Lỗ hổng “rượu quê”
- Cập nhật: Thứ ba, 29/7/2014 | 9:04:38 AM
YBĐT - “Cũng còn một “chiêu” rất độc mà mọi người nói với nhau là khi chưng cất rượu, đáng ra 10kg gạo được khoảng 10 lít rượu với nồng độ khoảng 35o nhưng người nấu lại lấy 12 lít và để tăng nồng độ, họ sẽ nhúng đầu đũa vào thuốc sâu sau đó nhúng tiếp vào can rượu”, chị Nguyệt cho biết thêm.
Một lò sản xuất “rượu quê” trong thành phố Yên Bái. (ảnh minh họa)
|
Rượu “nút lá chuối” tràn lan
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, lượng rượu được tiêu thụ chủ yếu vẫn là các loại do người dân tự nấu bằng các phương pháp thủ công truyền thống thường được gọi là rượu “nút lá chuối” rượu “quốc lủi” Có mặt tại các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn thành phố Yên Bái, không khó để kiếm được loại rượu này. Điều đặc biệt là theo quy định, những loại rượu này đều phải dán nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trên vỏ chai, can nhựa đựng rượu và hoạt động bán lẻ sản phẩm rượu phải có giấy phép do phòng công thương hoặc phòng kinh tế - hạ tầng cấp huyện cấp… nhưng tất cả đều không có!
Trước thắc mắc của chúng tôi, anh Nguyễn Văn Dũng - chủ một quán đồ nướng khu vực Công viên Yên Hòa cho biết: “Tôi chỉ bán hàng vào buổi tối. Cũng nghe phong thanh đâu đó là bán rượu phải có nhãn mác song quán của tôi nhập hàng trăm lít rượu từ các cơ sở sản xuất rượu khác nhau mà có thấy các cơ sở cung cấp rượu nào dán nhãn mác theo quy định đâu. Đối tượng phục vụ của chúng tôi đa số là thanh niên và họ cũng không để ý lắm tới việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng ngày, chúng tôi vẫn bán vài ba chục lít rượu tự nấu là chuyện bình thường”.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Mạnh Hùng - chủ quán cơm bình dân ở phường Hồng Hà chia sẻ: “Theo quy định, rượu tự nấu phải đăng ký, dán nhãn mác nhưng trên thực tế, phần lớn khách hàng đều không quan tâm với những quy định trên. Khách đến ăn và uống rượu chỉ chú ý đến chất lượng rượu và giá bán thôi. Nếu rượu không ngon là họ phản ánh ngay. Chính vì vậy, người kinh doanh chúng tôi chỉ quan tâm tới những cơ sở sản xuất rượu đạt chất lượng mới dám mua về bán”.
Theo đánh giá của chúng tôi, việc kiểm soát vấn đề này rất phức tạp, quy định là vậy nhưng để thực hiện lại là điều không dễ. Vì nếu có dán nhãn mác rõ ràng mà các cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra thì cũng bằng không. Thực tế, người bán chỉ cần lấy chai rượu có nhãn mác rồi đổ rượu tự nấu vào để bán cho khách thì cũng rất khó phân biệt. Ngay bản thân các công ty sản xuất rượu vẫn bị các cơ sở khác làm rượu nhái, rượu giả còn chưa xử lý được huống hồ đây là các hộ gia đình nhỏ lẻ.
Tất cả vì lợi nhuận
Không chỉ những người kinh doanh hàng ăn vô tư mua bán rượu tự nấu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc theo quy định mà ngay cả bản thân người sản xuất rượu cũng rất thờ ơ. Chị Nguyễn Thị Nguyệt - một hộ nấu rượu thủ công tại phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) cho biết: “Từ trước tới giờ, tôi chưa nghe bất kỳ thông tin nào hay tuyên truyền gì về quy định mới đối với mặt hàng sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu cả. Hàng ngày, gia đình tôi vẫn xuất hàng trăm lít rượu không nhãn mác có thấy sao đâu”.
Cũng theo chị Nguyệt, để có một nồi rượu quê theo đúng nghĩa, người nấu rượu phải trải qua các công đoạn nấu gạo thành cơm, rải ra nia cho nguội, sau đó nghiền men viên thành bột rắc lên, cho vào thùng hoặc chum ủ từ 2 đến 3 ngày để cơm lên men, đổ nước vào ủ tiếp trong vòng từ 10 - 12 ngày, sau đó mới đưa ra chưng cất. Như vậy, để hoàn thành các công đoạn cần mất từ 14 - 16 ngày, khi đó mới có được rượu thành phẩm. Thế nhưng hiện nay, các công đoạn đó được lược bớt một phần hoặc toàn phần để cho ra thứ sản phẩm mang danh rượu “nút lá chuối” nhưng thực chất là rượu “rởm”, uống vào có hại cho sức khỏe.
Khi biết mục đích của chúng tôi muốn biết về công nghệ sử dụng “men thẳng”, chị Nguyệt sẵn sàng chia sẻ: “Lãi suất rất cao nhưng độc lắm chú à, tôi làm thử rồi thấy không yên tâm, chẳng khác nào mình đầu độc mọi người. Nay tôi chỉ nấu rượu phục vụ người trong xóm và lấy bỗng rượu để chăn nuôi thôi”.
Theo chị Nguyệt, “men thẳng” (cách gọi khác là men Trung Quốc) có công dụng cực mạnh khi biến gạo thành cơm chỉ trong vài ngày. Chỉ cần trộn men trực tiếp vào gạo sống, đổ nước và ngâm sau 5 ngày thì gạo sẽ lên men và cho lượng rượu rất lớn. Mỗi túi men tươi 500g dùng để ủ một tạ gạo, cứ 10kg gạo nấu lên cho ra 14 - 16 lít rượu, hiệu quả gấp đôi so với các loại men thông thường. Đối với loại men này, người nấu không chỉ bớt được công đoạn nấu cơm rượu mà còn thu lợi nhuận rất lớn. “Cũng còn một “chiêu” rất độc mà mọi người nói với nhau là khi chưng cất rượu, đáng ra 10kg gạo được khoảng 10 lít rượu với nồng độ khoảng 350 nhưng người nấu lại lấy 12 lít và để tăng nồng độ, họ sẽ nhúng đầu đũa vào thuốc sâu sau đó nhúng tiếp vào can rượu”, chị Nguyệt cho biết thêm.
Một hộ gia đình sản xuất rượu thủ công tại phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.
Quy định còn trên giấy!
Với mong muốn đưa việc sản xuất, kinh doanh rượu vào khuôn khổ và triệt tiêu nạn sản xuất rượu giả, từ ngày 1/1/2013, các hộ gia đình nấu rượu nhỏ lẻ, các làng nấu rượu truyền thống sẽ phải đăng ký với ủy ban nhân dân xã nơi sản xuất và phải có nhãn mác đầy đủ theo quy định của Nghị định số 94 của Chính phủ. Triển khai quy định trên, tại địa bàn tỉnh Yên Bái, phòng kinh tế - hạ tầng, phòng công thương các huyện, thị, thành đã rà soát các cơ sở nấu rượu thủ công; từng bước tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai việc cấp giấy phép sản xuất rượu. Tuy nhiên, qua 18 tháng triển khai, nhiều quy định vẫn còn trên giấy.
Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ ban hành về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Theo đó quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải có dán nhãn, phải đăng ký kinh doanh với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 18 tháng Nghị định có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn tràn lan rượu tự nấu, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. |
Có thể thấy, bên cạnh nguyên nhân do nhận thức của người dân còn thấp thì cũng phải kể đến sự buông lỏng trong hoạt động quản lý của địa phương khi không tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như tuyên truyền, phổ biến, nhắc nhở các hộ sản xuất rượu tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nghị định trong khi đây là một mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tình trạng dễ như mua rượu, bán rượu và... uống rượu, “quốc lủi” dễ... lủi là tình trạng không chỉ Yên Bái mà khắp cả nước. Đây chính là lỗ hổng quản lý lớn của các ngành chức năng. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, các cấp chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để các hộ dân đăng ký sản xuất rượu cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm và hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh rượu đúng pháp luật.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Khi được đặt vấn đề lên xã Làng Nhì tìm hiểu về công cuộc xây dựng nông thôn mới, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu – bà Lê Thị Thu Hà không ngần ngại nói luôn: “Khó khăn lắm nhà báo ạ. Cố gắng lắm 3 năm mới đạt được 2 tiêu chí, còn những tiêu chí khác, không biết đến bao giờ mới đạt”.
YBĐT - Tháng 7 về, sông Hồng đón những cơn lũ đầu tiên của mùa mưa, nước dâng cao, đục ngầu. Nhưng cũng chính cái thứ màu nước giống như tên gọi của con sông ấy đang ngày đêm bồi đắp cho những ruộng lúa, bờ ngô thêm màu mỡ. Tháng 7 về, chúng tôi đến với Việt Thành - một vùng đất ven sông Hồng thơ mộng để được nghe câu chuyện về cây dâu, con tằm trên đất Trấn Yên.
YBĐT - Chuyên gia Benjamin Franklin đã viết: "Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến. Hóa đơn sẽ đến sau đó". Cho đến giờ nhiều người vẫn tự hỏi, chiến tranh sống ở đâu và điều gì khiến nó trở nên ghê sợ như vậy. Câu trả lời nằm trong dáng hình của người mẹ, người vợ, người cha, người thân của các anh hùng.
YBĐT - Năm 1998, sau ngày công bố phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng cho xã Đại Lịch (Văn Chấn) và truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sỹ Hoàng Văn Thọ - du kích xã Đại Lịch thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều bậc cao niên nói với nhau: "Lẽ ra phải phong Anh hùng cho cả ông Hoàng Văn Vinh nữa, ông ấy cũng rất xứng đáng!". Cho đến hôm nay, lời các cụ ngày đó vẫn là tâm nguyện chung của người dân Đại Lịch.