Dấu chân trên đỉnh Tà Ghênh

Bài 2: Hai “lạ” trên một đất

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2014 | 12:51:10 PM

YBĐT - Bộ đội về Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải) không thấy nói nhiều lắm nhưng mồ hôi lúc nào cũng ướt vai áo, mảnh nương nào cũng thấy có dấu chân của bộ đội. Một thời gian sau, ở cái mảnh nương nhiều dấu chân ấy lại mọc lên những mầm cây gì xanh lắm, mập lắm? Người già trên Tà Ghênh nói: "Để tao lấy về cho trâu ăn". Còn ở mảnh nương khác thì có tiếng ụp... xòa... ụp... xòa hết ngày sang đêm. Trẻ con bảo: "Cái này mà tắm thì thích hơn..."

Những “người lính Cụ Hồ” giúp người dân khai hoang, trồng lúa nước.
Những “người lính Cụ Hồ” giúp người dân khai hoang, trồng lúa nước.

>> Bài 1 : Chuyện kể trên cầu thang 9 bậc

Để có được thứ cây mầm xanh ngắt, bộ đội đã hơn một lần đặt tay lên trán. Sau này thu hoạch, củ nó to như bắp chân, cho vào nồi luộc thì chín trắng, bở tung. Thật là đơn giản, củ sắn thôi, thế mà người Mông ở Tà Ghênh trước đó chưa ai trồng bao giờ, nhiều người còn không biết gọi tên. Với dân bản không chỉ nói mà bộ đội còn làm, làm để cho dân xem, dân xem rồi lần sau tự bảo nhau làm giống như thế. Chuyện các anh giúp dân biết ăn sắn giờ đây lại hướng dẫn đồng bào phương pháp mới trong việc mở, khai hoang đất để làm ruộng bạc thang, ai cũng háo hức. Ruộng bậc thang ở đây cũng có, ít thôi nhưng đủ để cỏ dại mọc kín bờ vì một mùa không có nước nên ruộng bỏ không. Dưới chân núi có mấy hộ người Tày về định cư, bộ đội ngày đêm nghe thấy tiếng ụp... xòa... ụp... xòa...

- À, nó là cái cọn nước!

Chưa đầy một tuần sau, ngay trước căn lều của Trang A Củ cũng có một cái cọn nước như thế xuất hiện. Bà con chạy ra xem, lạ thật, không cần điện mà nó tự "chở" nước từ mảnh ruộng này đến mảnh ruộng kia bằng một cây tre to bổ đôi làm máng.  Đã nhiều đời nay, đồng bào ở Tà Ghênh, Làng Giàng chỉ quen làm nương vì không thể tìm đâu ra một mảnh ruộng. Vậy mà bộ đội về, các anh đã cùng bà con khai hoang được hơn 10ha ruộng lúa, rồi kéo nước về bằng nguyên lý quay của cọn nước học từ người Tày dưới chân núi. Có ruộng nước, bà con phấn khởi cắm những nhánh lúa đầu tiên xuống mảnh ruộng mới và khấp khởi mừng thầm cái ngày nó trổ bông, vàng óng cả nương như trong chiếc ti vi ở quán thắng cố dưới chợ phiên Tú Lệ vẫn chiếu.

Đúng là cái gì bộ đội mang đến đây cũng thú vị, kể cả việc các anh cấy lúa cũng thế, nhưng không phải bộ đội làm cho mình mà đó là mô hình điểm, bộ đội làm cho dân học tập, để sau này, bà con cứ thế mà làm. Ngày bộ đội về, các anh chia thành nhiều tổ, mỗi tổ đảm nhiệm một công việc. Việc kéo nước sạch từ trên núi xuống cho bà con sử dụng được coi trọng hàng đầu, rồi đến việc kéo nước về cho cây lúa trổ bông là việc quan trọng tiếp theo. Người phải sống mới làm cho cây sống được và cây có sống thì người mới ở lại. Nguồn nước này là mạch ngầm chảy ra từ trong khe đá tít trên những đỉnh núi cheo leo bị khuất phục bởi những cái đầu ngày đêm suy tư, trăn trở.

Có nước sinh hoạt rồi, bà con cũng không còn phải di cư, hay bỏ bản đến những nơi xa lạ để làm nhà như trước kia. Không chỉ giúp dân đưa nguồn nước về mà bộ đội còn tuyên truyền, giải thích cho mọi người hiểu rằng, để có nước sạch lâu dài thì không được phá rừng bừa bãi, nhất là rừng đầu nguồn. Còn rừng mới còn nước. Mất rừng thì đá cũng lăn xuống chân nương. Hay quá! Dân bản thấy hay quá! Nó còn hay hơn cả việc người trai Mông mang cây khèn đi gọi gái đêm trăng.

 Sau mấy mùa nương, Trưởng bản Hàng A Di đã bàn bạc với dân bản để quyết định làm thủ tục báo cáo tổ tiên, kết nạp bộ đội Giang, bộ đội Hù, bộ đội Nủ vào dòng tộc họ Hàng vì cảm phục trước ân nghĩa của người lính. Vậy là người lính giờ đây đã mang 2 dòng họ. Cũng từ đây, đồng bào Mông trên rẻo cao, quanh năm sương rơi trắng lá đã có thêm những người con là bộ đội. Bà con thích sương rơi nhiều, để tình cảm nhiều như sương.

Trưởng bản Hàng A Di không khỏi bùi ngùi khi đi lấy đôi áo Tà Pủ của đồng bào mình khoác lên người bộ đội Hà Long Giang, Sùng A Hù, Giàng A Nủ để chính thức nhập họ thành Hàng Long Giang, Hàng A Nủ, Hàng A Hủ. Bộ đội nhận áo mà không thể nói được lời nào. Khoác trên mình chiếc áo Tà Pủ mang dòng tộc họ Hàng của người Mông trên Tà Ghênh - Nậm Có thì khó ai còn có thể nhận ra các anh là bộ đội. Chiếc áo còn thơm mùi tràm nhưng có cả những giọt mồ hôi lam lũ, mặn chát, cần mẫn, gần gũi... Chiếc áo là hình hài chiều dài thời gian người Mông ở Tà Ghênh ra đi chỉ để tìm sự no ấm nhưng chưa thấy thành công. Chiếc áo cũng là ơn sâu, nghĩa nặng được thêu dệt bằng tấm lòng cảm phục của người Mông một đời trên núi. 

Bộ đội chỉ ở Tà Ghênh 3 năm rồi đi vùng khác. Nhiều bà con chưa kịp đếm hết những dấu chân bộ đội đã đặt lên nhà mình, vậy mà vùng đất ấy thay đổi nhiều quá. Cái đói, cái nghèo chưa hết nhưng một chút no ấm, bình yên đang dần hiện lên nơi ngút ngàn thăm thẳm. Ai cũng tin rằng, cuộc sống rồi đây sẽ khác, cái sự khác biệt này bộ đội đã làm được. Đó là đất hoang hóa trở thành ruộng bậc thang, vùng khô cằn đã có nước để cây đâm trồi, nảy lộc, thứ cây lạ, củ to lần đầu biết giữ chân người, dưới vực sâu không thấy con trâu, con bò bị ngã núi, những hủ tục chỉ còn là câu chuyện kể dưới 9 căn lều.

Đã qua bao mùa lanh, qua bao nhiêu mùa phơi vải, những chiếc áo Tà Pủ mới vừa được nhuộm xong. Dân bản mang nó ra cái nhà nhỏ trước gia đình ông Trang A Củ nhưng phía đầu cầu thang 9 bậc không còn bộ đội nữa. Bà con biết, có thể đang ở một nơi như Làng Giàng, Dế Xu Phình hay Lùng Cúng, dân bản cũng đang may những chiếc áo như thế và mong được khoác lên người, rồi nhận bộ đội vào họ tộc của mình, để trong máu các anh cũng có hai dòng họ như ở Tà Ghênh.

Châu Linh

Các tin khác
Bằng nỗ lực của thầy và trò nhà trường cùng sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp, con em đồng bào dân tộc Dao xã Nậm Mười đã có điều kiện học tập.

YBĐT - Trở về từ Nậm Mười sau thời gian trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với các em học sinh bán trú vùng cao, trong đầu tôi vẫn vang vọng đâu đó âm thanh “keng, keng, keng”. Tiếng kẻng gọi học sinh ăn cơm, tiếng kẻng giục các em đi ngủ. Âm thanh đó hơn 3 năm nay đã đi vào tiềm thức của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Mười (Văn Chấn).

Những “người lính Cụ Hồ” hướng dẫn bà con chăm sóc gia súc.

YBĐT - Cách đây mấy năm, trên đỉnh Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có những người lính của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh về để giúp dân xóa đói, giảm nghèo và bước qua hủ tục, lạc hậu. Tuy thời gian công tác không lâu nhưng đã làm cho cuộc sống của đồng bào Mông dần dần thay đổi. Đây là dấu ấn khác lạ đầu tiên nơi thâm cùng gian khó. Giờ đây, bộ đội đã chuyển đi nơi khác nhưng đằng sau dấu chân các anh, vẫn còn những câu chuyện khắc sâu trong lòng dân bản….

Mô hình nuôi dê theo kiểu “hợp tác xã” ở Mồ Dề với số lượng lên đến hàng trăm con đang cho hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Người nông dân nuôi dê, đấy là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nông dân người Mông nuôi dê, có thể gọi là hơi chút lạ nhưng cũng là chuyện thường thôi. Thế nhưng mấy chục hộ nông dân người Mông mang dê “góp” lại cùng nuôi theo mô hình tập trung kiểu “hợp tác xã” thì có lẽ là hiếm, mới và rất mới ở Mù Cang Chải...

YBĐT - Men theo con đường làng thẳng tắp, chúng tôi tìm đến căn nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Hao, thôn Kiên Lao, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, với tấm lòng thành kính, tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục