Tròng trành thuyền nan
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/7/2014 | 8:56:32 AM
YBĐT - Gắn liền với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ven hồ, hình ảnh những chiếc thuyền nan ngày đêm lênh đênh trên mặt nước đã trở nên rất đỗi quen thuộc với cư dân vùng sông nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng ẩn chứa trên những chiếc thuyền nan tròng trành ấy là sự bất an, mất an toàn và cả những hiểm họa khôn lường.
Người dân rất chủ quan khi vẫn thường xuyên chở quá số người quy định trên thuyền
|
Từ phương tiện mưu sinh…
Thuyền nan là những phương tiện phục vụ hoạt động đi lại, mưu sinh của người dân vùng hồ. Mỗi gia đình sinh sống ven hồ đều có từ 1 - 2 chiếc. Nhiều hộ còn “động cơ hóa” loại thuyền này bằng cách gắn thêm động cơ để cải thiện tốc độ di chuyển.
Có mặt tại bến Xưởng đá (theo cách gọi của người dân địa phương), nơi tập kết quen thuộc của ngư dân quanh “bán đảo” Mông Sơn (huyện Yên Bình) trước mắt chúng tôi là hàng trăm tàu, thuyền neo đậu. Xen lẫn những chiếc thuyền tải trọng lớn được làm bằng sắt còn có rất nhiều thuyền nan buộc sát nhau.
Lân la hỏi chuyện, anh Đạt - một người dân ở khu vực này cho biết: “Nếu anh đến vào buổi sớm hay chiều tối sẽ thấy lượng thuyền còn nhiều hơn nữa. Mùa này, thuyền của người dân ở các vùng lân cận đều tập kết tại đây”. Qua tìm hiểu, ngoài bến này, trên vùng hồ Thác Bà còn có hàng chục bến khác là nơi tập kết của các loại tàu, thuyền, trong đó thuyền nan chiếm tỷ lệ khá lớn. Đây là những phương tiện phục vụ hoạt động đi lại, mưu sinh của người dân vùng hồ. Mỗi gia đình sinh sống ven hồ đều có từ 1 - 2 chiếc. Nhiều hộ còn “động cơ hóa” loại thuyền này bằng cách gắn thêm động cơ để cải thiện tốc độ di chuyển.
Theo ông Đỗ Minh Thuấn - Trưởng phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Yên Bái), thuyền nan là phương tiện nổi gia dụng do người dân tự làm ra phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Nếu xe máy, xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu trên đường bộ thì những chiếc thuyền nan này lại là vật dụng giúp người dân vùng hồ đi lại.
Một góc bến Xưởng đá Mông Sơn, nơi tập kết của nhiều thuyền.
Tuy nhiên, không giống như xe máy, loại thuyền nan hiện không nằm trong danh mục quản lý. Bởi theo qui định của Luật Giao thông đường thủy, phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người được miễn đăng ký. Vì vậy, dù là phương tiện lưu thông chủ yếu trên hồ Thác Bà nhưng thực tế vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng và hiện trạng của loại thuyền này.
Từ thực tế này, đã kéo theo hàng loạt nguy cơ mất an toàn đối với người dân khi sử dụng loại thuyền nan. Ông Mai Văn Bộ - Chánh Thanh tra giao thông Sở Giao thông Vận tải nhận định: “Các loại phương tiện thủy nội địa hàng năm đều được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá chất lượng phương tiện. Do vậy, mức độ an toàn trong quá trình sử dụng, lưu thông được đảm bảo hơn. Trong khi đó, thuyền nan chỉ được làm từ vật liệu tre, nứa nên rất dễ mục nát và nguy hiểm khi sử dụng”.
Cũng theo ông Bộ, việc không đăng ký, đăng kiểm loại phương tiện này kéo theo hàng loạt các vấn đề khác, như hoạt động của thuyền sẽ không có đủ các điều kiện đảm bảo an toàn cho người sử dụng và người đi thuyền, nhất là việc trang bị các dụng cụ nổi, phao cứu sinh. Lí giải việc này, nhiều ngư dân cho rằng: Đã biết bơi rồi cần gì phao cứu sinh nữa. Có để đấy cũng không dùng đến...
Bên cạnh những tồn tại trên, qua tìm hiều, gần như tất cả những người điều khiển phương tiện này đều chưa qua một trường lớp hay hướng dẫn kỹ thuật nào về lái thuyền. Theo Thượng tá Trần Ngọc Tuấn - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, lâu nay thuyền nan được xếp là phương tiện phục vụ cho mục đích sử dụng của gia đình nên không cần phải đăng ký, đăng kiểm. Người điều khiển cũng không cần phải bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn. Loại thuyền này cũng không được trang bị đầy đủ các điều kiện an toàn. Trong khi đó, thuyền nan là phương tiện tham gia hoạt động chủ yếu trên vùng hồ. Vì thế, việc nâng cao nhận thức cho người dân trong sử dụng, điều khiển phương tiện này rất quan trọng.
…đến hiểm họa khôn lường
Hồ Thác Bà có chiều dài 83 km, cùng diện tích mặt nước lên tới 190 km2, dung lượng hơn 3 tỷ m3. Nước sâu, luồng lạch sâu, dòng chảy nhỏ, tương đối ổn định, phù hợp cho việc đi lại của các phương tiện thủy. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, đơn vị chức năng đã đặt hệ thống báo hiệu đường thủy trên một số tuyến chính để người dân có thể đi lại dễ dàng, thuận tiện. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, ý thức và nhận thức trong sử dụng thuyền nan của người dân vẫn còn hạn chế. Việc chở người, chở hàng hóa quá nặng so với tải trọng của thuyền diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, thuyền lại không được kiểm tra thường xuyên, không được trang bị các dụng cụ nổi an toàn nên đã xảy ra không ít những vụ lật thuyền thương tâm, khiến nhiều người bị thiệt mạng.
Nhiều người dân xã Phúc Lợi (Lục Yên) chưa thể quên vụ lật thuyền cướp đi sinh mạng của 3 người dân cách đây hơn 9 tháng. Ngày 14/9/2013, chị Đặng Thị Lịch, 33 tuổi dùng thuyền gỗ có gắn máy đẩy chở con, cháu vượt sông Chảy sang xã Tân Lập để nổ bỏng ngô chuẩn bị đón Trung thu. Trên đường về, đến đoạn Cửa Ngòi, vùng tiếp giáp với hồ Thác Bà, chiếc thuyền gỗ chở 7 người đột nhiên bị lật, 2 người bơi được vào bờ, 2 người được một người dân gần đó cứu thoát, còn 3 người chết đuối là chị Đặng Thị Lịch, em Đặng Thị Luyến 16 tuổi và cháu Trương Thị Hương 11 tuổi.
Theo ông Triệu Trung Phúc - Chủ tịch UBND xã, nguyên nhân của vụ lật thuyền là do chị Lịch chưa quen sử dụng chiếc thuyền gỗ có gắn động cơ, thuyền lại chở quá 3 người so với khả năng chịu tải nên dẫn đến vụ tai nạn thương tâm. Gần đây nhất, vào 6/3/2014, tại xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, xảy ra một vụ lật thuyền nan khiến 2 người tử vong. Nạn nhân là anh Hoàng Văn Nhất sinh năm 1977 và anh Hà Văn Duy sinh năm 1987. Các nhân chứng cho biết, vào khoảng 20 giờ 15 phút, 2 anh điều khiển thuyền nan đi từ đảo về nhà. Tuy nhiên, sau đó họ không còn liên lạc. Người nhà chia nhau tìm kiếm thì phát hiện nhiều vật dụng trên thuyền nổi trên mặt nước, phương tiện và 2 người đều mất tích. Mãi đến sáng hôm sau mới tìm kiếm được thi thể của hai nạn nhân. Dù cả 2 nạn nhận đều là người biết bơi, đoạn đường từ đảo về nhà cũng là cung đường quen thuộc.
Là phương tiện lưu thông phổ biến của ngư dân vùng hồ, liên quan trực tiếp đến các hoạt động giao thông đường thủy, thế nhưng lâu nay, hoạt động của thuyền nan lại nằm ngoài diện quản lý của cơ quan chức năng. Vấn đề đảm bảo an toàn, nâng cao ý thức cho người điều khiển phương tiện này lại chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, những năm qua hầu như năm nào cũng có những vụ lật thuyền đáng tiếc xảy ra, kéo theo đó là những cái chết thương tâm, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Và cũng từ những vụ việc trên có thể thấy, ý thức của nhiều người còn khá chủ quan trong sử dụng thuyền nan, thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng tránh khi xảy ra tai nạn đuối nước
Để bình yên sông nước
Trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành nên tình hình an toàn giao thông đường thủy được đảm bảo. Nhiều năm liền Yên Bái không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Tuy nhiên, đã có không ít vụ tai nạn đuối nước liên quan đến thuyền nan.
Theo ông Mai Văn Bộ, tai nạn giao thông đường thủy rất ít khi xảy ra nhưng một khi xảy ra luôn gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, để bình yên sông nước nhất là với việc sử dụng thuyền nan trong nhân dân rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Trong đó, giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân có vị trí, vai trò rất quan trọng. Để làm được điều này, hàng năm, lực lượng công an cần tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các qui định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy. Nhất là nâng cao nhận thức cho người dân để họ không chở quá số người và hàng hóa theo qui định, phải trang bị các dụng cụ nổi trên thuyền, thường xuyên kiểm tra phương tiện trước khi hoạt động... đặc biệt, trước và trong mùa mưa lũ thường xuyên nhắc nhở người dân hạn chế việc đi lại trong những ngày mưa to, nước lớn.
Bên cạnh tuyên truyền, các ngành chức năng cần tham mưu cho tỉnh, xây dựng văn bản quản lý, mục tiêu là giao trách nhiệm đến cơ sở, trong đó chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải có trách nhiệm đối với việc sử dụng phương tiện này trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần lồng ghép quá trình tuần tra, kiểm soát với nhắc nhở, tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm các qui định Luật Giao thông đường thủy.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Khảo sát tại 15 xã của tỉnh Yên Bái tham gia mô hình trong 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 1.550 cặp kết hôn vẫn còn có tới gần 700 trường hợp không đăng ký kết hôn, có trên 360 trường hợp tảo hôn, kéo theo gần 1.000 trẻ em sinh ra không có đăng ký khai sinh...
YBĐT - Chúng ta đã có một tiềm năng về cây thuốc bản địa (CTBĐ) rất lớn và quý giá nhưng "kho báu" này đang thực sự bị lãng quên... >> Kỳ I: Tiềm năng cây thuốc và tri thức y học bản địa
YBĐT - Cùng với tiềm năng về cây thuốc, tiềm năng về tri thức y học bản địa (YHBĐ) là lĩnh vực luôn song hành với nhau, bởi YHBĐ là yếu tố đặc biệt quan trọng để nhận biết về các loại CTBĐ; tri thức YHBĐ chính là yếu tố cốt lõi để biết sử dụng các CTBĐ tạo thành các bài thuốc quý và cách chữa trị cho con người.
YBĐT - Nhằm đáp ứng cho phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu nông sản cho thị trường tiêu dùng và chế biến, trong những năm qua, Yên Bái đã quy hoạch, xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa bảo đảm năng suất, chất lượng, cho thu nhập cao.