Kỳ II: Cần một chiến lược phát triển
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2014 | 1:39:06 PM
YBĐT - Việc đưa VHDG trở thành sản phẩm của du lịch nên tập trung đi thẳng vào các nhu cầu căn bản của du khách như: ăn, ngủ, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng.
Biểu diễn khèn Mông là một trong những "đặc sản" văn hóa thu hút du khách trong mỗi sự kiện văn hóa, lễ hội vùng đồng bào Mông.
|
Kỳ I: “Cầm vàng đừng để vàng rơi”
Du lịch được ví là ngành “công nghiệp không khói”. Ở tỉnh Yên Bái, một số điểm làm du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã phát huy hiệu quả tốt và trở thành cơ hội cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn vùng cao như điểm DLCĐ người Dao ở xã Vũ Linh (huyện Yên Bình) hay một số gia đình người Thái, người Mường ở khu vực Mường Lò và Mù Cang Chải. Mỗi điểm bình quân một năm đón tới trên 5 trăm du khách với giá ngủ từ 70 đến 80 nghìn đồng/ngày và 150 nghìn đồng/suất ăn.
Tuy nhiên, tiềm năng này cần phải có quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển ở mức cao hơn đúng với những gì được xác định là tiềm năng và thế mạnh. Việc quy hoạch trước tiên nên tập trung đầu tư bảo tồn, phát triển trục, tuyến cảnh quan thiên nhiên và không gian trọng điểm chứa đựng các giá trị văn hóa dân gian (VHDG) mang tính tộc người, như tuyến cư trú của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan dọc theo Đông hồ Thác Bà từ huyện Yên Bình lên huyện Lục Yên; tuyến cư trú của đồng bào Tày, Dao, Thái, Mường, Mông, Khơ Mú dọc quốc lộ 32 từ Văn Chấn, Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải.
Những trục này nếu kết nối du lịch liên hoàn giữa các tộc người sẽ tạo nên sự đa dạng của sản phẩm du lịch; đồng thời, nếu được khai thác tốt sẽ tạo thành trục động lực kích thích hoạt động du lịch ở những vùng xung quanh.
Trong quy hoạch cũng nên chú trọng cả tuyến ngắn bởi nhiều người, nhất là lớp trẻ ở thành phố Yên Bái, các thị trấn, địa bàn giáp ranh các tỉnh muốn tổ chức sinh nhật, họp lớp, tiếp bạn và tổ chức các hoạt động tập thể khác ở những nơi kết hợp được với các hoạt động giải trí như câu cá, thăm quan, tắm suối, cắm trại, ẩm thực dân tộc.
Những điểm đáp ứng được nhu cầu dã ngoại này có thể kể đến không gian văn hóa của đồng bào Tày xã Việt Hồng; vùng đồng bào Dao ở xã Y Can, Kiên Thành (huyện Trấn Yên) hay vùng đồng bào Dao, Cao Lan ở Tân Hương, Đại Đồng (huyện Yên Bình)... có bán kính tính từ thành phố Yên Bái 10 đến 30 cây số. Ở vùng miền Tây là các điểm vùng ven thị xã Nghĩa Lộ hay xã Suối Giàng, Sơn A, Tú Lệ (Văn Chấn).
Trong quy hoạch còn phải lưu ý đánh giá tiềm năng VHDG ở từng vùng, từng tộc người; quy hoạch trọng điểm khai thác và quy hoạch việc truyền dạy, phổ biến VHDG. Cùng đó là hướng dẫn nhân dân cách làm du lịch, đào tạo nguồn lực có chuyên môn khai thác, quảng bá du lịch, hướng dẫn du lịch và khả năng giao tiếp với khách nước ngoài, biết quản lý và giao dịch qua mạng Internet…
Việc đưa VHDG trở thành sản phẩm của du lịch nên tập trung đi thẳng vào các nhu cầu căn bản của du khách như: ăn, ngủ, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng. Về ăn uống, cơ bản khách du lịch trong, ngoài nước đều thích các món ăn của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, cần khắc phục những hạn chế như việc mâm cơm quá nhiều món và có món trùng lặp hương vị. Chẳng hạn, trong một mâm ở Mường Lò có tới hơn chục món nhưng vừa có thịt gà vừa có thịt vịt; cùng một loại rau nhưng món nộm, món xôi; cùng một món cá nhưng có cá nướng, cá moọc; cùng món thịt lợn nhưng lại có món chả nướng và băm nướng… gây khó khăn cho sự cảm nhận của du khách.
Lượng thức ăn trong mâm quá nhiều nên khách không ăn hết gây lãng phí. Khách thưởng thức các món ăn cần có thời gian nhưng ngồi chưa lâu đã sớm tổ chức giao lưu văn nghệ, chúc rượu khiến khách bị mất tập trung ăn uống, không kịp thưởng thức, tìm hiểu sự độc đáo của ẩm thực địa phương.
Vì thế, chủ nhà cần tư vấn giúp khách tiết kiệm tiền ăn uống để chuyển một phần tiền sang thưởng thức các sản phẩm du lịch khác như ngâm chân, xông hơi, tắm thuốc, mua sắm; đồng thời, nên hướng du khách đến thưởng thức các món ăn vừa bổ dưỡng và trị bệnh bằng chính các nguyên liệu chỉ có tại địa phương. Món ăn không nên chỉ trong phạm vi thực phẩm và cách thức chế biến của một dân tộc nào mà phải tập hợp được các món thế mạnh của các dân tộc bản địa.
Việc chăm lo nơi ngủ nghỉ cho khách cũng là một điều kiện đặc biệt cần chú ý. Cần tránh sự đáng tiếc như ở xã Suối Giàng hay một số xã trong vùng Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải vì không có nơi ăn nghỉ khiến du khách dù muốn kéo dài hành trình khám phá cảnh quan, tìm hiểu cuộc sống của người Mông trong các làng bản nhưng cứ đến trưa hoặc tối là phải “rút lui”. Chăm sóc giấc ngủ cũng có rất nhiều yếu tố VHDG mang lại sự hài lòng cho khách. Chẳng hạn, trước đây, bà con dân tộc đi thăm nhau ở xa chỉ có đi bộ nên trước khi nghỉ chủ nhà bao giờ cũng chuẩn bị cho khách chậu nước ấm pha gừng để khách ngâm chân cho đỡ nhức mỏi.
Có nơi, vào mùa lạnh, theo tục lệ của một số dân tộc, chủ nhà trải sẵn chăn đệm và nằm trước cho hơi ấm lan tỏa trong chăn. Chủ nhà ngủ cùng khách để kể sử thi hay những câu chuyện mà khách chưa từng nghe và giải đáp những vấn đề mà khách muốn tìm hiểu. Tuy vậy, cũng cần phải chú ý đến thói quen của khách như việc khách quen ngủ ở phòng kín nên khi ngủ ở nhà sàn cũng phải cố gắng tạo sự kín đáo. Không nên để khách ngủ quá đông trong một nhà sàn để đảm bảo sự yên tĩnh cho giấc ngủ.
Các chuyên gia của tỉnh Val de Marne (Cộng hòa Pháp) đang nghiên cứu thực địa để tư vấn làm du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ.
Với nhu cầu thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng, cần giúp du khách đến được những nơi có di tích, cảnh quan đẹp. Quy hoạch, đầu tư hình thành các điểm làm nghề truyền thống và sẵn sàng giúp khách trải nghiệm các hoạt động sản xuất như: trồng rừng, đánh bắt cá trên hồ Thác Bà; ở miền Tây khách có thể tìm hiểu nghề nấu rượu thóc, nuôi ong mật, hái và xao sấy chè Shan Tuyết, rèn thủ công, chế tác nhạc cụ, trồng và bào chế cây thuốc, dệt vải, đan lát, nuôi trồng cây, con đặc sản. Cũng cần từng bước đầu tư bảo tồn dân tộc học ở những nơi thuần cư của mỗi dân tộc theo mô hình làng bản truyền thống...
Tạo liên kết tốt nhất cho du khách trong cùng một lộ trình được đến với địa bàn cư trú của nhiều dân tộc do đặc thù cư trú đan xen. Đây cũng chính là điều kiện để khách hòa mình nhiều hơn với thiên nhiên và hòa đồng với cuộc sống của người bản địa. Ở một số nơi làm DLCĐ như: Bản Lác, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), Bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), suối khoáng Bản Moòng của thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La)… đã rất thành công việc khai thác tiềm năng này.
Việc đưa các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, giới thiệu phong tục, tập quán, nghi lễ tâm linh với du khách cần đi sâu vào khai thác triệt để yếu tố VHDG của từng tộc người và cùng một lúc nên cho khách được thưởng thức VHDG của nhiều dân tộc để họ nhận diện được sự đa sắc màu văn hóa ở nơi đến. Không nên quá băn khoăn việc du khách không biết tiếng dân tộc sẽ không bị hấp dẫn bởi những loại hình VHDG này vì rất có thể trong số du khách được nghe lại có rất nhiều người chuyên nghiên cứu về VHDG. Hoặc suy từ mỗi chúng ta, tuy không biết tiếng nước ngoài nhưng chỉ cần nghe giai điệu, xem cách diễn xướng opera, dân ca Ấn Độ, kinh kịch của Trung Quốc, kịch nô của Nhật… ta vẫn nhận diện được đó là loại hình nghệ thuật đỉnh cao của con người. Thực tế đã cho thấy, ở khu du lịch xã Vũ Linh, khi khách nước ngoài cùng lúc được xem múa hát dân ca Tày, Nùng, Dao, Cao Lan họ đều rất thích.
Hoàng Nhâm
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là tỉnh Tây Bắc có đông các dân tộc nhất cùng chung sống, trong đó có 13 dân tộc số dân từ 5 nghìn người trở lên. Điều đó đồng nghĩa, đây là tỉnh đa dạng về văn hóa tộc người. Đặc thù này là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).
YBĐT - Hình ảnh đẹp, nên thơ và đậm nét văn hóa nhất ở vùng cao là những người phụ nữ váy áo xòe hoa bám sau đuôi ngựa chở trên lưng những ông chồng đã chếnh choáng hơi men của chợ phiên, chợ huyện mỗi mùa nếp mới. Đặc biệt, trong dịp tết, lễ hội, ấn tượng là hình ảnh các chàng trai kiêu hãnh phi ngựa như những chiến binh dũng mãnh.
YBĐT - 18 tuổi. Đặng Thị On đã làm mẹ của hai đứa trẻ. Tuy thế, On chưa một lần được mặc áo cô dâu vì xã chưa công nhận về mặt pháp lý. Còn Triệu Thị Sếnh thì bị "nhà trai" kiện do đã tự ý bỏ trốn vì không thấy "thích" người yêu nữa.
YBĐT - Sau 35 năm đối mặt bom gào, đạn réo trên chiến trường đi đến ngày thống nhất đất nước, vị đại tá về hưu lại nguyện làm “người không bình thường” kéo điện về bản làng, “người dở hơi” đưa nước sạch về Khe Đát và vô vàn câu chuyện cảm kích người dân kể về vị “dũng tướng” của làng.