Ngô đồi mở hướng thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/9/2013 | 2:45:52 PM

YBĐT - Không còn lạ lẫm với người dân Mù Cang Chải (Yên Bái), hiện cây ngô đã được trồng ở tất các địa phương trong huyện. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, kể từ khi có nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô đã thực sự mở ra cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho người dân nơi đây.

Người dân xã Khao Mang chăm sóc ngô trên diện tích lúa nương chuyển đổi.
Người dân xã Khao Mang chăm sóc ngô trên diện tích lúa nương chuyển đổi.

Chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải về việc chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi nhằm tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được cụ thể hóa bằng chương trình chuyển đổi diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Từ đó cũng làm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân 5% mỗi năm. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch về việc chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng của từng địa phương, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu diện tích cụ thể cho từng xã thực hiện. Vụ ngô xuân hè năm 2012 - vụ đầu tiên, huyện chỉ đạo chuyển đổi được 440ha diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô.

Ông Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mặc dù diện tích đất nông nghiệp tương đối nhiều song do địa hình dốc, việc canh tác rất khó khăn, chủ yếu là sản xuất một vụ, bởi vậy bài toán an ninh lương thực luôn là nỗi trăn trở của huyện trong nhiều năm qua. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, đẩy mạnh phong trào sản xuất hai vụ, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón cho bà con, bước đầu thực hiện trên những diện tích chân ruộng thấp, vùng đồi thấp và một phần diện tích trên đồi cao. Bên cạnh đó là hỗ trợ 100% giống ngô NK54 cho diện tích chuyển đổi từ lúa nương sang; hỗ trợ giống ngô nếp, ngô tẻ như AG59, CP3Q, NK66, NK54 cho bà con canh tác trên diện tích nương đồi vườn. Vụ ngô xuân hè năm 2012, năng suất ngô của toàn huyện đã đạt tương đối cao, 45 tạ/ha”.

Phong trào chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô đã phát triển rộng khắp tới tất cả các xã, thị trấn trong toàn huyện. Với Khao Mang, mặc dù diện tích đất dốc song xã cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi toàn bộ những diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô.

Ông Lê Ngọc Minh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Khi nhận chủ trương của huyện về chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô, xã cũng rất phân vân bởi địa hình chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn nên việc canh tác khó khăn. Hơn nữa sẽ rất khó khăn trong việc thay đổi tập quán canh tác của người dân. Quyết làm, năm đầu tiên, xã đã chuyển đổi thành công 50,3ha diện tích lúa nương sang trồng ngô, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ đói đứt bữa lúc giáp hạt. Vụ ngô xuân hè năm 2013 này, xã đã chuyển đổi tiếp 40ha diện tích lúa nương sang trồng ngô, nâng tổng diện tích chuyển đổi lúa nương sang ngô đồi được gần 100ha”.

Nằm trong cụm quy hoạch thị tứ, tuy nhiên, theo báo cáo của UBND xã Nậm Khắt, đến nay, địa phương vẫn còn trên 80% số hộ nghèo. Lý giải về vấn đề này, đồng chí Lý A Sử - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Do địa hình của xã nhiều đồi đá, dốc cao nên việc canh tác rất khó khăn. Khu trung tâm xã mặc dù bằng phẳng song cũng chỉ có hơn 60ha lúa gieo cấy được một vụ. Dù diện tích đất canh tác của xã tính ra thì lớn nhưng chủ yếu là đất đồi núi, độ dốc lớn và chủ yếu là sản xuất một vụ”.

Với gần 8.000 nhân khẩu, trên 80% số hộ nghèo trông chờ vào 350ha lúa nước sản xuất một vụ quả là một vấn đề nan giải về an ninh lương thực. Chính bởi vậy mà số hộ đói giáp hạt hàng năm đều trên 130 hộ. Khi có chủ trương của huyện về chuyển đổi diện tích lúa kém năng suất sang trồng ngô, không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ xã cũng thấy phân vân. Thế nhưng sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, đả thông tư tưởng người dân, trên 144ha lúa nương đầu tiên đã được chuyển đổi thành công sang trồng ngô, qua thu hoạch cho năng suất đạt 45 tạ/ha.

Thấy hiệu quả chắc ăn nên vụ ngô xuân hè năm 2013, xã đã mạnh dạn chỉ đạo nhân dân chuyển đổi nốt 5,5ha diện tích lúa nương sang trồng ngô vụ xuân hè, giải quyết dứt điểm không còn diện tích lúa nương, nâng tổng số diện tích ngô xuân hè toàn xã lên 150ha, tập trung nhiều nhất ở các bản: Nậm Khắt 47,6ha, Làng Sang 21ha, Pú Cang 17,6ha.

 

Năng suất ngô đồi của huyện Mù Cang Chải đạt bình quân 45 tạ/ha.

Là hộ tiêu biểu trong chuyển đổi diện tích lúa nương kém năng suất sang trồng ngô, ông Thào Su Sàng ở bản Nậm Khắt cho biết: “Khi cán bộ xã đến vận động, gia đình cũng không tin tưởng lắm. Mặc dù tổng diện tích của gia đình có tới gần 7ha song đất canh tác chỉ có hơn 3ha. Địa hình dốc, trước đây, gia đình chủ yếu trồng lúa nương, chỉ có vài trăm mét vuông sản xuất lúa nước nhưng cũng chỉ được một vụ, với 7 nhân khẩu nên năm nào cũng phải nhận trợ cấp gạo cứu đói. Vậy mà năm đầu tiên chuyển đổi những diện tích lúa nương sang trồng ngô, tập trung làm hai vụ nên vụ này, gia đình đã giải quyết dứt điểm tình trạng đói giáp hạt. Với hơn 3ha ngô đồi, vụ đầu tiên, gia đình thu về gần 15 tấn ngô, đem bán thu về gần 100 triệu đồng. Số tiền này, gia đình tôi không bao giờ dám nghĩ đến”.

Vụ ngô xuân hè năm nay, dự kiến gia đình ông sẽ thu về khoảng 20 tấn ngô. Gia đình ông Giàng Là Chơ ở bản Nậm Khắt cũng vậy. Khi được cán bộ xã tuyên truyền, chưa tin tưởng lắm nên gia đình chỉ dám chuyển đổi hơn 2ha diện tích lúa nương sang trồng ngô. Vụ ngô xuân hè năm 2012, gia đình ông thu về gần 10 tấn ngô. Thấy hiệu quả rõ rệt nên vụ ngô xuân hè năm nay, ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 4ha diện tích lúa nương kém năng suất sang canh tác ngô đồi. Dự tính với năng suất 45 tạ/ha, gia đình thu về gần 20 tấn ngô và với giá bán khoảng 7.000 đồng/kg, ước thu khoảng 140 triệu đồng. Thành công bước đầu này là tiền đề vững chắc để huyện Mù Cang Chải tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa nương sang canh tác ngô đồi, tiến tới mục tiêu ổn định an ninh lương thực trên địa bàn. 

Vụ ngô xuân hè 2013 là năm thứ hai thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích lúa nương sang trồng ngô, huyện Mù Cang Chải tiếp tục chỉ đạo nhân dân chuyển đổi thêm 263ha, nâng tổng diện tích ngô chuyển đổi lên 703ha. Hiện tại, toàn huyện đã giảm dần diện tích lúa nương xuống còn 500ha. Chuyển đổi diện tích lúa nương sang ngô đồi góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt toàn huyện năm 2012 lên 25.400 tấn, tăng 1.000 tấn so với năm 2011. Theo tính toán, hiệu quả kinh tế của cây ngô cao gấp bốn lần lúa nương.

Cũng theo ông Lê Trọng thì mục tiêu của huyện trong một vài năm nữa sẽ cơ bản xóa hết diện tích lúa nương kém năng suất và chuyển sang trồng ngô, hướng đến phát triển ngô hàng hóa để tăng thu nhập cho nhân dân; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 xuống còn 50%, tạo động lực thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Huy Thanh

Các tin khác
Cán bộ dân số xã An Bình (Văn Yên) tuyên truyền chính sách dân số đến phụ nữ các thôn, bản vùng sâu đặc biệt khó khăn của xã.
(Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Mặc dù cán bộ y tế thôn bản thường xuyên tuyên truyền vận động nhưng chị em mang thai vẫn ít người đi khám ở trạm y tế hoặc không đi khám thai định kỳ. Nhiều trường hợp có thai 3 - 4 tháng không biết, khi đến tháng 6-7 mới biết và chỉ khi lao động nặng bị động thai đau bụng vài ngày mới xuống trạm y tế, còn những trường hợp có thai 1-2 tháng mà bị sảy thai thì người ta cũng cứ tưởng như bình thường...

Thầy và trò điểm trường Suối Giao vệ sinh khu vực lớp học chuẩn bị cho năm học mới.

YBĐT - Vượt qua con đường ngoằn nghèo đất đỏ với hơn một giờ đồng hồ vật lộn lúc đủn, lúc đẩy chúng tôi cũng đến được điểm trường thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ cận nghèo đã đầu tư phát triển lâm nghiệp ổn định cuộc sống.

YBĐT - Giúp các hộ cận nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững, ngày 16/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2003/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo.

Cán bộ thú y thành phố Yên Bái thường xuyên kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở các chợ trên địa bàn.

YBĐT - Những nơi như chuồng trâu, chuồng bò, họ không ngần ngại có mặt. Ở chỗ này có con lợn chết, chỗ kia con gà mắc dịch, họ đều đến kịp thời để "bắt bệnh". Họ là những thú y viên cơ sở tận tâm với nghề dù chỉ sống bằng những đồng phụ cấp ít ỏi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục