Đông về trên đỉnh Pu Kha
- Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2014 | 2:46:54 PM
YBĐT - Bản Làng Mảnh thuộc xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu nằm chênh vênh trên ngọn núi Pu Kha hùng vĩ. Theo tiếng Tày, Pu Kha có nghĩa là "Núi Gianh" nhưng 100% dân cư ở đây lại là đồng bào Mông. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ để đi xe máy từ trung tâm huyện qua thị xã Nghĩa Lộ, qua trung tâm xã Đồng Khê (Văn Chấn) rồi rẽ vào thôn Văn Tứ 1 của Đồng Khê. Từ đây lại phải mất thêm 4 giờ đồng hồ đi bộ, vượt qua những con dốc thẳng đứng mới đến được Làng Mảnh. Trên đỉnh trời này, chuyện dạy và học chữ của thầy và trò còn nhiều điều khó nói thành lời…
Điểm trường Làng Mảnh trên đỉnh núi Pu Kha.
|
Xa lắc Làng Mảnh
Nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, Làng Mảnh có 7 chòm dân cư gồm: Bãi Chè Cao, Bãi Chè Thấp, Suối Phồng, Chông Súa Lớn, Tà Chơ, Đầu Suối và Ca Chua Đa. Chòm Bãi Chè Cao với gần 20 nóc nhà nằm trên đỉnh núi Pu Kha có điểm trường gồm một lớp mầm non và lớp ghép 1 + 2. Biết chúng tôi có nguyện vọng lên thăm điểm trường này, cô Lê Thị Huệ - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện ái ngại: "Đường đi xấu lắm! Chỉ có thể đi bộ thôi. Từ thôn Văn Tứ 1 lên Làng Mảnh khoảng 10km nhưng hoàn toàn phải đi bộ, leo núi. Nếu trời không mưa cũng phải mất hơn 3 tiếng mới đến được".
Trước quyết tâm của chúng tôi, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện bố trí thầy Đoàn Đức Thuận - một chuyên viên có "thâm niên" 13 năm đi bộ, leo núi để đến các điểm trường lẻ dẫn đường.
Cùng đi còn có cô Trần Khánh Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Ngọc của xã Tà Xi Láng và thầy Giàng A Tu - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng. Gửi xe máy tại một nhà dân nằm dưới chân núi, thầy Thuận nhắc: ''Nhà báo mang những đồ cần thiết nhất thôi nhé, leo dốc cao đấy! Trời sụt sùi mưa thế này thì đường trơn lắm đây".
Sau khi chuyền tay nhau lọ dầu gió để xoa vào chân nhằm chống vắt, thầy Tu chia cho mỗi người một đoạn tre làm gậy chống. Chúng tôi bắt đầu hành trình ngược núi. Càng đi càng gặp những con dốc thẳng đứng "nghêng ngang" thách thức bước chân người. Lúc đầu, mọi người trong đoàn còn chuyện trò rôm rả rồi âm thanh cứ rơi rụng dần theo mỗi bước lên cao để nhường cho những tiếng "phì phò" của miệng và mũi "tranh nhau" thở. Bên đường, dã quỳ nở vàng xuộm giữa đại ngàn xanh và lên cao dần lại nhường chỗ cho những bông chuối rừng đỏ tươi.
Rồi bất chợt cơn mưa rừng ập tới. Đã chuẩn bị trước nên cả đoàn dừng chân mặc áo mưa để chống ướt cũng như ngăn cái lạnh ở độ cao trên nghìn mét này. Chúng tôi tiếp tục hành trình với đầu gối lúc nào cũng ngang mặt, mắt "dán" vào vách núi. Bởi trời mưa nên dầu gió gần như chẳng còn tác dụng gì. Thỉnh thoảng lại có người trong đoàn dừng bước để gẩy những con vắt đã căng bụng máu ra khỏi chân. Lên cao nữa, những rặng chuối rừng lại nhường chỗ cho dải lau lách "lì lợm" chắn đường. Có lẽ vậy nên người xưa đã đặt tên núi là Pu Kha. Và từ bao lâu nay, đồng bào Mông vẫn ăn đời ở kiếp với mảnh đất đầy khắc nghiệt này.
Bãi Chè Cao cuối cùng cũng đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Khu trung tâm nhất của chòm dân cư chỉ là hơn chục nóc nhà của người Mông nằm rải rác trên sườn núi. Nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới tại điểm trường nhưng đến nơi cũng mất gần một giờ đồng hồ mà đường đi thì vẫn... ở trên đầu.
Chuyện "gieo chữ" trong mây
Khí hậu ở đây khắc nghiệt hơn những vùng núi cao khác. Quanh năm, mây mù che phủ. Mùa đông, có ngày rét xuống tới độ âm. Bởi vậy nên cây ngô, cây sắn của người Mông gầy guộc chỉ bằng nửa vùng thấp. Người dân chủ yếu sinh sống bằng chăn nuôi và trồng ngô, trồng sắn, trồng lúa nương.
Điểm trường Bãi Chè Cao chỉ gồm hai phòng học lắp ghép, một dành cho lớp mầm non, một dành cho lớp tiểu học. Bên cạnh đó là hai gian nhà gỗ dành cho giáo viên vừa để ở vừa để nấu ăn cho cả thầy và trò. Những năm trước đây, lên công tác ở đỉnh Làng Mảnh mờ sương này chủ yếu là các thầy giáo chứ các cô giáo thì ít lắm. Bởi nếu lên đây dạy học, các cô sẽ gặp phải nguy cơ "ế chồng".
Các thầy tuy cũng "ế vợ" nhưng làm sao có thể bỏ mặc bọn trẻ Mông nơi đỉnh trời này được. Thầy Nguyễn Hữu Nam đứng lớp ghép 1 + 2 ở đây đã được ba mùa đông. Năm nay, thầy Nam 34 tuổi, quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Thầy chưa lập gia đình và cũng chưa có người yêu. Thầy Nam bảo: "Lúc đầu lên đây nhận công tác, tôi cũng buồn lắm! Hồi đầu năm học này, Ban Giám hiệu có ý điều về dạy điểm trường chính nhưng tôi đã xin ở lại bởi đã quen rồi. Gắn bó mới thấy tình yêu nơi đây là cả một trải nghiệm tuyệt vời".
Lớp ghép của thầy Nam có 18 học sinh, trong đó lớp 1 có 10 em và 8 em học lớp 2. Phòng học khoảng 30 mét vuông với hai dãy bàn ghế quay ngược về hai phía đầu bảng dành cho hai lớp. Nếu lớp 2 làm Toán thì lớp 1 lại đánh vần. Thầy Nam như con thoi, hết chạy bảng này dạy rồi lại quay về bảng kia để giảng tiếp. Sát phòng bên, 21 học sinh của lớp mầm non ghép 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi do cô Vì Thị Thu phụ trách được ngăn bằng vách liếp tạm bợ, chia đôi gian phòng 30 mét vuông. Một bên là lớp học, một bên là dãy giường tầng để cô và trò bán trú cùng ngủ.
Làng Mảnh không có điện lưới, chỉ có bóng đèn lập lòe, chập chờn từ những cái máy phát điện mi-ni chạy bằng sức nước. Thương hoàn cảnh của thầy và trò, một người dân trong bản cho mắc nhờ đường điện nhưng phải kéo dây dài cả gần cây số. Thế nhưng chiếc máy phát điện này thường xuyên bị trục trặc nên những cây nến vẫn là ánh sáng chủ đạo của thầy và trò khi đêm về. Chuyện vui nhưng là thực tế, ở đây, các thầy, cô giáo phải dò từng luồng sóng để liên lạc với bên ngoài. Hai chiếc điện thoại di động của thầy Nam, cô Thu được gắn sẵn tai nghe và cột chặt vào hai đoạn tre đóng chắc chắn ngay giữa sân trường và bên trên là một chiếc ô để che mưa cho máy khỏi ướt. Cô Thu bảo, chỉ có đúng chỗ đó mới có sóng nhưng cũng rất chập chờn. Nhiều lúc đang nói chuyện, vô tình làm đoạn tre nghiêng đi là mất sóng ngay. Thế nên điện thoại di động lại trở thành điện thoại cố định là vì vậy.
Cô giáo Vì Thị Thu và lớp học mầm non ghép trên đỉnh núi Pu Kha.
Điểm trường Làng Mảnh có 7 học sinh ở bán trú. Phòng ở của thầy, cô và trò chật hẹp, phải ngủ chung giường. Về chuyện ăn, thức ăn hàng ngày chủ yếu là lạc, cá khô dự trữ hàng tháng trời. Vào mùa mưa, Làng Mảnh có đến hàng tuần bị biệt lập với bên ngoài bởi đường lên núi trơn trượt, đến ngựa của bản cũng không vượt qua được. Thức ăn của các em học sinh toàn rau xanh, có bữa được cải thiện thêm cá suối hoặc chắt bóp tiết kiệm để mua của người dân trong bản con ngan, con vịt. Nhiệt độ ở đây lúc nào cũng thấp hơn dưới chân núi từ 5 - 6 độ C. Vậy mà ở điểm trường này, những đứa trẻ với quần áo mỏng, chân không dép, đầu không mũ ấm vẫn vượt sương, vượt dốc đến với con chữ. Những ngày mưa rét, thầy cô phải đốt đống lửa ngay nơi góc lớp để các em được sưởi ấm. Làng Mảnh những ngày đầu đông sương mù thêm dày đặc nhưng từ trong những phòng học, tiếng đánh vần, tiếng hát của con trẻ như xé toang cái giá lạnh, mây mù nơi "thâm sơn cùng cốc".
Hết giờ học buổi chiều, cô Thu đi bộ vào bản để mua hoặc xin rau của người dân; thầy Nam nhóm bếp củi thổi cơm cho 9 khẩu và đun nước tắm cho học sinh. Việc thầy và trò cùng nhau đi kiếm củi, đi đào măng, ra suối bắt cá để cải thiện bữa ăn đã trở thành quen thuộc. Cuối tuần, học sinh về, nếu trời không mưa, thầy Nam lại cuốc bộ xuống núi để mua thêm thức ăn và những đồ dùng thiết yếu; cô Thu thì về thăm cô con gái 3 tuổi ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Sau bữa cơm tối, cô Thu lại mở hòm tôn, lấy chăn, mắc màn để 5 cô trò cùng ngủ ở cuối gian phòng lớp mầm non. Bên gian nhà gỗ, thầy Nam cũng mở hòm tôn để lấy chăn màn rồi cho các học sinh nam ngủ trước, còn mình bắt đầu soạn giáo án. Trước thắc mắc của tôi, thầy bảo, vì ở đây mây mù và độ ẩm cao nên quần áo, chăn màn, sách vở phải cho hết vào hòm tôn, chỉ khi nào dùng đến mới mở ra lấy.
Nói về những cống hiến và hi sinh của các thầy cô giáo nơi này, già làng Sùng Chông Tu (thôn Xá Nhù) trầm ngâm: "Thế hệ chúng tôi nay đã già, đã trải qua cuộc đời lam lũ, khổ cực. Nay các con cháu được đi học cái chữ, được dạy bảo đến nơi đến chốn cũng là cái may mắn, là niềm vui của bản làng. Các thầy cô giáo thực sự đã mang đến cho người dân nơi này hơi ấm của tình thương yêu, mang đến cho chúng tôi niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng đang chờ phía trước"...
Đêm đông, Làng Mảnh đen bóng như sừng trâu. Sương mù dày đặc, dấp dính. Những cơn gió không ngừng "cạo" vách nhà sột soạt gai người. Tôi chìm vào giấc ngủ với mong ước ngày mai trời sẽ không mưa. Không phải vì tôi ngại đường về trơn trượt mà để đường đến trường của các em học sinh bớt khó khăn hơn. Và để thầy Nam, cô Thu có thêm một ngày hạnh phúc trọn vẹn cũng như để tình yêu và niềm hi vọng vào những con chữ nơi đây mãi mãi đong đầy...
Trung Kiên - Anh Hải
Các tin khác
YBĐT - Đã bao lần đến với các thôn đồng bào Dao ở Tân Hương (Yên Bình), từng nghe những điều ước của đồng bào các thôn Khe Mạ, Khe Móc, Khe May, Khe Gáo, Đồi Hồi về một dòng điện lưới quốc gia, một con đường bê tông hóa để thuận bề cuộc sống sinh hoạt, trao đổi hàng hóa…
YBĐT - Vào ngành công an có lẽ nhiều người mong muốn trở thành một cảnh sát giao thông, đi trên chiếc xe mô tô phân khối lớn, thổi một tiếng còi là cả đoàn xe dừng lại hoặc trở thành những chiến sỹ cảnh sát điều tra, hình sự tham gia vào những chuyên án lớn.
YBĐT - Hai ngàn tấn quả tươi thu hái một năm, cộng cả táo ở vùng người Mông Trạm Tấu nữa ước gần 3.000 tấn, đấy là hiện tại chứ vụ sau, sau nữa sẽ còn cao hơn. Chỉ bán quả ngâm rượu bình nhựa như bây giờ cũng đã cho đồng bào vùng cao hàng chục tỷ đồng. Sẽ là gấp hai, gấp ba, bốn lần số ấy nếu Yên Bái mời gọi được doanh nghiệp lên vùng cao làm ăn.
YBĐT - Chua chát như đã qua - những trái sơn tra - tuzis má hồng lại lên xe, xuống thị, về thành như chưa từng có một thời “chua chát”. Đã qua mùa sơn tra chín nhưng dưới những tán rừng sơn tra vẫn rầm rì chuyện. >> Bài 1: Đã qua một hành trình “chua chát”