Đâu rồi vó ngựa vùng cao?

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2014 | 3:09:08 PM

YBĐT - Hình ảnh đẹp, nên thơ và đậm nét văn hóa nhất ở vùng cao là những người phụ nữ váy áo xòe hoa bám sau đuôi ngựa chở trên lưng những ông chồng đã chếnh choáng hơi men của chợ phiên, chợ huyện mỗi mùa nếp mới. Đặc biệt, trong dịp tết, lễ hội, ấn tượng là hình ảnh các chàng trai kiêu hãnh phi ngựa như những chiến binh dũng mãnh.

Trên đường đua. (Ảnh: Ngọc Đồng)
Trên đường đua. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Con ngựa, giống như trâu ở nông thôn vùng thấp được coi là “đầu cơ nghiệp” của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa và vùng cao đặc biệt khó khăn của các tỉnh miền núi. Khác với trâu và bò, ngựa có thân hình thon, gọn, dẻo dai, chịu được nắng nóng và khô hạn kéo dài, bước đi nhanh nhẹn và có khả năng mang, thồ hàng, đi lại ở những vùng đất có thác ghềnh, núi non hiểm trở, sa mạc khan hiếm nước. Không những thế, ngựa còn có bản năng đặc biệt là biết hợp sức với người tạo nên những nét văn hóa vô cùng độc đáo, đặc trưng như: chọi ngựa, đua ngựa, thi phi ngựa bắn cung tên ở vùng đồng bào dân tộc vào các dịp tết, lễ hội trong năm. Ngoài ra, ngựa còn xông pha cùng người chiến sĩ biên phòng trên các nẻo đường tuần tra ở những vùng miền xa xôi, hẻo lánh và biên giới của Tổ quốc mà các phương tiện hiện đại như xe máy không thể đến được.

Thông thường, người dân vùng cao chăn nuôi ngựa chủ yếu chỉ để dùng vào việc cày, bừa, kéo xe, thồ hàng nông sản, làm phương tiện đi lại. Thịt ngựa cũng trở thành một trong những loại thực phẩm được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngựa không còn được người dân chú trọng phát triển chăn nuôi. Để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã đến các địa phương vùng cao. ở huyện Mù Cang Chải, xã Nậm Có là một địa bàn rộng, núi non hiểm trở, đồng bào Mông sinh sống rải rác khắp nơi trên các lưng chừng núi, có những bản cách trung tâm xã cả ngày đường đi bộ. Do đó, ngựa là phương tiện đặc biệt để vận chuyển hàng hóa cho người dân nơi đây.

Gặp chúng tôi, nhiều người già ở các bản: Nậm Pản, Phu Páo, Tà Ghênh, Thào Chua Chải, Có Mông đều chung tâm trạng nuối tiếc khi kể rằng, ngựa đang dần ít đi. Trước đây, ở Nậm Có này nuôi nhiều ngựa lắm. Nhà nào cũng nuôi nhà ít là 1 - 2 con, nhà nhiều 6 - 7 con, thậm chí có những gia đình nuôi đến trên chục con để dùng vào việc thồ hàng nông sản từ ruộng, nương và vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như vải vóc, mắm muối, xà phòng từ chợ huyện về nhà.

Khoảng tháng 9, tháng 10 - mùa thu hoạch nông sản, trên các con đường, từng đàn ngựa nối đuôi nhau thồ hàng về bản, tiếng ngựa hí cùng nhạc chuông vang vọng cả núi rừng. Vó ngựa lộc cộc suốt cả ngày từ 5 giờ sáng đến tận 6 giờ, 7 giờ chiều khi trời tối mịt mới tạm dừng và ngày hôm sau, hành trình của các chú ngựa lại tiếp tục.

Song gần chục năm trở lại đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện tốt, độ che phủ của rừng ngày càng tăng khiến cho những bãi cỏ trước đây người dân thường chăn thả không còn cỏ non cho ngựa ăn. Nếu muốn nuôi ngựa thì phải trồng cỏ nhưng người thì cứ đẻ mà đất đai lại chẳng đẻ thêm nên cũng hiếm dần và không còn nơi để trồng cỏ. Bên cạnh đó, việc đầu tư mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn cũng được chú trọng đầu tư, người dân đã đưa xe gắn máy vào sử dụng thay thế ngựa trong vận chuyển hàng hóa, nông sản. Do đó, số lượng ngựa của địa phương đã giảm dần theo năm tháng.

Ông Vàng A Thênh - cán bộ thú y xã Nậm Có cho biết: “Hiện nay, người dân ít nuôi ngựa, nhiều bản không còn con nào. Toàn xã chỉ còn 148 con, chủ yếu được chăn nuôi ở những bản xa xôi, đặc biệt khó khăn, chưa có đường xe máy về đến nơi như: Lùng Cúng, Phình Ngài, Làng Giàng, Đá Đen, Tà Chí Cao...”. Hiện nay, ở huyện Mù Cang Chải, nhiều xã như: Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Khao Mang, Lao Chải... người dân không còn mặn mà với việc chăn nuôi ngựa như trước đây.

Ông Giàng A Củ - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Mù Cang Chải cho hay: “Những năm qua, do thường bị mắc một số bệnh như nhiệt thán, viêm phổi khiến nhiều con ngựa bị chết. Hiện tổng đàn chỉ còn gần 400 con nên huyện không đưa ngựa vào trong danh mục phát triển chăn nuôi gia súc”.

Tại huyện Trạm Tấu, tình hình cũng không khác Mù Cang Chải. Đến các xã vùng sâu trên địa bàn huyện, hỏi chuyện chăn nuôi ngựa, hầu hết người dân đều lắc đầu và trả lời rằng: “ở đây, con ngựa sắp bị tuyệt chủng rồi! Nuôi ngựa khổ lắm, nay đã có “ngựa sắt”, việc thồ hàng và đi lại dễ dàng rồi thì còn chăn nuôi ngựa để làm gì chứ...”.

Có lẽ vì thế mà đàn ngựa của huyện Trạm Tấu hiện cũng chỉ còn gần 300 con. Trong đó, các địa phương vẫn duy trì chăn nuôi ngựa là: Bản Công có khoảng 8 con; Trạm Tấu và Bản Mù, mỗi xã còn gần 10 con; Tà Xi Láng 72 con; xã còn ngựa nhiều nhất là Làng Nhì với 133 con.

Ông Giàng A Thào - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu khẳng định: “Từ trước tới nay, ngựa vẫn là con vật quý, dễ nuôi, ít bị mắc dịch bệnh hơn các gia súc, gia cầm khác như trâu, bò, lợn, gà... Tuy nhiên, điểm yếu của ngựa là không chịu được mùa mưa kéo dài. Nếu nuôi ngựa mà mưa kéo dài sẽ phải cắt cỏ cho chúng ăn liên tục trong suốt mùa mưa. Muốn bảo đảm cho ngựa sống tốt phải làm chuồng trại, che chắn kín đáo, không để mưa, gió hắt vào ngựa mới không bị gầy và không bị chết”.

Người dân dùng ngựa thồ hàng nông sản.

Hình ảnh đẹp, nên thơ và đậm nét văn hóa nhất ở vùng cao là những người phụ nữ váy áo xòe hoa bám sau đuôi ngựa chở trên lưng những ông chồng đã chếnh choáng hơi men của chợ phiên, chợ huyện mỗi mùa nếp mới. Đặc biệt, trong dịp tết, lễ hội, ấn tượng là hình ảnh các chàng trai kiêu hãnh phi ngựa như những chiến binh dũng mãnh. Đến đây, tôi chợt nhớ tới hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trên lưng ngựa tuần tra biên giới trong bài thơ “Ngựa biên phòng” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Chú công an biên phòng/ Rạp mình trên lưng ngựa/ Ngựa phi nhanh như bay/ Cả cánh rừng nổi gió/ Ngựa phăm phăm bốn vó/ Như băm xuống mặt đường/ Mặc sớm rừng mù sương/ Mặc đêm đông giá buốt/ Chân ngựa như sắt thép/ Luôn săn đuổi quân thù…”.

Có thể nói, ngựa là tài sản quý giá của người dân vùng cao. Hiện nay,  ngoài việc phục vụ vận chuyển, làm phương tiện đi lại, thịt ngựa còn được chế biến thành những món ăn đặc sản nổi tiếng như thắng cố, lẩu, sốt vang... Rất nhiều người dân vùng cao đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi ngựa như gia đình bà Giàng Thị Chư ở bản Đá Đen, ông Chang Sống Dê ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có (Mù Cang Chải) thu trung bình từ 10 triệu đồng/con ngựa bé, 15 triệu đồng/con ngựa to.

Bà Chư phấn khởi nói: “Tôi thấy phát triển chăn nuôi ngựa rất có lợi vì ngựa cũng là con vật dễ nuôi và có giá trị kinh tế cao. Nhờ bán mấy con ngựa mà vợ chồng tôi đã làm được ngôi nhà khang trang và mua sắm được đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như: giường, tủ, ti vi, máy xát, xe máy... Hiện nay, gia đình tôi vẫn tiếp tục nuôi”.

Mặc dù ở nhiều nơi hiện nay đã có đường giao thông đi lại tốt, xe cơ giới có thể về đến tận nhà nhưng người dân vẫn tích cực phát triển đàn ngựa như huyện vùng cao Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên... Những địa phương đó nổi tiếng về nuôi ngựa bạch để nấu cao, chăn ngựa đực để thi đấu, thi chọi đã giúp cho nhiều gia đình chăn nuôi ngựa có thu nhập tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vươn lên có cuộc sống ổn định.

Thực tế, việc phát triển và tăng số lượng đàn ngựa ở vùng cao hiện nay tại tỉnh Yên Bái cần có sự chung tay của các ngành chăn nuôi, thú y trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Duy trì, phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng đàn ngựa song song với phát triển đàn trâu, bò không những góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn là điều kiện cần và đủ cho việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải khi du lịch ở vùng cao Yên Bái đang dần phát triển.

 Sùng Đức Hồng

Các tin khác
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014, Xuân Tầm đã có 4 cặp tảo hôn trẻ nhất sinh năm 1998. (Ảnh: Bà mẹ “nhí” Đặng Thị On và 2 đứa con nhỏ).

YBĐT - 18 tuổi. Đặng Thị On đã làm mẹ của hai đứa trẻ. Tuy thế, On chưa một lần được mặc áo cô dâu vì xã chưa công nhận về mặt pháp lý. Còn Triệu Thị Sếnh thì bị "nhà trai" kiện do đã tự ý bỏ trốn vì không thấy "thích" người yêu nữa.

Đại tá Đặng Hồng Quân luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con trong thôn phát triển kinh tế.

YBĐT - Sau 35 năm đối mặt bom gào, đạn réo trên chiến trường đi đến ngày thống nhất đất nước, vị đại tá về hưu lại nguyện làm “người không bình thường” kéo điện về bản làng, “người dở hơi” đưa nước sạch về Khe Đát và vô vàn câu chuyện cảm kích người dân kể về vị “dũng tướng” của làng.

Đồng chí Trương Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã Khao Mang (thứ 2, trái sang) cùng các thành viên Ban chỉ huy PCLB huyện Mù Cang Chải kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại địa phương.

YBĐT - Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng và luân chuyển, điều động cán bộ, nhất là cán bộ trẻ một cách hợp lý, sát thực tế mà đội ngũ cán bộ cơ sở ở huyện vùng cao Mù Cang Chải ngày càng trưởng thành hơn, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương và được nhân dân tin yêu.

Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang thường xuyên vận động từ thiện nhân đạo giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

YBĐT - Yên Bái có 1.822 trẻ bị khuyết tật, tàn tật, tuy nhiên đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt dành riêng cho trẻ khuyết tật từ 6 tuổi trở xuống. Vì vậy, sự ra đời của Nhà cứu trợ trẻ em tàn tật Hương Giang (thành phố Yên Bái) đã giúp cho trẻ em khuyết tật có điều kiện học tập, giúp các em vươn lên, hòa nhập cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục