Không lên nhanh thì hết phòng đấy!
- Cập nhật: Chủ nhật, 22/2/2015 | 9:01:30 AM
YBĐT - Tháng Chín, tháng Mười, du khách tứ phương, xe cộ đủ loại nối nhau lên Mù Cang Chải. Đó là khi những triền ruộng bậc thang suộm vàng, hương lúa hòa hương thơm lừng của táo rừng chín. Tôi điện cho Khách sạn Suối Mơ đặt mấy phòng cho nhóm khách liên tỉnh Sài Gòn - Cần Thơ - Tây Ninh vì mê mẩn danh tiếng cao nguyên này mà kéo nhau ra Bắc lên Yên Bái thưởng ngoạn.
Huyền ảo Mù Cang.
|
“A lô, không lên nhanh thì không còn phòng!” - cô chủ khách sạn nói với tôi. Tôi điện cho nhà nghỉ Hoa Ban. “Không lên nhanh thì không còn phòng đâu” - lễ tân trả lời. Tôi điện mấy anh chị kinh doanh lưu trú nữa, cũng “Không lên nhanh thì ...”- càng sốt ruột.
Buổi trưa, đón nhau vội ở thành phố Yên Bái rồi một mạch lên Mù Cang Chải. 5 giờ chiều, xe đã giữa thị trấn huyện. Du khách tây, ta, đông kịt. Anh em ở Văn phòng UBND cho một thông tin “buồn” với vẻ mặt rất vui: “11 nhà nghỉ, khách sạn và nhà nghỉ cộng đồng kín chỗ rồi”. Chẳng ai lo, chị em Thu, Nga, Thủy và các anh Tuấn, Hoàng, Phong thì nhất quyết: “Hết chỗ ta nghỉ trên xe, miễn là ruộng bậc thang, táo rừng, sáo, khèn Mông ... không biến đi đâu là được”. Anh em cười vui vẻ và cứ thế cuốn vào không khí tưng bừng, rộn ràng của cao nguyên.
Thị trấn vùng cao đêm về như viên ngọc lung linh trên núi. Những quán hàng đông kịt khách, nào rượu thóc La Pán Tẩn nhắm với thịt gà đen, xôi nếp Nậm Có, thịt nướng than; nào rượu táo mèo thưởng với bánh dày, quết thêm mật ong rừng nguyên chất mà thưởng thức trong tiếng sáo bổng trầm. “Lịch trình ngày mai thế nào nhỉ?” - em Thu hỏi nhẹ như hương gió đồng Cần Thơ. “Lịch đây rồi, sớm mai đi La Pán Tẩn ngắm danh thắng ruộng bậc thang, chiều mai xem thi giã bánh dày, tối mai xem thi người đẹp các dân tộc. Ngày kia, đi dù lượn ở đèo Khau Phạ, đi...”- tôi vui vẻ nói. Kế hoạch thì kế hoạch, tính chỗ nghỉ đã. Anh bạn bên Ban Quản lý rừng phòng hộ điện thoại: “Nghỉ nhà mấy anh em cán bộ lâm trường đi, mai đi La Pán Tẩn cho tiện!”.
Chúng tôi rời trung tâm huyện về ngã ba Kim. Tiết thu tháng Chín cao nguyên như Đà Lạt, ai nấy một giấc ngon lành. 5h sáng, mặt trời lấp ló rồi thả nắng khắp núi rừng. Chợ Ngã ba Kim sặc sỡ sắc màu trên khăn, áo, váy của những cô gái Mông xuống chợ. Sơn tra chín trong lù cở, trên nia, trong tải lớn; mật ong rừng nâu sậm bày trên giá, cầm trên tay, để ngay ven đường. Ngôn ngữ đủ miền, đủ vùng, líu lo như chim rừng. “A, lên bao giờ thế này? Tối qua ngủ đâu?” – anh bạn ở Báo Nông nghiệp Việt Nam gặp chúng tôi liền hỏi. “Thế ông ngủ đâu? Bọn này nghỉ ngã ba Kim này chứ đâu!”. “Giời đất, hết cả phòng rồi, tối qua ở Nghĩa Lộ cũng hết phòng, nghỉ nhờ nhà anh em, 4 giờ sáng phóng luôn lên đây”.
Cũng là cảnh hết phòng, hết là do du khách năm nay đông quá, thành ra 11 nhà nghỉ, khách sạn với trên 80 phòng lưu trú và khoảng hai chục phòng lưu trú cộng đồng ở người Thái, người Mông Mù Cang Chải “cháy” to. Phòng nghỉ ở thị xã Nghĩa Lộ cũng “cháy” to. Nhưng chuyện phòng “cháy” cũng chẳng ai quan tâm nữa vì trước mắt đã là những “bậc thang vàng” nổi tiếng của La Pán Tẩn rồi.
Mù Cang Chải vào xuân. (Ảnh: Lê Trung Kiên)
Bí thư Đảng ủy xã Giàng Chứ Ly mời chúng tôi chén rượu thóc rồi khách cứ thế mà đi xem, đi ngắm, chụp ảnh, quay phim những “bậc thang vàng” tít tắp kéo tận trời xanh. Anh Phong hỏi mấy chuyện xung quanh danh thắng này, tôi thông tin nhanh rằng Mù Cang Chải có 514ha ruộng bậc thang ở xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha được công nhận là danh thắng quốc gia. Nổi tiếng nhất là “mâm xôi vàng” đã được nghệ sỹ nhiếp ảnh Thanh Miền ghi lại. Tôi đưa anh Phong quyển sách ảnh, anh xem và mê mẩn cứ đòi về Chế Cu Nha để tận mắt chiêm ngưỡng. Nhóm Thu, Nga, Thủy, Tuấn, Hoàng kêu oai oái vì xem, chụp chưa đã những “bậc thang vàng”. “Đi ngắm mâm xôi vàng, đi thôi” - anh Phong ra dáng đoàn trưởng. Rồi xe đỗ sát “mâm xôi vàng”, đã thấy kín những khách tây, ta, cũng đủ giọng vùng miền mà trầm trồ, mà quay chụp vào ống kính...
Đoàn “phượt” gồm sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hào hứng ghi lại khoảnh khắc khi đặt chân lên ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Hiền Lương)
Nhấn mấy lượt ga, xe đã từ Chế Cu Nha về trung tâm huyện. “Chiều nay đi xem thi giã bánh dày thì trưa nay thử bánh dày cho biết đã” - em Thu đề nghị. Thế là xuống chợ huyện, ngồi ken vào nhau, ngồi cả ra ngoài sân chợ. Cô chủ dân Thái Bình nói tiếng Mông không thể sõi hơn mời vào hàng quán. Bánh dày đem ra, tròn như chiếc đĩa sứ, xắt thành những miếng hình con chì, chấm vào mật ong rừng nguyên chất, ôi thôi quên giời đất. “Cho một câu nhận xét nào” - tôi khới chuyện. Chả ai có lời nào vì đang hăng hái. Xong xuôi, đoàn trưởng mới rằng: “Ngon tuyệt, thấy cả vị đất, vị rừng, vị trời ở Mù Cang Chải”. Chủ quán vỗ tay, cả quán vỗ tay, mấy du khách tây lúc đầu ngơ ngác rồi cũng vỗ tay như một lời chào trìu mến.
Chiều, đi Chế Cu Nha xem giã bánh dày nhưng mấy em Thu, Nga, Thủy chẳng quên được hương vị của những quả táo rừng chín thơm quyến rũ. Lại dừng xe, mua táo. Táo lấy ra từ rừng, còn tươi nguyên lá. “Táo này xài chơi, còn rượu táo thì tối nay về dùng ghen!”- anh Phong nói to. Trưởng đoàn này đúng thạo nghề, dân làm báo chuyện gì cũng biết có phải. Tôi tranh thủ giới thiệu, Mù Cang Chải một năm thu hái bán trên 2.000 tấn táo tươi, hầu hết ngâm rượu, một phần làm vị thuốc đông y, tốt cho tim mạch, giảm béo, chống mỡ máu, vân vân và vân vân nữa. Cả xe trầm trồ, tính xin huyện, xin tỉnh một rừng táo về Cần Thơ, Tây Ninh.
Và kia, điểm thi giã bánh dày ở Chế Cu Nha. Những chàng trai Mông dẻo dai vung những chày gỗ to mà nện xuống những khay xôi nếp khói thơm ngào ngạt. Xung quanh, du khách và bà con người Mông ken đặc. Anh Phong đứng chỗ này một lát đã thấy đứng chỗ kia như muốn cảm nhận thật sâu lớp dày của một nền văn hóa đầy bản sắc mà với các anh còn khá lạ lẫm.
Du khách thưởng thức món bánh dày chấm với mật ong rừng tại tuần văn hóa, thể thao và du lịch danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Đức Toàn)
Tối ấy về nghỉ ở ngã ba Kim, anh Lê Trọng Khang - Phó chủ tịch UBND huyện đem rượu táo mèo ngâm cách vụ đem ra mời khách. Mấy anh em ở Lục Yên, Yên Bình, Phú Thọ, Hải Phòng cũng nhập vào. Mộc mạc và cao sang quá thảy - những âm vị này, cảm giác này du khách như Thu, Nga, Thủy, Tuấn, Hoàng, Phong kia có bao giờ được biết nếu không ra Bắc lên cao nguyên này. Anh Khang mở lòng, cứ như dịp này Mù Cang Chải đón 4.000 – 5.000 lượt khách, khoảng 400 khách lưu trú lại huyện, đã có chủ nhà nghỉ, khách sạn thu tiền trăm triệu lãi - Mù Cang Chải bây giờ đón khách xuyên mùa đông.
Chúng tôi rời Mù Cang Chải rồi dừng chân chụp ảnh cạnh biểu tượng chiếc khèn Mông ôm trọn quả táo rừng do kỹ sư Nguyễn Quang Trung ở Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Yên Bái thiết kế. Tôi bỗng nghĩ, du lịch, dịch vụ, Mù Cang Chải làm riêng thôi chắc có nhiều cái khó, có thể liên kết cùng làm ăn với vùng Mường Lò giàu bản sắc cộng đồng dân tộc Thái dưới kia, để thành tua - tuyến, cùng mời gọi đầu tư không? Ảnh vừa chụp xong, thì gặp anh em ở Công ty cổ phần Sông Đà 9 đi lên dự lễ hội. Anh Trường – Giám đốc Công ty hồ hởi: “Vui không, còn phòng không?”. “Vui, cứ lên đi”. “Đi nhé”. Tôi vội với theo: “Này, không lên nhanh thì hết phòng đấy”.
Xe cứ thế, nối nhau đi Mù Cang Chải.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Tôi chẳng nhớ đã bao lần lên với Suối Giàng. Vẫn cứ ngỡ đã hiểu rõ lắm về cái xứ sở của mù mây và những cánh rừng chè Shan tuyết cổ thụ có đến vài trăm năm tuổi ấy. Vậy nhưng, mỗi lần đến là một lần bỡ ngỡ, là những đổi thay diệu kỳ. Như “nàng công chúa ngủ quên”, Suối Giàng chợt bừng tỉnh trước những khát khao, kỳ vọng của người dân bản địa…
YBĐT - Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại và bị dìm trong bể máu, nhiều chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ)bị kết án tử hình. Tại Yên Bái, thực dân Pháp đã tổ chức hai đợt hành hình các chiến sĩ VNQDĐ. Không run sợ trước cái chết, nhiều người bước lên máy chém còn hô vang “Việt Nam vạn tuế”… Kỳ I: Bi tráng cuộc khởi nghĩa Yên Bái
YBĐT - Khởi nghĩa Yên Bái cách nay 85 năm (10/2/1930 - 10/2/2015) do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo không chỉ đánh thức lòng yêu nước của toàn dân tộc mà còn làm rung chuyển nước Pháp...
YBĐT - Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần cũng là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng tăng cao. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những vấn đề cứ mỗi năm “đến hẹn lại lên” lại làm đau đầu các cơ quan chức năng và người tiêu dùng…