Bài 1: Khởi sắc nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ tư, 10/12/2014 | 9:32:15 AM
YBĐT - Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao; người nông dân có thêm niềm tin, tích cực lao động, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển quê hương giàu đẹp, dân chủ, văn minh.
Nông dân An Thịnh (Văn Yên) sử dụng máy gặt đập liên hoàn thu hoạch lúa mùa. (Ảnh: Thanh Miền)
|
XDNTM là một cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình khang trang, sạch, đẹp; phát triển sản xuất toàn diện (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ); có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được bảo đảm; thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Có thể nói, Chương trình XDNTM là nội dung, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. XDNTM đã giải quyết được những bức xúc của nhân dân, đem lại lợi ích cho người dân một cách thiết thực nhất. Việc triển khai Chương trình tại Yên Bái đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành phong trào mạnh mẽ, được cán bộ và nhân dân hết sức kỳ vọng.
Chia sẻ về những ngày đầu bắt tay vào thực hiện, ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM tỉnh cho biết: “Điểm xuất phát của Yên Bái khi tiếp cận với Chương trình là rất thấp. Các xã chủ yếu mới đạt tiêu chí về hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, văn hoá… tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kinh tế phần lớn đều chưa đạt. Theo kết quả rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn mới (NTM) ở 152 xã trên địa bàn tỉnh theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia, có 19 xã đạt trên 5 tiêu chí (chiếm 12,5%), 133 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 87,5%), không có xã nào đạt trên 10 tiêu chí. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về Chương trình chưa đầy đủ, vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Vấn đề phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân được xác định là tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của Chương trình được triển khai chậm, chưa thực sự nổi bật và thiếu tính bền vững”.
Do vậy, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đặc biệt nâng cao vai trò chủ thể của người dân đã được Ban Chỉ đạo XDNTM của tỉnh đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang trong công tác tuyên truyền; tổ chức trên 230 hội nghị, dựng gần 500 pano, áp phích tuyên truyền; tổ chức 14 đợt tuyên truyền tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Chính vì vậy, người dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình và vai trò chủ thể của mình trong XDNTM.
Ở Tân Đồng, huyện Trấn Yên, chuyện người dân tham gia hiến đất, làm đường, giữ gìn vệ sinh môi trường hay đóng góp tiền của cùng Nhà nước xây dựng chợ trung tâm xã vẫn còn “nóng hổi”. Là xã được chọn làm điểm XDNTM của tỉnh, sau gần 4 năm triển khai, Tân Đồng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. 4 tiêu chí địa phương cần phấn đấu trong năm 2015 gồm: trường học, cơ sở vật chất văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường. Sau gần 4 năm, tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và nhân dân trong xã tham gia đóng góp XDNTM đạt trên 38,7 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 8 tỷ đồng.
Từ sự hỗ trợ tích cực này, xã đã bê tông hoá 16km đường giao thông, mở rộng 1,3km mặt nền đường đoạn qua trung tâm xã, cứng hoá trên 13km kênh mương thuỷ lợi, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân. Nhân dân trong xã tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 17% vào năm 2014. Tân Đồng phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã NTM vào cuối năm 2015. Các xã khác trên địa bàn huyện Trấn Yên cũng tích cực thực hiện XDNTM. Ngay như xã Việt Thành, không phải là xã điểm của tỉnh hay của huyện nhưng đã hoàn thành 16/19 tiêu chí và phấn đấu trở thành xã NTM vào cuối năm 2015.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường (người thứ hai bên phải) trao đổi với người dân xã Đại Phác, huyện Văn Yên về Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai XDNTM, mỗi một địa phương lại có những cách làm hay và sáng tạo khác nhau. Ngay tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, để thực hiện được tiêu chí cuối cùng về cơ sở vật chất văn hoá, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng nhà văn hoá xã, xã còn tổ chức một hội nghị kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia đóng góp, ủng hộ được trên 200 triệu đồng để mua sắm các trang thiết bị. Nhờ vậy, Tuy Lộc là xã đầu tiên của tỉnh đạt đủ các tiêu chí để làm thủ tục đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Đức Luận - Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nhiệm vụ của người dân, vai trò của hệ thống chính trị trong XDNTM là việc làm quan trọng nhất. Khi dân thông, dân hiểu, việc thực hiện các tiêu chí cũng dễ dàng hơn. Người dân sẵn sàng tham gia hiến đất, làm đường, xây dựng nhà văn hoá, tích cực tham gia lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo vệ cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”...
Bà Hà Thị Dương ở thôn Minh Thành phấn khởi cho biết: “Từ khi XDNTM, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, cuộc sống của người dân đã khá hơn nhiều. Ngày trước, đường sá lầy lội, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Bây giờ, 100% đường liên thôn đã được đổ bê tông phẳng lỳ, xe máy đi đến tận ruộng. Như vậy quá mỹ mãn rồi!”.
Xã Việt Thành (Trấn Yên) phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm, nâng cao thu nhập cho người dân. (Ảnh: Sơ chế kén tằm tại một hộ gia đình ở Việt Thành).
Qua công tác triển khai đánh giá việc thực hiện 19/19 tiêu chí NTM, 99,85% số hộ dân tham gia dự họp đã bỏ phiếu nhất trí đề nghị cấp trên công nhận xã đạt chuẩn NTM vào tháng 12/2014. UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng Thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM để đánh giá việc thực hiện các tiêu chí, công nhận Tuy Lộc là xã NTM trong thời gian sớm nhất.
Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, Yên Bái đã có 1 xã đạt 19 tiêu chí NTM. 1 xã đạt từ 15 - 17 tiêu chí, 19 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 71 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 60 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Một số tiêu chí có mức độ đạt cao như: quy hoạch 152 xã, bưu điện 82 xã, hình thức tổ chức sản xuất 47 xã, y tế 26 xã, hệ thống chính trị 115 xã và an ninh trật tự 146 xã. Trong quá trình XDNTM, đã xuất hiện nhiều điển hình trong việc tham gia và vận động nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công lao động để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Tổng nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh sau 4 năm gần 1.179 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 164 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM khẳng định: “Mặc dù, khi mới triển khai, hầu hết các xã đều gặp nhiều khó khăn, các tiêu chí đạt thấp nhưng sau gần 4 năm thực hiện Chương trình, đã góp phần làm thay đổi được diện mạo của nông thôn miền núi, phát huy vai trò chủ thể của người dân, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Chính quyền địa phương đã làm tốt vai trò cầu nối giúp người nông dân tiếp cận thị trường, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh những kết quả đạt được, Yên Bái vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng dân cư khi tham gia thực hiện Chương trình; đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều lúng túng trong cách làm và huy động các nguồn lực tham gia dẫn đến việc thực hiện các tiêu chí tại nhiều địa phương đạt thấp. Để đạt được mục tiêu số xã đạt chuẩn XDNTM vào năm 2015 đòi hỏi sự quyết tâm cao của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ các nguồn lực của Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của người dân - chủ thể trong thực hiện các tiêu chí về XDNTM”.
Mạnh Cường
(Bài 2: Vượt khó “về đích”)
Các tin khác
YBĐT - Trong tiến trình 52 năm phát triển, Báo Yên Bái đã khẳng định được vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái, diễn đàn của nhân dân. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ tuyên truyền, để phù hợp với xu hướng bùng nổ thông tin, sự phát triển của công nghệ và nhu cầu thông tin của công chúng, Báo Yên Bái điện tử đã ra mắt bạn đọc và trở thành một kênh thông tin quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
YBĐT - Bản Làng Mảnh thuộc xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu nằm chênh vênh trên ngọn núi Pu Kha hùng vĩ. Theo tiếng Tày, Pu Kha có nghĩa là "Núi Gianh" nhưng 100% dân cư ở đây lại là đồng bào Mông. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ để đi xe máy từ trung tâm huyện qua thị xã Nghĩa Lộ, qua trung tâm xã Đồng Khê (Văn Chấn) rồi rẽ vào thôn Văn Tứ 1 của Đồng Khê. Từ đây lại phải mất thêm 4 giờ đồng hồ đi bộ, vượt qua những con dốc thẳng đứng mới đến được Làng Mảnh. Trên đỉnh trời này, chuyện dạy và học chữ của thầy và trò còn nhiều điều khó nói thành lời…
YBĐT - Đã bao lần đến với các thôn đồng bào Dao ở Tân Hương (Yên Bình), từng nghe những điều ước của đồng bào các thôn Khe Mạ, Khe Móc, Khe May, Khe Gáo, Đồi Hồi về một dòng điện lưới quốc gia, một con đường bê tông hóa để thuận bề cuộc sống sinh hoạt, trao đổi hàng hóa…
YBĐT - Vào ngành công an có lẽ nhiều người mong muốn trở thành một cảnh sát giao thông, đi trên chiếc xe mô tô phân khối lớn, thổi một tiếng còi là cả đoàn xe dừng lại hoặc trở thành những chiến sỹ cảnh sát điều tra, hình sự tham gia vào những chuyên án lớn.