Chuyên canh, chưa chuyên nghiệp!
- Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2014 | 9:20:24 AM
YBĐT - Nhằm đáp ứng cho phát triển cũng như đáp ứng nhu cầu nông sản cho thị trường tiêu dùng và chế biến, trong những năm qua, Yên Bái đã quy hoạch, xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa bảo đảm năng suất, chất lượng, cho thu nhập cao.
Nông dân xã Thịnh Hưng (Yên Bình) thu hái chè, năng suất ước đạt 80 tạ/ha.
|
Tuy nhiên, các vùng chuyên canh mới chỉ phát triển về số lượng, giá trị thu nhập chưa tương xứng, tính bền vững chưa cao, hoạt động nông nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tháo gỡ.
Bức tranh toàn cảnh
Từ một tỉnh có nền nông nghiệp lạc hậu nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh cùng với các nguồn lực đầu tư sản xuất, nông nghiệp Yên Bái đã từng bước vượt qua những hạn chế khu vực, giành được những thành quả khích lệ. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 đã vượt mốc 5.672 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trong vòng 5 năm trở lại đây đạt 5,22%.
Song song, sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn đã và từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo khối lượng hàng hóa lớn như: vùng chuyên canh chè gắn với chế biến diện tích trên 11.000ha, giá trị sản xuất mỗi năm đạt trên 400 tỷ đồng; vùng chuyên canh sắn trên 11.000ha; vùng chuyên canh hoa quả trên 6.000ha tập trung ở Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên...; vùng chuyên canh gỗ lớn với diện tích 23.000ha; vùng chuyên canh măng tre Bát Độ 3.000ha; vùng chuyên canh quế 27.000ha.
Đặc biệt, vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao hàng hóa với diện tích 4.000ha tập trung: cánh đồng Mường Lò 1.500ha, Đại - Phú - An - Đông Cuông (Văn Yên) 1.500ha, còn lại thuộc cánh đồng Minh Xuân - Mường Lai (Lục Yên). Riêng vùng chuyên canh lúa đã được đầu tư khá bài bản, từ hệ thống giao thông nội đồng đến hệ thống thủy lợi nên có năng suất, chất lượng cao, sản lượng đạt trên 44.000 tấn, chiếm 22% sản lượng thóc của toàn tỉnh.
Những vùng chuyên canh đã và đang từng bước khai thác được những tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Cũng từ các vùng chuyên canh đã góp phần động viên, khuyến khích, thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún lạc hậu sang sản xuất có đầu tư, thâm canh tăng vụ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo khối lượng hàng hóa lớn, góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo.
Những hiệu quả mà các vùng sản xuất chuyên canh mang lại là rất to lớn, khó ai có thể phủ nhận, tuy nhiên cũng còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần giải quyết tốt mới hy vọng mang lại thành công. Khi nói về vấn đề này, ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cũng thẳng thắn thừa nhận: “Nhìn một cách tổng thể, số lượng các vùng chuyên canh nhiều nhưng giá trị thu nhập ở các vùng chuyên canh còn thấp, tính bền vững chưa cao”.
Còn nhiều bất cập
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, từ năm 2011 - 2013, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông - lâm nghiệp, thủy sản, nông thôn đạt trên 2.934 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư vào vùng chuyên canh lúa là 40 tỷ đồng, vùng chuyên canh ngô 35 tỷ đồng, vùng chuyên canh quế 30 tỷ đồng, vùng chuyên canh chè 12 tỷ đồng và 24 tỷ đồng cho vùng chuyên canh măng tre Bát Độ. Đó là nguồn vốn tương đối lớn, chưa kể nguồn vốn đầu tư trong dân thế nhưng giá trị sản xuất toàn ngành hàng năm cũng mới chỉ tăng trên dưới 5%. Năm 2013 được đánh giá là năm tăng cao cũng chỉ đạt 5,22% so với năm 2012, giá trị tăng thêm tương đương 281 tỷ đồng.
Để hiểu rõ hơn những vùng sản xuất chuyên canh, chúng tôi về huyện Văn Chấn là địa phương có tới 3 vùng chuyên canh lớn: vùng chuyên canh lúa hàng hóa gần 2.000ha, vùng chuyên canh chè trên 4.000ha và vùng cây ăn quả. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, các vùng chuyên canh này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa tạo ra một vùng sản xuất hàng hóa thực sự. Có lẽ chẳng đâu có đầy đủ các yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để sản xuất lúa hàng hóa tốt như ở cánh đồng Mường Lò nhưng Văn Chấn vẫn mãi "lận đận".
Khi nói về sản xuất lúa hàng hóa, từ lãnh đạo huyện cho tới nông dân đều thừa nhận là hiệu quả hơn sản xuất lúa đại trà nhưng cho đến nay, hiệu quả vẫn chưa rõ nét. Tuy đã sản xuất lúa chất lượng cao nhưng chủ yếu vẫn là manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Cánh đồng Mường Lò vào vụ có cả chục giống lúa, nơi thì lúa lai, nơi thì lúa thuần; lúa lai cũng ba, bốn giống; lúa thuần thì nào Chiêm Hương, Thiên Hương, Séng Cù, ĐS1... và thiếu sự liên kết, nói đúng hơn là vẫn chưa có sự vào cuộc của “4 nhà”.
Doanh nghiệp đã xuất hiện trên đồng ruộng nhưng chỉ mua sản phẩm khi có thị trường chứ không dám chịu trách nhiệm đến cùng với nông dân; các nhà khoa học vẫn ở đâu đó rất xa, chỉ đạo chung chung, lý thuyết là chính; nhà quản lý nhiều khi hô hào trên diễn đàn chứ chưa cụ thể, chưa quyết liệt.
Sản xuất chuyên canh không thể thành công khi nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ.
Theo báo cáo, cánh đồng Mường Lò có trên 2.000ha sản xuất lúa hàng hóa nhưng chẳng biết bà con nông dân Văn Chấn, Nghĩa Lộ mỗi năm bán ra thị trường được bao nhiêu tấn lúa, gạo chất lượng. Có một thực tế là hàng ngày, lúa gạo từ các nơi vẫn ùn ùn chở về chiếm lĩnh thị trường ở đây. Một nguyên tắc cơ bản của các vùng chuyên canh là phải sản xuất hàng hóa, hàng hóa như vậy thì đâu phải chuyên canh? Rời vùng chuyên canh lúa, chúng tôi về vùng chuyên canh chè.
Quả thật chưa đâu có nhiều chè như Văn Chấn, nhiều từ vùng nguyên liệu cho tới các cơ sở chế biến. Vùng chè đã thực sự trở thành vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu đã gắn với chế biến thế nhưng người dân vùng chè vẫn còn nghèo, doanh nghiệp chế biến chè vẫn đìu hiu. Chè nguyên liệu năng suất thấp, người làm chè không thật sự chuyên tâm về chè, doanh nghiệp chế biến với dây chuyền máy móc cũ kỹ, không có thương hiệu sản phẩm. Nông dân thờ ơ với chè vì giá nguyên liệu quá thấp, không thể sống bằng chè và doanh nghiệp chế biến dường như không có tái đầu tư cho vùng nguyên liệu. Nói nặng nề hơn là doanh nghiệp hầu hết thiếu trách nhiệm với vùng nguyên liệu.
Thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Thượng Bằng La, xã Nghĩa Tâm vài năm trở lại đây đã xuất hiện những triệu phú, tỷ phú cam, quýt, sản lượng cam mỗi năm cũng lên vài ngàn tấn nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Nông dân phát triển tràn lan, cam trong vườn, cam trên đồi, cam lấn vào chè, vào rừng. Cam được mùa trúng giá thì nông dân hồ hởi phấn khởi, khi thị trường khó khăn thì người trồng cam cũng lại “vàng” như cam.
Hướng giải quyết
Những hạn chế, tồn tại của vùng chuyên canh lúa, chuyên canh chè, chuyên canh cây ăn quả cũng là tình trạng chung của các vùng chuyên canh khác trên địa bàn tỉnh. Thiết nghĩ, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung theo hướng công nghệ cao trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới có thể nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Muốn làm được điều đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp, đặc biệt là việc giám sát quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Ngoài việc đầu tư và sử dụng các nguồn lực đầu tư cũng cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất; phát huy tốt vai trò, năng lực đội ngũ cán bộ khoa học hướng về nông thôn, gắn bó với nông thôn.
Giải quyết tốt các vấn đề đã nêu còn một vấn đề vô cùng quan trọng và quyết định cơ bản đến thành công trong sản xuất nói chung và sản xuất vùng chuyên canh nói riêng là thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân. Nông dân vốn cần cù, chịu khó nhưng bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận bảo thủ. Họ biết là làm lúa chất lượng cao cho hiệu quả cao và tích cực đầu tư thâm canh chè, thu hái đúng kỹ thuật thì chè tốt, năng suất cao thế nhưng họ chỉ làm khi có Nhà nước hỗ trợ còn không thì làm qua loa, đại khái. Ruộng đất nhà mình làm cho năng suất, chất lượng kém, thậm chí bỏ hoang nhưng có doanh nghiệp nào đến thuê lại để sản xuất, trả gấp đôi, gấp ba giá trị họ làm được cũng không cho thuê.
Một anh bạn làm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sau khi tìm hiểu trên địa bàn tỉnh thấy có nhiều diện tích đất đai phù hợp với sản xuất của doanh nghiệp đã gặp gỡ các hộ dân để thuê, trả cao gấp 1,5 lần giá trị so với nông dân đang sản xuất nhưng họ nhất định không cho thuê. Vấn đề mấu chốt là phải thay đổi phương thức, suy nghĩ, cách làm và liên kết chặt với nhau. Đơn cử như sản xuất chè thì các hộ trong thôn, trong xã liên kết lại tạo thành các nhóm hộ, các nông trang hay trong sản xuất lúa hàng hóa cũng vậy rồi thuê một kỹ sư giỏi về hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc… Các nhóm hộ cùng mua thóc giống, cùng bón phân, cùng phòng trừ sâu bệnh, khi thu hoạch cũng vậy thì sẽ giảm giá thành. Khi xuất bán, nếu doanh nghiệp, tư thương nào ép giá, các hộ sẽ không bán sản phẩm.
Giải quyết tốt các mâu thuẫn, các bất hợp lý và làm tốt công tác tư tưởng cho người nông dân thì chắc chắn, các vùng chuyên canh sẽ phát huy hiệu quả rõ nét. Phát triển tốt các vùng chuyên canh là đời sống người dân sẽ giàu có hơn và cũng là nền tảng quan trọng xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Trong vùng Mường Lò, xã Thanh Lương được coi là "rốn" nghèo, mùa gặt sau nối tiếp mùa gặt trước, đã có những cánh đồng vui, nông dân khối người hớn hở nhưng hạt thóc mùa gặt vẫn trĩu nặng suy tư...
YBĐT - Xét nghiệm y khoa đã và đang trở thành một nhu cầu cấp thiết trong chăm sóc sức khỏe của mỗi người dân. Tuy nhiên, xét nghiệm y khoa đòi hỏi sự chính xác rất cao giúp chẩn đoán đúng bệnh và chữa bệnh hiệu quả. Xét nghiệm sai dẫn đến chẩn đoán sai, hậu quả sẽ khôn lường… bởi "con đường muôn lối".
YBĐT - Từ lâu, kinh tế trang trại đã khẳng định được vị thế trong phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. So với kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại đã có những bước tiến mạnh và vững chắc hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách.
YBĐT - Trở lại với “đường Tà” của ngày hôm nay, khi trên 70% chiều dài đã được cứng hóa bằng những lớp bê tông dày, mặt đường đã được “là” phẳng nhẵn, xe máy, ô tô đã có thể lên tới tận trung tâm xã. >> Kỳ I: Chuyện kể mười năm trước…