Tâm tư xã nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 28/7/2014 | 3:06:15 PM
YBĐT - Khi được đặt vấn đề lên xã Làng Nhì tìm hiểu về công cuộc xây dựng nông thôn mới, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu – bà Lê Thị Thu Hà không ngần ngại nói luôn: “Khó khăn lắm nhà báo ạ. Cố gắng lắm 3 năm mới đạt được 2 tiêu chí, còn những tiêu chí khác, không biết đến bao giờ mới đạt”.
Làm đường giao thông nông thôn là bài toán khó của Làng Nhì.
|
Không hỏi tại sao, tôi quyết định lên độ cao 1.600m so với mực nước biển, nơi 317 hộ với 1.967 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông của xã Làng Nhì sinh sống để xem cái khó khăn ấy hiển hiện như thế nào. Trong tâm tưởng, cứ ngỡ đường lên Làng Nhì bây giờ đổi thay lắm rồi bởi nhiều năm nay các chương trình, dự án cho vùng cao được Nhà nước ưu tiên, ai dè chỉ được khoảng 10km từ quốc lộ 32 vào đến trung tâm xã Phình Hồ là đã được bê tông hóa, còn 7,5km từ đó ngược lên Làng Nhì chỉ rặt đường đất, trơn trượt, lầy lội, không thể đi bằng xe máy vào mùa mưa.
Và chỉ đoạn đường đó thôi mà mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến trung tâm xã. Nói là trung tâm mà khung cảnh ở đây quạnh quẽ quá! Không chợ, không có quán hàng, dịch vụ, nhà dân thưa thớt. Xa xa mới nghe tiếng đứa học sinh ở bán trú nô đùa. Ở trụ sở UBND xã, thi thoảng mới có một vài người dân đến làm việc với cán bộ.
Đang đứng ngơ ngác trước cổng UBND xã, tôi bỗng giật mình khi đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Lò Văn Khởi vỗ vai mời tôi vào phòng thưởng thức nước chè xanh của vùng cao. Ừ, đúng là chè xanh vùng cao ngon tuyệt, uống vào vừa đắng lại vừa ngọt đầu môi nhưng sao lòng tôi vẫn trĩu nặng một điều gì đó khó tả. Như đoán được suy nghĩ của tôi, vị lãnh đạo xã sinh năm 1987 này cất lời: “Ở đây không như các xã vùng thấp đâu anh ạ. Đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chúng tôi chưa biết làm gì để giải bài toán giao thông nông thôn”.
Tai nghe, mắt thấy mà thương cho người dân nơi đây quá! Địa hình phức tạp, phần lớn là đồi núi có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi hệ thống khe suối dày đặc và các thung lũng nhỏ, hẹp; dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống chủ yếu tự cung tự cấp, thiếu thốn trăm bề, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển là những rào cản lớn trên lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Làng Nhì, đặc biệt là tiêu chí giao thông nông thôn. Khởi buồn bã: “Các thôn ở vùng thấp, nơi dân ở tập trung làm đường giao thông thì quá dễ”. “Tạo sao?” - tôi hỏi.
Khởi lấy ngay một ví dụ: “Một thôn ở vùng thấp có 55 hộ nhưng chỉ làm 1km đường bê tông thì dễ quá còn gì! Còn ở vùng cao chúng tôi, cũng một thôn như vậy nhưng phải làm 5-7km đường bê tông thì không thể kham nổi”. À, thì ra là vậy và cũng là quá đúng! ở vùng thấp từ trục đường chính đến thôn có nhiều thôn khoảng 1km, còn ở vùng cao thì trục đường chính đến thôn phải mất từ 5-10km là chuyện thường nên người dân đã khổ lại càng khó hơn.
Ông Mùa Nhà Lồng ở thôn Chống Tầu bảo rằng: “Thôn mình có 85% hộ nghèo, người dân trong thôn sống rải rác, không tập trung nên việc huy động để cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn cực kỳ khó khăn”. Hiện toàn xã Làng Nhì có khoảng 101km đường giao thông (cả trục đường chính và đường liên thôn) nhưng đến nay mới có khoảng 700 - 800m bê tông hóa – con số quá nhỏ nhoi.
Trong khi đó, theo tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới thì phải đạt 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa phải đạt 50%; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100% (50% cứng hóa)... Cứ theo tiêu chí này, không biết bao giờ người dân ở Làng Nhì mới có thể hoàn thành?
Càng ngược dốc lên thôn, lên bản ở Làng Nhì càng thấy công cuộc xây dựng nông thôn mới nơi đây còn gian nan. Vấn đề quy hoạch, sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được sản xuất và dân sinh; vấn đề chợ nông thôn, nhà ở dân cư, môi trường... đều là những nút thắt khó gỡ.
Ông Hờ A Khay – Phó bí thư Đảng ủy xã đơn cử: “Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về xây dựng chợ nông thôn còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc khai thác và sử dụng sẽ ra sao khi người dân sống không tập trung, trong khi đó người dân bản địa nguồn và hàng hóa chủ yếu là tự cung, tự cấp”.
Nghe cũng có cái lý của người dân vùng cao, bởi bỏ ra “đống tiền” để xây dựng chợ mà khai thác không hiệu quả thì cũng như không. Tình trạng này ở nhiều địa phương khác trong tỉnh đã gặp phải. Nghe cán bộ của xã Làng Nhì kể về kế hoạch xây dựng nông thôn mới của xã mà tôi cũng thấy não nuột bởi những từ “xã nghèo”, “tiền đâu” cứ lặp đi lặp lại. Nhưng đó là thực trạng chung của nhiều địa phương vùng cao trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Ví dụ như tiêu chí môi trường đang là vấn đề nan giải đối với các xã miền núi, vùng cao của tỉnh.
Đến nay, tỷ lệ số hộ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt đảm bảo vệ sinh chưa đạt; thực trạng rác thải nông thôn cũng thật nhức nhối; việc xây dựng các nghĩa trang theo quy hoạch vẫn đang là câu chuyện khó của chính quyền cơ sở. Làng Nhì không ngoại lệ. Đến nay, xã còn trên 76% hộ nghèo, hàng năm người dân phải nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước như gạo cứu đói, giống ngô, phân bón. Bình quân thu nhập đầu người hàng năm mới đạt 6 triệu đồng nên để đạt các tiêu chí nông thôn mới quả thực là vấn đề quá sức đối với xã vùng cao này.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Mùa Sáy Tông chia sẻ: “Khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng bào mừng lắm, bảo tham gia, làm gì đồng bào cũng làm nhiệt tình. Nhưng xã nghèo quá, mức thu nhập bình quân của người dân mỗi năm chỉ đạt mấy triệu đồng thì đồng bào không có tiền để ủng hộ đâu”.
Theo lộ trình, đến năm 2020 xã hoàn thiện các tiêu chí nhưng sau 3 năm nỗ lực phấn đấu, xã nghèo này mới đạt 2 tiêu chí (hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tư xã hội). Theo các đồng chí lãnh đạo xã, nếu Làng Nhì thực hiện thành công việc xây dựng nông thôn mới thì nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước phải gần 100 tỷ đồng, chưa kể đến sự tham gia đóng góp của nhân dân. Trước mắt, 317 hộ dân trong xã mong muốn các nguồn vốn để bê tông hóa 7,5km từ Phình Hồ lên Làng Nhì để người dân có thể đi lại vào mùa mưa lũ. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đồng bào ở Làng Nhì còn phải chờ một quãng thời gian dài nữa nếu không có sự hỗ trợ đắc lực về nguồn vốn của Nhà nước.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Tháng 7 về, sông Hồng đón những cơn lũ đầu tiên của mùa mưa, nước dâng cao, đục ngầu. Nhưng cũng chính cái thứ màu nước giống như tên gọi của con sông ấy đang ngày đêm bồi đắp cho những ruộng lúa, bờ ngô thêm màu mỡ. Tháng 7 về, chúng tôi đến với Việt Thành - một vùng đất ven sông Hồng thơ mộng để được nghe câu chuyện về cây dâu, con tằm trên đất Trấn Yên.
YBĐT - Chuyên gia Benjamin Franklin đã viết: "Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến. Hóa đơn sẽ đến sau đó". Cho đến giờ nhiều người vẫn tự hỏi, chiến tranh sống ở đâu và điều gì khiến nó trở nên ghê sợ như vậy. Câu trả lời nằm trong dáng hình của người mẹ, người vợ, người cha, người thân của các anh hùng.
YBĐT - Năm 1998, sau ngày công bố phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng cho xã Đại Lịch (Văn Chấn) và truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sỹ Hoàng Văn Thọ - du kích xã Đại Lịch thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều bậc cao niên nói với nhau: "Lẽ ra phải phong Anh hùng cho cả ông Hoàng Văn Vinh nữa, ông ấy cũng rất xứng đáng!". Cho đến hôm nay, lời các cụ ngày đó vẫn là tâm nguyện chung của người dân Đại Lịch.
YBĐT - Chỉ tính riêng năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) 109 dự án, 7.776 hộ bị ảnh hưởng, 434 hộ phải di dời, thu hồi 2.175,44 ha đất. Từ đó cho thấy GPMB luôn là vấn đề "nóng". Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ.