Đối thoại trong doanh nghiệp
- Cập nhật: Thứ tư, 22/5/2013 | 3:08:24 PM
YBĐT - Đối thoại trong doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, bất đồng về lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động, được các chủ sử dụng lao động (gọi tắt là chủ doanh nghiệp) sử dụng như là giải pháp tích cực, hiệu quả tạo sự thống nhất, ổn định về quan hệ lao động để phát triển doanh nghiệp.
Đối thoại thường diễn ra khi bức xúc, bất đồng lợi ích nảy sinh đòi hỏi được giải quyết, và thực tế những bức xúc, bất đồng nảy sinh ngày một nhiều khi tính chất quan hệ lao động, về lợi ích thay đổi khi nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang vận hành theo cơ chế thị trường. Phía chủ doanh nghiệp, một bộ phận do nhiều nguyên nhân mà chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, chưa quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, coi trọng quyền lợi của doanh nghiệp hơn người lao động, dẫn đến mâu thuẫn lợi ích.
Về phía người lao động, số đông là do nhận thức, hiểu biết chính sách, pháp luật lao động hạn chế dẫn đến thiếu ý thức chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm các quy định của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả, chất lượng, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Tình hình trên dẫn đến quan hệ lao động trong doanh nghiệp chưa bảo đảm hài hòa, ổn định; vi phạm các quy định pháp luật về lao động, bất đồng về lợi ích trong nội bộ doanh nghiệp có lúc, có nơi phức tạp, thậm chí nghiêm trọng, gây thiệt hại cho người lao động, cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tăng cường đối thoại là một trong những nội dung mà tổ chức công đoàn đề ra trong Tháng Công nhân năm 2013 nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là để đối thoại thực sự phát huy tác dụng, doanh nghiệp và người lao động - mà đại diện là tổ chức công đoàn phải xây dựng được cơ chế đối thoại giữa người lao động với các bên liên quan.
Trong đối thoại, tiếng nói đúng của người lao động phải được tôn trọng, tiếp thu; ý kiến chưa đúng cần được phân tích, giải thích trên cơ sở pháp luật và điều lệ, quy định, quy chế doanh nghiệp để người lao động hiểu rõ, đầy đủ. Thẳng thắn nhận xét rằng, bên cạnh nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm, giải quyết hài hòa "ba lợi ích", cũng còn không ít chủ doanh nghiệp, do xuất phát từ nhận thức, trình độ nên coi trọng lợi ích doanh nghiệp hơn lợi ích người lao động và Nhà nước.
Do vậy, khi đối thoại, tổ chức công đoàn với vai trò, vị trí, chức năng của mình phải giữ được nhịp và "nhiệt", đứng về phía người lao động với cơ sở pháp lý mà thuyết phục, tạo sự thống nhất chung về phương pháp, biện pháp giải quyết những bức xúc, bất đồng giữa chủ doanh nghiệp với người lao động để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, của doanh nghiệp, đồng thời tạo sự hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Đối thoại rất cần thiết nhưng chỉ thực sự phát huy tác dụng khi người lao động trong doanh nghiệp có tổ chức đại diện là công đoàn và công đoàn nơi đó thực sự là tổ chức đại diện của người lao động trong doanh nghiệp. Do vậy, để đối thoại thật sự là giải pháp hiệu quả xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, nhất thiết phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp như Chỉ thị số 22 ngày 5/8/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết 20/NQ-TW (khóa X) đã đề ra.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Để góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Yên Bái đã đặc biệt coi trọng việc nâng cao trình độ nhận thức cho người dân, đưa các tiến bộ KHKT mới áp dụng vào sản xuất.
YBĐT - Từ 1/5/2013, Bộ luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi) sẽ được đưa vào áp dụng thực hiện, thay thế cho bộ luật hiện hành. Bộ luật mới đã giải quyết được một số vấn đề còn tồn đọng trong bộ luật cũ và mang tính nhân bản hơn.
YBĐT - Chúng ta đều biết, vụ lúa xuân chiếm vị trí quan trọng nhất trong tăng tổng sản lượng lương thực hàng năm bởi đây là vụ lúa có diện tích, năng suất và sản lượng thóc lớn hơn vụ mùa, là yếu tố quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho hàng vạn nông hộ.
YBĐT - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp, song tình hình bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, đặc biệt ở các huyện: Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải.