Sơn tra ký sự

Bài 2: Chia táo táo rừng thành táo nhà

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/11/2014 | 8:52:59 AM

YBĐT - Chua chát như đã qua - những trái sơn tra - tuzis má hồng lại lên xe, xuống thị, về thành như chưa từng có một thời “chua chát”. Đã qua mùa sơn tra chín nhưng dưới những tán rừng sơn tra vẫn rầm rì chuyện. >> Bài 1: Đã qua một hành trình “chua chát”

Từ chuyện chia táo, mua táo, chia rừng tới chuyện trồng táo. Chỉ một cú hích chơi của thị trường bằng giá đã khiến vùng sơn tra trở nên ồn ào lắm chuyện. Những rừng sơn tra hoang dại xưa bây giờ đều có “chủ” và hơn nữa, đã có hàng trăm héc-ta sơn tra mới do người Mông ở Mù Cang Chải tự trồng kỳ vọng cho rừng thêm xanh và sớm thoát đói nghèo...

Chợ ngã ba Kim (xã Púng Luông) không ồn ào như những ngày táo chính vụ nhưng những tải, những nong táo vẫn cứ đầy lại vơi cho tới phiên chợ cuối tháng Mười. Tôi đi xem người ta bán táo, những bốn chục ngàn đồng một cân, cỡ này thành phố là năm, sáu chục ngàn đồng. Đấy là táo chọn của những chị buôn chứ táo xô trong lù cở nhỏ hơn, giá hai mươi đến hai nhăm ngàn đồng - đem đến đâu hết đến đó vì cuối vụ. Bốn cân táo đựng chưa đầy một túi nilon đã một trăm ngàn đồng, không tưởng nổi. Đắt như thế nhưng xin bảy - tám - chín - mười và mười một quả người bán vẫn cho. Không hẳn vì chiều du khách mà chính là lòng thơm thảo vốn có của người dân nơi này.

Kể chuyện với ông Giàng Chứ Ly ở xã La Pán Tẩn, ông gạt ngay: “Xin mấy quả thì cho nhưng vào rừng lấy của nhau có khi không xong đâu. Một quả táo “ba đồng tiền”, táo rừng thành táo nhà rồi, có chủ cả”. Cả tuần ở Mù Cang Chải, tôi có trong tay những tài liệu, văn bản về cây sơn tra, có cả một đề án của UBND huyện nhưng trong những tài liệu, văn bản ấy không câu chữ nào nói đến chia rừng táo cho dân. Tôi hỏi ông Giàng Chứ Ly: “Thế nào là chia táo, thế nào là táo rừng thành táo nhà?”. Ông Ly nói một hồi, tóm lại, khi sơn tra chưa có giá, những rừng táo bỏ không, không ai quản. Khi sơn tra có giá, những hộ ở gần rừng phát ranh, đứng ra tự nhận làm chủ. Ô, dân bản cãi lý với nhau nhé - ông Ly đang lúc chuyện: “Giàng Lù Chua ở bản La Pán Tẩn bảo: “Táo của mày mà giữ? Đưa chứng nhận của huyện, của tỉnh tao xem”. Hờ Là Chua ở bản La Pán Tẩn bảo: “Tao nhận trước, táo gần nhà tao là của tao, gần nhà mày thì mày cũng nhận thôi. Mày đi chơi thì được nhưng không được lấy táo”.

La Pán Tẩn có bảy bản nhưng sơn tra chỉ có ở Hấu Đề, Trống Tông, Tà Chí Lừ, Trống Páo Sang; còn dưới La Pán Tẩn, Háng Sung, Pú Nhung là vùng làm ruộng nước, không có sơn tra. Táo rừng chẳng của ai, ai cũng có quyền hái - người dân làm lúa ở La Pán Tẩn, Háng Sung, Pú Nhung nghĩ vậy. Mùa táo, hàng đoàn người dưới Háng Sung, Pú Nhung lên núi hái táo. Dân Trống Tông, Tà Chí Lừ, Trống Páo Sang kéo ra cản, cãi lý không xong, hàng chục người về UBND xã đòi giải quyết. “Xã ở dưới này, dân cãi lý ở trên rừng, sao biết hết được” - ông Ly nói. Hấu Đề, Trống Tông, Tà Chí Lừ, Trống Páo Sang có rừng sơn tra nhưng dân đều xuống La Pán Tẩn, Háng Sung, Pú Nhung làm ruộng. Dân dưới này có có ruộng nhưng không có sơn tra. “Thằng ở trên không cho tao lấy sơn tra thì không cho nó xuống dưới làm ruộng nước” - dân vùng lúa nói thế. La Pán Tẩn đang bình yên bỗng nguy cơ chia rẽ, ấy là những năm 2010 - 2011.

Cái ồn ào khi sơn tra được giá cũng kéo theo lắm chuyện. Tháng Sáu, tháng Bảy khi sơn tra quả mới bằng ngón tay cái, cũng có khi chỉ bằng ngón tay út của anh tay to, dân bản đã thu bán để được giá cao. Xót táo, cũng là lo sinh kế lâu dài, xã cấm bán táo non. Đường chính xuống núi chỉ có một nhưng đường mòn xuống núi và ra khỏi xã nhiều như “lông con dúi”. Xã kiểm soát táo ở trung tâm thì dân đưa táo đi đường khác. Xã làm thêm “trạm” ở giáp ranh Púng Luông, táo non chẳng ngăn được mà ông Hảng Nhà Vàng là Chủ tịch Hội Nông dân xã ra vận động bị đánh cho sưng đầu, may chưa mẻ trán, thành tật.

 

Táo chọn ở chợ Púng Luông cuối vụ có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Chuyện chia táo này, tôi đã nghe Trưởng bản Trang Sổng Của ở Nậm Có kể một dạo. Khi táo có giá, những hộ “biết tính toán” đã nhanh tay phát vè, tự nhận rừng quản táo. Thế nên, có hộ như ông Thào Súa Rùa đã “nhận” quản trên một ngàn gốc trong tổng số trên hai ngàn rưỡi gốc táo ở Lùng Cúng, thu hàng tấn quả một năm. Hộ “có tinh, có tướng” thì thế, những hộ chậm chân thì chỉ được vài chục gốc, lại là những rừng táo xa, quả nhỏ; có hộ chẳng được một cây, không dám so bì nhưng trong lòng mãi ấm ức.

“Giàng A Của - Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha gọi tôi bằng chú, nó không chia táo được, hỏi tôi làm thế nào, tôi bảo làm thế nó cũng làm được rồi” - ông Ly nói. “Thế là thế nào?”. “Lãnh đạo xã cùng trưởng bản, bí thư chi bộ kiểm kê diện tích rừng táo từng bản. Tính số hộ, chia đều rừng, ai cũng được nhận. Dân Hấu Đề, Trống Tông, Tà Chí Lừ, Trống Páo Sang bớt diện tích tự nhận đi để cho dân La Pán Tẩn, Háng Sung, Pú Nhung cùng hưởng”. “Nhưng táo rừng nằm trong rừng tự nhiên phòng hộ, rừng phòng hộ Nhà nước quản lý. Ông giao thế nào được?”. “Không, giao gọi là giao chia táo thôi, hộ nào nhận xã cho ký cam kết, khi Nhà nước yêu cầu phải trả lại diện tích”. Dăm, sáu ngày ở Mù Cang Chải và trước đó, tôi đi Nậm Khắt, Chế Cu Nha, Lao Chải, Nậm Có… những ồn ào này diễn ra cả vùng táo của huyện không riêng gì La Pán Tẩn.

Thời tiết ở vùng cao như cái mặt trẻ sơ sinh, sáng thế này, chiều đã ra thế khác. Chúng tôi trú mưa nhà chị Giàng Thị Chu ở bản Làng Minh (xã Nậm Khắt). Những chị em người Mông đi chợ về cứ đeo lù cở trú mưa mà chuyện la lô. Tôi hỏi anh cán bộ người Mông về câu chuyện của họ, anh bảo các chị đang nói về sơn tra. “Nói về chia rừng táo à?”. “Không, nói về trồng sơn tra chứ!”. “Thì biết đâu, ở đây nếu thi nói tiếng Mông thì anh về giải nhất” - anh cười khình khịch. Nậm Khắt xưa nay được coi là “rốn” táo của Mù Cang Chải. Táo Nậm Khắt vốn tiếng ngon.

Ông kỹ sư rượu vang sơn tra Vũ Quý Duân nói: “Sơn tra Mù Cang Chải ngon nhất Việt Nam. Sơn tra Nậm Khắt ngon nhất Mù Cang Chải”, trong tài liệu của người Pháp ở Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng ghi vậy. Bây giờ, anh cán bộ người Mông ghểnh chân tán gẫu với mấy chị trú mưa, tôi ngồi xem những tài liệu anh em ở huyện mới cung cấp thì biết, trong một ngàn bảy trăm bảy mươi héc-ta sơn tra hơn một nửa trên bảy năm tuổi và chín trăm tám mươi lăm héc-ta quy hoạch rừng phòng hộ; trên sáu trăm tám mươi chín héc-ta trong rừng tự nhiên phòng hộ, còn ngót ba trăm héc-ta nằm trong rừng phòng hộ chủ yếu trồng hỗn giao phù trợ phòng hộ theo Dự án 661 và Dự án Phát triển rừng bền vững. Dân lâm nghiệp gọi sơn tra là cây tác dụng kép: cây phòng hộ, phủ xanh đất trống trọc; quả cực tốt cho sức khỏe, có giá trị kinh tế. Chính vì tác dụng kép này và có một phần đầu tư hỗ trợ của Nhà nước mà bốn trăm bốn mươi bảy héc-ta sơn tra đã được người Mông trồng mới khắp Nậm Có, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Lao Chải.

 

Một trong những “chân rết” gom táo cuối vụ cho tư thương từ Tu San, Nậm Có (Mù Cang Chải) về Tú Lệ (Văn Chấn).

Nói chuyện với Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt Chang Thế Sửu, ông hăng hái với chương trình phát triển cây sơn tra lắm: “Trước nó là cây rừng, bây giờ nó là cây nhà, người Mông trồng nó thành rừng, thu hoạch quả bán lấy nhiều tiền, thoát nghèo”. Rồi ông tính con số: “104ha sơn tra trong rừng tự nhiên phòng hộ này, 48ha trong rừng phòng hộ này, 135ha dân tự trồng này. À, năm nay trồng thêm 80ha này. Là bao nhiêu ấy nhỉ?” - ông hỏi chẳng ngẩng lên. Tôi thì nói: “Cộng sau thôi. Thế có bao nhiêu hộ có sơn tra, có tiền nhờ bán sơn tra”?”. Ông bảo: “Cũng phải cộng sau đấy”. Tôi xem thống kê và ghi nhanh cả số cả chữ: 150 hộ có sơn tra trong rừng phòng hộ, tự nhiên phòng hộ; 180 hộ có sơn tra tự trồng; 153 hộ trồng sơn tra được Nhà nước hỗ trợ. Trong 13 xã của Mù Cang Chải, Nậm Khắt đứng đầu về sơn tra tự trồng, La Pán Tẩn đứng thứ hai nhưng mô hình thành công nổi trội thì không chịu nhì. Khoe với tôi, ông Chang Thế Sửu thống kê xã đã có một trăm tám mươi hộ tự trồng một trăm ba mươi lăm héc-ta sơn tra, đứng đầu huyện, quả cho thu hoạch gần bảy chục tấn. Ông Giàng Chứ Ly ở La Pán Tẩn thì khoe xã có bảy mươi héc-ta sơn tra tự trồng, nhiều mô hình trồng sơn tra có thu nhập tốt như Hảng Súa Dà, Lý Sấu Đế, Hảng Gà Cha, Hảng Cáng Dờ. Diện tích thì xã ông về nhì chứ sản lượng quả sơn tra tự trồng xã ông đứng nhất: tám chục tấn, chớ đùa!

Bây giờ, Mù Cang Chải lương thực không còn gay gắt như nhiều năm trước, đã đủ ăn và có lương thực dự trữ nhờ làm lúa hai vụ, chuyển đất lúa nương sang trồng ngô... Trên ba ngàn rưỡi hộ người Mông có sơn tra đã và đang thu tiền tỷ từ bán quả. Thống kê của huyện chỉ khoảng mười hai, mười ba tỷ đồng một năm nhưng dân lọc lõi “làm” sơn tra ở huyện nói niên vụ này tiền cấm dưới mười lăm, hai chục tỷ đồng. Tiền bán quả sơn tra, bà con trang trải cho con cháu học hành, cất nhà, mua xe, sắm tiện nghi hiện đại và mở mang kinh tế. Những ồn ào chia táo, chia rừng hay bán táo, kiểm táo ở vùng sơn tra lớn nhất Yên Bái - Tây Bắc - Việt Nam thế ra cũng là chuyện nhỏ khi so với cái lợi lớn lao không chỉ về kinh tế mà cả sự ổn định xã hội ở vùng cao từ loài cây đa dụng này đang đem lại...

Tuấn Anh
(Kỳ cuối: Không còn “lóc cóc” nữa, sơn tra)

Các tin khác
Đồng bào Mông xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) thu hái sơn tra. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Những quả sơn tra cuối cùng đã rời non, xuống thị, về thành. Những rừng sơn tra hoa bung trắng lúc Giêng, Hai; lúc lỉu quả vàng tháng Chín, tháng Mười. Giờ sang đông, lá, cành bàng bạc lặng lẽ tích nhựa cho hoa trái mùa sau. Những rừng sơn tra đan nhau như thành lũy trên cao nguyên sau mùa trĩu quả vẫn rì rầm chuyện về một hành trình “chua chát” đã qua cùng bao khấp khởi, lo toan cho một hành trình mới của thứ cây, thứ quả đang trở thành một trong những sinh kế thoát nghèo...

Mùa đông ở Trạm Tấu, trâu được ăn rơm, cây ngô, cỏ trồng nên vẫn béo khoẻ.

YBĐT - Trong khi hầu hết các địa phương trong tỉnh Yên Bái đều chững hoặc giảm tổng đàn trâu, bò thì ở huyện Trạm Tấu, đàn trâu, bò lại tăng nhanh. Huyện xác định, đây là một lợi thế kinh tế cần khai thác. Đâu là lý do khiến cho một địa phương vùng cao trước đây luôn thường trực mối lo đối diện với rét đậm, rét hại gây chết nhiều gia súc thì nay lại chọn hướng phát triển kinh tế từ nghề chăn nuôi này?

YBĐT - Với sự trợ giúp và chuyển giao kiến thức KHKT của Viện Nghiên cứu rau, quả Việt Nam, năm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng của người dân thành phố, từ các mô hình thí điểm, nông dân thành phố Yên Bái đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau quả an toàn trái vụ, bước đầu đem lại thu nhập cao.

11 giờ ngày 30/10 hàng loạt hàng ăn uống khu Km9 không hề  có bóng khách.

YBĐT - Khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành, đại bộ phận phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách chuyển sang tuyến đường này. Quốc lộ 70 “vang bóng một thời” nay lượng phương tiện rất thưa thớt, thương mại dịch vụ hết khách, hàng quán đìu hiu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục