Đề án Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ: Khi văn hóa là nền tảng
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/1/2015 | 3:08:52 PM
YBĐT - Trong Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ" được công bố quyết định phê duyệt tháng 9 năm 2013 nhằm "xây dựng thị xã phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch"... thì một trong những chỉ tiêu mang tính bản lề chính là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.
Nghệ nhân sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Thái - Lò Văn Biến truyền dạy 6 điệu xòe cổ cho các hạt nhân nòng cốt.
|
Trong giới hạn nhỏ của bài viết này, chúng tôi muốn đề cập những đột phá của thị xã trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của người Thái đen vùng Mường Lò. Đó chính là Đề tài Khoa học cấp quốc gia "Nghiên cứu, bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò" mà Chủ nhiệm Đề tài là Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ - đồng chí Lò Thị Huân vừa bảo vệ thành công với mục đích đưa xòe cổ trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
"Đặc sản" Mường Lò
Người Thái đen có nguồn gốc và quá trình hình thành trải dài suốt hàng nghìn năm. Chính trong bề dày lịch sử ấy, họ đã xây dựng được cho mình một truyền thống văn hóa riêng, độc đáo mà ở đó chứa đựng đầy đủ các giá trị nghệ thuật, nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ... và xòe cổ là một yếu tố tạo nên những giá trị ấy.
Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây không chỉ nổi tiếng là vùng "gạo trắng, nước trong" với cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai Tây Bắc mà còn là nơi cư ngụ đông đúc và lâu đời của người Thái đen với nhiều nét văn hóa độc đáo. Bên cạnh hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, người Thái Mường Lò còn có nhiều lễ hội dân gian, nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu dân ca, dân vũ... đặc sắc, trong đó phải kể đến điệu múa xòe, đặc biệt là 6 điệu xòe cổ hay được gọi theo tiếng Thái là "xé cáu ké". "Xé cáu ké" bao gồm: xòe vòng (xé vóng), vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mư), tung khăn (nhôm khăn), bổ bốn (phá xí), tiến lùi (đổn hôn), nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu) là khởi nguồn cho 36 điệu xòe phổ thông vẫn được người Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ gìn giữ và lưu truyền với mong muốn về một cuộc sống bình yên, hạnh phúc. 6 điệu xòe cổ phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông, đoàn kết chống lại kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai và mong ước một cuộc sống sinh sôi, nảy nở.
Không những thế, khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, người Thái Nghĩa Lộ dần dần nhận thức rõ về vũ trụ, về mối quan hệ thiên - địa - nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Những điệu xòe ra đời như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa nhân sinh cao đẹp, những triết lý sâu sắc. Điều đó ẩn chứa trong từng động tác, từng điệu xòe.
Những điệu xòe cổ chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ của người Thái phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian đã đem lại một sắc thái độc đáo. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí... thì 6 điệu xòe cổ ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu trong sáng vô hạn.
Từ nghị quyết đến hành động
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Trong những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều hoạt động gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân nơi đây. Đặc biệt là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", thị xã Nghĩa Lộ đã đầu tư, nghiên cứu, sưu tầm và tổ chức truyền dạy những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, trong đó có 6 điệu xòe cổ của đồng bàoThái cho thế hệ trẻ".
Trước đây, không phải đội văn nghệ nào cũng biết thể hiện các điệu xòe cổ. Do vậy, chính quyền địa phương rất quan tâm tới việc mời các nghệ nhân hiểu sâu sắc về 6 điệu xòe cổ tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ. Một trong những người có công lớn là ông Lò Văn Biến - nghệ nhân sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Thái ở bản Căng Nà, phường Trung Tâm.
Ông Lò Văn Biến chia sẻ: "Là một trong số ít người hiểu biết sâu sắc về văn hóa dân tộc Thái và thể hiện được thuần thục 6 điệu xòe cổ, thời gian qua, tôi đã dày công nghiên cứu và truyền dạy cho đội văn nghệ của bản mình. Giờ đây, thành viên trong các đội văn nghệ đều thành thạo các điệu xòe cổ". Cũng theo ông Biến thì việc truyền dạy cho các thế hệ con cháu biết và cảm nhận được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc mình chính là niềm vui, là việc làm có ý nghĩa lớn nhất đối với cuộc đời ông.
Đặc biệt hơn, trong quá trình phát triển Đề tài "Nghiên cứu, bảo tồn, lưu truyền 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ - Mường Lò", thông qua nghệ nhân Lò Văn Biến, thị xã Nghĩa Lộ đã làm rất tốt hai khái niệm "bảo tồn" và "lưu truyền". Cụ thể, thị xã đã xây dựng được một hệ thống bài giảng bao gồm đĩa hình, tư liệu, cứ liệu, hiện vật về 6 điệu xòe cổ; sưu tầm được dàn nhạc cụ và bảo tồn được bản nhạc cổ phục vụ xòe cổ; thành lập được đội nghệ nhân nòng cốt bao gồm 8 thành viên là những người am hiểu về xòe cổ và được truyền dạy chính thống từ nhà sưu tầm văn hóa dân tộc Thái - Lò Văn Biến...
Từ đầu mối này, 48 đội xòe nòng cốt thuộc 6 lứa tuổi và thành phần gồm: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi đã được thành lập, đào tạo và đi vào hoạt động. Đến nay, tất cả 7 xã, phường của thị xã đều có đội văn nghệ, trong đó việc biểu diễn và truyền dạy 6 điệu xòe cổ được coi là mũi nhọn.
Chính những hoạt động tích cực của các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở đã góp phần gìn giữ, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Thái nơi đây. Nhiều lễ hội đã được khôi phục, tổ chức, đáp ứng được nhu cầu của bà con và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái vùng Tây Bắc. UBND thị xã còn tổ chức thành công Hội thi xòe cổ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ nhất với sự tham gia của hàng trăm diễn viên.
Một số đội văn nghệ điển hình trong biểu diễn và truyền dạy 6 điệu xòe cổ là Đội Văn nghệ Bản Đêu - xã Nghĩa An hay Đội Văn nghệ bản Tông Pọng - phường Tân An, Đội Văn nghệ bản Cang Nà - phường Trung Tâm... Đây là những hạt nhân góp phần phục vụ rất lớn cho sự phát triển du lịch cộng đồng đang rất được ưa chuộng tại thị xã Nghĩa Lộ.
Khi văn hóa là nền tảng
Chúng tôi đến Mường Lò - Nghĩa Lộ vào những ngày cuối năm, không khí tươi vui chuẩn bị đón tết Nguyên đán hiện hữu rất rõ ràng. Gần như bản làng nào của người Thái cũng có một đội múa xòe. Những thiếu nữ Thái với chiếc áo cỏm mềm mại, váy nhung huyền căng tràn sức trẻ, thướt tha như bước ra từ trong câu truyện cổ, thể hiện những điệu xòe uyển chuyển khiến cho người xem có cảm giác như đang lạc bước về thủa hồng hoang. Câu hát mời gọi đưa nhịp chân du khách cuốn vào vòng xòe...
Có thể nói, 6 điệu xòe cổ của người Thái đen Mường Lò là giá trị phi vật thể vô giá trong kho tàng văn hóa Thái nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, mang một sắc thái riêng mang tính cội rễ từ thời mở cõi. Với ý nghĩa ấy, đương nhiên nó là nền tảng, là gốc rễ của những điệu xòe khác. Việc bảo tồn và phát huy những điệu xòe này chính là hành động thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc Thái.
Qua những điệu xòe cổ, người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thuở sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan. Tất cả những điều đó thấm vào lòng mỗi người một cách tự nhiên như suối nguồn trong mát tưới tắm những cánh đồng, làm nên những mùa vàng no ấm. Nói một cách khác, 6 điệu xòe cổ phản ánh hiện thực cuộc sống, bởi vậy có giá trị giáo dục đạo đức cho mỗi con người. Từ nhận thức cảm tính dần dần dẫn đến nhận thức lý tính một cách tự nguyện, góp phần làm nên một bản sắc, cốt cách văn hóa không thể pha trộn. Điều đó khiến nó trở thành nền tảng của các giá trị xã hội khác.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước, việc bảo tồn và quảng bá 6 điệu xòe cổ của người Thái đen Mường Lò chính là công việc thiết thực bảo lưu, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trên con đường thực hiện thành công việc đưa Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa toàn diện trong tương lai.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Cách trung tâm xã Mường Lai (Lục Yên) chưa đầy 7km, thế nhưng 17 năm qua hơn 300 người dân ở thôn Nà Chao phải sống trong cảnh tối tăm vì không có điện. Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của họ vì thế cũng luẩn quẩn trong vòng khó khăn, nghèo đói. Điều đáng nói, đa phần hộ dân nơi đây trước kia đã đồng lòng rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để người ta ngăn dòng, đắp đập thủy lợi Từ Hiếu phục vụ cho sản xuất của Mường Lai và các xã lân cận.
YBĐT - Có những vật nuôi, cây trồng chỉ ở mức độ 15-20 ha thì hiệu quả nhưng làm tới hàng trăm héc-ta là không tiêu thụ được. Đó là bài toán của cung - cầu. >> Bài 2: Những rào cản cần tháo gỡ
YBĐT - Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp trong những năm qua tuy đạt nhiều thành tựu nhưng nhìn một cách tổng thể và so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chủ lực như: chè, lúa gạo, quế vỏ, cây ăn quả... chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm.
YBĐT - Đã hết rồi cái thời sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, con trâu đi trước cái cày theo sau. Giờ đây, sản xuất không chỉ lấy năng suất, sản lượng mà phải lấy giá trị kinh tế làm thước đo cho mỗi héc-ta canh tác, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiệu quả, phát triển toàn diện, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách vững chắc.