Tây Bắc – Men say tình người

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/2/2014 | 8:42:40 AM

YBĐT - Miền Tây Bắc đối với tôi như một bức tranh có thể nhấm nháp mà ở đó thiên nhiên vô cùng tươi đẹp với bề dày văn hóa không pha trộn, ấn tượng ngọt ngào, thi vị và nồng hậu tình người. Và rượu là gia vị cay nồng làm cho tâm hồn ta luôn bừng tỉnh trước vẻ đẹp của núi rừng, cho mọi người gần gũi với nhau hơn, xóa nhòa khoảng cách không gian và thời gian, để thêm yêu người, yêu đời...

Sắc xuân Mường Lò.
(Ảnh: Hoàng Đô)
Sắc xuân Mường Lò. (Ảnh: Hoàng Đô)

Rượu ngô trên đỉnh Suối Giàng

Suối Giàng cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 12km, có độ cao 1.300m, quanh năm mây phủ. Nơi đây được biết đến với chè Shan tuyết cổ thụ trăm năm tuổi. Và nói đến Suối Giàng cũng không thể quên nhắc một hương vị đặc biệt để tiếp đãi bạn bè, khách quý nơi xa - đó là rượu ngô. Trong nhà người Mông nào ở Suối Giàng cũng đều có rượu ngô. Tới vùng đất quanh năm mây phủ này trong mùa đông giá rét, khách đã được mời rượu ngô là không thể chối từ. Vậy nên, người Mông ở đây có câu hát: “Gặp người là gặp bạn/ Gặp bạn là gặp rượu/ Gặp rượu là gặp nhau...”.

Nhấp chén rượu ngô, ta cảm nhận được mùi thơm của ngô, vị thanh mát của khí trời, hương đất và thêm hiểu rằng, nấu rượu ngô không hề đơn giản. Để tìm hiểu phong tục nấu rượu ngô của đồng bào Mông, chúng tôi đến thăm gia đình anh Sùng A Của ở thôn Pang Cáng. Gia đình anh đã có truyền thống bốn đời nấu rượu ngô và là một trong mười gia đình nấu rượu ngô ngon nhất vùng.

Anh Của cho biết, muốn làm được thứ rượu này, trước tiên phải chọn ngô bản địa, lựa những bắp đều hạt, không quá già hoặc quá non thì mới có nhiều tinh bột, sau đó tẽ lấy hạt, luộc chín. Có một công đoạn rất quan trọng là ủ men và đây là công đoạn quyết định thành công. Thường ủ men kéo dài từ 12 đến 15 ngày, nếu chưa đủ thời gian thì tinh bột trong hạt ngô chưa ngấm hết, rượu sẽ không được thơm.

Anh Của cho biết thêm: “Thứ làm nên hương vị của rượu ngô chính là men. Men của rượu ngô phải là thứ men được làm tổng hợp từ lá cây rừng do chính bàn tay người Mông nơi đây tự làm. Lá cây rừng thái nhỏ, trộn với hạt kê đã nghiền mịn, sau đó nắm thành từng quả, để trên gác bếp để tự lên men. Đặc biệt, trong thời gian lá cây lên men rất kiêng phụ nữ có bầu đến gần vì sẽ hỏng mẻ men đó”.

Sau khi ngô được ủ men sẽ cho vào thùng gỗ bắt đầu chưng cất trên bếp. Để chưng cất rượu ngô, người ta đặt phía dưới và phía trên thùng gỗ một cái chảo nhôm đựng nước. Chảo tiếp giáp với ngọn lửa thì luôn luôn nóng nhưng chảo ở trên thùng phải luôn luôn lạnh, nếu nước nóng phải thay nước khác mới chưng cất được rượu. Thường nấu được một nồi rượu ngô 20kg phải mất 7 tiếng đến 8 tiếng đồng hồ. Có quan sát các công đoạn nấu rượu mới biết, có được bát rượu ngô thơm ngọt, người nấu đã dành cả tâm huyết vào đó. Anh Của nói: “Rượu ngô ai cũng có thể nấu được nhưng nấu ngon thì còn phải tùy người nấu có để tâm, để ý hay không và cách ủ men phải đúng kỹ thuật, đúng thời gian cho men ngấm”.

  Đến Suối Giàng, tôi và có khi cả bạn nữa cũng ngỡ ngàng trước cách mời rượu của đồng bào Mông. Rượu ngô được gia chủ rót đầy bát sóng sánh, chủ uống một ngụm trước rồi bắt đầu chuyền tay lần lượt mời khách cùng với những lời chúc cho một năm mới tốt đẹp. Biết nhà anh Của có khách, ông Giàng A Đằng - Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng cũng đến chung vui. Trong câu chuyện về rượu, ông Đằng cho biết:

 - Suối Giàng đang cố gắng vận động những gia đình biết nấu rượu ngô ngon truyền dạy cho các hộ khác để rượu ngô không chỉ được dùng trong sinh hoạt của đồng bào mà còn là mặt hàng được bán rộng rãi, phục vụ khách du lịch đến với mảnh đất này.

Rượu ngô thực sự là thành quả lao động và uống rượu ngô đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, giao tiếp của người Mông Suối Giàng. Rượu ngô chỉ cần uống một lần sẽ mãi không quên. Đã đến Yên Bái, bạn nên đến Suối Giàng trong những ngày giá rét. Còn gì thú vị hơn khi ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, thưởng thức bát rượu ngô, ngân nga câu hát: “Có thịt thơm, có thịt mềm/ Có rượu ngọt, có rượu ngon/ Bạn hãy tới đây/ Cho câu hát níu áo, hơi men cháy lòng...”.                                              
 
Rượu - văn hóa ứng xử của dân tộc Thái

Nói về văn hóa uống rượu ở Tây Bắc, không thể không nói đến dân tộc Thái. Không biết đã bao lần, tôi được uống rượu trong các lễ hội của người Thái. Nhưng mỗi lần uống, tôi lại có một cảm giác khác nhau, một kiểu say khác nhau và cách nghĩ về cuộc đời cũng khác. Thật vậy đấy!

Từ bao đời, người Thái Tây Bắc có câu: “Pay kin pa, má kin lảu”, có nghĩa là: “Đi ăn cá, về uống rượu”. Họ có nhiều loại rượu độc đáo như: Lảu xiêu - rượu chưng cất theo lối thông thường, Lảu xam xiêu - rượu chưng cất ba lần, Lảu vạng - rượu cái, Lảu xá chút - rượu cần... Các loại rượu này đều dùng nguyên liệu bằng những loại củ, hạt có tinh bột xôi chín, trộn với men tự chế rồi ủ theo một cách thức đặc biệt.

Theo ông Nông Văn Tâm - dân tộc Thái ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) thì công đoạn nấu rượu của người Thái khác với các dân tộc khác. Đặc biệt, để có một giọt rượu ngon thì chỉ nên một người làm. Từ lấy lá để lót, đậy chum rượu cũng được chọn lựa, tính toán hợp lý: lấy lá ráy đầu suối, lấy lá ngõa đầu đập thì rượu sẽ thơm ngon hơn. Thành phẩm sẽ là những hũ rượu ngọt ngào, hương thơm quyến rũ: “Rượu này rượu hứng chum hoa/ Rượu hương trấu nếp vàng/ Rượu thơm lừng lúa mới”.

Có khi nào bạn đi uống rượu mà phải làm lễ chưa? Với tôi, uống rượu ở nhà người Thái thì lần nào cũng phải làm lễ đấy. Nhưng điều đó không có một chút mê tín dị đoan nào mà còn mang đậm tính nhân văn, giao hòa trời - đất, âm - dương, thiên nhiên - con người. Vào mâm cơm, trên đầu mâm bao giờ cũng có hai chén nhỏ gọi là “Chén nóng” - ngụ ý tưởng nhớ những người quá cố của chủ và khách vừa ngụ ý lắng đọng lại những nỗi buồn, chúc cho cuộc sống thêm vui, tình người chân thành và bền vững. Mỗi người trước khi uống chén đầu đều rót từ chén của mình một ít vào hai “Chén nóng” và rót xuống khe sàn để tỏ lòng kính trọng tổ tiên, trọng khách và cởi mở, chan hòa với nhau.

  Uống rượu của người Thái biểu lộ một nét văn hóa ứng xử tinh tế ngay từ cách phân chủ khách, thứ bậc khi ngồi mâm. Người có vị trí cao trong dòng họ và người cao tuổi bao giờ cũng được xếp ngồi ở phía đầu mâm gần cửa sổ. Trong cuộc rượu, bao giờ cũng có “Khắp mơi lảu” - hát mời rượu. Chủ hát mời, khách hát đáp lại, mọi người cùng hò theo vui vẻ. Chủ nhà hát rằng: “Mấy khi bạn mới đến chơi/ Như rồng bay qua núi khiến tôi giật mình/ Bạn về đường nước hay đường ruộng/ Có thấy sông Hồng cạn bằng cái đũa/ Thấy lúa trên nương còn có đủ bông/ Họ hàng gần xa có được mạnh khỏe”. Khách hát đáp: “Nhớ nhau tết mới đến chơi/ Thương nhau đâu kể chín mười núi khe/ Ta hết thương nhau sông sẽ cạn bằng chiếc đũa/ Ta hết nhớ nhau lúa không trổ bông/ Yêu thương nhau cốt ở tấm lòng”. Chủ, khách vừa uống rượu vừa hát, chén rượu thành chén tình, chén nghĩa. Văn hóa uống rượu của người Thái Tây Bắc còn thăng hoa trong điệu xòe “Khắm khăn mơi lảu” - nâng khăn mời rượu. Các cô gái Thái duyên dáng trong trang phục truyền thống và khăn piêu, uyển chuyển say điệu dân vũ. Tôi còn nhớ, có một đoàn khách ở tận miền Nam đến Mường Lò. Không biết anh lái xe say vẻ đẹp hay lời ca mời rượu của các cô gái Thái: “Đây là chén rượu thơm/ Tay măng giềng em nấu/ Đừng sợ say, đây là chén rượu tình/ Mùa xuân em trao gửi” đã khiến cả đoàn khách phải đi bộ về nhà nghỉ.

Nếu bạn đến Tây Bắc xuân này, với sự chân thành, gần gũi và mong ước mang điều tốt lành đến cho mọi người thì chắc chắn, bạn sẽ là khách quý của đồng bào! “Rượu đây em mời/ Uống từ đầu làng cuối bản vẫn còn thơm/ Rượu thơm một chén như cả ngàn chén/ Uống đã ba năm rượu vẫn còn thơm/ Thơm tình em”. Tình rượu, tình người, tình xuân sẽ vấn vương theo bạn mãi...

Minh Đức

Các tin khác

YBĐT - Là mảnh đất quần cư đầu tiên của người Thái đen khi vào Việt Nam, Mường Lò – Văn Chấn còn được biết đến là vùng đất của lễ hội. Bốn mùa trong năm trên mảnh đất này đầy ắp những phong tục, tập quán, những lễ hội mang đậm bản sắc của 17 dân tộc anh em quần tụ sinh sống...

Ảnh: hoàng đô

YBĐT- Trước đây, tôi vẫn đến vùng đất này từ phía Hợp Minh. Xe xuôi dốc Bò Đái rồi cứ theo dọc bờ sông mà đi chẳng bao lâu là đến được những nơi cần đến. Khi ấy, Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc còn thuộc huyện Trấn Yên, bây giờ đã trở thành vùng ngoại ô của thành phố Yên Bái. Làng có xu hướng trở thành phố xá. Mấy năm nhập vào thành phố, xu hướng ấy phát triển nhanh hơn.

YBĐT - Nghe câu hát tha thiết đầy ma lực: Đêm Mường Lò, trăng lên dần, trống chiêng bập bùng. Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em… Đừng để em cô đơn một mình… nửa như mời gọi, nửa như thách đố ấy khiến người ta khó lòng cưỡng lại để rồi như say như thực, ngả nghiêng, chếnh choáng tan biến vào vòng xòe mà những bàn tay đan nhau nối rộng tưởng chừng như bất tận...

YBĐT - Miên man trong câu ca mời gọi, tôi tìm về Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây thơ mộng nổi tiếng đẹp của tỉnh Yên Bái. Nghĩa Lộ nằm lọt thỏm giữa lòng chảo của cánh đồng Mường Lò bao la, tựa hồ chiếc chảo khổng lồ thần bí mà sắc màu biến chuyển luân hồi theo nhịp thời gian và tiết mùa xuân-hạ-thu-đông...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục