Điện sáng bản làng

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/1/2014 | 8:44:59 AM

YBĐT - Một mùa xuân mới lại về - xuân Giáp Ngọ. Trước tết Nguyên đán, dù chẳng còn trẻ thơ tôi vẫn bồi hồi, nôn nao. Những ngày còn công tác, vào dịp này tôi thường phát tiết ý tưởng mới cho bài viết. Bây giờ dù về nghỉ ngơi, xuân đến gần, tâm trạng ấy vẫn òa về trong tôi.

Thị trấn Trạm Tấu mới được đầu tư xây dựng trạm biến áp 180kva - 3,5 - 0,4kv phục vụ đồng bào vùng cao.
Thị trấn Trạm Tấu mới được đầu tư xây dựng trạm biến áp 180kva - 3,5 - 0,4kv phục vụ đồng bào vùng cao.

Cuối tháng 9/2013, đọc báo Yên Bái, biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư khen Đảng bộ xã Trạm Tấu, tôi đã có ý định viết bài mừng Đảng, mừng xuân về nơi này.

Trạm Tấu vốn là vùng đất khó khăn, núi rừng trùng điệp tôi đã từng đến, từng trăn trở, qua năm tháng đổi mới đã bứt phá vươn lên. Một ngày, con anh bạn đến thăm, qua câu chuyện, ý tứ nội dung bài viết cứ hiện dần trong tôi. Cháu kể về những con đường chưa hề thấy như mơ về bản. Ôi, những con đường dốc gập ghềnh, nhỏ hẹp bị cỏ lấn át ngày nào tôi vừa leo vừa gạt lá rừng, nay đã mở rộng, đã trải bê tông. Trước đây, từ trụ sở xã Bản Công muốn lên bản Kháu Chu, dù trời nắng ráo vẫn phải mất hai giờ đi bộ. Nay, cả 5/5 bản của xã đã có đường cho xe máy vù vù. Xã Xà Hồ, cả 9 bản đều có, xã Làng Nhì, xa xôi nhất huyện cũng đã có đường bê tông về bản. Cháu còn kể tiếp, đường điện lưới quốc gia đã về với núi rừng Trạm Tấu.

Người dân địa phương đã có ti vi, tủ lạnh, máy xay xát…Tôi biết, điều cháu kể chưa thể là ở tất cả mọi nhà, nhưng với từng xã có được cũng là sự đổi đời ghê gớm. Có điện tới nhà, các cụ già không còn phải bắt con đưa đi đường xa nửa ngày đường để xem điện ở phố huyện như tôi đã thấy. Không phải xem điện một lần mà điện ở lại trong nhà cùng năm tháng. "Bây giờ, người Trạm Tấu không còn phải dùng đóm thông, mỗi nhà đã có mấy bóng điện sáng choang. Trẻ con ngồi học bài dưới ánh điện. Các chị, các mẹ dùng máy khâu chạy điện. Ủy ban nhân dân xã còn có máy vi tính, máy in văn bản”. Nghe kể, tôi nhớ ngày nào trên Trạm Tấu công tác, cơ quan huyện còn phải đem văn bản xuống Nghĩa Lộ nhờ đánh, nhờ in…

Đầu xuân 1986, tôi vừa đi công tác biên giới về, anh Lục Bỉnh Ngọc, Giám đốc Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn cho gọi gấp. Gặp tôi, anh nói luôn: "Mới đi về, viết được gì cứ đưa cho biên tập ở nhà làm chương trình, còn tài liệu gì cứ để đấy viết sau, về chuẩn bị mai sớm đi công tác với tôi”. Hóa ra, đợt ấy, bên Sở Thủy lợi tổ chức khánh thành ba trạm thủy điện liền. Đó là trạm Minh Xuân (Lục Yên) công suất 100kw, trạm Viễn Sơn (Văn Yên) 20kw, và trạm Nậm Tung (Trạm Tấu) 70kw. Giám đốc đài vốn người Lào Cai, lạ lẫm với vùng đất phía nam của tỉnh. Nhân dịp này, anh vừa đi dự khánh thành, vừa để biết vùng đất mới và chọn tôi đi cùng.

Vốn là phóng viên, chân chạy, nay đi công tác bằng xe cơ quan, nghĩ đến đoạn đường từ Nghĩa Lộ lên Trạm Tấu tôi vẫn ngại. Con đường này được khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày còn tỉnh Nghĩa Lộ. Đó là con đường đất của vùng núi cao, dầu dãi mấy chục mùa mưa lũ, liệu xe đi có gặp sự cố dọc đường? Mấy lần lên Trạm Tấu, từ Nghĩa Lộ tôi phải đạp xe ngược dốc, đi ít, dắt nhiều. Giờ đi xe "Gát" dù mới thay máy "tổng thành" nhưng ai lường hết điều gặp trên đường.

Biết vậy, vào đến Nghĩa Lộ, mới nghỉ ngơi tôi đã nhắc lái xe đi cho sớm. Anh lái xe chưa lên Trạm Tấu bao giờ, nói luôn: "Có 30 km, xe này đi lo gì!" Nói vậy nhưng anh vẫn ra xe chuẩn bị. Thế mà qua Phúc Sơn một đoạn trời bắt đầu tối. Lúc mới leo núi mọi người còn hể hả. Giám đốc thì hào hứng với cảnh núi rừng vùng cao phía tây. Nhưng rồi xe mỗi lúc một lên cao, trời thì tối, đường thì vắng, không bóng người, bóng nhà, tất cả chỉ một màu mịt mùng. Cứ thế xe gầm gừ đi mãi. Cuối cùng thì cầu treo, thị trấn Trạm Tấu cũng xuất hiện, mà cảnh thì khác hẳn. Bao năm, vùng này về đêm vẫn chìm đắm trong tối tăm, giờ có điện sáng trưng, người người đi lại tấp nập trên đường như hội. Có điện Trạm Tấu văn minh hẳn ra. Gặp khách lên, Chủ tịch huyện Giàng A Su mừng vui xúc động. Anh cầm tay tôi, nghẹn ngào: "Bao đời… đêm đêm phải nối đóm thông… để ở chỗ cao… chẹn đá… lấy ánh sáng… giờ thì có điện… dù còn ít quá…".

Cảnh đêm tối vùng cao đã quen. Người vùng cao vốn ham việc. Đi làm nương về nhà muộn, trong đêm tối chị em nấu nướng ăn, chăn lợn, cắt cỏ cho ngựa, khâu vá… tất tật đều nhờ vào ánh sáng của ngọn đóm thông mà làm. Bữa ăn, nhà có khách, chị chủ nhà còn cầm đóm đứng soi cho mọi người có ánh sáng… Từ cảnh sống ấy, nay có điện, ai chẳng mừng. Người lãnh đạo gắn bó với dân tất mừng, xúc động gấp bội. Rồi anh Hà Phúc An, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu nhận ra bạn học, đến bắt tay tôi: "Dân thấy điện phấn khởi lắm. Mấy cụ thì bảo: Sau mấy chục năm được giải phóng giờ mới thấy chủ nghĩa xã hội"…

Tôi hiểu, dân vùng cao luôn cụ thể, phải mắt thấy mới thật tin. Nay dòng Nậm Tung hung dữ bao đời đã được chặn, đã có trạm thủy điện, thấy máy, thấy cột điện, điện sáng ngay trên quê núi hoang vu của mình, cả rừng cây thông ôm lấy phố huyện đêm cũng sáng… Tôi đồng cảm với niềm vui lớn lao ấy mà cũng xót xa cho người vùng cao phải chịu khó khăn đằng đẵng bao đời. Mừng vì khánh thành trạm thủy điện Nậm Tung, có điện sáng, nhưng huyện vùng cao này liệu bao nhà, bao người được hưởng? Nghĩ đến các xã xa xôi, đường về bản còn là lối mòn rậm cỏ, nếu có nguồn điện dồi dào cũng làm sao đưa điện cột bê tông lên, làm sao kéo được đường dây, để mà có điện.

Không ít lần lên Trạm Tấu, lúc trở về, đi cùng mấy anh cán bộ huyện, tưởng anh em ra tỉnh, về Trung ương công tác. Nhưng không, các anh về Văn Chấn, sang huyện bạn để "đến xã của huyện mình”. Đó là xã Làng Nhì, vừa xa huyện, vừa khó đi, nên phải xuống Văn Chấn rồi ngược dốc để tới. Thế mà anh em còn bảo "chuyến đi này may mắn đấy". Anh giải thích: “Lần này đi khô ráo, chứ đi vào dịp mưa, đường trơn, còn tha hồ "vồ ếch núi", còn lạc đường, phải nhịn đói phơi mưa giữa rừng”.

Vùng đất ấy, việc khánh thành trạm thủy điện thành sự kiện lớn. Dân từ các xã xa xôi cũng kéo về từ ngày hôm trước. Nhiều ông già cũng bắt con cháu đưa đi. Đêm ấy, phố huyện Trạm Tấu không ngủ. Tôi lân la trên đường mà nghe được nhiều chuyện hay. Người dân ca ngợi ông Sùng A Trống, một cán bộ đảng viên đã nghỉ hưu, sức yếu vẫn trăn trở làm lợi cho dân. Ông lận đận không công, ngược xuôi dòng Nậm Tung hung dữ, gây ra bao tai họa. Nào truyền thuyết về Nậm Tung của người Mông, truyền thuyết của người Thái, câu chuyện nào cũng bi ai, bao đời dân phải chịu mất mát, thương đau.

Dòng nước hung ác, cứ vô tình chảy dài, đời này qua đời khác mà gây họa cho người đã được chinh phục. Tôi còn gặp một ông già người Mông, vẻ sùng kính tôn trọng lắm. Ông lặng lẽ, sờ, rồi áp tai vào cột điện bê tông hình trụ lạnh giá mà nghe, mà tìm hiểu vật lạ ấy. Rồi ông lại gặp ống thép lớn, dẫn nước từ trên cao xuống, đổ vào làm quay guồng máy tua-bin. Ông lại sờ ống, lại nghe…

Tôi đã đến gặp, giải thích để ông biết phần nào. Khổ nỗi, toàn vấn đề kỹ thuật xa lạ, vốn tiếng phổ thông của ông lại quá ít ỏi, tôi phải cố gắng nói thật ngắn gọn, thật dễ hiểu từng thứ, đến khi ông "à" một tiếng, rồi gật đầu. Cuối cùng ông cũng đã hiểu ra phần nào chuyện nước chảy, quay máy, tạo ra dòng điện, để đường dây trên cột kia đưa đi thắp sáng… Hiểu ra, ông phấn khởi, khen Chính phủ giỏi, khen Đảng biết thương dân nên đã đem về cho….

Hôm nay, nghe chuyện Trạm Tấu có đường bê tông, có đường đưa điện lưới quốc gia về tới xã, tới bản, thành quả của những năm tháng đổi mới đã đến được vùng cao mà tôi thấy vui, thấy cần viết bài về mừng Đảng, mừng xuân. Mùa xuân trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên thăm Trạm Tấu. Thấy người, thấy đất, thấy thành quả của địa phương bứt phá đi lên đã viết thư khen gửi về xã. Tôi tin rằng, cả huyện Trạm Tấu chắc không chỉ có một xã đáng khen, nếu có điều kiện, đến được tất cả các xã, chắc diện được khen còn thêm nhiều nữa.

Tôi nghĩ về Trạm Tấu xuân này, nhớ các ngày hội xuân. Tôi nhớ những đoàn người tấp nập, gương mặt rạng rỡ, ngời sáng đón tương lai. Họ kéo đến sân hội tết. Nào hội đua ngựa, nào hội papao, rồi đánh quay, tung còn, múa khèn, hát giao duyên… Những hội ấy trong tiếng loa, tiếng hát, có điện giúp sức vui xuân, sẽ vui, sẽ xuân bội phần.

Trần Cao Đàm

Các tin khác
Đoàn công tác Báo Yên Bái viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Ở Côn Đảo, nhiều câu chuyện về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu được lưu truyền. Có chuyện như chị tâm tư mách bảo, gửi gắm vào cây cỏ quanh nấm mồ chị…

Những triền đồi khi xưa trồng cây thuốc phiện thì nay đồng bào Mông Trạm Tấu đã thay bằng rừng kinh tế.

YBĐT - Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, "cuộc chiến" phá bỏ cây thuốc phiện ở huyện Trạm Tấu đã đạt được những thành công ngoài mong đợi.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân trong giờ lên lớp.

YBĐT - Sau nhiều lần hẹn cuối cùng tôi cũng gặp được cô - người con gái giản dị, bình thường như bao người khác. Có điều khác biệt, cô đã vượt lên số phận nghiệt ngã của mình ngày đêm gieo chữ, ươm mầm tương lai cho những trò nhỏ. Cô là Nguyễn Thị Hải Vân, công tác tại Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Yên Bình.

Con ba ba gai đực

YBĐT - Chỉ trong bảy, tám năm, làng chè đặc sệt với 120 hộ này đã có gần một phần ba số hộ khá, giàu, thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm nhờ nuôi ba ba gai đặc sản. Văn Hưng, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) hiện giờ đã là nơi cung cấp ba ba gai giống có tiếng ở phía Bắc, nhiều nông dân đã thành "đại ca" ba ba, tiền nong rủng rẻng nhưng cấm có chuyện sạt nghiệp, vỡ nợ, mang họa như đâu đó vì tư duy và cung cách làm ăn rất @...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục