Đi dọc bờ sông
- Cập nhật: Thứ bảy, 1/2/2014 | 8:51:52 AM
YBĐT- Trước đây, tôi vẫn đến vùng đất này từ phía Hợp Minh. Xe xuôi dốc Bò Đái rồi cứ theo dọc bờ sông mà đi chẳng bao lâu là đến được những nơi cần đến. Khi ấy, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc còn thuộc huyện Trấn Yên, bây giờ đã trở thành vùng ngoại ô của thành phố Yên Bái. Làng có xu hướng trở thành phố xá. Mấy năm nhập vào thành phố, xu hướng ấy phát triển nhanh hơn.
Ảnh: hoàng đô
|
Lần này, tôi đến vùng đất ven sông không phải từ phía Hợp Minh mà là từ đất Phúc Lộc. Qua cầu Văn Phú, cứ dọc theo bờ sông đi lên là đến Giới Phiên. Đi theo ngả đường này không chỉ để tránh cái dốc Bò Đái thật khó chịu mà còn được chiêm ngưỡng một vùng đất nay mai sẽ là nửa phần thành phố bên sông.
Sáng nay, gió từ sông vẫn thổi đem theo cái mùi hăng hăng nồng nồng từ những lò ép miến. Miến trắng trời từ đất Phúc Lộc trắng lên. Người ta bảo, gốc gác của nghề làm miến là ở Giới Phiên nhưng bây giờ, nghề làm miến đã tràn xuống cả vùng đất bên sông. Miến được làm quanh năm nhưng mùa này, người ta làm nhiều hơn cả vì chẳng còn bao lâu nữa là Tết. Mâm cỗ tết, nhà nào chả có bát canh măng khô nấu miến hoặc đĩa nem rán Sài Gòn cốt lõi cũng là thịt, miến, nấm hương, mộc nhĩ. Miến phơi trên những cái phên thưa, cái nào cũng cong cong lưng tôm thẳng hàng tăm tắp trên những chiếc giàn bắc bằng tre ở ngay trong sân, trên đường ngõ và tràn cả xuống những thửa ruộng vừa qua mùa gặt.
Thế rồi không biết có phải vì những giàn miến trắng trời kia không đã khiến tôi phải đến bằng được Giới Phiên? Cuối tháng 9 năm ngoái, Làng Đong xưa, nay số hóa gọi là thôn 6 được công nhận là làng nghề - làng nghề đầu tiên của thành phố và cũng là làng nghề đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Nay mới được chính thức hóa làng nghề nhưng thực ra, miến Giới Phiên đã có mặt ở biết bao gia đình, đã hiện diện trên mâm cỗ ngày giỗ, ngày tết từ mấy chục năm nay. Có điều là miến Giới Phiên phải nỗ lực cao hơn để có được một thương hiệu, nhãn hiệu đủ sức để vươn ra cạnh tranh, chiếm lấy thị phần xứng đáng. Làng Đong là thủ phủ của vùng miến Giới Phiên. Làng có 85 hộ gia đình thì có tới 82 hộ làm miến.
Tôi thâm nhập vào vùng miến này để được khám phá những điều mà mình chưa biết. Người ta bảo, cụ Kỳ là người đầu tiên của xã đi ra thiên hạ học nghề rồi về truyền lại cho con cháu, cho dân làng. Có người bảo, nghề làm miến xem ra cũng đơn giản, chả có bí quyết gì ghê gớm. Nói thế nhưng cũng lại chẳng phải như thế. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” - đã làm nghề là phải tinh xảo, có tâm, có đức. Sợi miến là của ngọc thực, cái thứ cho vào miệng, không tinh, không sạch - ai dám ăn. Ngày xưa nói thế nhưng bây giờ đưa thành câu chữ chặt chẽ gọi là phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Quả nhiên, vào Làng Đong mới thấy người ta có ý thức giữ nghề là phải làm tinh, làm sạch ngay từ đầu, từ khâu xát củ đao thành bột đến khâu khuấy, ép phơi. Tất cả đều phải sạch, phải tinh. Có lẽ sợi miến Giới Phiên, Phúc Lộc... được người ta tin dùng là từ chỗ này đây.
Làng Ngòi Đong là thủy tổ của nghề miến nhưng bây giờ, cả 6 làng trong xã đều biết làm miến. Có người đưa ra con số thống kê: toàn xã có 408 hộ gia đình thì có tới 220 hộ làm miến và nếu gọi là biết làm miến thì con số ấy còn đông hơn. Tôi đến gia đình anh bạn là Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nghỉ hưu để thăm anh cũng là để xem anh làm miến. Vợ chồng anh, người con trai và mấy cháu nhỏ đang xoay trần ra quấy bột, ép miến. Bột trong như thạch từ cái nồi nhôm to tựa chiếc nồi quân dụng đổ vào khuôn, hơi nóng bốc ra mù mịt một góc sân. Công việc gấp gáp, phải nhanh, không được để cho bột nguội. Những sợi miến trắng trong bốc hơi nghi ngút cứ chảy ra đều đều từ cái máy ép lên trên những tấm phên. Tất cả phải nhịp nhàng như một dây chuyền đã được lập trình sẵn. Không nhịp nhàng, sợi miến có thể đùn to như cái đầu đũa, cũng có thể nhỏ quá hoặc đứt quãng trên tấm phên.
Khi còn ở cơ quan, ai cũng quí mến anh vì anh là người đức độ, biết cư xử với mọi người và rất trách nhiệm trong công việc. Đến Giới Phiên, tôi không thể không đến thăm anh. Nhìn thấy tôi đến nhà, anh chỉ gật đầu, không nói năng gì cả. Tôi đáp lại anh cũng bằng cái gật đầu vì biết rằng, mẻ bột đang đổ vào khuôn, công việc lúc ấy khẩn trương đến mức nào. Ép xong mẻ bột, anh lấy tay áo gạt mồ hôi trên trán và lúc này anh mới cười, vẫn nét cười thân tình, đôn hậu như xưa. Anh kéo tôi vào nhà uống nước. Anh bảo:
- Cái nghề này nó vất vả thế đấy! Mỗi mẻ hai mươi cân bột. Đang làm thì không thể ngừng tay. Ngừng tay, bột nguội, đóng bánh lại không ép nổi, hỏng hết. Mệt lắm!
Anh lại nở nụ cười chân chất ngày nào:
- Mệt nhưng mà hay ra phết! Có việc làm quanh năm. Có việc làm là có thu nhập.
Tôi biết chắc, một cân bột làm ra 7 - 8 lạng miến. Mỗi ngày làm vài chục cân bột, đúng là có làm có thu nhập. Chả thế mà cả xã làm miến, các xã dọc bờ sông đều biết làm miến. Mỗi năm, có 400 tấn đến 500 tấn miến từ vùng đất này đưa ra thị trường.
Ai cũng phải công nhận, làm miến rất vất vả, từ khi trồng cây đao xuống đất đến khi thu hoạch rồi xay xát, lắng lọc bột, công phu lắm mới ra được một cân bột. Cây đao có thời vụ của nó. Khi thu là cả làng, cả xã cùng thu hoạch, cùng xay xát. Máy xát bột chạy rầm rầm suốt đêm. Làm ít, chưa có vấn đề gì nhưng đến khi cả xã cùng làm thì việc xử lý chất thải được đặt ra gay gắt. Bài toán xử lý chất thải, đưa máy móc vào làm miến thay cho cách làm thủ công bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho miến Giới Phiên đã nhiều lần được đặt lên bàn hội nghị của Đảng bộ, chính quyền để tìm ra lời giải.
Những năm “gạo châu, củi quế”, 12ha soi bãi phải ép vào trồng lúa để giải quyết khâu lương thực mặc dù ai cũng biết, trồng lúa ở đấy năng suất chẳng được là bao. Mãi sau này, đất soi bãi mới được chuyển sang trồng đao riềng, giải quyết nguyên liệu cho nghề làm miến. Tôi biết, vùng đao dọc bờ sông chính là nhân tố để hình thành và phát triển nghề miến ở Giới Phiên. Thế nhưng cái ngày anh Vũ Đình Chúc còn làm Bí thư Đảng ủy lại nói một câu làm tôi giật mình:
- Mình đang muốn phá bỏ toàn bộ diện tích trồng đao riềng hiện nay.
Tôi hỏi lại ngay:
- Sao anh muốn bỏ cái nghề này?
- Không, bỏ làm sao được, cái nghề làm miến là nghề truyền thống. Dân mình sống được một phần là ở cái nghề ấy. Quý lắm!
Anh Chúc giải thích, toàn bộ sản lượng bột của 12ha đao ven sông chỉ đủ cung cấp chưa được một phần mười nguyên liệu cho nghề miến. Trong khi đó, ở nhiều vùng trong tỉnh, họ chỉ biết làm bột rồi bán bột đi mà không làm miến. Mình mua bột của họ về làm, như thế cũng là giúp họ giải quyết đầu ra cho khâu trồng đao, làm bột, còn mình lại phát huy được cái nghề vốn có của mình.
- 12ha soi bãi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, thế là vừa giữ được nghề cũ vừa có thêm nghề mới, có phải không?
Không biết những suy nghĩ ấy của anh đã được thực hiện ra sao nhưng phải nói đấy là cách tư duy mới, cách nhìn nhận mới. Phải chăng những tư duy sáng tạo và đầy năng động của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và người dân ở đây đã làm cho Giới Phiên trở thành vùng đất nổi tiếng từ lâu?
Nhớ những đêm chớp bể, mưa nguồn, bên bờ sông Giới Phiên, người người đuốc sáng như sao sa, đón cơn lũ tiểu mãn đổ về. Người chậu, người thùng, người vợt, chầu chực suốt đêm để vớt cá bột. Cá bột ương thành cá hương, từ cá hương ương thành cá giống để nuôi trong ao, trong hồ. Khát khao có được con cá giống để phát huy tiềm năng ao, hồ của người dân đã đưa các đồng chí lãnh đạo đi đến một quyết định táo bạo: thành lập trại ương, nuôi cá giống. Trại cá Giới Phiên trở nên nổi tiếng và là nơi tìm đến của những người nuôi cá khắp một vùng rộng lớn.
Chuyện cho cá đẻ nhân tạo đã trở thành quá vãng, Giới Phiên lại đang nổi lên bởi nghề trồng nấm. Những lán trại và cả trong vườn, trong sân của nhiều gia đình có hàng trăm nghìn bịch nấm treo lơ lửng thành từng dây, từng chuỗi dưới mái che mưa nắng. Người ta cũng kể lại, một ông kỹ sư có khi tuổi đã ngoài 80 ở một công ty đã lấy dự án trồng nấm của Giới Phiên làm niềm đam mê và cống hiến. Ông chế tạo ra máy sấy, máy đóng bịch rồi cả cung cấp giống, tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm cho dân. Nơi đây không chỉ thành công với mộc nhĩ, nấm thực phẩm mà còn thành công trong trồng nấm linh chi - một loại dược liệu quý hiếm.
Giới Phiên nổi tiếng về nghề làm miến. Giới Phiên cũng đã một thời nổi tiếng bởi trại ương nuôi cá giống. Giới Phiên lại đang trở nên nổi tiếng với nghề trồng nấm. Ông Phạm Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã nói rằng, ông đang nỗ lực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương chuyển mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng chuyên canh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Vui cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh, có phương hướng, mục tiêu nhưng cũng phải có giải pháp đồng bộ, trong đó quyết định nhất là giải pháp về con người thì mục tiêu, phương hướng mới trở thành hiện thực.
Giới Phiên - nơi chính giữa của nửa thành phố bên sông, nhà cửa mọc lên san sát. Thành phố đang hiện hình trong bóng dáng làng quê...
Hải Đường
Các tin khác
YBĐT - Nghe câu hát tha thiết đầy ma lực: Đêm Mường Lò, trăng lên dần, trống chiêng bập bùng. Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em… Đừng để em cô đơn một mình… nửa như mời gọi, nửa như thách đố ấy khiến người ta khó lòng cưỡng lại để rồi như say như thực, ngả nghiêng, chếnh choáng tan biến vào vòng xòe mà những bàn tay đan nhau nối rộng tưởng chừng như bất tận...
YBĐT - Miên man trong câu ca mời gọi, tôi tìm về Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây thơ mộng nổi tiếng đẹp của tỉnh Yên Bái. Nghĩa Lộ nằm lọt thỏm giữa lòng chảo của cánh đồng Mường Lò bao la, tựa hồ chiếc chảo khổng lồ thần bí mà sắc màu biến chuyển luân hồi theo nhịp thời gian và tiết mùa xuân-hạ-thu-đông...
YBĐT - Dòng suối Thia đã gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng lòng chảo Mường Lò Yên Bái từ thuở khai sơn lập địa. Nó vốn mang trong mình một bí mật truyền đời ẩn chứa những điều huyền bí về một tình yêu bất tử...
YBĐT - Một mùa xuân mới lại về - xuân Giáp Ngọ. Trước tết Nguyên đán, dù chẳng còn trẻ thơ tôi vẫn bồi hồi, nôn nao. Những ngày còn công tác, vào dịp này tôi thường phát tiết ý tưởng mới cho bài viết. Bây giờ dù về nghỉ ngơi, xuân đến gần, tâm trạng ấy vẫn òa về trong tôi.