Mong có nơi ở an toàn!
- Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 1:43:12 PM
YBĐT - Mỗi mùa mưa lũ đến, 47 hộ dân sống dọc suối Thia, suối Hoong Sum tại các thôn: Bản Tèn, Ta Tiu, Năm Hăn 1,2,3 (xã Phù Nham, huyện Văn Chấn) lại thêm một lần đối mặt với nguy cơ lũ ống, lũ quét. Mặc dù sống trong vùng nguy hiểm đã lâu, nguy hiểm luôn rình rập nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa được di dời đến nơi ở an toàn.
Ngôi nhà của Đồng Thị Chiến không còn nguyên vẹn mỗi khi lũ đi qua.
|
Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có 6 dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai phải tạm dừng do thiếu vốn. Quy mô của các dự án bố trí, sắp xếp cho 305 hộ có nguy cơ thiên tai cao với tổng mức đầu tư 167.659 triệu đồng.
Hết tháng 9, mới giải ngân được 44.670 triệu đồng, hiện còn thiếu 65.469 triệu đồng. Đó là các dự án: Dự án di dân xã Bạch Hà (huyện Yên Bình); Dự án di dân thôn Liên Sơn, xã Lang Thíp (huyện Văn Yên); Dự án di dân xã Phù Nham (huyện Văn Chấn); Dự án di dân thôn Làng Ven, xã Minh Tiến (huyện Lục Yên); Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của bão lũ xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái); Dự án di dân, tái định cư vùng thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các xã Bảo Ái, Yên Thành, Xuân Long (huyện Yên Bình).
Sống chung với bão, lũ
Hơn 10 năm nay, gia đình bà Đồng Thị Chiến ở thôn Bản Tèn, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn phải sống trong nơm nớp lo âu cho tính mạng và tài sản của gia đình. Ngôi nhà vách đất của gia đình bà nằm chênh vênh bên con suối Hoong Sum hung dữ mỗi khi mưa bão đến. Khi chúng tôi đến, trên bức vách đất lâu ngày của ngôi nhà và cây cối xung quanh vẫn còn hằn lên dấu vết của cơn bão số 2 để lại. Đối phó với bão lũ, chủ nhà đã tôn nền cao thêm nhưng cứ vào mùa mưa, nước suối dâng cao lại tràn vào nhà, lần nhẹ từ 20 - 30cm còn nặng trên 1m, vách đất bị nước ngập, bong ra từng mảng. Mọi đồ đạc trong nhà cũng được bà Chiến kê cao hơn bình thường.
Chiếc cầu tre duy nhất bắc qua con suối nối từ đường vào nhà cũng được buộc chặt vào gốc cây to để khỏi bị lũ cuốn trôi. Chỉ vào những vết tích còn lại trên vách nhà, bà Chiến nói: “Mỗi năm bị ngập 3, 4 lần, mỗi lần mưa lũ, nước suối dâng cao, tôi sợ lắm. Nước suối chảy xối xả, ngập trắng một vùng. Hôm nào trời mưa to, có hiện tượng lũ tôi phải gửi con cái và đồ đạc đến nhà người quen”.
Do không có đất nên vợ chồng anh Hoàng Văn Thành ở thôn Năm Hăn 1 phải mượn một miếng đất nhỏ của người thân dựng nhà. Cách dòng suối chừng 5m nhưng mỗi khi mưa bão, nhà anh đều bị ngập. Là lao động tự do nên anh đi làm xa quanh năm, ở nhà, chỉ có vợ và đứa con nhỏ nên anh Thành rất lo lắng: “Nếu trời mưa to liên tục, gia đình ăn không ngon, ngủ không yên. Một năm, khoảng 2 đến 3 lần, tôi phải đóng đất vào bao tải, chặn quanh nhà, ngăn nước tràn vào, còn nếu mưa lũ to phải đưa vợ con và chuyển đồ đạc đi lánh nhờ. Cứ sống thế này chắc không ổn vì tôi đi làm xa, ở nhà chỉ có hai mẹ con mỗi lần mưa lũ cả xóm phải sang chuyển đồ giúp. Đấy là ban ngày còn nếu mưa lũ về ban đêm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra… Có đi làm kinh tế cũng không yên tâm, tôi đang tính chuyển nhà nhưng chưa biết chuyển đi đâu vì hiện tại còn đang mượn đất để ở”.
Ngay bên kia con suối là gia đình chị Vũ Thị Thúy, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, hồi tháng 7, nhà chị bị ngập và sập. Không có đất để làm nhà chỗ khác nên gia đình chị đành vay mượn để xây ngôi nhà mới trên nền nhà cũ nhưng chị phải tôn nền nhà cao hơn trước và xây bằng gạch ba vanh kiên cố. Còn gia đình ông Hoàng Văn Thọ cũng phải lo đối phó vì mỗi khi nước lũ dâng cao, tràn vào nhà gần 1m. Khi nước rút, ông phải nhờ toàn bộ anh, em, bạn bè, dùng xe cải tiến dọn dẹp lớp bùn đất đọng lại cao đến 30cm.
Con suối Hoong Sum sẽ trở nên hung dữ khi có lũ về.
Qua khảo sát, xã Phù Nham có 47 hộ trong tổng số 1.796 hộ trên toàn tỉnh ở vùng có nguy cơ thiên tai đe dọa cần được bố trí sắp xếp di dời đến nơi an toàn giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015 theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay thay thế bằng Quyết định số 1776/QQĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên gới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020). Các hộ này sống chủ yếu dọc theo dòng suối Thia, suối Hoong Sum.
Ông Hoàng Tuấn Vân - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Vào mùa mưa lũ, xã thường xuyên tuyên truyền, thông báo trên loa phát thanh cảnh báo mức độ nguy hiểm cho các hộ dân sống ven suối đề phòng bão, lũ. Khi có bão, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão xã phân nhóm trực, tổ trực gồm lãnh đạo UBND xã, dân quân, công an và các ban, ngành, đoàn thể trực 24/24 giờ tại các dòng suối; di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn. Cơn bão số 2 vừa qua, 34 hộ ngập nặng, thiệt hại về tài sản, hoa màu hàng trăm triệu đồng”.
Bao giờ có khu tái định cư?
Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, gần 20 hộ có điều kiện kinh tế đã tự di dời đến nơi ở an toàn. Số còn lại vẫn chấp nhận sống chung với bão, lũ vì hầu hết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, không có đất. Nhận thấy sự nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân, ngày 31/10/2011 UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 1668/QĐ-UBND xây dựng Dự án di dân xã Phù Nham. Dự án được xây dựng trên khu đất cao thuộc thôn Năm Hăn 1. Cuối năm 2011, Dự án di dân xã Phù Nham được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn kinh phí di dân khẩn cấp của Trung ương, đem lại niềm vui cho 47 hộ dân và toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phù Nham. Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, sau 3 năm, Dự án sẽ đưa vào sử dụng. Khu tái định cư có thiết kế trên diện tích 3,5ha, bố trí đủ cho 47 hộ dân với diện tích trung bình mỗi hộ 280m2 (rộng 14m, dài 20m). Dự án bao gồm hệ thống đường giao thông nối từ quốc lộ 32 tại Km199+200 vào khu dân cư thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 1,5km; hệ thống đường giao thông nội bộ; hệ thống cấp nước sinh hoạt; hệ thống điện tới từng hộ gia đình. Khi bắt tay vào thực hiện, Dự án triển khai rất thuận lợi từ khâu giải phóng mặt bằng đến đền bù… Thế nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn vì sau khoảng 1 năm thực hiện, Dự án phải tạm dừng do không có vốn xây dựng tiếp.
Hiện tại, đường vào khu tái định cư đã được rải cấp phối, hệ thống cống, rãnh thoát nước cơ bản đã hoàn thành, toàn bộ mặt bằng đã được san tạo... Tuy nhiên, một số hạng mục khác như rãnh thoát nước mới chỉ đào đất lên rồi bỏ đấy, một số sắt thép để nhờ ở nhà dân do lâu ngày nên đã hoen gỉ…
Khu tái định cư đã hoàn thành phần mặt bằng.
Ông Hoàng Trung - Phó ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình thủy lợi được biết: “Dự án đang bị tạm dừng do thiếu vốn. Gói thầu số 2 bao gồm các hạng mục: san tạo mặt bằng, đường vào khu tái định cư, hệ thống thoát nước, kè taluy, đường nội bộ đạt 75% so với giá trị hợp đồng hiện đang tạm dừng. Tổng khối lượng công việc hoàn thành, đến nay, đạt trên 10,4 tỷ đồng nhưng mới chỉ giải ngân được trên 8,4 tỷ đồng còn nợ nhà thầu trên 2 tỷ đồng. Hiện, gói thầu số 3 bao gồm hạng mục điện, nước sinh hoạt chưa triển khai thi công do chưa có vốn. Dự án còn thiếu gần 6,3 tỷ đồng để hoàn thành”. Mặc dù, phần mặt bằng của khu tái định cư đã xong, song chưa có cơ sở hạ tầng về đường giao thông, điện, nước sinh hoạt nên không đủ điều kiện để chuyển các hộ dân này về đây sinh sống.
Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Đây là một trong những dự án di dân khẩn cấp khỏi vùng thiên tai. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung thêm vốn đầu tư. Khi có vốn sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành trong năm 2015”.
Trong khi khu tái định cư đang chờ nguồn vốn từ Trung ương, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có những giải pháp tạm thời di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn. Các hộ dân cũng không nên chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đánh cược tính mạng và tài sản của mình bên dòng nước lũ mỗi khi mùa mưa, bão đến.
Hồng Duyên - Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Việc đưa VHDG trở thành sản phẩm của du lịch nên tập trung đi thẳng vào các nhu cầu căn bản của du khách như: ăn, ngủ, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh Tây Bắc có đông các dân tộc nhất cùng chung sống, trong đó có 13 dân tộc số dân từ 5 nghìn người trở lên. Điều đó đồng nghĩa, đây là tỉnh đa dạng về văn hóa tộc người. Đặc thù này là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).
YBĐT - Hình ảnh đẹp, nên thơ và đậm nét văn hóa nhất ở vùng cao là những người phụ nữ váy áo xòe hoa bám sau đuôi ngựa chở trên lưng những ông chồng đã chếnh choáng hơi men của chợ phiên, chợ huyện mỗi mùa nếp mới. Đặc biệt, trong dịp tết, lễ hội, ấn tượng là hình ảnh các chàng trai kiêu hãnh phi ngựa như những chiến binh dũng mãnh.
YBĐT - 18 tuổi. Đặng Thị On đã làm mẹ của hai đứa trẻ. Tuy thế, On chưa một lần được mặc áo cô dâu vì xã chưa công nhận về mặt pháp lý. Còn Triệu Thị Sếnh thì bị "nhà trai" kiện do đã tự ý bỏ trốn vì không thấy "thích" người yêu nữa.