Tan giấc mơ đổi đời
- Cập nhật: Thứ hai, 28/4/2014 | 2:28:38 PM
YBĐT - Trong những năm gần đây, các làng quê từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện tình trạng lao động tự do xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Những tưởng cuộc sống mới nơi đất khách đem đến cơ may đổi đời nhanh chóng, nào ngờ cuộc sống nơi "miền đất hứa" của họ luôn trong cảnh mất tự do, tai nạn rình rập...
Anh Tăng Văn Việt báo cáo với công an huyện Lục Yên về quá trình đi lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc.
|
Tháng ngày tăm tối xứ người
Đã hơn ba tháng trôi qua nhưng trong mắt anh Tăng Văn Việt ở thôn Kha Bán, xã Liễu Đô (Lục Yên) vẫn không giấu được vẻ lo sợ khi nhắc tới chuyến đi kinh hoàng ấy. Anh không tin mình được về nhà một cách an toàn, sau chuỗi ngày lao động cực khổ ở Trung Quốc.
Anh Việt nhớ lại: "Vào buổi chiều đầu tháng 8/2013, khi đi gánh lúa trên đồng, một vài người trong thôn nói tối nay đi Quảng Ninh lao động kiếm tiền. Họ nói dễ kiếm việc, lương cao mà không phải chuẩn bị giấy tờ gì.
Đang trong lúc khó khăn, không chút đắn đo, ngay tối hôm đó mình gói ghém vài bộ quần áo, thêm 400 nghìn đồng dắt lưng làm lộ phí cùng mấy người trong thôn bắt xe đêm về Mỹ Đình (Hà Nội). Chưa một lần đặt chân đến Thủ đô, lạ lẫm và bỡ ngỡ, chưa biết sẽ đi như thế nào thì có người đến hỏi các anh đi đâu? Ngay lập tức có một chiếc xe khách đến đón và nói chở đi Quảng Ninh. Lúc này trên xe có 13 người, cả nam và nữ, hỏi ra mới biết tất cả đều cùng quê Yên Bái.
Xe chạy được thời gian ngắn thì bất ngờ dừng lại tại một ngã tư, 13 người được chuyển lên taxi đến một khu nhà trọ nghỉ qua đêm. Số tiền ít ỏi mang theo, hết trả tiền xe khách, taxi, rồi phải trả tiền nghỉ trọ, cả 13 người trong đoàn không còn lấy một ngàn đồng trong tay. Không có tiền nên tất cả phải nghe theo sự chỉ dẫn của một người lạ. Hành trình lại tiếp tục với việc qua một chuyến đò ngang, sau đó, đi xe ôm đến một gầm cầu. Biết chuyện chẳng lành, cả đoàn chân tay rụng rời vì lo sợ. Sau đó, tiếp tục được ngồi taxi đi khoảng 7 tiếng đồng hồ rồi đến một cái lò gạch mới được xây dựng.
Kể đến đây, hai dòng nước mắt Việt chảy dài bởi anh được bố trí làm việc trong một lò gạch bên Trung Quốc. 14 ngày đầu không có lán trại, giường chiếu, anh cùng một số người phải ăn ngủ ngay trong lò gạch. Tủi nhục hơn là không biết tiếng, không tiền nên chủ cho gì thì ăn đấy, làm việc không năng suất thì bị đánh đập.
Xác định không thể quay trở lại ngay, giấu đi sự lo sợ, anh đành bán sức lao động chờ cơ hội để trốn về. Sau 2 tháng nghe theo mọi sự chỉ bảo của chủ lò gạch, anh may mắn được đưa trở lại Việt Nam.
Trở về quê, cảm giác như được sống lại, anh vô cùng vui sướng. Được chính quyền địa phương đến gặp gỡ, phân tích hành vi đi lao động của mình là xuất cảnh trái pháp luật, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng bóc lột sức lao động và nhiều mục đích khác.
Khi được hỏi về việc tự ý xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Tăng Văn Việt nói: "Giờ tôi đã biết việc đi lao động của mình là trái pháp luật. Nhớ lại những tháng ngày tăm tối nơi xứ lạ tôi vẫn không khỏi rùng mình và luôn coi đây là bài học nhắc nhở bản thân, con cháu và mọi người trong bản đừng nghe những lời ngon ngọt mà vô tình xa vào cạm bẫy".
Cũng giống anh Việt, đến giờ đã hơn 1 năm nhưng trong ký ức của chị Thào Thị Dinh ở bản Séo Mả Pán, xã Khao Mang (Mù Cang Chải) vẫn không thể quên những ngày tháng lao động bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Chị Dinh cho biết: "Do bạn bè rủ sang Trung Quốc lao động sẽ kiếm được nhiều tiền, nào ngờ sang bên kia mình bị chủ lao động bắy ép làm việc từ sáng đến tối. Hàng ngày họ chỉ cho ăn cơm với rau, cuộc sống mất tự do. Đến lúc lấy tiền công họ trả rất ít còn lại họ giữ luôn. Sợ quá nên mình đã tìm mọi cách trốn về".
Trường hợp của anh Việt, chị Dinh là hai trong hàng trăm trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Tưởng được đổi đời nào ngờ giấc mơ nơi "miền đất hứa" trở thành ảo tưởng và phải gắng chịu những tổn tất nặng nề về vật chất và tinh thần. Đau đớn hơn, nhiều trường hợp bị bán cho các ông chủ lớn để làm thuê với những công việc nặng nhọc, bị đánh đập, không được trả lương. Đặc biệt, đối với phụ nữ thì bị bán vào các ổ mại dâm và khó có cơ hội trốn về Việt Nam, cuộc sống trong đen tối, không lối thoát.
Chị Nguyễn Thị Đ. Ở Văn Yên là một trong những trường hợp như vậy. Đầu tháng 12/2012, Đ. bị bạn bè rủ rê sang Trung Quốc chơi nhưng không ngờ bị bị bán vào một ổ mại dâm, hàng đêm phải tiếp từ 15 đến 20 lượt khách. Dù lương được hứa trả cao nhưng "lao động" cả năm mà chủ vẫn không trả. Đầu tháng 12/2013, khi có cơ hội, Đ. đã trốn ra ngoài và báo với công an sở tại tìm đường về Việt Nam.
Bà Trần Thị K. - mẹ của Đ. nói: "Bây giờ cháu đã về nhưng tâm lý của nó chưa ổn định, rất bất an, suốt ngày ở nhà. Tôi mong ngành công an sớm tìm ra những kẻ bán người để xử lý thích đáng trước pháp luật".
Đồng chí Lý Văn Tĩnh - Đội trưởng Đội an ninh chính trị Công an huyện Yên Bình cho biết: "Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng xuất cảnh trái phép, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các đối tượng để tuyên truyền cho họ hiểu đi như vậy là không đúng quy định của pháp luật. Nhưng những đối tượng này rất khó quản lý. Những người trở về, chúng tôi đã lập hồ sơ, theo dõi và phối hợp với chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện để họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống".
Sau khi trốn về Việt Nam, chị Nguyễn Thị Đ. đã trình báo với công an.
Nguyên nhân và giải pháp
Người Việt Nam xuất cảnh trái phép trái sang Trung Quốc lao động không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên đến nay, tình trạng lao động tự ý sang Trung Quốc lao động ngày càng diễn biến phức tạp, Yên Bái không là ngoại lệ.
Theo Công an tỉnh Yên Bái, đến ngày 15/11/2013, trên địa bàn tỉnh đã có 1.868 người xuất nhập cảnh trái phép (đây là các đối tượng thuộc diện quản lý. Trong đó: nữ 1.525, nam 342 trường hợp. Dù được cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ nhưng do thiếu hiểu biết nên tình trạng này vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương.
Đơn cử, như ở huyện Yên Bình, từ đầu năm đến nay đã có 93 trường hợp xuất cảnh trái phép, tập trung ở các xã: Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Cảm Nhân, Xuân Lai, Bảo Ái, huyện Văn Yên có trên 135 trường hợp vắng tại địa phương nghi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, tập trung nhiều ở các xã: Châu Quế Thượng 76 người, Châu Quế Hạ 27 người, Mỏ Vàng 26 người, huyện Văn Chấn năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 đã có trên 600 trường hợp.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Có thể khẳng định có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là điều kiện kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ở đó, đất sản xuất nông nghiệp ít, đời sống bấp bênh.
Nhận thức, năng lực, trình độ của cán bộ địa phương, nhất là cán bộ cấp thôn, xã còn nhiều hạn chế trong công tác vận động, tuyên truyền và thực hiện các chính sách của Nhà nước, đặc biệt với vấn đề xuất khẩu lao động.
Điều đáng nói, hầu hết các đối tượng sang Trung Quốc lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, thiếu hiểu biết nên xuất cảnh trái phép sang lao động mang tính thời vụ. Ngoài ra, một số tượng môi giới, rủ rê lôi kéo tổ chức đưa người sang Trung Quốc làm việc để nhận tiền thù lao.
Theo đồng chí Bùi Đức Ly - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh, hầu hết các đối tượng sang Trung Quốc là lao động chân tay như: đào hố trồng chuối, trồng rừng, làm lò gạch và các ông chủ thường vắt kiệt sức người làm thuê. Thậm chí sau 6 tháng đến 1 năm làm việc vất vả, các ông chủ báo công an sở tại bắt và các đối tượng này trắng tay về Việt Nam vì là lao động bất hợp pháp.
Để giải bài toán này không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian. Bởi nguyên nhân chủ yếu vẫn là mưu sinh của chính họ. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Yên Bái. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách, bố trí công ăn, việc làm hợp lý cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nơi trình độ dân trí, đất sản xuất nông nghiệp ít; các cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các lực lượng công an và các tổ chức đoàn thể kịp thời ngăn chặn, không để tăng thêm số lao động xuất cảnh trái phép, sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của lao động nông thôn, tạo việc làm và thu nhập ổn định tại địa phương, vận động những gia đình có con em, những lao động đi nước ngoài bất hợp pháp về nước và ngăn chặn kịp thời những biểu hiện mới phát sinh ngay từng địa phương, từng khu dân cư, tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các tổ chức, doanh nghiệp tự do tuyển dụng lao động mà không có chủ trương.
Đối với những lao động tự do đi theo kênh môi giới cần có biện pháp ngăn chặn, quản lý hộ tịch, hộ khẩu. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có cơ chế phối hợp với các tỉnh biên giới, cửa khẩu tăng cường công tác quản lý biên giới, cửa khẩu, nhất là đường tiểu ngạch đưa người xuất cảnh trái phép. Có như vậy, mới hạn chế tình trạng người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Văn Tuấn
Các tin khác
Tại căn nhà hai tầng rộng rãi ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên (Bắc Giang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi năm nay đã 87 tuổi, mái tóc bạc phơ nhưng giọng nói vẫn ấm áp và đầy tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó những kỷ niệm sâu sắc nhất là trận đánh trên đồi A1.
YBĐT - Yên Bái là mảnh đất in đậm dấu ấn lịch sử và có nền văn hóa truyền thống lâu đời. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử cách mạng, hệ thống các đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng.
YBĐT - Những người bơi đò trên bến Vạn Lâu hơn 60 năm về trước giờ chỉ còn vài cụ nhưng những người trong làng Vạn Lâu từng chứng kiến những thời khắc hào hùng ra trận trên bến sông này những năm chống Pháp thì còn có thêm vài cụ nữa.
YBĐT - Sản xuất nông nghiệp của Yên Bái trong những năm gần đây liên tục gặt hái được nhiều thành công. Năm nào cũng vậy, ba mùa gối vụ, lúa xuân, lúa mùa, cây vụ đông đều bội thu, an ninh lương thực được bảo đảm, nhiều vùng còn sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa và thị trường.