Hưng Thịnh: Đau đáu những mùa chè
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/7/2014 | 9:45:34 AM
YBĐT - Tháng Sáu Âm lịch, mưa xuống rồi nắng lên, đây là thời điểm chè rộ búp. Ông Nguyễn Văn Ân nhìn qua khung cửa, hướng mắt về phía khu đồi Yên Định - nơi mà xưa kia là vùng chè tốt tươi, giờ kín đặc quế, keo, bồ đề, chép miệng rồi buông một câu: “Tiếc, tiếc thật! Nhưng thôi, cây chè đã kết thúc sứ mệnh lịch sử ở xã Hưng Thịnh này rồi”!
Một nương chè ở thôn Trực Khang còn khá tốt nhưng đã cấy xen quế.
|
Ông nói vậy nhưng hẳn trong lòng vẫn tiếc thương cây chè lắm, thứ cây đã gắn bó với mấy thế hệ người dân Trực Ninh - Nam Định lên đây xây dựng vùng quê mới. Bởi rất nhiều lý do nên cây chè Hưng Thịnh đang “lụi” dần. Đành rằng đã có cây khác thay thế cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng bà con Hưng Thịnh (Trấn Yên) mà biết cách làm chè thì chắc chè không lụi nhanh và nhiều đến vậy. Làm được thế người dân nơi đây sẽ khá hơn hay ít nhất là lỡ mai đây gỗ có trầm lắng, quế có mất mùa thì vẫn còn cây chè để mà nương tựa!
Xã Hưng Thịnh có lịch sử hình thành và phát triển khá riêng biệt so với các xã khác. Từ năm 1973 đến 1976, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, nông dân các xã Trực Chính, Trực Khang, Trực Nghĩa và Trực Định (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) thực hiện di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên).
Những đồi chè ở Hưng Thịnh giờ đã trồng thêm cây lâm nghiệp.
Từ nơi đất chật, người đông, ruộng ít, nay lên với đồng rừng đất đai bao la, màu mỡ nên ai cũng phấn khởi. Dù cuộc sống ban đầu cơ cực nhưng nói như ông Hà Thế Mạch, người thôn Trực Chính thì: “Chúng tôi rất yêu lao động, có đất, có sức khỏe là sẽ có tất cả”. Bà con dựng lán, làm nhà, vỡ đất trồng ngô, khoai, sắn và phát triển mạnh chăn nuôi. Kinh tế tập thể thời điểm ấy còn bền vững lắm, xã viên hợp tác xã cứ nghe tiếng trống tầm là sớm trưa cùng nhau vỡ ruộng, làm rừng, đặc biệt là khai hoang, làm đất trồng chè - thứ cây mà địa phương đã xác định là cây trồng chủ lực. Lịch sử xã Hưng Khánh còn ghi nhận, xã có 10 đội sản xuất, gồm 5 đội lúa, 3 đội chè, 1 đội ngành nghề và 1 đội khai thác gỗ. Dù được bố trí lao động theo từng đội nhưng công việc chính vẫn là phát triển cây chè vì ruộng cũng chẳng có nhiều, khai thác và làm xây, làm mộc cũng hạn chế. Đỉnh cao của giai đoạn kinh tế tập thể ở vùng quê này chính là thời kỳ bà con cùng lao động, sản xuất, cùng ăn công điểm trong Hợp tác xã Lam Sơn - một hợp tác xã hợp nhất quy mô lớn, tiêu biểu của Trấn Yên và cả tỉnh Hoàng Liên Sơn thời bấy giờ.
Rồi công cuộc đổi mới như làn gió thanh mát thổi về Hưng Khánh khi mô hình tổ chức sản xuất kiểu cũ không còn phù hợp, khi diện tích tự nhiên quá lớn cũng gây ra những hạn chế trong việc tổ chức quản lý. Tháng 4/1989, Chính phủ quyết định thành lập xã Hưng Thịnh trên cơ sở tách ra từ xã Hưng Khánh. Cái tên Hưng Thịnh mới mẻ, được gắn liền với các con số như: tuyệt đại bộ phận là dân mới (người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới); toàn xã có đến gần 400ha chè và là vùng chè lớn của huyện Trấn Yên suốt một thời gian dài. Từ Yên Ninh, Yên Định, Trực Khang, Trực Chính, Yên Phú, từ khu đồi Giang, đồi Kháo, đồi Cao… đâu đâu cũng chỉ có chè, sóng chè uốn lượn theo hình hài các thửa đất, các quả đồi nhìn rất thích mắt. Những ai đã từng công tác trong ngành chè đều phải thừa nhận, dù đất đồi Hưng Thịnh có độ dốc lớn nhưng chè ở đây có năng suất và chất lượng búp khá cao, bình quân năng suất 8 tấn/ha là con số không phải địa phương nào cũng có thể đạt được.
Năm 1994, toàn bộ diện tích chè được chia lại cho dân, bà con thực sự làm chủ nương chè nhà mình. Cùng lúc ấy, một nhà máy chế biến chè quy mô 16 tấn/ngày được xây dựng ngay trên địa bàn xã càng thúc giục bà con chăm bón tốt hơn để chè nhiều búp hơn. Còn nhớ, sản lượng chè khi ấy vượt quá xa công suất nhà máy chế biến nên chè Hưng Thịnh theo xe ô tô chuyển đến nhiều nhà máy khác trong huyện, trong tỉnh để làm ra sản phẩm chè xanh, chè đen xuất khẩu. Giá chè thời ấy đã đạt hơn 2.000 đồng một cân nên cuộc sống bà con cũng khá ổn.
Chuyện chưa quá cũ, người dân Hưng Thịnh tuổi đời mười tám, đôi mươi trở về trước nhớ như in chuyện: (học sinh đến vụ là đi hái quả chè nộp cho nhà trường “làm kế hoạch nhỏ”); cuối đông, đầu xuân là từng đoàn thanh niên, đàn ông khỏe mạnh mang cuốc, xẻng lên đồi đánh rạch trồng chè. Nhưng đẹp nhất vẫn là thôn nữ nón trắng tinh, khăn bịt mặt, tay đeo xà cạp, vai khoác giỏ xao lên nương hái chè thoăn thoắt, người giỏi mỗi hôm có thể hái 80, 90 cân là chuyện thường. Chiều đến, từng đoàn ngựa khỏe thồ những bao chè từ nương ra ngã ba, vượt Hưng Khánh để cân chè cho nhà máy. Đúng như những nhà mỹ học đã khẳng định, con người trong lao động là con người đẹp nhất!
Nhưng cây chè nơi đây chỉ hưng thịnh được đến vậy! Rất nhiều người dân ở Hưng Thịnh đã chát đắng khi nói lên điều ấy. Công ty chè làm ăn yếu kém, nhà xưởng không được đầu tư thêm nên xập xệ dần. Giá chè búp tươi cứ dậm chân tại chỗ, cả chục năm trời cứ loanh quanh ở mức trên dưới 3000 đồng/cân. Giá thế thì người làm chè sống sao nổi trong khi giá cả nói chung đã bứt tốc từ rất lâu, khoảng cách đã rất xa, riêng giá phân bón, thuốc trừ sâu đã tăng vài trăm phần trăm so với trước. Người làm chè Hưng Thịnh không mặn mà với cây chè vì giá bán chè búp tươi là nguyên nhân chính, tiếp đến là quy trình sản xuất “trên đau, dưới đói” nghĩa là không chăm bón nhưng thu hái cạn kiệt. Bây giờ ở Hưng Thịnh và nhiều vùng chè khác đã quên từ “hái chè”, thay vào đó là “cắt chè”, “gặt chè”. Hơn thế, đã cắt, đã gặt rồi nhưng phải để búp thật dài, phải cắt thật sát. Vẫn nạn chè bùn, chè bẩn cũng không thể không nhắc đến, có ai tin nổi không, người ta làm thức uống vào mồm vào miệng mà lại cho bùn, cho bột vào để cánh chè đẹp mã, để trọng lượng thêm tăng! Buồn hơn khi Hưng Thịnh được ví như “trung tâm” của chè bùn, chè bẩn. Chẳng ai ngăn chặn, chẳng cấm đoán quyết liệt nên đến tận hôm nay nạn chè bùn, chè bẩn vẫn tiếp diễn, hàng chục lò chè vẫn tăng công suất, đường làng, đường xóm vẫn phơi đầy chè bẩn, mặc cho chó chạy, trâu đi, gà bới…! Thế là người Hưng Thịnh mang quế, keo, mỡ… cấy xen vào nương chè cũ, mấy năm đầu cây chưa khép tán, đến vụ chè cứ nhặt được búp nào hay búp đó mà chẳng cần tính thiệt hơn gì.
Đi một vòng từ Yên Định lên Yên Ninh, qua Trực Chính vào Trực Khang mới thấy nương chè vẫn còn đó nhưng phía trên đã ken đặc cây lâm nghiệp mất rồi! Cả Phó chủ tịch UBND và cán bộ địa chính kinh tế xã đều thừa nhận diện tích chè đang teo dần, con số 238ha mà xã công bố cũng không chính xác vì thực tế không ai thống kê được, trong khi mỗi vụ lại có thêm hộ trồng xen tiếp quế vào chè, mỗi ngày cây lâm nghiệp lớn dần che khuất cây chè dưới tán. Ông Hà Thế Mạch - Trưởng thôn Trực Chính có tí phấn khởi khi cho hay người dân thôn ông còn gắn bó với cây chè vì lý do thôn này ít đất lâm nghiệp, không có mỏ sắt như các thôn khác. Tuy vậy, ông vẫn phải thừa nhận, trong tổng số 27,5ha chè toàn thôn, rất nhiều diện tích đã đưa cây lâm nghiệp vào trồng. Hộ gia đình anh Sơn - một điển hình làm chè của thôn, của xã cũng đang bỏ loại cây này vì hiệu quả kinh tế thấp.
Nông dân có được việc làm và thu nhập khá từ nhà máy chế biến gỗ, chế biến quặng sắt là điều rất đáng mừng; trồng thật nhiều quế, keo, mỡ, bồ đề… cũng là điều rất đáng quý. Nhưng lỡ mai này gỗ mất giá, quế mất mùa thì liệu bà con có kịp trở tay? Đó còn chưa kể rất nhiều nhà, nhiều vùng quê đang giầu lên nhờ chè cành, chè chất lượng cao rất đáng để người Hưng Thịnh học tập. Đó là lý do để người ta “tiếc thương” chứ đâu phải chỉ xuất phát từ tình cảm đơn thuần vì chè đã gắn bó với mấy thế hệ người dân nơi đây!
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Gắn liền với cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng ven hồ, hình ảnh những chiếc thuyền nan ngày đêm lênh đênh trên mặt nước đã trở nên rất đỗi quen thuộc với cư dân vùng sông nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng ẩn chứa trên những chiếc thuyền nan tròng trành ấy là sự bất an, mất an toàn và cả những hiểm họa khôn lường.
YBĐT - Khảo sát tại 15 xã của tỉnh Yên Bái tham gia mô hình trong 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 1.550 cặp kết hôn vẫn còn có tới gần 700 trường hợp không đăng ký kết hôn, có trên 360 trường hợp tảo hôn, kéo theo gần 1.000 trẻ em sinh ra không có đăng ký khai sinh...
YBĐT - Chúng ta đã có một tiềm năng về cây thuốc bản địa (CTBĐ) rất lớn và quý giá nhưng "kho báu" này đang thực sự bị lãng quên... >> Kỳ I: Tiềm năng cây thuốc và tri thức y học bản địa
YBĐT - Cùng với tiềm năng về cây thuốc, tiềm năng về tri thức y học bản địa (YHBĐ) là lĩnh vực luôn song hành với nhau, bởi YHBĐ là yếu tố đặc biệt quan trọng để nhận biết về các loại CTBĐ; tri thức YHBĐ chính là yếu tố cốt lõi để biết sử dụng các CTBĐ tạo thành các bài thuốc quý và cách chữa trị cho con người.