Khó khăn và giải pháp
- Cập nhật: Thứ năm, 25/12/2014 | 12:57:34 PM
YBĐT - Bài toán về công tác phát triển đảng viên nữ nông thôn ở Mù Cang Chải gặp muôn vàn thử thách khi số lượng đảng viên được kết nạp mới chỉ đếm trên đầu ngón tay...
Đồng chí Trần Minh Vấn (người đứng) - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải tham gia sinh hoạt Đảng cùng với Chi bộ Cù Dì Sen B để tháo gỡ những khó khăn trong công tác phát triển đảng viên nữ.
|
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái, Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phát triển đảng viên nói riêng, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển đảng viên nữ vùng nông thôn. Từ đó, Huyện ủy có Kế hoạch về “Xây dựng, phát triển đội ngũ đảng viên nữ” giai đoạn 2012 - 2015. Sau 3 năm, công tác kết nạp đảng viên nữ nông thôn có chuyển biến. Tuy nhiên, số lượng đảng viên được kết nạp mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thực trạng từ cơ sở
Phấn đấu vào Đảng là một quá trình rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt và được kết nạp vào Đảng là niềm vinh dự lớn lao của mỗi cá nhân, quần chúng ưu tú, đặc biệt đối với quần chúng nữ vùng nông thôn. So với các địa phương khác, thực tế công tác phát triển đảng viên nữ nông thôn ở huyện Mù Cang Chải gặp muôn bề khó khăn.
Giữa giá lạnh thấu da, thấu thịt của những ngày cuối năm, trái với không khí thi đua lao động, sản xuất sôi nổi, khi nhắc đến công tác phát triển Đảng, nhất là phát triển đảng viên nữ nông thôn, nhiều bí thư Đảng ủy xã, bí thư chi bộ đều lắc đầu. Đảng bộ xã Chế Cu Nha nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Hiện toàn Đảng bộ có 107 đảng viên, trong đó đảng viên nữ nông thôn có 13 đồng chí.
Vậy mà, ông Giàng A Của - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Hầu hết chị em trong độ tuổi đều tái mù chữ, có nhiều gương mặt “sáng giá” thì không học hết tiểu học. Chẳng nhẽ kết nạp Đảng cho người không biết chữ ư?”. Không những thế, đối với những phụ nữ đã lập gia đình, việc vào Đảng càng gặp nhiều gian nan. Bởi theo phong tục của người Mông, phụ nữ là lo toan việc gia đình, không cần phải tham gia các công việc của xã hội. Song hành là tư tưởng của những “phu quân”, khi người vợ được chính quyền quan tâm, giúp đỡ, bồi dưỡng để phấn đấu vào Đảng thì bảo thủ: “Vào Đảng làm gì, suốt ngày đi họp, bỏ bê việc gia đình, đồng áng”.
Như trường hợp chị Thào Thị Phua ở thôn Đề Zủa, xã Lao Chải được Chi bộ giới thiệu đi học lớp nhận thức về Đảng, được hướng dẫn làm hồ sơ từ năm 2013 nhưng vì lý do gia đình và chồng cản trở nên việc làm hồ sơ, các thủ tục để kết nạp Đảng gặp nhiều khó khăn, may mắn là anh Giàng A Già - chồng của chị Phua cho biết: “Vợ mình được Chi bộ cho làm hồ sơ từ năm 2013. Lúc đầu, mình không đồng ý đâu vì công việc nhà bận lắm, vào Đảng thì phải đi họp nhiều. Nhưng bây giờ, sau 2 năm được Chi bộ vận động, tuyên truyền, mình sẽ đồng ý cho vợ tham gia các hoạt động của địa phương”.
Đồng chí Sùng A Khua - Bí thư Chi bộ Đề Zủa giãi bày: “Chi bộ mình luôn quan tâm đến công tác tạo nguồn cho Đảng, nhất là quần chúng nữ nhưng do nhiều nguyên nhân nên rất khó để kết nạp được đảng viên nữ”. Trong 2 năm qua, Chi bộ giới thiệu được 2 quần chúng nữ đi học nhận thức về Đảng nhưng trong quá trình phấn đấu, cả 2 không thể kết nạp được vì 1 trường hợp sinh con thứ 3, trường hợp còn lại do gia đình cản trở.
Đồng chí Trần Minh Vấn - Bí thư Đảng ủy xã Lao Chải cho biết: “Khó khăn nhất đối với Đảng ủy xã trong công tác phát triển đảng viên nữ nông thôn là vấn đề nhận thức, trình độ và phong tục, tập quán của đồng bào. Mặc dù thường xuyên tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của việc vào Đảng nhưng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” và cho rằng phụ nữ chỉ là ở nhà chăm sóc gia đình của nam giới khó thay đổi nên đến nay, toàn Đảng bộ có 143 đảng viên sinh hoạt ở 18 chi bộ mà chỉ có 7 đảng viên nữ nông thôn”.
Nguyên nhân và giải pháp
Đến nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải có 2.104 đảng viên, trong đó là 79 đảng viên nữ nông thôn, chiếm 3,75%. Nhiều Đảng bộ nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên nữ nông thôn như: Mồ Dề, thị trấn Mù Cang Chải, La Pán Tẩn, Kim Nọi, Hồ Bốn...
Đồng chí Phạm Văn Quynh - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: “Công tác phát triển đảng viên nữ nông thôn ở Mù Cang Chải hiện gặp nhiều gian nan bởi các phong tục, tập quán truyền thống của người Mông đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào. Theo quan niệm, phụ nữ dân tộc Mông phải chăm chỉ, lo toan việc gia đình, đồng áng, các thành viên trong gia đình, nhất là các ông chồng không muốn vợ mình tham gia các hoạt động xã hội nên việc phát hiện, giới thiệu các đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng rất khó khăn. Ngoài ra, trình độ văn hóa của phụ nữ Mông còn nhiều hạn chế. Huyện ủy đã ưu tiên về trình độ văn hóa đối với phụ nữ nông thôn khi được kết nạp vào Đảng thấp hơn các đối tượng khác nhưng khảo sát thực tế, số lượng chị em biết đọc, biết viết vẫn là con số quá khiêm tốn”.
Trong nhiều năm qua, huyện Mù Cang Chải luôn làm tốt công tác giáo dục và đào tạo, có nhiều chính sách ưu tiên cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số khi đến trường. Đặc biệt, đối với phụ nữ, huyện thường xuyên mở các lớp xóa mù chữ, hàng năm có từ 60 - 80 hội viên phụ nữ tham gia lớp xóa mù chữ.
Đồng chí Sùng A Khua - Bí thư Chi bộ Đề Zủa (ngoài cùng, bên phải) động viên, tuyên truyền về ý nghĩa của việc vào Đảng với anh Giàng A Già - chồng của chị Thào Thị Phua - người đang được Chi bộ làm hồ sơ để kết nạp Đảng.
Đồng chí Sa Thị Ngần - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: “Đến nay, toàn huyện có 9.837 hội viên phụ nữ, trong đó hơn 3.000 hội viên mù chữ, chiếm 35,5%. Nhiều chị em được học lớp xóa mù nhưng sau một gian ngắn vẫn tái mù, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động công tác hội và việc giới thiệu các hội viên ưu tú cho Đảng gặp nhiều khó khăn”.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, công tác tuyên truyền, vận động ở một số Đảng ủy cơ sở về công tác phát triển Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Bởi trong thực tế, ở một số cấp ủy vẫn có nguồn để phát triển đảng viên nữ, đó là các em đã tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông có trình độ, đang trực tiếp lao động tại địa phương. Tuy nhiên, các đối tượng này chưa được vận động thường xuyên, chưa làm tốt và làm thông tư tưởng với các gia đình.
Một số cấp ủy và chính bản thân đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã, thôn bản chưa thấy rõ vị trí, vai trò của mình; xem nhẹ công tác tuyên truyền; nhiều bí thư chi bộ không nhận thức được trách nhiệm bản thân đối với công tác lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thôn bản. Hơn nữa, sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền cơ sở, nhất là các đồng chí cấp ủy phụ trách thôn bản chưa quan tâm đúng mức, còn nể nang. Một số bí thư chi bộ trình độ văn hóa, hiểu biết hạn chế, dẫn đến tình trạng giới thiệu quần chúng ưu tú đi học nhận thức về Đảng khi chưa đến tuổi, thậm chí có đối tượng tảo hôn và sinh con thứ 3... nên làm mất uy tín.
Bài toán về công tác phát triển đảng viên nữ nông thôn ở Mù Cang Chải gặp muôn vàn thử thách. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt thì bài toán này sớm có đáp số. Trước mắt, ngoài việc chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong việc hướng dẫn, quy tụ quần chúng nhân dân trong việc hiện thực hóa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thì các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các quần chúng nữ tốt nghiệp cấp II, cấp III (có thể đã lấy chồng) đang sinh sống, lao động tại địa phương tham gia tốt các phong trào để làm hạt nhân, nòng cốt trong việc giới thiệu nguồn cho Đảng.
Thứ nữa, bên cạnh việc “đả thông” tư tưởng cho những người chồng không cản trở vợ mình vào Đảng thì các cán bộ cấp cơ sở cần vận động vợ, con (cán bộ xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ) đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Để làm được điều này, người cha, người chồng trong gia đình phải thay đổi cách nghĩ, có tư tưởng tiến bộ và xem phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới. Như vậy, phụ nữ dân tộc Mông mới phát huy được vai trò của mình “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Ngoài ra, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục xây dựng các kế hoạch, đề án về công tác phát triển Đảng mang chiến lược lâu dài để đánh giá được chất lượng, hiệu quả của các chi, Đảng bộ trong toàn huyện đồng thời có các giải pháp cụ thể đối với từng chi bộ, các đoàn thể như Đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh... Qua đó không những góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn nâng cao chất lượng về công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác phát triển đảng viên nữ nông thôn nói riêng.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Bộ đội về Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải) không thấy nói nhiều lắm nhưng mồ hôi lúc nào cũng ướt vai áo, mảnh nương nào cũng thấy có dấu chân của bộ đội. Một thời gian sau, ở cái mảnh nương nhiều dấu chân ấy lại mọc lên những mầm cây gì xanh lắm, mập lắm? Người già trên Tà Ghênh nói: "Để tao lấy về cho trâu ăn". Còn ở mảnh nương khác thì có tiếng ụp... xòa... ụp... xòa hết ngày sang đêm. Trẻ con bảo: "Cái này mà tắm thì thích hơn..."
YBĐT - Trở về từ Nậm Mười sau thời gian trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng ngủ với các em học sinh bán trú vùng cao, trong đầu tôi vẫn vang vọng đâu đó âm thanh “keng, keng, keng”. Tiếng kẻng gọi học sinh ăn cơm, tiếng kẻng giục các em đi ngủ. Âm thanh đó hơn 3 năm nay đã đi vào tiềm thức của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Mười (Văn Chấn).
YBĐT - Cách đây mấy năm, trên đỉnh Tà Ghênh, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải có những người lính của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh về để giúp dân xóa đói, giảm nghèo và bước qua hủ tục, lạc hậu. Tuy thời gian công tác không lâu nhưng đã làm cho cuộc sống của đồng bào Mông dần dần thay đổi. Đây là dấu ấn khác lạ đầu tiên nơi thâm cùng gian khó. Giờ đây, bộ đội đã chuyển đi nơi khác nhưng đằng sau dấu chân các anh, vẫn còn những câu chuyện khắc sâu trong lòng dân bản….
YBĐT - Người nông dân nuôi dê, đấy là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nông dân người Mông nuôi dê, có thể gọi là hơi chút lạ nhưng cũng là chuyện thường thôi. Thế nhưng mấy chục hộ nông dân người Mông mang dê “góp” lại cùng nuôi theo mô hình tập trung kiểu “hợp tác xã” thì có lẽ là hiếm, mới và rất mới ở Mù Cang Chải...