Cai nghiện cộng đồng cần chung tay
- Cập nhật: Thứ hai, 25/8/2014 | 2:49:45 PM
YBĐT - Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến tìm hiểu về công tác cai nghiện tập trung tại Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội (CBGD&LĐXH). Cảm nhận đầu tiên là sự thay đổi lớn về cơ sở vật chất và công tác quản lý, điều trị cai nghiện cho bệnh nhân.
Cán bộ y tế Trung tâm phát thuốc cho bệnh nhân điều trị cắt cơn tại Khu A.
|
Sau hơn 22 năm thành lập, Trung tâm đã cai nghiện cho trên mười nghìn lượt người trong và ngoài tỉnh cắt cơn nghiện, phục hồi sức khỏe, tinh thần trở về với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, số người tái nghiện tại cộng đồng rất cao, nhiều bệnh nhân bắt buộc phải vào Trung tâm từ 2 lần trở lên. Cá biệt có bệnh nhân vào đây “nghỉ mát” đến lần thứ 5.
Rời Khu Hành chính, lên thuyền ra đảo hồ Thác Bà là đến Khu A và Khu B. Đi khoảng 10 phút, ông Lê Công Huấn - Giám đốc Trung tâm chỉ tay về phía trước giới thiệu: “Hiện nay, Trung tâm có 4 khu, đảo phía trước là Khu A có nhiệm vụ như Khu Hành chính là tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn, điều trị các bệnh phát sinh thông thường, tổ chức quy trình cai nghiện phục hồi và điều trị cho học viên, tiếp nhận học viên từ các khu khác chuyển về điều trị. Khu B và Khu C có chức năng tổ chức các hoạt động trị liệu phục hồi như giáo dục, lao động trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hòa nhập cộng đồng…”.
Chiếc thuyền cập bến Khu A. Môi trường, cảnh quan, vườn, rừng xanh, sạch, đẹp. Ở Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe, y sỹ Hoàng Ngọc Thái - cán bộ Phòng Y tế thực hiện nhiệm vụ tại Khu A cho biết: “Hiện nay, Khu A có 124 học viên, trong đó 99 học viên cai nghiện bắt buộc còn lại là tự nguyện. Khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi khám phân loại, lập hồ sơ bệnh án điều trị cắt cơn bằng thuốc an thần kinh (ATK) theo phác đồ của Bộ Y tế và một số thuốc như: giảm đau, thuốc bổ, truyền dịch, tiêu chảy cho bệnh nhân theo bệnh án”.
- Thời gian điều trị cắt cơn cho bệnh nhân có lâu không? Tôi hỏi.
- Thông thường, chúng tôi điều trị cắt cơn cho bệnh nhân trong khoảng 15 - 20 ngày. Những bệnh nhân nặng, khoảng 4 giờ đồng hồ cho uống thuốc ATK 1 lần, nhẹ thì 1 lần/ngày, khi thấy ổn định, sức khỏe đảm bảo mới chuyển giai đoạn khác (sang Khu B hoặc Khu C) lao động trị liệu phục hồi cơ bắp, thần kinh, phản xạ…- y sỹ Thái đáp lời.
Y sỹ Hoàng Ngọc Thái vừa ngừng lời thì học viên Đào Hồng Quang, sinh năm 1972, trú tại tổ 6, phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ) đang điều trị tại Khu A vào kiểm tra sức khỏe, uống thuốc cắt cơn. Sau khi uống thuốc xong, học viên Quang tâm sự: “Mình vào đây lần này là lần thứ 5 rồi.
Khoảng năm 1994, mình đi lao động tự do không giữ được rồi nghiện hút thuốc phiện, đến năm 1997, chính quyền địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm 9 tháng, sau khi cai về béo khỏe lên 4-5kg, gia đình rất phấn khởi nhưng một thời gian sau đi làm mình lại không giữ được, tiếp tục hút thuốc phiện, sau đó, chuyển sang hít, chích hêrôin.
Lần thứ 2, rồi lần thứ 3 vào đây cắt cơn chỉ mất hơn 10 ngày là chuyển sang Khu B lao động, người lại khỏe mạnh bình thường không nhớ “thuốc” nữa. Cai xong trở về địa phương đi làm được một thời gian mình lại không kìm chế được bản thân và tái nghiện. Lần đi cai bắt buộc trước từ giữa năm 2012 đến tháng 4/2014. Hết thời hạn trở về địa phương được mấy tháng đi làm không giữ được lại tái nghiện và mình tự nguyện xin vào đây cai nghiện lần thứ 5 từ ngày 28/7/2014…”.
- Sau lần này, anh có quyết tâm từ bỏ ma túy không? Tôi hỏi.
Lặng đi vài giây suy ngẫm, anh Quang trả lời: “Chưa thể chắc được, nếu tái nghiện mình lại tự nguyện xin vào đây cai thôi!”.
Tiếp tục tìm hiểu về các giai đoạn chữa bệnh cho các học viên sau khi cắt cơn tại Khu A, theo con đường xuyên qua các đồi quế, keo, tre… khoảng trên 600m, chúng tôi đến Khu B. Tại đây, các học viên đang học nghề đan lát, mộc, chăn nuôi bò, lợn, vịt, gà, trồng rau, một số theo cán bộ lên thuyền đi bốc đá thuê cho các công ty sản xuất vật liệu xây xựng… để cải thiện đời sống.
Anh Nguyễn Minh Hoàng - Phó phụ trách Phòng Bảo vệ Trung tâm, trưởng kíp trực Khu B cho hay: “Khu B hiện có 26 cán bộ và 200 học viên (100% học viên là người ở các địa phương trong tỉnh). Thời gian biểu hoạt động của Khu B tương tự như Khu A, chỉ khác là Khu B tổ chức các hoạt động trị liệu, phục hồi như giáo dục, lao động trị liệu, hướng nghiệp dạy nghề và tư vấn hội nhập cộng đồng. Học viên lao động tại chỗ là chủ yếu. Khu cũng thành lập 1 tổ luân phiên nhau đi bốc đá thuê cho các công ty vật liệu xây dựng. Một tuần, Khu tổ chức sinh hoạt 2 lần. Thứ 5, sinh hoạt toàn khu, cán bộ, giáo viên thông tin tình hình thời sự trong và ngoài nước đến học viên, tuyên truyền tác hại của ma túy, đưa ra một số câu hỏi về tác hại của ma túy đối với cá nhân, gia đình và xã hội để học viên cùng thảo luận; đánh giá hoạt động của toàn khu trong tuần biểu dương các học viên thực hiện tốt nội quy, quy chế, phê bình các học viên bỏ trốn, lười lao động, ăn, ở mất vệ sinh…, nhẹ thì cảnh cáo toàn khu, nặng thì cách ly 7 ngày… Tối thứ 7 hàng tuần, các học viên sinh hoạt phòng có cán bộ phụ trách phòng cùng họp và kiểm điểm việc chấp hành nội quy, quy chế của từng học viên và cũng có hình thức biểu dương, phê bình như sinh hoạt khu…”.
Tôi tiến đến gần một học viên đang làm nhiệm vụ tự quản hỏi chuyện:
- Anh vào đây cai nghiện mấy lần rồi mà lại được “tín nhiệm” đeo băng tự quản?
Học viên Uông Đình Hiệp, sinh năm 1976, trú tại tổ 12, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cười: “Mình vào đây lần này là lần thứ 3”.
- Thế anh mắc nghiện lâu chưa?
- Khoảng năm 1997, khi đi phụ xe khách tuyến Yên Bái - Nghĩa Lộ. Buổi tối nghỉ lại mình đi chơi rồi bị lôi kéo vào thử hít hêrôin, cảm giác thoải mái, sau đó, tiếp tục “chơi” và đến năm 2005 gia đình mua xe cho mình chạy, nhưng lúc này mình thấy không thể thiếu hêrôin được nên bỏ bê công việc và không đi lái xe được nữa.
- Lần này cai về Hiệp dự định làm gì?
- Mình sẽ cố gắng kiếm một việc làm gì đó để có tiền nuôi bản thân và không theo bạn bè rủ rê sử dụng lại hêrôin nữa. Quyết tâm không phải bị bắt buộc vào Trung tâm lần 4 để còn... kiếm lấy cô vợ chứ!
Những người nghiện chúng tôi gặp tại Trung tâm có cả nam và nữ. Số nữ đang ở đây là 67 người (chủ yếu là người dân tộc thiểu số), họ lâm vào con đường này với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trường hợp của chị Hảng Thị Vênh, sinh năm 1977, ở bản Lao Chải, xã Lao Chải (Mù Cang Chải) thật éo le.
Chồng là Thào A Sềnh nghiện rồi mua bán trái phép chất ma túy bị tòa án xử 14 năm tù. Vợ ở nhà nghiện hút thuốc phiện mỗi ngày hết 150 ngàn đồng, được đưa đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm từ 7/2013 đến cuối năm 2015 mới hết hạn. Con gái cả 16 tuổi đi lấy chồng, con trai thứ hai 14 tuổi nghỉ học ở nhà đi làm ruộng nương nuôi em 9 tuổi ăn học tại xã. Hay trường hợp của chị Mùa A Cở, sinh năm 1965, trú tại xã Pá Lau (Trạm Tấu) cũng không kém phần... ly kỳ! Chồng tên là Hảng A Chơ, đã nghiện thuốc phiện 6 năm, khi chồng nghiện rủ vợ hút thử, vợ hút thử rồi cũng nghiện được 3 năm, cả hai vợ chồng đã cai tại gia đình nhưng không thành công.
Chị Cở bị bắt buộc đi Trung tâm từ cuối tháng 9/2013, còn anh Chơ chồng chị cũng bị đưa vào Trung tâm sau chị có 5 ngày. Chúng tôi hỏi: Sau khi cai được thuốc phiện về các chị có quyết tâm không hút thuốc phiện không? Cả chị Vênh và chị Cở đều trả lời rất “vô tư”: “Ở đây thầy bảo không hút nữa thì mình không hút thôi! Khi về nhà bạn bè nó rủ không biết thế nào, có tiền thì hút, không có thì thôi...”.
Phát tờ rơi tuyên truyền tác hại của ma túy cho học viên nữ điều trị tại Khu Hành chính.
Sau khi hết thời hạn cai nghiện tại Trung tâm, tất cả các học viên đều đã cắt được cơn nghiện, phục hồi sức khỏe, tinh thần và đều lên cân như đi “nghỉ mát” về và được gia đình đến đón. Nếu có học viên gia đình không lên đón, Trung tâm giao giấy tờ và mua vé xe khách cho, báo cáo chính quyền địa phương, công an kết hợp cùng quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng. Nhưng thực tế, chỉ sau một vài tháng hầu hết số người đã đi cai về lại tái nghiện với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có trường hợp không có công ăn việc làm bị “chiến hữu” lôi kéo tái nghiện trở lại. Có trường hợp khi làm không thành công một công việc gì đó, hay bị gia đình, người thân trách mắng... lại tìm đến ma túy và cũng có trường hợp vào Trung tâm “nghỉ mát” một thời gian cho khỏe rồi lại về hít, chích ma túy, khi sức khỏe yếu lại vào Trung tâm. Tuy ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh chưa có cuộc khảo sát thống kê chính xác về số người tái nghiện sau khi cai tại Trung tâm trở về cộng đồng, nhưng theo phản ánh của các địa phương trong tỉnh thì số này phải trên 90%.
Ông Lê Công Huấn cho biết thêm: “Qua kiểm tra hồ sơ, số người ở các địa phương trong tỉnh vào cai nghiện tại Trung tâm hàng năm có từ 70 - 80% là tái nghiện lần 2 trở lên”. Còn số người cai được thực sự sau khi từ Trung tâm trở về quản lý tại cộng đồng vẫn là một ẩn số! Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng của tỉnh, Yên Bái hiện có trên 2.500 người nghiện có hồ sơ quản lý và trên 1.600 người nghi nghiện, hàng ngày vẫn tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của cho ma túy và hệ lụy của nó để lại cho gia đình và xã hội còn rất dài!
Để thực hiện hiệu quả việc cai nghiện nói chung, cùng với thực hiện tốt việc cai nghiệp tập trung tại Trung tâm CBGD&LĐXH trong thời gian 24 tháng; khi người nghiện trở về địa phương, gia đình, thôn, xóm, tổ dân phố, các đoàn thể, chính quyền địa phương cần chung tay vào cuộc động viên, tạo công ăn việc làm, gia đình, chính quyền địa phương, công an phối hợp chặt chẽ trong quản lý người nghiện sau khi cai tại Trung tâm trở về địa phương... Như vậy mới có thể “dứt điểm” việc cai nghiện tập trung và cai nghiện tại cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - “Cơn khát” chọn trường sau một thời gian đã có phần “hạ nhiệt”. Đối với thành phố Yên Bái, cấp ủy, chính quyền thành phố đã có những động thái tích cực trong chỉ đạo, điều hành chính quyền cơ sở, phòng chức năng về công tác tuyển sinh lớp 1, lớp 6. Các đơn vị đã xây dựng phương án phân tuyến tuyển sinh cụ thể, hợp lý cho từng địa bàn, trường học.
YBĐT - "… Hôm đó có các bác trên huyện xuống thăm ông nội, Páo lân la tới gần xin ông cho đi học tiếp và nói rằng: "Xin ông bảo bố mẹ cho cháu được học hết cấp ba để đi thi, nếu không thi được cháu sẽ ở nhà làm nương...".
YBĐT - Ở cái thôn Khe Ron đặc biệt khó khăn của xã vùng ba Hồng Ca (Trấn Yên) - nơi có 100% người Mông sinh sống, cái đói, cái nghèo đang là hiện hữu số một, ít ai nghĩ rằng lại có đôi vợ chồng người Mông làm kinh tế giỏi như thế.
YBĐT - Khao khát và quyết tâm của Sùng A Dì khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Bởi chúng tôi nhận ra, trong hình hài nhỏ bé ấy, trong ánh mắt sáng và nụ cười tươi tắn ấy là cả một hoài bão lớn lao vượt lên số phận để thực hiện niềm đam mê cháy bỏng của một con người giàu nghị lực.