Thung lũng vàng cam
- Cập nhật: Thứ hai, 29/9/2014 | 9:10:52 AM
YBĐT - Thị trấn Nông trường Trần Phú trước kia được nhiều người biết đến bởi vùng chè lớn nhất huyện Văn Chấn. Nay, cái thị trấn nhỏ bé ấy còn được mệnh danh là thủ phủ của các loại cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái. Đến thị trấn Nông trường Trần Phú, đi trên những con đường bê tông uốn lượn quanh những đồi cam trĩu quả, ngắm những ngôi biệt thự tiền tỷ, ai cũng cảm giác ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này…
Cam Đường canh Văn Chấn là sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
|
Đã sang cuối thu nhưng tiết trời vùng cao Tây Bắc lúc nắng, lúc mưa. Thị trấn Nông trường Trần Phú như một thung lũng được bao bọc bởi những đồi cam, nương chè đang bắt đầu mùa thu hoạch. Nơi phố núi này mấy mươi năm trước, người dân chỉ biết có mỗi cây chè, gắn với nghiệp chè, cần mẫn ngày ngày mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Hôm nay, diện mạo của thị trấn đã khác xưa nhiều lắm. Đó là "làng biệt thự" với những ngôi nhà xây mới theo kiểu kiến trúc châu Âu nằm xen kẽ giữa các đồi cam trĩu quả ở khu 7, khu 8 với những ông chủ thu bạc tỷ mỗi năm từ cam. Để có thành quả ấy, người dân thị trấn nhỏ này đã phải trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm.
Những năm 1990, nghe nói đến vùng cam sành ở huyện Lục Yên đã giúp người dân xóa được nghèo đói và vươn lên làm giàu, một số người dân ở đây đi tìm hiểu và mua giống về trồng thử. Không ngờ cây cam lại hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này nên bắt rễ rất nhanh. Sau thời gian chăm sóc, được thu hoạch những lứa cam đầu tiên thấy hiệu quả, thế là người dân dần phá bỏ diện tích chè già cỗi kém hiệu quả sang trồng cam. Cây cam được trồng trong những nương chè, quanh nhà, vào cả trong những sườn đồi dốc… Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, ngành chức năng đã đưa thêm các giống cam mới vào trồng để tăng sản lượng và nâng cao chất lượng như: cam sành, cam Đường canh, cam V2, cam sen, cam Valencia, cam Caracara… Và cũng chính từ những đồi cam này đã người dân nơi đây đến với giấc mơ tiền tỷ.
Những con đường được mở đến tận chân đồi cam.
Chúng tôi tới nhà anh Phạm Văn Đường ở khu 7-một trong những hộ trồng cam giỏi của thị trấn đúng vào hôm nhà đang đông khách. Đó là những người bạn từ xã Minh An sang học hỏi phương pháp trồng và chăm sóc cam. Trong ngôi nhà xây khang trang với nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: ti vi, tủ lạnh, máy giặt, đặc biệt là chiếc xe máy "khủng" trị giá gần 100 triệu đồng anh mới sắm sau vụ cam năm ngoái, tôi mở lời:
- Sao ông chủ không mua ô tô mà lại mua xe máy đắt tiền thế này?
- Ô tô cũng tiện đấy nhưng không vào giữa các vườn cam được. Trong này các tuyến đường đã được bê tông hóa 100%. Đường vào các đồi cam cũng được các chủ hộ đầu tư mở rộng nên ngồi xe máy "chẳng khác gì ô tô mui trần" đi vào thăm từng gốc cam.
Đúng là nông dân thời @, rất nhanh nhạy và tiến bộ. Được biết, vốn là dân trồng chè chuyên nghiệp nhưng hơn chục năm nay, gia đình anh Đường đã chuyển hết diện tích trồng chè kém hiệu quả sang trồng cam. Mới đầu là 1ha, đến nay, anh Đường đã sở hữu đồi cam trên 3ha, trong đó trên 2ha đã cho thu hoạch được hơn 5 năm, còn 1ha mới trồng được một năm. Vụ cam năm ngoái, từ tiền bán cam, gia đình anh xây được một ngôi nhà khang trang trị giá trên 700 triệu đồng và tậu thêm chiếc xe máy đắt tiền kể trên.
Anh Đường tâm sự: "Để có được cơ ngơi và những đồi cam kia, chúng tôi phải bỏ bao mồ hôi, công sức. Có những lúc cam bị bệnh, rớt giá cũng khóc dở mếu dở đấy, lại có lúc tưởng phải phá cam quay lại trồng chè. Thế rồi những khó khăn cũng qua đi, cây cam đã đứng vững và cho thu những mùa quả ngọt".
Rời vườn cam trĩu quả nhà anh Đường, chúng tôi tới thăm những hộ trồng cam giỏi khác thuộc tổ dân phố 8 của thị trấn. Nhìn những rạch cam đều tăm tắp, uốn lượn như dải lụa mềm chạy ngược lên đỉnh đồi, những cành cam trĩu quả hứa hẹn một mùa bội thu càng thấm thía câu thơ "có sức người sỏi đá cũng thành cơm".
Khi sản phẩm của họ đã có thị trường tiêu thu ổn định, liên kết "4 nhà" dần được hình thành ngay ở vùng cam lớn nhất tỉnh này không còn xa xôi nữa, chắc chắn những ngôi biệt thự hiện đại đẹp như tranh vẽ của thị trấn nhỏ này sẽ không chỉ dừng lại ở con số vài chục. Đang thả hồn giữa những rừng cam bắt đầu đổ vàng, tôi đã đến vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh lúc nào không hay. Chẳng hẹn mà gặp, đúng lúc anh Mạnh đang san lấp diện tích ruộng kém hiệu quả để đầu tư trồng cam.
Chân tay lấm lem bùn đất, anh Mạnh hồ hởi chia sẻ: "Con đường này chúng tôi mở từ đỉnh dốc Đỏ vào đây hơn 1km, 10 hộ chung nhau. Riêng đoạn qua vườn cam của nhà, tôi phải phá đi 40 gốc cam trên 3 năm tuổi và đầu tư 20 triệu đồng để làm đấy. Chúng tôi làm mặt đường rộng 3,5m để xe tải mua cam có thể vào tận vườn". 20 năm gắn bó với cây cam, hơn ai hết, anh Mạnh hiểu giá trị của loại cây có múi này cao gấp hàng chục lần trồng chè và trồng lúa. Vì thế mà hiện nay anh đang thuê máy về san lấp gần 2.000m2 ruộng trũng kém hiệu quả để trồng cam.
Theo tính toán của anh Mạnh, để có một vườn cam trên diện tích này, anh sẽ phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng và dự tính sẽ trồng cam sen bởi loại cam này vừa dễ trồng, vừa ít sâu bệnh lại cho năng suất cao. Hiện nay, gia đình anh có trên 4ha cam, trong đó trên 3ha đã cho thu hoạch lâu năm và 1ha đang bắt đầu. Tính sơ sơ, tổng tài sản của gia đình anh bây giờ cũng có đến 6 tỷ đồng. Nâng những chùm cam sành trĩu quả, anh Mạnh khẳng định: "Cam năm nay được mùa chị ạ! Sản lượng cam của gia đình sẽ đạt gấp đôi năm ngoái (vụ cam năm ngoái nhà anh Mạnh được 30 tấn - PV). Người trồng cam chúng tôi hiện nay đã yên tâm về thị trường, giá cả nhưng vẫn mong muốn có thương hiệu riêng cho vùng quả này".
Vợ anh Mạnh kiểm tra sâu bệnh trên diện tích cam sành.
Thị trấn Nông trường Trần Phú hiện là một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện Văn Chấn với gần 400ha, năng suất từ 12-15 tấn/ha, mỗi năm mang về cho người dân nơi đây trên 60 tỷ đồng. Nói đến cam của thị trấn phải kể đến các thôn: 3, 6, 7, 8, khu vực thôn 19/5 bởi đây là địa bàn có thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước đặc biệt phù hợp cho cam, quýt và các loại cây ăn quả có múi phát triển.
Xác định đây là loại cây mũi nhọn trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của người dân địa phương, Đảng bộ, chính quyền thị trấn Nông trường Trần Phú đã chỉ đạo nhân dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích chè xấu, thoái hóa, kém chất lượng sang trồng cam. Chẳng thế mà sau mỗi mùa cam bội thu lại có thêm nhiều ngôi biệt thự mọc lên giữa bạt ngàn màu xanh của núi rừng trùng điệp, màu vàng ruộm của những đồi cam mỗi khi vào độ chín.
Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Trần Phú phấn khởi cho hay: "Những hộ trồng cam ở đây đa số là triệu phú, tỷ phú, như gia đình ông Nguyễn Văn Thông, Đinh Quang Dũng, Lê Minh Đông ở khu 8, Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Văn Đường ở khu 7... mỗi vụ cam đều có thu nhập từ 700 triệu đến hơn một tỷ đồng. Thị trấn đang xây dựng những đồi cam đáp ứng yêu cầu thị trường về năng suất cũng như chất lượng để sản phẩm cam của thị trấn sẽ đạt tiêu chuẩn cam sạch và có thương hiệu".
Vẫn biết khi sản phẩm có thương hiệu, thị trường, giá cả ổn định sẽ giúp người nông dân yên tâm sản xuất, song, để xây dựng được một thương hiệu riêng cho loại hàng hóa nông sản này, trước hết phải bắt đầu từ chính việc nâng cao nhận thức, ý thức của người trồng cam trong việc đầu tư chăm sóc ban đầu, đặc biệt là quy trình kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được giám sát, tuân thủ nghiêm ngặt, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Yếu tố quan trọng nhất là cây cam phải có chất lượng, an toàn và sạch bệnh. Điều đó đòi hỏi quá trình trồng, chăm sóc cây cam phải được người nông dân thị trấn Nông trường Trần Phú nói riêng và người Văn Chấn nói chung thực hiện đúng tiêu chuẩn VietGap. Mong muốn có thương hiệu cho sản phẩm cam của thị trấn Trần Phú nói riêng và cam Văn Chấn nói chung là mong muốn chính đáng của người trồng cam nhưng mình họ thì không thể nên rất cần sự phối hợp của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.
Đã bước sang những ngày đầu tiên của quý tư, cũng đồng nghĩa với cái tết Âm lịch Ất Mùi của dân tộc đang tới rất gần, những vườn cam trĩu quả ở thung lũng xanh này sẽ chuyển dần sang màu vàng rực. Khi ấy, thung lũng vàng cam lại xe lớn, xe nhỏ của tư thương tấp nập vào ra. Cam thị trấn Nông trường Trần Phú - giống cam mọng nước, ngọt thơm đậm đà sẽ theo quốc lộ 32, qua Thu Cúc về Hà Nội, ngược Cát Thịnh về thành phố Yên Bái, vào Nghĩa Lộ, lên Lai Châu sang các tỉnh bạn lân cận. Sản phẩm cam Đường canh, cam Valencia, cam V2, cam sen, cam Caracara… của thị trấn Nông trường Trần Phú sẽ là món quà tết ý nghĩa theo về mỗi ngôi nhà của du khách thập phương trong hành trang trĩu nặng quà vùng cao Tây Bắc. Đáp trả lại thành quả ấy sẽ là những vila, những biệt thự sẽ mọc lên san sát cùng vườn cam phủ kín núi rừng vùng cao Văn Chấn.
Thị trấn Nông trường
Trần Phú, tháng 9/2014
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã được thị xã Nghĩa Lộ xác định là một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là hướng tới xây dựng thị xã du lịch văn hóa vào năm 2020. Thế nhưng, thực tế thì đâu sẽ là hướng đi cho sự phát triển bền vững của du lịch cộng đồng?
YBĐT - Gần 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” (gọi tắt Đề án 71), hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
YBĐT - Mai An Tiêm bắn chết chú voi rừng đang múa hát; Thạch Sanh đánh trăn tinh bằng các âm thanh “á”, “phập”, “bốp”; Lang Liêu mơ thấy mình “Vào bếp với người nổi tiếng”. Có thể tin hay không, đó chính là nội dung những câu chuyện cổ tích Việt Nam đang đến với trẻ thơ được bày bán trên giá sách?
YBĐT - Những năm gần đây, tội phạm về hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em trên địa bàn huyện Văn Chấn có chiều hướng gia tăng cả số vụ và đối tượng phạm tội. Đây là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, cần được xét xử nghiêm minh theo pháp luật.