Bài 2: Người trong cuộc nói gì?
- Cập nhật: Thứ năm, 13/3/2014 | 8:52:00 AM
YBĐT - Qua mấy chục năm lập pháp, các chính sách về người có công đã qua nhiều lần sửa đổi và ngày hoàn thiện. Từ những suy nghĩ đó, chúng tôi đã tìm kiếm các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan để áp dụng giải quyết cho trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Sơn. >> Bài 1: 30 năm đau đáu một nỗi đau
Lãnh đạo xã Cường Thịnh làm việc với bạn đồng ngũ của quân nhân Nguyễn Văn Sơn.
|
Đất nước đã trải qua bao cơn binh lửa ác liệt, sự mất mát, hy sinh của cả dân tộc vô cùng to lớn, đặc biệt là những bà mẹ Việt Nam đã dâng hiến những giọt máu tương lai của mình cho Tổ quốc. Chúng tôi không coi (nói đúng hơn là chưa thể coi) trường hợp anh Nguyễn Văn Sơn ở xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên là liệt sỹ nhưng sự hy sinh, mất mát của bà Đào Thị Phán - người mẹ có một con là thương binh, một con đi bộ đội rồi mất tích 30 năm nay rất đáng khâm phục và trân trọng.
Ông Hoàng Đình Thìn - Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cường Thịnh. |
Đợt tuyển quân đầu năm 1983, huyện Trấn Yên có tới hơn 300 thanh niên nhập ngũ, riêng tại xã Cường Thịnh có trên 10 người. Ông Hoàng Đình Thìn, 51 tuổi, hiện đang giữ chức Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cường Thịnh cho biết: “Tôi và Sơn đi bộ đội cùng ngày, Sơn còn là người trong cùng dòng tộc (ông Thìn là chú họ của Nguyễn Văn Sơn). Tôi là người trực tiếp cầm thư của Sơn gửi cho gia đình. Khi về đơn vị có anh Nam làm cán bộ quân lực của Trung đoàn 46 đến gặp tôi để hỏi xem tôi có phải là chú của Sơn hay không. Tôi nhớ rất rõ rằng hôm ấy tôi xác nhận là đúng, rồi anh Nam thông báo với tôi rằng Sơn đã mất tích khi đang điều trị tại bệnh viện”.
Ông Phùng Văn Trí - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cường Thịnh cho biết: “Tôi đi bộ đội cùng với anh Nguyễn Văn Sơn, sau kỳ huấn luyện chúng tôi không cùng đơn vị, dù vậy, anh em đồng hương, đồng ngũ, hơn nữa đại đội tôi và đại đội của Sơn ở rất gần với nhau nên gặp nhau luôn. Tôi biết Sơn bị ốm điều trị tại đơn vị mãi không khỏi, sau đó, Sơn được chuyển lên tuyến trên, rồi tôi mất liên lạc với anh ấy. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, tôi đã đưa em của anh Sơn là anh Nguyễn Văn Hòa đến nhiều anh em đồng ngũ ở cùng nhà, luyện tập cùng khẩu đội với Sơn để xin xác nhận theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Quân sự huyện như anh Quang ở xã Bảo Hưng, anh Hùng ở cùng xã này…, các anh ấy đều đã làm đơn xác nhận đúng như những gì tôi được biết”.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Cường Thịnh, ông Lương Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã bày tỏ quan điểm: “Xã chỉ biết động viên thanh niên lên đường nhập ngũ và thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Nay anh Nguyễn Văn Sơn mất tin, mất tích 30 năm trời mà gia đình, địa phương chỉ nhận được những lời hứa. Khi cụ Phán đã rất yếu, chúng tôi tha thiết đề nghị Quân khu II, Bộ Quốc phòng có kết luận chính thức về trường hợp này”.
Ngày 26/2/2014, chúng tôi tìm đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái với mong muốn có câu trả lời chính thức từ cơ quan quân sự cấp cao nhất tại địa phương.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọc - Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí trợ lý Ban Chính sách cho biết: “Trường hợp này chúng tôi đã nắm rất rõ, đã họp bàn và đi giải quyết nhiều lần nhưng thẩm quyền quyết định là cấp quân khu. Chúng tôi được biết Quân khu 2 cũng đã họp bàn nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng!”.
Ngay từ những năm đầu cách mạng, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến chính sách người có công nói chung và thương binh, liệt sỹ nói riêng. Qua mấy chục năm lập pháp, các chính sách về người có công đã qua nhiều lần sửa đổi và ngày hoàn thiện. Từ những suy nghĩ đó, chúng tôi đã tìm kiếm các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan để áp dụng giải quyết cho trường hợp quân nhân Nguyễn Văn Sơn. Tại Điểm k, Điều 17 (Điều kiện xác nhận liệt sỹ), Mục 3 (Liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ), Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/3/2013 quy định: “Mất tin, mất tích quy định tại Điểm 1, khoản 1 Điều 11 sau khi cơ quan có thẩm quyền kết luận chưa có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đảo ngũ”.
Từ đây, theo thiển nghĩ của chúng tôi, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái chỉ cần làm việc với cơ quan an ninh quân sự có thẩm quyền để xác nhận quân nhân Nguyễn Văn Sơn có chứng cứ phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đảo ngũ hay không, nếu không có thì hoàn toàn có thể triển khai việc công nhận liệt sỹ cho quân nhân Nguyễn Văn Sơn một cách đơn giản, đúng pháp luật.
Mong rằng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giải quyết dứt điểm vụ việc quân nhân mất tin, mất tích Nguyễn Văn Sơn, việc tiến hành ngày nào sớm ngày đấy để câu trả lời được rõ ràng sớm an ủi những người đồng đội và người mẹ già mong mỏi tìm con đã 1/3 thế kỷ.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ của nhân dân ta như một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam, được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công hiển hách, đột phá và làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ.
YBĐT - Sau chuyến đi cơ sở cùng đồng chí Sùng A Làng - Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã Công an huyện Mù Cang Chải, chúng tôi kết luận vui: “Anh là công an chân đất, “chuyên gia” sai Điều lệnh. Tiền thì không nhiều nhưng gậy dò đường, đèn pin và thuốc chống côn trùng thì đủ các chủng loại. Người đâu mà lạ. Yêu bản hơn yêu phố...”. Tất cả những điều đó chỉ vì anh muốn bản làng được bình yên”.
Chỉ còn vài ngày nữa, Chương trình nghệ thuật “Hoa ban khoe sắc” sẽ tưng bừng diễn ra và hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem bởi sự dàn dựng công phu, thấm đẫm chất văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
YBĐT - Suốt 30 năm qua, gia đình có gửi đơn lên các cấp, các ngành cũng chỉ nhận được những văn bản trả lời thiếu đầy đủ, hoặc đề nghị tiếp tục chờ đợi cấp có thẩm quyền giải quyết! Mòn mỏi đợi chờ, ông Nguyễn Văn Quảng - bố của quân nhân Nguyễn Văn Sơn không còn đủ sức chờ đến ngày con về.