Trạm Tấu: Cần đẩy nhanh tiến độ dự án giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 29/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhằm từng bước xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn, nhất là đối với các đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, trong những năm qua bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng, hàng ngàn công trình, cơ sở hạ tầng nông thôn và nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp, cuộc sống người dân, nhất là đồng bào vùng cao đã có nhiều đổi thay, cái đói, cái nghèo đang từng năm khép lại.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Thanh Miền)
|
. Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh, trình độ dân trí thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, do vậy các nguồn vốn đầu tư hàng năm luôn được sự quan tâm hàng đầu. Tổng các nguồn vốn đầu tư hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng, hàng chục công trình thuỷ lợi, trạm y tế, hệ thống cấp nước sinh hoạt... đã được khánh thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Ban quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Trạm Tấu, tiến độ thực hiện các dự án đến hết ngày 15-1-2007 diễn ra rất chậm. Các công trình chuyển tiếp thuộc kế hoạch năm 2006 gồm có 9 công trình có tổng giá trị xây lắp 3 tỷ 787 triệu đồng (lấy tròn số) nhưng giá trị thực hiện mới đạt 2.469 triệu đồng đạt, 65%. Các dự án do Ban quản lý của huyện làm chủ đầu tư gồm 6 công trình xây dựng có tổng nguồn vốn 3 tỷ 305 triệu đồng và các mô hình ứng dụng nông nghiệp: thâm canh lúa ruộng hai vụ 58 ha, thâm canh đậu tương 36,2 ha tổng vốn đầu tư 720 triệu đồng; 1 công trình chuyển tiếp thuộc kế hoạch 2006 có vốn đầu tư 460 triệu đồng. Tất cả số công trình này vẫn mới trong giai đoạn khởi động, thậm chí có công trình vẫn chưa có đủ hồ sơ thiết kế và tiến hành đấu thầu được.
Đáng chú ý là các tiểu dự án (TDA) do UBND các xã làm chủ đầu tư thuộc chu kỳ 1 và 2 năm 2005 và chu kỳ 3 (6 tháng đầu năm 2006) tuy đã thực hiện xong 197 TDA giá trị thực hiện 3 tỷ 086 triệu đồng đạt 100% kế hoạch song điều đáng nói là, tổng số quyết toán mới đạt được 21 TDA với số tiền 339 triệu đồng còn 176 TDA UBND chưa phê duyệt quyết toán được. Chu kỳ 4 (từ tháng 7 đến tháng 12-2006) có 119 TDA tổng giá trị 2 tỷ 015 triệu đồng mới có 28 TDA hoàn thành, 74 TDA mua sắm đã thẩm định. Chu kỳ 5 (từ tháng 1 đến tháng 6-2007) có 131 TDA với số vốn 2 tỷ 546 triệu đồng thực hiện ở 11/11 xã nhưng chưa có TDA nào được. Như vậy, ngân sách phát triển xã do UBND xã làm chủ đầu tư là một nhiệm vụ hết sức nặng nề mà buộc trong 6 tháng đầu năm phải thực hiện với số vốn trên 4 tỷ 561 triệu đồng với hàng trăm TDA.
Điều đáng nói là tiến độ thực hiện các dự án chậm là do thiếu sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, cán bộ các khâu thực hiện thiếu nhiệt tình với công việc, một phần không đủ năng lực, quản lý điều hành. Lý giải về việc chậm trễ này, ông Lê Xuân Vươn - Phó ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Trạm Tấu nói: "Do điều kiện, năng lực cán bộ, phòng ban chuyên môn chưa đủ điều kiện để kiểm tra thẩm định các dự án mà đều do các ban ngành của tỉnh thực hiện. Vì vậy, thủ tục thường chậm ở khâu thẩm định, phê duyệt dự toán.
Mặt khác, các công trình đầu tư đều phải đấu thầu dẫn tới kéo dài thời gian. Đối với vốn phát triển ngân sách xã do UBND xã làm chủ đầu tư thì năng lực cán bộ xã yếu, chưa nắm rõ các thủ tục đầu tư. Một số ban ngành chuyên môn của huyện chưa thực hiện hết việc được giao, thời gian thẩm định thiết kế, dự toán các TDA quy định là năm ngày nhưng thường kéo dài quá thời gian quy định mà không rõ lý do". Đó là những lý giải của Ban quản lý huyện về tiến độ thực hiện chậm. Nhưng còn một lý do nữa là các phòng ban chuyên môn, cán bộ thực hiện chưa tin tưởng nhau trong quá trình thực hiện. Kết quả kiểm tra, thanh tra của Công an huyện ở một số dự án thì thanh, kiểm tra ở đâu là sai ở đó.
Phát biểu tại cuộc làm việc với huyện Trạm Tấu về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án Giảm nghèo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình yêu cầu, huyện phải tập trung cao cho việc triển khai các dự án. Các công trình đang thiết kế tận dụng thời tiết thuận lợi tổ chức đấu thầu thi công ngay. Đối với nguồn vốn phát triển ngân sách xã thuộc chu kỳ 1, 2 và 3 phải tiến hành thanh quyết toán ngay trong tháng 2-2007 và tiếp tục triển khai chu kỳ 4, chu kỳ 5 và chu kỳ 6 đảm bảo đúng tiến độ. Đối với nguồn vốn thất thoát đã phát hiện, huyện phải tiến hành thu hồi ngay và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Các dự án đầu tư là một cơ hội tốt cho Trạm Tấu trên con đường xoá đói giảm nghèo. Huyện cần chủ động nắm bắt những cơ hội đó mà vươn lên. Đừng vì những cán bộ thiếu nhiệt tình trong công việc, thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng mà để thiệt thòi cho người dân, để người dân thiếu những điều kiện cần và đủ vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Ngày 25-1-2007, UBND tỉnh tổ chức hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2007 và công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Sau một thời gian khá dài tạm lắng thì trong những ngày trung tuần tháng 1-2007, dịch lở mồm long móng (LMLM) lại bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh làm trên 75 con trâu, bò mắc bệnh ở 3 xã thuộc huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Ngay sau khi phát hiện dịch, các xã, huyện, cơ quan chuyên môn đã khoanh vùng dập dịch, phun thuốc khử trùng, tiêm vác xin phòng dịch toàn bộ gia súc vùng lân cận. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch ở nhiều nơi còn rất lơ là, chủ quan, có nguy cơ để dịch bùng phát trên diện rộng.
YBĐT - Chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007. Ở thành phố, đã thấy bày bán hàng Tết; những người thợ đã chỉnh trang điện đèn, trồng thêm cây, ươm thêm hoa làm đẹp cho thành phố; trên hè phố, đã bày bán nhiều tranh Tết, hoa Tết; nhiều nhà đã bàn tính mua hàng Tết... Tóm lại, không khí Tết đang về.
YBĐT - Cuối năm - 2006 và đầu năm 2007 dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở một số địa phương trong nước làm hàng ngàn con gia cầm chết, tốc độ lây lan mạnh; dịch lở mồm long móng (LMLM) cũng đang nghi có điểm phát dịch ở huyện Mù Cang Chải. Riêng với dịch cúm gia cầm chưa xảy ra ở Yên Bái song tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm cùng với sự chủ quan thờ ơ của người chăn nuôi, người tiêu dùng như hiện nay thì dịch quay trở lại là điều khó tránh khỏi.