được tổ chức có phần chỉn chu, hoành tráng hơn; nề nếp học tập của học sinh các trường cũng nhanh đi vào quy củ hơn. Song, cũng chính điều đó đã làm nguội dần cảm xúc thiêng liêng, háo hức đón ngày khai trường của mỗi học trò. Xét cho cùng, mong muốn về một lễ khai giảng hoàn hảo; việc dạy và học phải đi vào nề nếp, kỷ cương ngay từ đầu năm của nhà trường và thầy cô là hoàn toàn chính đáng.

Song, cũng chính việc tổ chức tập dượt đến nhuần nhuyễn lễ khai giảng trước khi diễn ra chính thức cũng như việc tổ chức học chính khóa sớm hơn thường lệ ấy chẳng những gây cho các em sự mệt mỏi về cả về thể chất  lẫn tâm lý khiến chúng không cảm thấy “muốn đến trường” sau một kỳ nghỉ dài mà còn vô tình làm mất đi cái không khí thiêng liêng của ngày tựu trường xưa nay.

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, việc tổ chức cho học sinh học và tập khai giảng trước tưởng như không có gì phi lý nhưng thực sự có tới hai sai lầm. Trước tiên, việc học trước lễ khai giảng đã đánh mất của học trò ý nghĩa của lễ hội lớn nhất tôn vinh sự học. Thêm nữa, khi học sinh bị áp đặt về nề nếp trong ngày khai giảng sẽ làm mất đi sự hứng khởi.

Ngày khai giảng năm học mới đang cận kề, công văn của Bộ GD&ĐT gửi giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuẩn bị khai giảng năm học mới 2013 - 2014 cũng nêu rõ: Việc tổ chức lễ khai giảng năm học, bao gồm phần “lễ” trang trọng và phần “hội” vui tươi, nhằm tạo tâm lý phấn khởi, sẵn sàng bước vào năm học mới của các thầy cô giáo, các em học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội. Các hoạt động của buổi lễ được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, có tác dụng thiết thực, tạo dấu ấn tốt đẹp, thực sự là ngày hội đối với các thầy cô giáo, các em học sinh...

Như vậy, ngày khai giảng năm học mới không đơn thuần là một sự kiện, một hoạt động thường niên của các nhà trường mà còn là một lễ hội tôn vinh sự học - ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Sự trang trọng của buổi lễ khai trường là điều cần có; việc duy trì ổn định nền nếp học tập cho học sinh ngay từ đầu năm học mới là việc nên làm. Song, có nhất thiết phải học trước khi lễ khai giảng năm học mới chưa bắt đầu vẫn đang là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Đổi mới bất cứ  điều gì cũng cần quan tâm đến đối tượng chủ thể và sự hài hòa, thống nhất, đó là yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Nên chăng, Bộ GD&ĐT cũng cần quan tâm đến yếu tố này, bởi quy định mới nhất về việc không chấm điểm đối với học sinh lớp 1 của Bộ hiện vẫn đang là điều khiến dư luận quan tâm. 

 Phạm Minh

Các tin khác

YB ĐT - Trẻ sinh ra được bú sữa mẹ tưởng như là chuyện hiển nhiên, song số liệu thống kê gần đây của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Yên Bái cho thấy: số trẻ trên địa bàn tỉnh mới sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu mới chỉ chiếm 12 - 13%, tức là cứ 100 trẻ ra đời thì có 12 - 13 trẻ được bú sữa mẹ, như vậy là quá ít.

YBĐT - Những năm gần đây, thực hiện các cuộc vận động: “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện học sinh tích cực”... cùng với ngành giáo dục - đào tạo cả nước, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái đã triển khai các cuộc vận động và các phong trào thi đua đến các trường học, ngành học trong tỉnh, đạt được những kết quả quan trọng.

YBĐT - Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã có nhiều, thông tư, văn bản, công văn hướng dẫn về việc thực hiện các khoản thu trong các cơ sở giáo dục ngay từ đầu các năm học. Tuy nhiên, để chống “lạm thu” trong các nhà trường, chính phụ huynh phải là người lên tiếng.

YBĐT - Đồng bào Mông có tỷ lệ dân số khá cao trong các dân tộc sinh sống ở Yên Bái, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và số ít ở huyện Trấn Yên, Văn Yên. Mặc dù đời sống kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, song nạn thách cưới thì ngay cả bà con người Mông cũng phải thừa nhận hiện đang là vấn đề hết sức phức tạp. Nó như cơn sóng ngầm chí ít là giữa hai gia đình thông gia với nhau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục