Yên Bái: Phòng chống cháy rừng những tháng cao điểm
- Cập nhật: Thứ hai, 23/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đông xuân 2009-2010, được Ban chỉ huy PCCCR tỉnh Yên Bái triển khai sớm và chỉ đạo khá sát sao. Phương châm chỉ đạo: "phòng là chính, cứu chữa kịp thời", phương án tổ chức thực hiện: "lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ" ban chỉ huy PCCCR các cấp đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu từ trưởng thôn bản tới chủ tịch UBND xã, huyện, thị, thành phố; rà soát và tăng cường quản lý nương rẫy; củng cố, kiện toàn gần 1.500 tổ đội PCCCR ở cơ sở.
Chi cục Kiểm lâm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh có kế hoạch tăng cường lực lượng cho huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải trong những tháng khô hanh; duy trì thường trực của ban chỉ huy các cấp, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện và khẩn trương cứu chữa khi có cháy...
Nhận xét chung, công tác PCCCR đã có những chuyển biến tích cực nhưng chủ yếu ở khâu chỉ đạo, chỉ huy ở cấp trên, ở cấp xã - cấp thực hiện cụ thể và địa bàn có rừng thì còn khá nhiều hạn chế, tồn tại. Việc củng cố các ban chỉ huy PCCCR ở cấp xã còn chậm, do vậy, công tác PCCCR chỉ đạo nhiều nơi chưa tích cực, kịp thời. Lực lượng nòng cốt ở cơ sở rất thiếu, nhất là người dân tộc thiểu số trong khi lực lượng hợp đồng mỏng, không thông thạo tiếng địa phương nên khó khăn trong tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và biện pháp PCCCR cho nhân dân. Việc theo dõi và kiểm tra tình hình phát nương làm rẫy còn chưa cụ thể, kịp thời, có xã thiếu kiểm tra, không nắm bắt được tình hình...
Nguyên nhân chính của những tồn tại trên là công tác kiểm tra của ban chỉ huy PCCCR từ cấp huyện xuống xã, của chủ rừng chưa thường xuyên; không ít ban chỉ huy PCCCR cơ sở chưa có quy chế hoạt động, thành viên chưa bám sát địa bàn; nhiều xã buông lỏng trách nhiệm quản lý đã được quy định tại Quyết định 245 của Thủ tướng Chính phủ; một số chủ rừng còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong PCCCR; lực lượng kiểm lâm mỏng, năng lực, trình độ tham mưu cho chính quyền cơ sở còn hạn chế...
Thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu vụ khô hanh tới nay, trên địa bàn xảy ra 14 vụ cháy rừng, bằng tổng số vụ cháy đông xuân 2008-2009. Mới đây, vụ cháy ở xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải) thiêu rụi trên 1,3 ha rừng trồng 12 năm tuổi của Ban quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải đó là con số và tình hình rất đáng lo ngại khi thời kỳ khô hanh, cao điểm cháy rừng, nhất là ở các huyện vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải bắt đầu.
Cao điểm cháy rừng thường từ tháng 11 năm trước tới tháng 5 năm sau, công tác PCCCR đã bước vào thời kỳ cao điểm, do vậy, việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện PCCCR phải được các cấp, các ngành tập trung cao độ. Đối với Ban chỉ huy PCCCR cấp xã, phải thực hiện tốt phương châm chỉ đạo và phương án của Ban chỉ huy PCCCR tỉnh. Phương án, kế hoạch đề ra phải trên cơ sở địa hình, tài nguyên rừng và tình hình dân cư trên địa bàn; phát huy trách nhiệm, vai trò của các trưởng thôn bản, cụm dân cư, phối hợp với chủ rừng huy động lực lượng tại chỗ và liền kề để cứu chữa.
Với các địa phương, nhất là vùng cao, các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp xác định trọng điểm cháy rừng để tăng cường tổ đội xung kích bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm thực hiện dự báo, cảnh báo cháy rừng theo chỉ số khô hạn và trực PCCCR ở ba cấp. Công an, quân đội, kiểm lâm rà soát kế hoạch, chủ động phối hợp, huy động lực lượng PCCC. Nguyên tắc phân công là, điểm cháy xảy xa ở thôn bản nào thì trưởng thôn bản trực tiếp chỉ đạo và báo cáo chủ tịch UBND xã huy động lực lượng cứu chữa; cháy rừng ở nhiều xã tiếp giáp nhau trong huyện, ngoài trách nhiệm của UBND các xã, chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ huy huy động mọi nguồn lực, phương tiện của các địa phương lân cận, cơ quan trong huyện cứu chữa; cháy rừng ở nhiều nơi tiếp giáp giữa các huyện thì chủ tịch UBND các huyện phải phối hợp chỉ huy lực lượng, phương tiện tại chỗ để cứu chữa và báo cáo về trưởng ban chỉ huy PCCCR của tỉnh.
Một vấn đề đáng lưu tâm, thống kê số vụ cháy rừng ở Yên Bái trong 10 năm qua cho thấy, rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh do các lâm trường (nay là công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ) quản lý. Do vậy, các chủ rừng phải có kế hoạch, đầu tư kinh phí, lực lượng thoả đáng cho PCCCR, có phương án huy động lực lượng cứu chữa kịp thời để bảo vệ tài sản của chính mình và tham gia tích cực vào công tác PCCCR.
T.A
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, Báo Yên Bái nhận được đơn của bà Đinh Thị Bình ở xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) phản ánh Ban quản lý Dự án công trình giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) chưa đền bù cho bà số tiền 76.610.000 đồng thu hồi đất và đền bù tài sản trên đất khi Nhà nước thực hiện công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 (đoạn qua xã Sơn Thịnh – trung tâm huyện Văn Chấn). Vụ khiếu kiện kéo dài từ năm 2008 tới nay, liên quan tới Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND và các cơ quan chức năng của huyện Văn Chấn, Ban quản lý Dự án công trình giao thông...
YBĐT - Tình hình chống tái trồng cây thuốc phiện ở Yên Bái niên vụ gần đây không còn gay gắt. Đơn cử như Trạm Tấu - điểm “nóng” tái trồng cây thuốc phiện của Yên Bái những năm trước đây đã “hạ nhiệt”: niên vụ 2006 - 2007 diện tích cây thuốc phiện tái trồng được phát hiện lên tới 137 ha, tới niên vụ 2008 - 2009 con số này chỉ còn 1,7 ha.
YBĐT - Xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có 9 thôn bản, 404 hộ với 2.580 khẩu và 100% là đồng bào Mông sinh sống. Nằm gần trung tâm huyện nhưng đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Số hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ cao. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm còn thấp. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến xoá đói giảm nghèo.
YBĐT - Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền nông nghiệp nói chung, vấn đề cung ứng giống đảm bảo chất lượng, số lượng đang đặt ra cấp thiết.