An toàn vệ sinh thực phẩm dịp tết Nguyên đán: Nỗi lo “đến hẹn lại lên”
- Cập nhật: Thứ tư, 4/2/2015 | 2:34:20 PM
YBĐT - Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần cũng là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong cả nước nói chung, địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng tăng cao. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những vấn đề cứ mỗi năm “đến hẹn lại lên” lại làm đau đầu các cơ quan chức năng và người tiêu dùng…
Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống dịp tết Nguyên đán để chống nguy cơ thực phẩm nhiễm khuẩn (ảnh chụp tại chợ Đồng Tâm, km4, thành phố Yên Bái).
|
Người tiêu dùng: lo lắng
Gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm của người dân Yên Bái tăng cao. Bên cạnh các nguồn hàng thực phẩm được sản xuất, chế biến tại địa phương còn có một lượng lớn hàng hóa khác được nhập từ cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn và các tỉnh, thành khác về tiêu thụ. Những ngày này, ngoài thị trường, các loại mặt hàng như: bánh kẹo, mứt, ô mai, rượu, trái cây, các loại thịt cá, rau quả tươi sống, đồ hộp đang “rộn rực” lên từng ngày. Song để lựa chọn được thực phẩm ưng ý, thật sự an toàn đang là nỗi băn khoăn của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh ở thôn 9, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Nhà nào cũng vậy thôi, trong ngày tết phải có sự chuẩn bị thực phẩm chu đáo hơn ngày thường. Tuy nhiên, tôi vẫn không yên tâm khi đi chợ, thực phẩm càng đa dạng càng khó kiểm soát. Đặc biệt là các loại giò, chả, nem… rất dễ “dính” các loại hàn the, phụ phẩm…”.
Chị Trần Thị Trang ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái có ý kiến: “Trước đây, kinh nghiệm của bản thân mình là thực phẩm càng đẹp mắt càng dễ “bị lừa”. Hoa, quả thì chỉ mua về thắp hương nên không lo mấy, còn các loại rau, dưa thì chọn loại xấu hơn một tý. Nhưng giờ kinh nghiệm đó cũng không “an toàn” khi sự nguy hiểm không đến từ hóa chất độc hại hay chất bảo quản mà có thể đến từ việc nhiễm khuẩn”. Mong muốn các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thị trường, bảo đảm thực phẩm sạch để người dân yên tâm mua sắm tết là suy nghĩ chung hiện nay của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Yến ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái băn khoăn: “Chúng tôi không thể phân biệt đâu là thực phẩm sạch hay bẩn; đâu là thịt gia súc, gia cầm không có chất kích thích; đau là mứt, bánh kẹo không có chất độc hại… Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, kiểm tra kỹ, thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không bảo đảm; phạt nặng những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng”.
Người tiêu dùng lo lắng là hoàn toàn có cơ sở bởi mắt thường khó có thể phân biệt đâu là hàng hóa tốt, đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm có sử dụng phụ phẩm, độc tố nguy hiểm... Đơn cử, kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm năm 2014 tại thành phố Yên Bái của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho thấy: tình hình ô nhiễm thực phẩm chín đáng báo động, 11/63 mẫu giò lợn, chả lợn được kiểm tra dương tính với chỉ tiêu E.coli (gây tiêu chảy ở người ăn phải) và 3/41 mẫu thịt quay, thịt nướng, nước đá dương tính với chỉ tiêu Coliforms (vi khuẩn gây bệnh tả ở người ăn phải). Năm 2014, Yên Bái có 12 vụ ngộ độc thực phẩm với 82 ca mắc, có 1 ca tử vong…
Người kinh doanh nói: tốt
Nỗi lo của người dân là vậy, còn người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nói gì? Tại cửa hàng của doanh nghiệp tư nhân Hằng Hiển, số nhà 259, đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Yên Bái (gần chợ Km6) - một trong những địa chỉ lưu chuyển hàng hóa khá lớn trên địa bàn thành phố, lượng khách vào mua sắm diễn ra khá sôi động.
Anh Hiển - chủ cửa hàng cho biết: “Phải ngoài 20 tết âm lịch, khách đến mua hàng mới đông. Những ngày này vẫn khá bình ổn, khách vào chủ yếu chọn hàng hóa cao cấp như bánh, kẹo nhập ngoại, rượu thì chủ yếu là rượu vang bán khá chạy. Tất cả các hàng hóa của mình mua về đều có tem chứng nhận bảo đảm ATVSTP của các nhà phân phối. Đồng thời, hàng hóa tại đây cũng được lực lượng kiểm tra ATVSTP của thành phố, tỉnh kiểm tra, hướng dẫn khá đầy đủ và bài bản. Mua hàng tại gia đình tôi bảo đảm không có hàng chất lượng thấp”.
Còn tại cửa hàng tạp hóa của bà Lê Thị Đào, tổ 46, phường Hồng Hà (đường Nguyễn Thái Học), các mặt hàng như: bánh, kẹo, mứt, rượu thuốc lá… đã được bày biện, trang hoàng khá đa dạng cả về số lượng và chất lượng: “Theo kinh nghiệm của tôi, riêng mặt hàng bánh, kẹo, rượu, bia bán khá chạy và người mua hàng cũng rất hay để ý đến nhãn mác của các công ty có tiếng và có tem bảo đảm VSATTP thì mới mở ví. Khách hàng là “thượng đế”, với lại “một sự bất tín, vạn sự bất tin”, tuy lãi ít nhưng phải bảo đảm vì không chỉ bán cho khách ở nơi khác đến mà còn phục vụ cả người tiêu dùng ở phố”.
Những nhà kinh doanh đã khẳng định hàng hóa của mình bảo đảm chất lượng và những người làm đồ đóng hộp như: giò, chả, nem… cũng nói tương tự. Bà Trần Thị Hải Minh bán thịt lợn và các thực phẩm thịt chín như: lợn quay, lợn luộc, giò, chả… tại chợ Hồng Hà, thành phố Yên Bái cho biết: “Tôi bán ở đây khá lâu, khách hàng thường là người quen. Không chỉ đội kiểm tra ATVSTP đến thường xuyên mà các đoàn của thành phố, tỉnh cũng hay đến kiểm tra chất lượng của thực phẩm. Tôi khẳng định là rất an toàn!”.
100% chủ kinh doanh hàng hóa, thực phẩm đều nói tốt về việc kinh doanh, về sản phẩm kinh doanh của mình. Hầu như họ đều hiểu việc cần thiết phải bảo đảm VSATTP và hậu quả khi vi phạm nhưng những con số và sự việc sau sẽ khiến người ta phải lưu tâm: trong đợt cao điểm tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Tháng Hành động vì chất lượng VSATTP, tết Trung thu 2014, các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 1.207 cơ sở vi phạm ATVSTP, trong đó 394 cơ sở bị cảnh cáo, 24 cơ sở bị phạt, xử lý hành chính với số tiền gần 44 triệu đồng đối với tuyến tỉnh và trên 5 triệu đồng đối với tuyến huyện, 183 cơ sở bị hủy sản phẩm, 3 cơ sở bị đóng cửa và 603 cơ sở bị nhắc nhở, 279 cơ sở vi phạm điều kiện vệ sinh, 58 cơ sở vi phạm ghi nhãn thực phẩm, 9 cơ sở vi phạm chất lượng sản phẩm, 7 cơ sở vi phạm hết hạn sử dụng và không bảo đảm ATVSTP… tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã cận kề thì hàng lượng tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm của người tiêu dùng sẽ tăng lên rất cao. Lợi dụng điều này, người kinh doanh hàng hóa, thực phẩm sẽ không thể không cung cấp những nguồn hàng kém chất lượng ra thị trường, đòi hỏi nhà quản lý, ngành chức năng phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ đối với các nguồn hàng trong thời gian này.
Cán bộ ngành chức năng kiểm tra chất lượng ATVSTP tại các bếp ăn của học sinh.
Và việc của cơ quan chức năng?
Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh cho biết: “Để bảo đảm cho người dân đón tết và tham gia mùa lễ hội xuân 2015 an toàn, mạnh khỏe, căn cứ Luật ATVSTP năm 2010, Kế hoạch số 21/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 11/12/2014 của Ban chỉ đạo Trung ương về VSATTP về việc triển khai công tác bảo đảm ATVSTP Tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa lễ hội xuân 2015, Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo đảm ATVSTP tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa lễ hội xuân năm 2015 và thực hiện Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 16/1/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành về ATTP trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 với mục đích duy trì việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng VSATTP tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm về chất lượng VSATTP, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Bên cạnh đó, Ban sẽ triển khai thanh tra tại 9/9 huyện, thị thành phố trong tỉnh (thanh tra, kiểm tra từ 3 đến 5 cơ sở thực phẩm trên địa bàn mỗi huyện). Riêng địa bàn thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, đoàn thanh tra diện rộng tại các cơ sở quy mô lớn, nơi tập trung ăn uống đông người và các cơ sở quy mô tuyến tỉnh quản lý; tập trung thanh tra, kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận tập huấn ATVSTP, hồ sơ công bố tiêu chuẩn, nhãn sản phẩm hàng hóa, thực phẩm, hồ sơ theo dõi chất lượng thực phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ, điều kiện VSATTP tại cơ sở, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu VSATTP theo quy định…
Đồng thời huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các ban, ngành, cơ quan quản lý, tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh tham gia vào việc tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm VSATTP cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm VSATTP tiếp tục hoạt động; nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về VSATTP…
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Trong Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ" được công bố quyết định phê duyệt tháng 9 năm 2013 nhằm "xây dựng thị xã phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch"... thì một trong những chỉ tiêu mang tính bản lề chính là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.
YBĐT - Cách trung tâm xã Mường Lai (Lục Yên) chưa đầy 7km, thế nhưng 17 năm qua hơn 300 người dân ở thôn Nà Chao phải sống trong cảnh tối tăm vì không có điện. Cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của họ vì thế cũng luẩn quẩn trong vòng khó khăn, nghèo đói. Điều đáng nói, đa phần hộ dân nơi đây trước kia đã đồng lòng rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để người ta ngăn dòng, đắp đập thủy lợi Từ Hiếu phục vụ cho sản xuất của Mường Lai và các xã lân cận.
YBĐT - Có những vật nuôi, cây trồng chỉ ở mức độ 15-20 ha thì hiệu quả nhưng làm tới hàng trăm héc-ta là không tiêu thụ được. Đó là bài toán của cung - cầu. >> Bài 2: Những rào cản cần tháo gỡ
YBĐT - Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp trong những năm qua tuy đạt nhiều thành tựu nhưng nhìn một cách tổng thể và so với tiềm năng, lợi thế thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm nông sản chủ lực như: chè, lúa gạo, quế vỏ, cây ăn quả... chưa cao, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm.