Đại tá... về làng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/10/2014 | 9:14:12 AM

YBĐT - Sau 35 năm đối mặt bom gào, đạn réo trên chiến trường đi đến ngày thống nhất đất nước, vị đại tá về hưu lại nguyện làm “người không bình thường” kéo điện về bản làng, “người dở hơi” đưa nước sạch về Khe Đát và vô vàn câu chuyện cảm kích người dân kể về vị “dũng tướng” của làng.

Đại tá Đặng Hồng Quân luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con trong thôn phát triển kinh tế.
Đại tá Đặng Hồng Quân luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con trong thôn phát triển kinh tế.

Nếu nghỉ chế độ với quân hàm đại tá, hưởng lương hưu trên 10 triệu đồng/tháng, chắc nhiều người sẽ chọn cho mình một cuộc sống nơi đô thị, phồn hoa. Nhưng ông lại khoác ba lô trở về quê hương, nơi có mái nhà sàn cổ kính, có người vợ hiền tần tảo nuôi con suốt 36 năm để ông yên tâm công tác.

Sau nhiều lần hẹn hò, cuối cùng tôi và đồng chí Nguyễn Quốc Toản -Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Trấn Yên cũng đến được làng Khe Đát Tân Đồng, nơi Đại tá Đặng Hồng Quân - nguyên  Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai sinh sống. Trong tôi cứ tưởng tượng rằng ông là người có dáng vóc oai hùng theo kiểu “râu hùm, hàm én, mày ngài; vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”. Ai dè, vị Đại tá này dáng người thấp, đậm nhưng ăn nói đầy thuyết phục. Sau cái bắt tay chắc nịch kiểu quân sự, ông khiêm tốn bảo: “Có gì đâu mà viết, mình làm được một số việc đơn thuần, nhỏ nhoi thôi, cái đó mọi người dân ở đây đều làm được cả mà”.

Đúng là người của công việc, ít khi nói về mình. Nhưng lúc nhắc lại những năm tháng trong quân đội, ông lại rất hào hứng: “Cũng như bao trai làng khác, tháng 8/1968, sau khi rời ghế nhà trường, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, mình xung phong lên đường tòng quân tham gia ở E212, F361 Quân chủng Phòng không - Không quân, làm nhiệm vụ chiến sỹ pháo thủ số 5, pháo cao xạ 57ly.

Đến năm 1971 được cử đi học đào tạo sỹ quan chỉ huy pháo phòng - không, năm 1974 ra trường và được điều về Trung đoàn 282, F375 Quân chủng Phòng không - Không quân đóng ở tỉnh Bắc Giang. Trong khoảng thời gian đó, trên cương vị là Đại đội phó, chỉ huy Đại đội, mình cùng Sư đoàn vào Khe Sanh, Dốc Miếu để bảo vệ sân bay Tà Cơn ở Quảng Trị, sân bay và bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Với tôi, một người khách của làng Khe Đát thôi cũng cảm kích khi nghe những câu chuyện được người dân kể lại về ông: nào là vợ chồng xích mích nhờ ông giải quyết; hàng xóm xô xát ông đứng ra giảng hòa; đường ống dẫn nước hỏng cũng chạy sang nhờ ông sửa; chuyện con gà ốm lúc nửa đêm cũng nhờ ông sang “cấp cứu”; bãi tha ma bỏ hoang được ông cải tạo trồng sắn cho thu nhập cao...
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, có một kỷ niệm mà Đại tá Đặng Hồng Quân không bao giờ quên. “Đó là vào khoảng 8h ngày 10 tháng 7 năm 1972 khi máy bay Mỹ F105 thả bom vào cầu Đuống, ga Yên Viên và phóng tên lửa vào trận địa, sau khi quan sát thấy trận địa không an toàn, mình đã chỉ huy và ra lệnh bắn bom bi, nhờ vậy bom bi chuyển hướng không vào trận địa, bảo đảm được tính mạng nhiều đồng đội, bảo toàn lực lượng trận địa”.

Năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía bắc, Đặng Hồng Quân lại được cấp trên điều động từ Đà Nẵng về Lữ đoàn 243 Quân khu I, thành lập đơn vị Lữ đoàn Pháo phòng không, bảo vệ khu gang thép Thái Nguyên và Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn. Năm 1986, ông được điều động làm Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Khương, đến năm 1987 được đề bạt lên Chỉ huy trưởng Ban chỉ quân sự huyện Mường Khương. Năm 1993, ông được cấp trên điều về làm Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai cho đến năm 2004 nghỉ chế độ theo quy định. Dù ở trận địa nào, trong hoàn cảnh khó nào, người lính Cụ Hồ Đặng Hồng Quân cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời chiến, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Nếu nghỉ chế độ với quân hàm Đại tá, lương hưu trên 10 triệu đồng/tháng, chắc nhiều người sẽ chọn cho mình một cuộc sống nơi đô thị, phồn hoa. Nhưng ông đã khoác ba lô trở về quê hương, làng xóm, nơi có mái nhà sàn cổ kính, có người vợ hiền tần tảo nuôi con suốt 36 năm để ông yên tâm công tác. Về quê thường là để hưởng cuộc sống thanh nhàn nhưng với Đại tá Đặng Hồng Quân thì không hẳn như vậy khi vùng quê nơi ông “cắt rốn” vẫn quá nghèo và nhiều hủ tục lạc hậu đeo bám người dân. Nhấp chén trà nóng, đưa mắt về phía xa, ông kể lại: “Khe Đát năm 2004, tù mù, leo lắt lắm, chứ không được văn minh như hôm nay đâu. Không có điện, đường sá lầy lội. Nhiều hủ tục lạc hậu bao đời vẫn bám theo người dân: đau ốm tìm đến thầy cúng, sinh đẻ ở nhà, người chết để 3 - 4 ngày, chuồng trâu, bò, gà, lợn... nuôi nhốt ở gầm nhà sàn, nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm. Tất cả những thứ đó luôn ám ảnh mình trong mỗi giấc ngủ”.

 

Nhờ có nguồn nước sạch mà gia đình ông Đặng Hồng Quân đã đào ao thả cá, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Qua nhiều câu chuyện ông kể, tôi hiểu, Đại tá luôn nặng trĩu âu lo làm sao để giúp làng Khe Đát thoát nghèo. Chính trong khó khăn đó, tinh thần, bản chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ trong con người Đại tá Đặng Hồng Quân lại được phát huy. Bà Trương Thị Gấm - vợ ông nói: “Lúc đương nhiệm, mỗi khi về quê thăm vợ con, ông luôn có giấc ngủ thoải mái, thế mà mới về nghỉ chế độ, không đêm nào ông ấy ngủ ngon giấc. Ông bàn với tôi đem ít tiền tiết kiệm cho thôn vay để kéo điện về bản”.

Được vợ con đồng thuần, việc làm đầu tiên của ông Quân là phải khai sáng làng Khe Đát bắt đầu từ điện. Nói là vậy, chứ thực hiện đâu có dễ dàng gì, bởi trong suy nghĩ của đồng bào Dao thì: đây là việc không thể làm nổi, nhiều ý kiến ngược chiều được đưa ra bàn tán và xem ông Quân như “người không bình thường”. Nhưng trong quãng thời gian ngắn, với số tiền tiết kiệm được, ông mua xà, sứ, dây điện, vận động thêm những hộ khác trong làng đóng góp vật liệu, nhân công đào, chôn cột tre kéo được đường điện dài 2km từ đường trục chính về làng, quả là một “kỳ tích”. Có điện, đời sống người dân trong làng thay đổi hẳn.

Đang đuổi theo suy nghĩ khâm phục cái cách làm ấy của ông Quân, tôi bỗng giật mình bởi bàn tay của Bí thư Đảng ủy xã Tân Đồng - Nguyễn Văn Thanh vỗ độp vào vai phấn khởi nói: “Nhờ ông Quân mà học sinh không phải học bằng đèn dầu hay nhựa cây trám nữa. Đúng là có điện, mọi thứ được khai sáng”. “Còn cả chuyện nước sạch nữa chứ - ông Thanh tiếp câu chuyện - lúc đầu, ý tưởng đưa nước sạch đầu nguồn về sinh hoạt của ông Quân làm cả làng cười ồ và cho rằng ông “dở hơi” bởi bao đời nay người dân trong làng vẫn dùng nước như thế, đau bụng, đau mắt là chuyện có thật nhưng có ai chết đâu. Hơn nữa, nguồn nước sạch từ đầu nguồn khe đá núi Đèo Thao về đến làng dài hơn 4km. Để làm gương, gia đình ông Quân đầu tư, thi công đường ống dẫn nước từ núi Đèo Thao chảy về nhà. Có nước sạch, ông đào ao nuôi cá, khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa, trồng hoa màu. Thấy gia đình ông Quân làm được, có thu nhập cao nên bà con học hỏi làm theo. Nhờ vậy, đến nay, gần 100% số hộ trong làng có nước sạch dùng, bệnh tật được đẩy lùi”.

Thật không quá lời, đến tận hôm nay, về làng Khe Đát, từ em bé đến cụ già ai ai cũng ngợi ca Đại tá Đặng Hồng Quân như một “dũng tướng” trong mọi lĩnh vực. Nhiều câu chuyện mà ông Quân giúp bản làng được bà con ghi chép và nhớ như in đến từng chi tiết. Với tôi, một người khách của làng Khe Đát thôi cũng cảm kích khi nghe những câu chuyện được người dân kể lại về ông: nào là vợ chồng xích mích nhờ ông giải quyết; hàng xóm xô xát ông đứng ra giảng hòa; đường ống dẫn nước hỏng cũng chạy sang nhờ ông sửa; chuyện con gà ốm lúc nửa đêm cũng nhờ ông sang “cấp cứu”; bãi tha ma bỏ hoang được ông cải tạo trồng sắn cho thu nhập cao...

Trong vô vàn câu chuyện đó, ấn tượng với tôi nhất là chuyện Đại tá Đặng Hồng Quân phá hàng rào, hiến đất cho chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Nói về ông Quân, người hàng xóm của gia đình ông - chị Trương Thị Tơ tự hào: “Chúng tôi tự hào và tin tưởng tuyệt đối ông Quân. Ông không chỉ đi đầu khai hoang được 8ha ruộng bậc thang cấy 2 vụ lúa, đào hơn 3 sào thả cá mà còn hiến 1.200m2 đất cho làng xây dựng nhà văn hóa. Rồi tự nguyện dỡ 25m hàng rào xây kiên cố, hiến 50m2 đất thổ cư, chặt hơn 100 cây có giá trị kinh tế và trên 750m2 đất đồi để làm đường giao thông nông thôn mà không đòi hỏi tiền đền bù. Ông xứng đáng là tấm gương sáng cho cả xã noi theo”.

“Gừng càng già càng cay”, ở cái tuổi 66, Đại tá về hưu Đặng Hồng Quân vẫn ngày đêm miệt mài, trăn trở vì cuộc sống của người dân. Dẫu được nhân dân tín nhiệm bầu “Chủ tịch Hội đồng Làng văn hóa Khe Đát”, “Người có uy tín trong cộng đồng”, được UBND các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen và nhờ ông mà 96 hộ trong làng Khe Đát được dùng điện sáng, gần 100% hộ có nước sạch dùng, 100% hộ không để chuồng trâu, bò, lợn, gà ở gầm nhà sàn, nhiều hủ tục lạc hậu được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 90% năm 2005 còn 12,5% năm 2014... nhưng ông vẫn còn nhiều những suy tư, trăn trở làm gì cho Tân Đồng “cán đích” xây dựng nông thôn mới.

Chia tay với vị đại tá sống “vì làng vì nước” khi mặt trời đang khuất dần sau đỉnh núi Đèo Thao, những bóng điện đường của Làng văn hóa Khe Đát làm bừng sáng một vùng quê nghèo đang thay da đổi thịt từng ngày, trong tôi, hình ảnh người “Bộ đội Cụ Hồ” như “viên ngọc” sáng giữa đời thường ấy chắc sẽ không bao lãng quên.

Văn Tuấn

Các tin khác
Đồng chí Trương Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã Khao Mang (thứ 2, trái sang) cùng các thành viên Ban chỉ huy PCLB huyện Mù Cang Chải kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại địa phương.

YBĐT - Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng và luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là cán bộ trẻ một cách hợp lý, sát thực tế mà đội ngũ cán bộ cơ sở ở huyện vùng cao Mù Cang Chải ngày càng trưởng thành hơn, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và được nhân dân tin yêu.

Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang thường xuyên vận động từ thiện nhân đạo giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

YBĐT - Yên Bái có 1.822 trẻ bị khuyết tật, tàn tật, tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật từ 6 tuổi trở xuống. Vì vậy, sự ra đời của Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang (thành phố Yên Bái) đã giúp cho trẻ em khuyết tật có điều kiện học tập, giúp các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Cư trú trên núi cao nhưng đồng bào Mông ở khá tập trung thành từng chòm dân cư rất thuận lợi trong xây dựng thôn, bản văn hóa.

YBĐT - Có người cho rằng, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn, dân trí thấp, giao lưu với bên ngoài hạn chế thì việc xây dựng thôn, bản văn hóa (TBVH) ở vùng người Mông sẽ rất khó thành công. Nhưng thực tế thì ngược lại. Các xã mạnh ở Mù Cang Chải như La Pán Tẩn, Dế Xu Phình hay xã Trạm Tấu, Xà Hồ, Bản Công ở huyện Trạm Tấu đều là những địa phương đi đầu trong xây dựng TBVH. Thành công này là do những nội dung xây dựng thôn TBVH cũng chính là nguyện vọng của nhân dân.

Cam Đường canh Văn Chấn là sản phẩm rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

YBĐT - Thị trấn Nông trường Trần Phú trước kia được nhiều người biết đến bởi vùng chè lớn nhất huyện Văn Chấn. Nay, cái thị trấn nhỏ bé ấy còn được mệnh danh là thủ phủ của các loại cây ăn quả có múi của tỉnh Yên Bái. Đến thị trấn Nông trường Trần Phú, đi trên những con đường bê tông uốn lượn quanh những đồi cam trĩu quả, ngắm những ngôi biệt thự tiền tỷ, ai cũng cảm giác ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất này…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục