Yên Bái: Sông suối đang kêu cứu

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nhiều nơi người ta san gạt mặt bằng xây dựng, đổ đất ra ven suối làm thu hẹp lòng suối. Dòng nước chảy có vẻ nặng nề hơn vì độ sâu đã bị bồi lấp; nước đục vì ô nhiễm và rác thải.

Nhiều sông suối ở Yên Bái bị lấn chiếm dòng chảy. (Ảnh: T.P)
Nhiều sông suối ở Yên Bái bị lấn chiếm dòng chảy. (Ảnh: T.P)

>> Nhìn sông Thị Vải lại lo sông Hồng

Cách đây khoảng chục năm, dòng suối nhỏ chảy từ xã Đại Đồng (huyện Yên Bình) rồi qua các xã, phường của thành phố Yên Bái như: Minh Bảo, Yên Thịnh, Đồng Tâm, Yên Ninh rồi đổ ra sông Hồng vẫn trong veo, chảy hiền hòa. Dòng suối ấy giờ vẫn đây, nhưng trông nó “tiều tụy” đi nhiều. Hai bờ suối không còn cây cối chống xói mòn và ngăn đất, rác từ các khu dân cư tràn xuống. Nhiều nơi người ta san gạt mặt bằng xây dựng, đổ đất ra ven suối làm thu hẹp lòng suối. Dòng nước chảy có vẻ nặng nề hơn vì độ sâu đã bị bồi lấp; nước đục vì ô nhiễm và rác thải. Có lúc đi dọc một đoạn suối nhìn thấy người dân vứt xuống nào là bóng điện, ngọn chuối, cành cây, hộp xốp, chăn đệm hỏng, xác súc vật và đủ thứ rác rưởi khác, ấy là chưa kể những vật liệu nặng không thể trôi được và chìm ở khắp nơi.

Trên dòng sông Hồng cũng vậy, mùa nước thì ta ít nhìn thấy rác thải sinh hoạt bám vào bờ bên bồi do lòng sông rộng và rác được dòng nước đầy mau chóng mang nó về xuôi. Nhưng vào mùa cạn, chỉ đứng trên cầu Yên Bái thì ta thấy la liệt những túi rác to, nhỏ dạt vào bờ hay rìa những bãi cát nổi. Vào ngày 23 tháng Chạp, sau khi cúng ông Táo, người dân mang cá thả ra sông. Họ cầm cả túi cá ném xuống sông. Không biết bao nhiêu là túi cá bị gió tạt vào bãi cát, mép nước nông làm cá kẹt chết và túi ni lông thì trắng toát bờ sông. Đi tiếp theo quốc lộ 32C, thấy dòng ngòi Lâu cũng có nhiều rác thải sinh hoạt đang tấn công dòng suối sâu, rộng và rất thơ mộng này.

Tại điểm đi từ thành phố Yên Bái vào cách Lâm trường Việt Hưng khoảng 3 trăm mét, thấy khá nhiều bao rác ném xuống ven suối. Cũng trên tuyến đường này, tại địa bàn xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên), từ lâu đã thấy một bãi rác đổ xuống bờ đường thẳng xuống chân thác Thiến. Khu vực Lâm trường Việt Hưng có khá nhiều điểm chế biến lâm sản, xã Hưng Khánh là địa điểm nằm trong chương trình xây dựng 3 trung tâm lớn của huyện Trấn Yên. Các địa điểm trên tập trung khá đông dân cư và có các dòng suối lớn đi qua, cho nên vấn đề rác thải đổ xuống suối cũng đang gióng lên tiếng chuông báo động.

Đến với một số địa phương phía tây của tỉnh, nhìn thấy nhiều đoạn suối ở thị tứ Ba Khe, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) nổi lều phều đầy rác thải. Đoạn suối ngay đầu thị tứ đã xuất hiện những bãi rác lớn bên mép nước. Ngòi Nung ở thị xã Nghĩa Lộ cũng đang phải gánh chịu sức ép của rác thải đổ xuống. Con kênh lớn dẫn nước vào đập thủy điện Nà Lè cũ, thuộc phường Trung Tâm, được ví như cái cổ họng lớn hút rác. Sau đó, rác được tuồn xuống và thường xuyên làm tắc ngẽn một con mương nhỏ từ bản Lè chạy xuống cánh đồng bản Phán, xã Nghĩa Lợi. Người dân ở khu vực này đã quá ngán ngẩm với việc vớt rác từ mương lên đường, gây khó khăn cho sản xuất.

Không thể đi hết khắp các sông, suối trong tỉnh để xem lượng rác thải đổ xuống mỗi dòng chảy như thế nào? Nhưng chỉ qua một số địa phương nêu trên, cũng cho thấy vấn đề rác thải đổ xuống sông, suối đang thực sự là vấn đề đáng báo động. Chúng ta đã có nhiều chương trình về bảo vệ môi trường ở cả vùng nông thôn và thành thị nhưng vẫn chưa có được giải pháp, hiệu quả trong ứng xử về rác thải sinh hoạt đối với các dòng chảy.

Việc thu gom rác thải ở khu vực đô thị cũng mới chỉ thực hiện được ở các khu phố tiện đường đi lại, còn những nơi khuất nẻo thì việc xử lý rác thải vẫn tùy thuộc thái độ của từng nhà. Nền công nghiệp và kinh tế thị trường phát triển, kéo theo rác thải từ chất liệu công nghiệp cũng tăng mạnh, nhưng việc mỗi gia đình ở nông thôn có một hố rác thải vẫn đang là chuyện rất xa lạ nên, các dòng chảy tự nhiên đi qua khu dân cư vẫn đang phải làm thêm nhiệm vụ là hố chứa rác thải sinh hoạt như là một điều tất yếu.

Ô nhiễm rác thải sinh hoạt và chất thải nói chung đối với các dòng chảy, thực tế đã gây ra nhiều tác hại lớn cho sức khỏe con người và cho sản xuất nông nghiệp, đó là các bệnh thường gặp về đường tiêu hóa, đường hô hấp, các bệnh về da; nuôi thủy sản cũng hay mắc bệnh dịch. Người dân vùng Mường Lò hiện đang lo ngại về ô nhiễm nguồn nước sẽ ảnh hưởng tới tập quán nuôi cá xen lúa có từ lâu đời hoặc nhiều loài cá đặc sản đang mất dần trong các con suối ở vùng này.

Ngoài ra, rác thải trên các sông, suối còn làm mất đi vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên; làm mất đi môi trường sống của nhiều loài thủy sinh, nguồn lợi mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Đã đến lúc việc bảo vệ các dòng chảy tự nhiên không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà phải thực sự đưa ra được các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, trong đó cần coi trọng giải pháp sống thân thiện với sông, suối.

Sơn Nam

Các tin khác

YBĐT - Quyết định số 131⁄QĐ-TTg ngày 23.1.2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức cá nhân vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất kinh doanh còn hơn 4 tháng nữa là hết hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã được vay vốn hỗ trợ lãi suất nhưng với hộ nông dân nhiều nơi vẫn là chuyện dài dài.

YBĐT - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là công cụ hỗ trợ đắc lực nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp cán bộ và nhân dân. Có rất nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả đã và đang được áp dụng và một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả nhất đó là tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động hòa giải của đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

Cán bộ Công ty nước và VSMT khảo sát đo đạc địa hình trước khi thiết kế công trình nước sạch cho nhân dân các xã vùng cao ở Mù Cang Chải.

YBĐT - Năm 2000, lần đầu tiên những cột bê tông cao lớn “cõng” điện lên thắp sáng các bản làng của xã Sơn A (huyện Văn Chấn) - Yên Bái. Bà con các dân tộc ở đây rất đỗi vui mừng. Hôm nay, sau 9 năm sáng điện, tôi về thăm bản Cò Cọi, xã Sơn A nhưng thật ngỡ ngàng khi lại thấy những cột bê tông nằm trơ trọi giữa đồng cùng những đường dây mắc còn dang dở. Lại bắt gặp những cái nhìn bâng khuâng đầy nghi hoặc, khiến tôi chạnh lòng nghĩ tới niềm tin của bà con dân bản vốn đã bị “chắp vá” nhiều lần vì những đường dây mắc điện kia vẫn đang bị bỏ lửng.

Tỉnh chủ trương hỗ trợ 100% lãi suất đối với sản phẩm chè, tinh bột sắn. (Trong ảnh: Thu hoạch sắn ở xã Động Quan - Lục Yên). (Ảnh: Thanh Thủy)

YBĐT - Yên Bái hiện có 800 doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp). Năm 2008, các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách trên 228 tỷ đồng, chiếm 58,21% số thu của tỉnh; giải quyết việc làm cho 22.000 lao động. Đóng vai trò là “xương sống” nền kinh tế, nhưng tình trạng chung là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu vốn, sức cạnh tranh yếu nên rất khó khăn khi lạm phát và suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, có đơn vị đứng trên bờ phá sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục