Kỷ niệm 85 năm khởi nghĩa Yên Bái (10/2/1930 - 10/2/2015) - Một dân tộc không chịu sống quỳ

Kỳ I: Bi tráng cuộc khởi nghĩa Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/2/2015 | 9:57:24 AM

YBĐT - Khởi nghĩa Yên Bái cách nay 85 năm (10/2/1930 - 10/2/2015) do Việt Nam Quốc dân Đảng lãnh đạo không chỉ đánh thức lòng yêu nước của toàn dân tộc mà còn làm rung chuyển nước Pháp...

Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái, di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích lịch sử khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 tại Công viên Yên Hòa, thành phố Yên Bái, di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon đã viết: "Yên Bái/ Đây là điều nhắc nhở chúng ta rằng/ Không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ...". Đó là một dân tộc không chịu sống quỳ…

Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902 tại Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là người yêu nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế của nhà trường thực dân, ông đã gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne là đảng viên Đảng Xã hội Pháp, kêu gọi tiến hành cải cách xã hội ở Việt Nam. Vị Toàn quyền Đông Dương ấy không thèm quan tâm tới những điều mà Nguyễn Thái Học đề nghị.

Nguyễn Thái Học - người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.

Ngày 25/12/1927, Nguyễn Thái Học và các đồng sự tổ chức thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng, ông được bầu làm Chủ tịch. Theo chương trình hành động vạch ra phải trải qua ba thời kỳ: thời kỳ thứ nhất là thời phôi thai, tập trung tổ chức chi bộ, phát triển đảng viên, xây dựng các cơ sở Đảng; thời kỳ thứ hai, tổ chức các hội quần chúng xung quanh Đảng, thành lập các cơ quan tuyên truyền bán công khai, cử người ra nước ngoài học về quân sự để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa và xây dựng lực lượng vũ trang sau khi giành được chính quyền; thời kỳ thứ ba, công khai hoạt động, tổ chức khởi nghĩa, phối hợp với những đảng viên trong quân đội Pháp nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt tiến tới giải phóng dân tộc, "khôi phục giang sơn"...

Sau vụ trùm mộ phu đồn điền Bazin ngày 9/2/1929 bị ám sát, Việt Nam Quốc dân Đảng bị nhà cầm quyền lùng sục, bắt bớ. Trước nguy cơ Việt Nam Quốc dân Đảng bị tan vỡ, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính đã quyết định tiến hành cuộc "tổng khởi nghĩa vũ trang". Nếu thất bại cũng là tấm gương cho đời sau tiếp bước, "Không thành công cũng thành nhân".

Lực lượng khởi nghĩa gồm khoảng 60 người từ dưới Phú Thọ đi tàu hỏa lên Yên Bái từ ngày hôm trước. Tại Yên Bái, lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng có khoảng 40 người, chủ yếu là lính khố đỏ thuộc đại đội 5, 6, 7 Tiểu đoàn 2, Trung đoàn lính khố đỏ số 4 Bắc Kỳ. Lính khố xanh không tham dự khởi nghĩa. Đêm 9 rạng ngày 10/2/1930, khởi nghĩa Yên Bái bùng nổ, nghĩa quân đã hạ sát được hầu hết bọn sĩ quan, hạ sĩ quan chỉ huy ở các nhà riêng, phối hợp với nghĩa quân hai cơ lính khố đỏ đồn 5 và 6 đồn Dưới nổi dậy. Trước sân trại lính, một đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng đọc bài "Hịch khởi nghĩa" với những khẩu hiệu: "Đuổi giặc Pháp về nước Pháp/ Đem nước Nam trả người Nam/ Cho trăm họ khỏi lầm than/ Được thêm phần hạnh phúc". Từng toán quân khởi nghĩa chia nhau đi chiếm nhà ga, bến xe và các cơ quan chính quyền của Pháp, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng và ủng hộ nghĩa quân khởi nghĩa. Cờ của Việt Nam Quốc dân Đảng tung bay trên trại lính và các công sở. Do không lôi kéo được toàn bộ lính khố xanh cơ số 7 và số 8 ở trên đồn cao, trung tá Tacon củng cố lực lượng phản công lại. Nghĩa quân bị đánh bật khỏi các vị trí đã chiếm, cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.

Lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Khắc Nhu.

Phối hợp với khởi nghĩa Yên Bái, đêm 10/2/1930, lãnh tụ Việt Nam Quốc dân Đảng Nguyễn Khắc Nhu đã lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa đánh đồn Hưng Hóa, chiếm phủ Lâm Thao. Theo kế hoạch khi giành thắng lợi ở Yên Bái và Hưng Hóa, hai nghĩa quân này sẽ hội quân tại Hưng Hóa, vượt bến Trung Hà tiến đánh đồn Thông ở Sơn Tây, hợp với quân của Phó Đức Chính chiến đấu tại đây.

Nghĩa quân đánh đồn Hưng Hóa, do không có nội ứng và vũ khí kém nên không đánh chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút về Lâm Thao. Tại đây, quân nghĩa khởi do Phạm Nhận chỉ huy đã đánh chiếm được phủ Lâm Thao. Được sự chi viện của quân Pháp từ Phú Thọ, chúng tổ chức phản công dữ dội, do thiếu vũ khí lại thiếu người chỉ huy sau khi Nguyễn Khắc Nhu bị thương và bị bắt, nghĩa quân tan vỡ.

Con cháu của ông Nguyễn Khắc Nhu tại khu di tích Nguyễn Thái Học.

Cùng tiếng súng khởi nghĩa Yên Bái, nhiều đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng đã tổ chức cài bom nổ khắp thành phố Hà Nội, như: Sở Mật thám, bóp Cảnh sát Hàng Trống... để uy hiếp tinh thần và gây hoang mang cho quân Pháp khiến chúng phải đề phòng và nâng cao cảnh giác. Chúng ráo riết truy lùng những đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và những người yêu nước.

Sau khởi nghĩa Yên Bái 5 ngày, Nguyễn Thái Học tổ chức khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo, Phụ Dực, chủ trương tiến tới chiếm toàn bộ Hải Phòng. Nghĩa quân đã đánh chiếm được huyện lỵ Vĩnh Bảo, giết chết tên tri huyện Hoàng Gia Mô, một tên quan lại tham tàn độc ác. Với sự phản công quyết liệt của quân Pháp với vũ khí hiện đại, quân khởi nghĩa bị tiêu diệt.

Nguyễn Thái Học trốn thoát do được sự che chở của nhân dân. Cùng một số đảng viên tiêu biểu còn lại của Việt Nam Quốc dân Đảng, Nguyễn Thái Học bàn bạc và dự định cải tổ lại Đảng và thay đổi phương hướng chiến lược và hoạt động của Đảng. Chủ trương này vừa khởi động thì ngày 20/2/1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ngày 23/3/1930, ông bị kết án tử hình. Ngày 17/6/1930, Pháp đưa Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ khác của Việt Nam Quốc dân Đảng tại Yên Bái lên máy chém. Bước lên đoạn đầu đài, trước khi đưa đầu vào máy chém, Nguyễn Thái Học hô vang: "Việt Nam vạn tuế!".

Pháp phải thừa nhận khởi nghĩa Yên Bái đã giáng một đòn chí mạng vào chính quyền thuộc địa. Báo cáo của mật thám Đông Dương gửi Toàn quyền Đông Dương và Bộ Thuộc địa số 2037, phông RST/NF đã viết: "Việt Nam Quốc dân Đảng đã thành công trong việc tổ chức và đánh ngay vào quân đội mà đội quân ấy được thành lập dành cho mục đích thực hiện chức năng đàn áp và sự kiện lịch sử này đã giáng một đòn đặc biệt nghiêm trọng vào chính quyền thuộc địa...".

Nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon xúc động trước cuộc khởi nghĩa Yên Bái với những tấm gương yêu nước và tinh thần bất khuất của người dân Việt Nam đã viết:

"Yên Bái,
 Đây là điều nhắc nhở ta rằng,
 không thể bịt miệng một dân tộc
mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ".
"Yên Bái,
Xin gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này,
để mỗi giọt cuộc sống các bạn đều tràn máu của một tên Varenne".

Thái Sinh

* (Kỳ II: Khí phách của những người yêu nước)

Các tin khác
Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống dịp tết Nguyên đán để chống nguy cơ thực phẩm nhiễm khuẩn (ảnh chụp tại chợ Đồng Tâm, km4, thành phố Yên Bái).

YBĐT - Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần cũng là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng tăng cao. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những vấn đề cứ mỗi năm “đến hẹn lại lên” lại làm đau đầu các cơ quan chức năng và người tiêu dùng…

Nghệ nhân sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Thái - Lò Văn Biến truyền dạy 6 điệu xòe cổ cho các hạt nhân nòng cốt.

YBĐT - Trong Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ" được công bố quyết định phê duyệt tháng 9 năm 2013 nhằm "xây dựng thị xã phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch"... thì một trong những chỉ tiêu mang tính bản lề chính là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.

Không có điện, việc học hành của trẻ em ở Nà Chao gặp nhiều khó khăn.

YBĐT - Cách trung tâm xã Mường Lai (Lục Yên) chưa đầy 7km, thế nhưng 17 năm qua hơn 300 người dân ở thôn Nà Chao phải sống trong cảnh tối tăm vì không có điện. Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của họ vì thế cũng luẩn quẩn trong vòng khó khăn, nghèo đói. Điều đáng nói, đa phần hộ dân nơi đây trước kia đã đồng lòng rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để người ta ngăn dòng, đắp đập thủy lợi Từ Hiếu phục vụ cho sản xuất của Mường Lai và các xã lân cận.

Mùa quả ngọt.
(Ảnh: Hoàng Nhâm)

YBĐT - Có những vật nuôi, cây trồng chỉ ở mức độ 15-20 ha thì hiệu quả nhưng làm tới hàng trăm héc-ta là không tiêu thụ được. Đó là bài toán của cung - cầu. >> Bài 2: Những rào cản cần tháo gỡ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục