Kỳ II: Cần một chính sách phát triển
- Cập nhật: Thứ năm, 3/7/2014 | 8:45:02 AM
YBĐT - Chúng ta đã có một tiềm năng về cây thuốc bản địa (CTBĐ) rất lớn và quý giá nhưng "kho báu" này đang thực sự bị lãng quên... >> Kỳ I: Tiềm năng cây thuốc và tri thức y học bản địa
Ông Hoàng Ngọc Trung - dân tộc Tày, xã Cẩm Ân (Yên Bình) kiểm tra sự phát triển của cây lá khôi, một loại thảo dược quý.
|
Điều đó dễ nhận thấy qua tình trạng phá rừng rất khốc liệt khiến đa dạng sinh học bị tổn thất nặng nề và nhiều loại cây thuốc quý bị suy giảm, khai thác kiệt quệ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Tất cả các ông lang, bà mế ở Yên Bái đều ca thán rằng trước đây chỉ ra ven rừng, ven suối một lúc là kiếm được cả gánh thuốc quý, giờ đi cả ngày lên rừng kiếm chẳng được mấy thứ nên dù hành nghề thuốc nam nhưng nhiều ông lang, bà mế vẫn phải đặt mua thêm cây thuốc ở nhiều nơI ngoài tỉnh như vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Cúc Phương (Ninh Bình), Xuân Sơn (Phú Thọ), thậm chí là phải mua từ rừng Bạch Mã ở Thừa Thiên - Huế và Tây Nguyên. Điều đáng buồn nữa là lớp trẻ không còn nhiều người mặn mà với nghề thuốc truyền đời của tổ tiên. Đây là dấu hiệu cho thấy tri thức y học bản địa (YHBĐ) đang bị mai một.
Trong khi đó, ở nước ta hiện nay đang lưu hành hàng ngàn loại thực phẩm chức năng từ nước ngoài đưa vào với giá rất đắt. Nhiều loại thực phẩm chức năng được chế biến chỉ từ một loại quả, cây và trong số đó rất nhiều loại được chế ra từ chính nguyên liệu, bài thuốc của người Việt, chỉ khác là họ đã thay thế kiểu dùng thuốc kích rích nồi niêu đun nấu của ta bằng những sản phẩm đóng chai, lọ, viên nén, bột tiện dụng hơn.
Nhiều loại cây thuốc của ta được người nước ngoài mua với giá rẻ mạt nhưng khi về nước họ đã bào chế thành nhiều dạng và đặt cho một cái tên khác rồi xuất quay trở lại Việt Nam với giá cực cao. Tình trạng đấu thầu thu mua nguyên liệu "độc quyền bao tiêu" từ trên sau đó mới cung cấp ngược về chế biến tại các công ty dược ở các tỉnh khiến cây thuốc đi vòng vèo nên người dùng thuốc phải chịu giá đắt.
Thực trạng này cho thấy, đã đến lúc Trung ương và những địa phương giàu tiềm năng về CTBĐ cần có chiến lược nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng, giá trị y học và kinh tế của CTBĐ, tri thức YHBĐ. Bởi vì, như Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Công Khánh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền cũng đã nhận định rằng, hiện nay ngành y tế và các chuyên gia về cây dược liệu, chuyên gia chữa bệnh bằng nam dược cũng còn biết quá ít về tất cả những cây thuốc, bài thuốc của các dân tộc ở nước ta đang sử dụng.
Thậm chí, nhiều loại cây thuốc dân tộc rất độc đáo chữa được bệnh nan y mà ngành y cũng chưa biết đến. Khi nào chúng ta đánh giá được những tiềm năng nói trên thì chúng ta mới thực sự có được chiến lược tốt nhất trong bảo tồn, phát triển CTBĐ và tri thức YHBĐ vào phát triển kinh tế cũng như chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Các chuyên gia của Tổ chức Caritas (Úc) đang triển khai Dự án hỗ trợ nhân dân một số xã ở huyện Yên Bình về “Bảo tồn, phát triển cây thuốc, bài thuốc để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số”.
Tuy nhiên, khi chưa có được một chiến lược bảo tồn, phát triển thì trước hết cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng tài nguyên rừng, trong đó có tài nguyên CTBĐ từng vùng và trữ lượng; đồng thời, nghiên cứu khoa học một cách đồng bộ để đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng kinh tế CTBĐ, giá trị dược liệu chữa bệnh trong quá khứ và hiện tại. Qua đó, xây dựng chính sách bảo hộ với từng địa phương để phát triển CTBĐ; khuyến khích những nơi có điều kiện bảo tồn, trồng CTBĐ không chỉ là một loại cây nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh mà còn là loại cây trồng có tiềm năng tham gia vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trong cộng đồng các dân tộc để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Cụ thể, ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, các xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên nên sớm hình thành chính sách khoanh nuôi các loại CTBĐ quý hiếm trong các khu rừng già, khu bảo tồn thiên nhiên. Vùng thấp có thể phát triển các loại dược liệu đại trà theo hướng xây dựng thương hiệu dược liệu Yên Bái.
Cùng đó, nên cho phép thu mua dược liệu và bào chế tại các địa phương được thanh toán bằng bảo hiểm y tế trong hệ thống khám chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền từ cơ sở thì mới kích thích các địa phương tập trung vào phát triển dược liệu.
Mặt khác, cần xây dựng các chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào Yên Bái nhằm phát huy lợi thế đất rừng để bảo tồn, khoanh nuôi, trồng, thu hồi, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hóa dược liệu, thuốc y học cổ truyền tại Yên Bái. Đồng thời, chế biến dược từ CTBĐ vừa giữ tính truyền thống vừa phải làm bằng công nghệ hiện đại hướng tới chất lượng và tiện ích cho người sử dụng. Đặc biệt, phải tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường theo hướng liên kết giữa nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông.
Đi đôi với các giải pháp này, chúng ta cần tìm hiểu đặc thù đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc ở vùng cao, ở nơi có rừng, nhất là rừng nguyên sinh để quy hoạch, định hướng phát triển cây thuốc và cây thuốc quý hiếm phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, tránh phát triển tràn lan, không tương ứng với nhu cầu của thị trường. Khi cây thuốc thực sự là cơ hội để phát triển kinh tế cho đồng bào vùng cao thì việc bảo vệ rừng gắn với phát triển CTBĐ chắc chắn được cải thiện.
Tri thức YHBĐ cũng là vấn đề mấu chốt cần được quan tâm. Bởi vì, tri thức YHBĐ thực chất là nhân tố căn bản có khả năng biến tất cả những giá trị của CTBĐ thành lợi ích kinh tế và thuốc chữa bệnh có giá trị. Việc xây dựng nguồn nhân lực có tri thức YHBĐ cần được tiến hành theo hướng tuyên truyền, vận động các ông lang, bà mế, người biết sử dụng CTBĐ tham gia tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho cộng đồng.
Nhờ làm tốt việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng, bà con người Thái xã Hát Lừu (Trạm Tấu) đã khai thác được nhiều cây thuốc quý cung cấp cho thị trường thuốc chữa bệnh bằng thảo dược.
Ông lang, bà mế phải là những người đi tiên phong trong phổ biến những kinh nghiệm hay, những bài thuốc quý, đặc biệt phải chú trọng truyền dạy nghề thuốc cho các thế hệ người thân trong gia đình. Chúng ta cũng cần phải động viên các ông lang, bà mế tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm vào các đề tài khoa học trong việc sản xuất thuốc y dược học cổ truyền, bảo tồn và phát triển cây thuốc. Cùng đó là nghiên cứu đặc thù cây thuốc từng vùng, cách chữa trị bệnh bằng CTBĐ ở mỗi dân tộc để có định hướng khai thác đúng lợi thế…
Nhà nước cũng cần có sự nhìn nhận công bằng giữa chữa bệnh bằng tây y với chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền. Nhận thức này sẽ giúp chúng ta xây dựng đồng bộ chiến lược, chính sách bảo tồn, phát triển CTBĐ, tri thức YHBĐ hướng tới mục tiêu lâu dài trong việc chế biến dược liệu, hàng hóa, xây dựng cơ sở khám chữa bệnh y dược học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe con người. Từ sự nhìn nhận thấu đáo các giá trị, tiềm năng về cây thuốc, giá trị kinh tế từ dược liệu, giá trị dược liệu chữa bệnh, Nhà nước sẽ tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, chuyên sâu trong khai thác tiềm năng CTBĐ.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Cùng với tiềm năng về cây thuốc, tiềm năng về tri thức y học bản địa (YHBĐ) là lĩnh vực luôn song hành với nhau, bởi YHBĐ là yếu tố đặc biệt quan trọng để nhận biết về các loại CTBĐ; tri thức YHBĐ chính là yếu tố cốt lõi để biết sử dụng các CTBĐ tạo thành các bài thuốc quý và cách chữa trị cho con người.
YBĐT - Nhằm đáp ứng cho phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu nông sản cho thị trường tiêu dùng và chế biến, trong những năm qua, Yên Bái đã quy hoạch, xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa bảo đảm năng suất, chất lượng, cho thu nhập cao.
YBĐT - Trong vùng Mường Lò, xã Thanh Lương được coi là "rốn" nghèo, mùa gặt sau nối tiếp mùa gặt trước, đã có những cánh đồng vui, nông dân khối người hớn hở nhưng hạt thóc mùa gặt vẫn trĩu nặng suy tư...
YBĐT - Xét nghiệm y khoa đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết trong chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân. Tuy nhiên, xét nghiệm y khoa đòi hỏi sự chính xác rất cao giúp chẩn đoán đúng bệnh và chữa bệnh hiệu quả. Xét nghiệm sai dẫn đến chẩn đoán sai, hậu quả sẽ khôn lường… bởi "con đường muôn lối".