Nâng cao năng lực tự cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
- Cập nhật: Thứ hai, 30/8/2010 | 10:03:16 AM
YBĐT - Hàng năm, cứ vào mùa mưa bão, cùng với các tỉnh miền núi phía bắc ở Yên Bái thường xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... Mức độ thiên tai và thiệt hại gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Điển hình mới đây, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại xã Lang Thíp, huyện Văn Yên đã làm 2 em bé bị thiệt mạng, nhiều công trình giao thông, trâu bò, hoa màu của nhân dân bị thiệt hại. Vụ sập đất chiều ngày 22/8 tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải đã cướp đi sinh mạng của 7 người dân bản Thào Chua Chải cùng nhiều diện tích canh tác.
Và mới đây nhất, 2 cháu bé bị lũ cuốn trôi tại xã Hồng Ca (Trấn Yên) cùng 1 người tử vong do sập taluy tại thành phố Yên Bái. Từ đầu năm tới nay mới xảy ra ba cơn bão, tuy chưa ảnh hưởng lớn đến các địa phương trong tỉnh, nhưng với những diễn biến bất ngờ của thời tiết, đặc biệt lũ quét, sạt lở đất khó dự báo chính xác như hiện nay thì chúng ta không được một phút lơ là chủ quan.
Trong những năm qua, trước mùa mưa bão các địa phương thường chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế địa phương. Nhận thức của nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác diễn tập phòng chống lụt bão được triển khai tích cực và đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lũ quét, sạt lở đất rất khó dự báo chính xác, xảy ra ở cả những điểm được coi là an toàn, không nằm trong vùng được cảnh báo.
Cùng với đó, ở khu vực thường xảy ra lũ quét, lực lượng cứu hộ thôn bản, còn yếu. Không ít người dân còn chủ quan vẫn sinh sống ở chân núi, vách taluy, ven sông suối nên rất dễ gặp nguy hiểm khi có mưa lớn.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 5.950 hộ dân đang sinh sống ở vùng thiên tai nguy hiểm cần phải di chuyển, nhưng chúng ta mới di dời được 1.100 hộ.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra trong đó có lũ quét, sạt lở đất, chúng ta cần tăng cường kiểm tra các phương án phòng, chống, các phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, quy hoạch dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống lũ quét, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là nâng cao năng lực tự cảnh báo của người dân với lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các xã có nhiều khe suối, nhân dân đi làm nương, làm lán trại.
Đối với các xã vùng trọng điểm nguy cơ cao cần thực hiện tốt công tác quy hoạch và sắp xếp dân cư; kiểm tra tiến độ xây dựng và di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm; thống kê, cập nhật thường xuyên những địa bàn dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, sạt lở đất. Khi thời tiết có mưa to cần kêu gọi các hộ dân làm nương và các hộ chưa kịp di dời khỏi khu vực nguy hiểm phải sơ tán ngay.
Đặc biệt, quan tâm các cụ già, quản lý trẻ em nhỏ. Về lâu dài, cần có mô hình trông giữ trẻ tập trung. Cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cộng đồng dân cư để mọi người nêu cao cảnh giác, chủ động ý thức phòng chống thiên tai.
Các lực lượng phòng chống bão lụt thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", duy trì chế độ trực ban 24/24h khi có mưa to gió lớn. Các hộ dân chủ động phòng tránh khu vực nguy hiểm. Đó là những việc làm cấp thiết trong mùa bão lũ.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Ở Yên Bái, đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, những vi phạm về môi trường cũng diễn biến phức tạp. Nổi cộm là vi phạm về xử lý chất thải xảy ra trong sản xuất công nghiệp, làm vật liệu xây dựng, sản xuất giấy đế và chế biến tinh bột sắn; tài nguyên rừng, nguồn lợi thuỷ sản diễn ra nhiều và có yếu tố phức tạp.
YBĐT - Nhiều nhà máy chế biến chè thiếu nguyên liệu trầm trọng, sản lượng chè khô chế biến có nơi chỉ bằng 30% cùng kỳ niên vụ trước.
YBĐT - Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang khá phổ biến ở các trường học trong cả nước, nhất là bậc học THCS và THPT. Bạo lực học đường đang là vấn nạn khiến các nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và cả xã hội lo lắng, nhưng chúng ta vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
YBĐT - Có thể nói, chợ Ngã Ba Kim đã trở thành trung tâm mua bán của đồng bào các dân tộc ở xã Púng Luông, La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Dế Xu Phình và nhiều địa phương trong và ngoài huyện Mù Cang Chải. Đây còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Mông.