Cánh đồng Làng Mang khát nước
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thôn Làng Mang, xã Minh Tiến (Lục Yên - Yên Bái) có diện tích cấy lúa là 13,5 ha. Do thiếu nước nên đồng Ông Bút thôn Làng Mang từ lâu vẫn để hoang, thiếu đất cấy lúa, vì vậy cuộc sống của người dân nơi đây quanh năm đói nghèo.
Sau đó, từ công trình thủy điện Ngòi Lẵn thuộc xã Xuân Long (huyện Yên Bình), Công ty Xây dựng công trình thủy điện – thủy lợi tỉnh Yên Bái đã xây dựng đưa nước từ ngòi Lẵn xã Xuân Long về cánh đồng Ông Bút thôn Làng Mang, xã Minh Tiến. Năm 2002, mương nước hoàn thành và đưa vào sử dụng, Kể từ đó, cánh đồng Ông Bút phụ thuộc hoàn toàn vào mương nước dẫn từ Xuân Long về.
Có nước nên việc gieo cấy lúa rất dễ dàng, đời sống người dân no đủ. Nhưng niềm vui chỉ được một, hai vụ rồi bát cơm của dân làng lập tức bị đe dọa. Nước mương về ngày một ít đi không còn đáp ứng đủ nhu cầu cấy lúa.
Do Minh Tiến nằm ở vị trí cao hơn Xuân Long, việc xây mương đưa nước về là đưa dòng nước chảy ngược nên gần như toàn bộ 7000m mương được thiết kế chìm. Hai bên là taluy đất rất cao, có chỗ cao tới 2-3m mà mương hoàn toàn không có nắp đậy nên tình trạng sạt lở gây bồi lấp diễn ra rất nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa mưa.
Điều đáng nói là tuy mương nước đã được giao cho Trạm Thủy nông huyện Yên Bình quản lý, sau đó Trạm đã giao lại 1500m cho thôn Làng Mang phối hợp cùng quản lý với mức kinh phí chỉ 6% được trích từ nguồn kinh phí của tỉnh cấp cho. Song do, hàng năm Trạm không có kế hoạch nạo vét hay khắc phục kịp thời khi mương bị bồi lấp dẫn đến nước bị tắc nghẽn thường xuyên. Thêm vào đó, hệ thống mương đã nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng, đáy mương xuất hiện nhiều vết rạn nứt, thủng rỗng rất lớn khiến cho lượng nước bị rò rỉ, thất thoát quá nhiều. Không những vậy, một số hộ dân sống gần mương nước thuộc thôn Bình An, xã Xuân Long đã tự ý lấp mương làm đường qua lại và làm sân nên việc đưa nước về tới cánh đồng Ông Bút rất khó khăn. Để có nước canh tác, hàng năm thôn đã thường xuyên vận động bà con tiến hành nạo vét mương, khắc phục sự cố, nhưng sức người có hạn.
Để rõ hơn về sự khó khăn của người dân trong thôn, ông Triệu Văn Điểm – Trưởng thôn Làng Mang cho biết: “Để có nước phục vụ sản xuất, hàng năm tôi phải vận động bà con tham gia lao động công ích, nạo vét mương, khắc phục sự cố mỗi năm hàng chục lần. Nhưng đoạn mương chúng tôi quản lý quá dài mà kinh phí thì rất thấp, số lượng đất cát bồi lấp thường xuyên quá lớn, rất khó khăn cho việc khắc phục. Vì vậy, cánh đồng Ông Bút thường xuyên thiếu nước, làm giảm năng suất lúa, thậm chí nhiều vụ còn mất trắng”.
Thiếu nước nên người dân Làng Mang thường xuyên cấy lúa chậm thời vụ, việc sản xuất của người dân gặp vô vàn khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Đặc biệt, vào vụ chiêm do thiếu nước nên có tới gần 3ha trên đồng Ông Bút đã phải chuyển từ cấy lúa sang trồng hoa màu.
Bức xúc trước tình trạng thiếu nước thường xuyên, bà Hoàng Thị Lượng – một người dân trong thôn nói: “Miếng ăn của cả làng chúng tôi giờ chỉ còn trông chờ vào cánh đồng Ông Bút, do vậy thôn có huy động hay không, chúng tôi vẫn phải tiến hành nạo vét mương để đưa nước về phục vụ sản xuất. Thế nhưng năm nào, vụ nào cũng vậy, nhọc quá! Mong sao các cấp chính quyền có biện pháp hỗ trợ, giúp chúng tôi bớt nghèo đói”. Mặc dù là mùa mưa, nhưng hiện nay khi cây lúa mới hồi xanh, cánh đồng Ông Bút vẫn đang thiếu nước trầm trọng, do không có nước mương về thường xuyên.
Không chỉ cánh đồng Ông Bút mà cả cánh đồng Ông Quân, Ông Ngân cũng thường xuyên thiếu nước, chỉ trông chờ vào nước mưa. Do vậy, năng suất lúa đạt rất thấp, 27 tạ/ha, vì thế nhiều năm qua tình trạng thiếu ăn trong thôn vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, việc bảo đảm nước cho cánh đồng Ông Bút là hết sức cần thiết và thiết nghĩ đã đến lúc phải có sự phối hợp giữa chính quyền hai xã Xuân Long và Minh Tiến cùng với Trạm Thủy nông Yên Bình trong việc quản lý và bảo trì mương nước.
Triệu Huấn
Các tin khác
YBĐT - Trong mấy năm gần đây, số cặp vợ chồng sinh con thứ ba tăng mạnh trên hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo số liệu thống kê, đến năm 2008, đã có 39/64 tỉnh, thành phố có số người sinh con thứ ba ở mức cao. Yên Bái là một trong những tỉnh có số người sinh con thứ ba tăng cao, tình trạng sinh con thứ ba xuất hiện ở hầu hết các huyện, thị trong tỉnh, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ sinh con thứ ba còn ở mức rất cao, trên 40%.
YBĐT - Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 trong nước diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch chi tiết về phòng, chống dịch. Các cấp, ngành liên quan và đông đảo nhân dân đang chủ động phòng chống dịch.
YBĐT - Những năm qua, được sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế – xã hội của nhân dân các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để thoát ra khỏi tình trạng nghèo đói và phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành và chính từ nội tại cơ sở.
YBĐT - Dù có nhiều chuyển biến rõ nét, các cấp do các ngành trong tỉnh đã nhận thức được trách nhiệm và đồng bộ tổ chức triển khai Nghị quyết 32/NQ – CP của Chính phủ; ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông đã tăng lên.... nhưng với những gì đang diễn ra trong 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn vẫn luôn tiềm ẩn phức tạp, với những vụ TNGT nghiêm trọng.