Khiếu kiện đền bù, giải phóng mặt bằng quốc lộ 32 (đoạn trung tâm huyện lỵ Văn Chấn):

Trách nhiệm thuộc về Ban quản lý dự án công trình giao thông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/11/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vừa qua, Báo Yên Bái nhận được đơn của bà Đinh Thị Bình ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phản ánh Ban quản lý Dự án công trình giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) chưa đền bù cho bà số tiền 76.610.000 đồng thu hồi đất và đền bù tài sản trên đất khi Nhà nước thực hiện công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 (đoạn qua xã Sơn Thịnh – trung tâm huyện Văn Chấn). Vụ khiếu kiện kéo dài từ năm 2008 tới nay, liên quan tới Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND và các cơ quan chức năng của huyện Văn Chấn, Ban quản lý Dự án công trình giao thông...

Đường vào xã Chấn Thịnh (Văn Chấn).
Đường vào xã Chấn Thịnh (Văn Chấn).

Tổng hợp biên bản kiểm kê của các cơ quan chức năng Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Văn Chấn: lô đất thứ nhất của bà Đinh Thị Bình ở thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh diện tích đất thu hồi phải đền bù là 28m2, tài sản trên đất là một cây nhãn với tổng giá trị phải đền bù là 42.500.000 triệu đồng. Lô đất thứ hai của bà Bình ở khu phố Cửa Nhì, xã Sơn Thịnh diện tích thu hồi phải đền bù là 44m2, tài sản trên đất phải đền bù là một nhà gỗ cột vuông, lợp phibrôximăng, tổng giá trị đền bù 42.570.000 triệu đồng. Tổng giá trị đền bù mà Hội đồng GPMB lập kinh phí đền bù cho bà Bình là 75.070.000 đồng, gồm: đền bù đất 77.200.000 đồng; đền bù tài sản trên đất 7.870.000 đồng.

Kinh phí đền bù hỗ trợ tái định cư hộ bà Bình được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 52 ngày 10/2/2003, Quyết định 150 ngày 8/6/2005 về phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư GPMB công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 đoạn qua trung tâm huyện Văn Chấn (Km 191+353,25 - Km 193+484,75) và Quyết định 504 ngày 16/12/2005 chấp thuận kinh phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 đoạn qua trung tâm huyện Văn Chấn (Km191+353,25 – Km 193+484,75) thuộc Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 đoạn Đèo Khế-Nghĩa Lộ.

Ban quản lý Dự án công trình giao thông (DACTGT) có trách nhiệm thanh toán đền bù GPMB cho các hộ, trong đó có hộ bà Đinh Thị Bình. Cán bộ và thủ quỹ của Ban phối hợp với UBND xã Sơn Thịnh thực hiện chi trả tiền đền bù cho bà Bình tại trụ sở UBND xã Sơn Thịnh. Cụ thể: ngày 18.5.2004, chi trả 10.460.000 đồng, bà Bình trực tiếp ký lĩnh; ngày 16.6.2005 chi trả 32.040.000 đồng, em trai một bà Bình là Đinh Tiến Đăng ký lĩnh; cũng ngày 16.6.2005, chi trả thêm 44.570.000 đồng, ông Đăng ký lĩnh. Như vậy, cán bộ và thủ quỹ Ban quản lý DACTGT đã chi trả 87.070.000 đồng cho hộ bà Đinh Thị Bình, đúng với số tiền đền bù, hỗ trợ tái định cư cho hộ bà Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc thanh toán đền bù, bà Đinh Thị Bình đã khiếu kiện Hội đồng GPMB huyện Văn Chấn, UBND xã Sơn Thịnh, Ban quản lý DACTGT. Nội dung đơn, bà chưa nhận được tiền đền bù còn lại là 76.610.000 đồng và tố cáo cán bộ, thủ quỹ Ban quản lý DACTGT thông đồng với em trai ruột bà là ông Đăng chiếm đoạt số tiền trên.

Làm việc với cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm của Hội đồng GPMB, UBND huyện Văn Chấn và qua xem xét hồ sơ, cho thấy: ông Đăng lĩnh tiền đền bù không có giấy uỷ nhiệm lĩnh tiền của bà Bình (lúc này bà Bình đang nằm viện không trực tiếp lĩnh được) nhưng cán bộ và thủ quỹ Ban quản lý DACTGT vẫn thanh toán. Trong số tiền lĩnh hộ bà Bình là 76.610.000 đồng, ông Đăng đã đưa cho ông Đinh Tiến Thanh là anh trai bà Bình 32.040.000 đồng, đưa cho ông Đinh Văn Vũ là bố đẻ bà Đinh Thị Bình 44.570.000 đồng, vì theo ông Đăng diện tích đất của bà Bình được đền bù thuộc quyền sở hữu của ông Đinh Tiến Thanh (anh trai ruột bà Bình) và Đinh Văn Vũ (bố đẻ bà Bình).

Thực hiện chức năng của mình, UBND huyện Văn Chấn đã cử các đoàn công tác liên ngành, Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định quyền sở hữu đất của các bên liên quan. Tổng hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng và kết luận của UBND huyện Văn Chấn tại cuộc họp giải quyết khiếu nại của ông Đinh Tiến Thanh, Đinh Văn Vũ về sở hữu đất đai do Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Dư chủ trì ngày 9.10.2009 với sự tham gia của lãnh đạo Phòng Công thương, Phòng Tài nguyên-Môi trường, Phòng Tư pháp, Thanh tra Nhà nước, Ban quản lý DACTGT, Văn phòng UBND huyện và Thông báo số 132/TB-UBND ngày 12.10.2009 của UBND huyện Văn Chấn nêu rõ: “Qua ý kiến của các cơ quan hữu quan, UBND xã Sơn Thịnh và ông Hà Đình Nghiêm (nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh) xác định quyền sử dụng đất trong thời điểm kiểm kê, đền bù là của bà Đinh Thị Bình”. 

 Xem xét hồ sơ vụ việc và làm việc với các cơ quan, cán bộ có trách nhiệm liên quan vụ việc, có thể thấy rằng việc bà Bình khiếu kiện là có cơ sở. Trách nhiệm ở đây hoàn toàn thuộc về Ban quản lý DACTGT, cụ thể là cán bộ và thủ quỹ trực tiếp thanh toán tiền đền bù. Trước đó, kết luận của UBND huyện Văn Chấn do Chủ tịch UBND huyện Trương Ngọc Biên ký ngày 10.1.2009 gửi Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã nêu: “Ban quản lý DACTGT là đơn vị thực hiện thanh toán tiền quyết toán đền bù của bà Bình với ngân sách Nhà nước không đúng đối tượng, không đúng quy định của Quyết định số 122/QĐ-UBND ngày 17.5.2005 của UBND tỉnh Yên Bái trong việc thực hiện chế độ thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.

Chưa vội kết luận các cá nhân trực tiếp thực hiện thanh toán tiền đền bù có thông đồng chiếm đoạt số tiền 76.610.000 đồng Nhà nước đền bù như đơn khiếu nại, tố cáo của bà Bình hay không nhưng nếu các cán bộ có trách nhiệm thanh toán tiền đền bù làm đúng quy định của pháp luật thì sự việc đã không xảy ra, gây khiếu kiện kéo dài làm mất thời gian, công sức của nhiều cơ quan chức năng. Ngày 22.9.2009, UBND tỉnh Yên Bái đã có Văn bản số 1801/UBND-NC gửi Giám đốc Sở Giao thông - vận tải yêu cầu kiểm tra, đôn đốc Ban quản DACTGT và cán bộ trực tiếp thanh toán đền bù cho hộ bà Bình phải thanh toán đền bù xong cho bà Bình trước ngày 30.9.2009, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh - liệu đó có thể là văn bản đôn đốc cuối cùng của UBND tỉnh trước một sự việc không đáng có ở một ban quản lý dự án kì cựu với nhiều dự án công trình giao thông lớn thực hiện rất thành công khi mà theo chúng tôi được biết, đến nay (tức đã quá trung tuần tháng 11) yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện theo tinh thần Văn bản của tỉnh đã chỉ đạo?

Nhóm PVKT

Các tin khác
Bản định cư Giàng La Pán, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Tình hình chống tái trồng cây thuốc phiện ở Yên Bái niên vụ gần đây không còn gay gắt. Đơn cử như Trạm Tấu - điểm “nóng” tái trồng cây thuốc phiện của Yên Bái những năm trước đây đã “hạ nhiệt”: niên vụ 2006 - 2007 diện tích cây thuốc phiện tái trồng được phát hiện lên tới 137 ha, tới niên vụ 2008 - 2009 con số này chỉ còn 1,7 ha.

Người phụ nữ Mông này tuổi còn chưa đến 30 đã có 5 đứa con đẻ dày. (Ảnh: Ngọc Sơn)

YBĐT - Xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có 9 thôn bản, 404 hộ với 2.580 khẩu và 100% là đồng bào Mông sinh sống. Nằm gần trung tâm huyện nhưng đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Số hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ cao. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm còn thấp. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến xoá đói giảm nghèo.

Giống cây trồng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cũng như năng suất.

YBĐT - Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền nông nghiệp nói chung, vấn đề cung ứng giống đảm bảo chất lượng, số lượng đang đặt ra cấp thiết.

YBĐT - Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm (TTKNT-MP-TP) đi vào hoạt động từ năm 2003. Chức năng chủ yếu là kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng các loại thuốc có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người được sản xuất, lưu hành tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục