Nhân lên “Hũ gạo kháng chiến”
- Cập nhật: Thứ hai, 5/5/2014 | 2:52:55 PM
YBĐT - Lời kêu gọi của Người trong những năm kháng chiến đã nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trong kháng chiến chống Pháp, cùng với cả nước, người dân Yên Bái đã tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ.
69 năm về trước, đồng bào ta phải trải qua nạn đói kinh hoàng năm 1945 khiến hai triệu người chết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong một bức thư gửi đồng bào toàn quốc ngay sau khi cách mạng thành công và Nhà nước Việt Nam độc lập ra đời: "Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".
Lời kêu gọi của Người trong những năm kháng chiến đã nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng. Trong kháng chiến chống Pháp, cùng với cả nước, người dân Yên Bái đã tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ. Nhiều gia đình trước khi đong gạo bỏ nồi nấu cơm đã lấy ra một nắm bỏ vào trong hũ, trong vại, "tích tiểu thành đại" rồi mang biếu tặng người thiếu đói. Lương thực từ những "Hũ gạo tình thương", "Hũ gạo kháng chiến", hưởng ứng “Tuần lễ vàng”... không chỉ được đem cứu giúp người nghèo mà còn góp phần nuôi quân đánh giặc.
Nay đất nước đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Dù vậy, một bộ phận đồng bào vẫn còn rất khó khăn. Riêng ở miền núi Yên Bái, nhất là vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao.
Vì vậy, phong trào "Hũ gạo tình thương" được Bác Hồ phát động ngày nào nay được duy trì và phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng và sáng tạo ở nhiều địa phương, thể hiện truyền thống đoàn kết, nhân ái, đùm bọc nhau của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Cùng với những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… các đoàn thể và tổ chức xã hội đã phát động nhiều phong trào ủng hộ, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Rất nhiều phong trào, cuộc vận động mới ra đời đều thấm nhuần lời kêu gọi sâu sắc của Bác năm nào, chẳng hạn như phong trào “Mái ấm tình thương”, nhà “Nghĩa tình đồng đội”, xây dựng “Kho thóc khuyến học”, “Hũ gạo đoàn kết”, “Lợn đất tiết kiệm”...
Với sự đóng góp thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, đã có hàng ngàn hộ nghèo được ở nhà mới kiên cố; học sinh vùng cao yên tâm đến trường...
Đồng chí Đoàn Thu Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái cho hay: “Thực hiện phương châm phụ nữ quân đội giúp nhau xây dựng cuộc sống gia đình, các chi hội đã xây dựng được nhiều phong trào hiệu quả, trong đó có phong trào “Lợn đất tiết kiệm” đã được chị em hưởng ứng tích cực”.
Mô hình “Lợn đất tiết kiệm”, việc làm tưởng chừng nhỏ bé nhưng đã đem lại niềm vui cho những hội viên khó khăn. Trong 2 năm thực hiện phong trào, Hội đã giúp 2 hội viên vay 30 triệu đồng và hỗ trợ mỗi hội viên 3 triệu đồng phát triển kinh tế gia đình, nâng dần số hộ hội viên phụ nữ khá trong toàn lực lượng lên trên 87%.
Cùng với các phong trào “Nuôi lợn đất”, “Trồng rau”, “Thu gom giấy vụn”, “Kế hoạch nhỏ” ở các trường học, cuộc vận động “Hũ gạo đoàn kết” - một sáng kiến hay của Phòng giáo dục - Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ đã được thực hiện từ năm học 2009 - 2010.
Tinh thần nhường cơm sẻ áo đã lan tỏa tới tất cả các trường phổ thông trên địa bàn thị xã. Điển hình là ở Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, ngôi trường có hơn 95% học sinh dân tộc Thái, phần lớn các em gia cảnh khó khăn. Hưởng ứng cuộc vận động, tất cả các lớp học đều có “Hũ gạo đoàn kết”. Từ những chiếc xô nhựa, hũ sứ hay can nhựa cắt miệng… nhưng được trang trí thật đẹp đã trở thành “Hũ gạo đoàn kết”, đặt trang trọng tại góc lớp.
Đó là những hũ gạo chứa đầy tình yêu thương của tất cả mọi người dành cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Gần 30 triệu đồng, gần 2.000 gói bánh kẹo, hơn 500kg gạo từ “Hũ gạo đoàn kết” và nhiều quần, áo, giày dép, mũ… được trao cho 787 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và 38 thầy, cô giáo đang công tác tại điểm trường ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Nhờ những hũ gạo này, tỷ lệ học sinh bỏ học sau tết Nguyên đán hay khi giáp hạt giảm hẳn so với những năm học trước.
Phong trào “Kho thóc khuyến học” ở huyện Trạm Tấu manh nha từ những năm 2004, 2005 và đã thực sự nhân lên thành phong trào sâu rộng trong toàn huyện. Năm học 2010 - 2011, tổng kho thóc của huyện có 4 tấn thóc, năm học 2011 - 2012 là 6 tấn và hơn 20 triệu đồng tiền mặt, năm 2012 - 2013 đã lên tới 18 tấn thóc và gần 180 triệu đồng tiền mặt. Số thóc này được các điểm trường phân bổ cho các học sinh không thuộc diện hưởng chính sách bán trú, giúp các em bớt phần khó khăn khi đến trường. “Hũ gạo đoàn kết” hay “Kho thóc khuyến học” ra đời đã nâng cánh ước mơ của mỗi học trò vùng cao.
Thực tế những năm qua, nhiều tấm lòng thơm thảo đã dành những khoản tiền lớn đóng góp cho sự nghiệp xóa đói giảm nghèo và có những đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ tới cả chục tỷ đồng. Nhưng chẳng vì thế mà chúng ta coi nhẹ sự đóng góp của những "Hũ gạo tình thương" bởi nhiều hay ít tùy điều kiện, hoàn cảnh song đều là tình cảm "lá lành đùm lá rách" của người Việt Nam ta, là thiết thực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Phong trào “Hũ gạo kháng chiến” ngày nào vẫn luôn nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với đồng bào, Tổ quốc mình hôm nay.
Văn Trung
Các tin khác
YBĐT - Ký ức của một thời hào hùng vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của cựu thanh niên xung phong Trần Dần (tên khai sinh Trần Văn Dần) - nguyên Phó ty Giao thông - Vận tải Nghĩa Lộ, Đại đội trưởng Đại đội thanh niên xung phong C264 với hơn 200 thành viên có nhiệm vụ chính mở hơn 30km đường thuộc cung đường 13A - tuyến đường huyết mạch đến chiến trường Điện Biên Phủ.
“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công vận tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
YBĐT - Người đẩy xe thồ ở Điện Biên Phủ ấy tên là Xuân. Ông có dáng người hơi khác với anh em trong cơ quan, cao to, lộc ngộc thường thấy mặc bộ quần áo ta màu xanh công nhân. Chiếc quần ống voi hơi cộc so với khổ người của ông, chân đi đôi giày vải không tất nên dáng ông lúc nào cũng lộc ngộc, thô thô.
YBĐT - Bằng sự quyết tâm gìn giữ vốn nghề truyền thống của người dân, có một làng nghề vẫn tồn tại và âm thầm phát triển bất chấp những đổi thay của thời gian. Đó là nghề đan rọ tôm của người dân xã Phúc An huyện Yên Bình (Yên Bái).